Khi COVID-19 cơ bản được kiểm soát, Thành phố Chí Minh vẫn tiềm ẩn nhiều khó khăn bởi dịch bệnh, tình trạng thiếu công nhân, thiếu đơn hàng liên tiếp khiến nhiều đơn vị, doanh nghiệp đã phải sắp xếp, thu gọn, tạm dừng hoặc dừng hoạt động. Tuy nhiên, bằng sự nỗ lực, chung sức đồng lòng, thi đua lao động, phục hồi sản xuất kinh doanh đến nay Thành phố Hồ Chí Minh đã có hơn 165.000 sáng kiến, hoàn thành đạt hơn 110% chỉ tiêu Chương trình “1 triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19”.
Sáng kiến góp phần phục hồi và phát triển Thành phố
Hơn 11 năm gắn bó với nghề, chị Nguyễn Thị Kim Khánh, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp Công nghệ cao (Ban Quản lý Khu Nông nghiệp Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh) đã để lại nhiều dấu ấn trong việc nghiên cứu khoa học. Công việc của chị từ nhiều năm nay gắn với tập thể cán bộ, nhân viên Trung tâm tập trung nghiên cứu những giống hoa, rau củ phù hợp với môi trường đô thị để cung cấp cho người dân thành phố.
Gần đây, sáng kiến "Ứng dụng chế phẩm khoáng tự nhiên để cung cấp dưỡng chất cho cây trồng phòng ngừa bệnh virus trên cây họ cà, ớt, dưa, bầu, bí…” hay sáng kiến "Xây dựng quy trình sản xuất thử nghiệm cà chua bi nhóm sinh trưởng vô hạn trong nhà màng ứng dụng công nghệ 4.0" được trồng trong nhà màng và được tối ưu hóa bằng các thành tựu công nghệ hiện đại đã nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất, hạn chế việc lạm dụng phân bón hóa học, hướng đến việc nuôi trồng bền vững.
Theo chị Khánh, ứng dụng chế phẩm có nguồn gốc hữu cơ giúp tăng sức đề kháng cho cây trồng, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm từ 20% - 30%; đồng thời kiểm soát và tạo ra được các sản phẩm nông nghiệp an toàn cho người tiêu dùng. “Việc ứng dụng công nghệ 4.0 còn giúp truy xuất nguồn gốc, tăng giá trị sản xuất canh tác nông sản, qua đó đã thu hút nhiều doanh nghiệp lớn quan tâm, chuyển giao công nghệ để tạo ra nhiều loại rau, củ quả chất lượng cao, an toàn góp phần nâng tầm ngành nông nghiệp thành phố”, chị Khánh chia sẻ.
Không chỉ nghiên cứu, chuyển giao giống mới cho nông dân, chị Khánh còn hướng dẫn, hỗ trợ các nhà khoa học trẻ tiếp cận, tìm hiểu, học tập những công nghệ tiên tiến về khoa học nông nghiệp ở các quốc gia có nền nông nghiệp phát triển như Israel, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Australia, Singapore… Qua đó, hình thành nên lực lượng lao động có trình độ, tri thức cao, đáp ứng hiệu quả yêu cầu nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, giúp nền nông nghiệp công nghệ cao của Thành phố và cả nước có những bước tiến mới theo hướng phát triển bền vững. “Thành tích của thế hệ trẻ, các nhà khoa học kế cận là điều cần thiết; tuy nhiên, sự kiên trì, nhẫn nại, yêu nghề, nỗ lực vượt khó, tích cực trong lao động giỏi, lao động sáng tạo và cống hiến cho xã hội sẽ giúp họ sớm thành công hơn”, chị Khánh chia sẻ.
Cũng mang lại nhiều sáng kiến có giá trị cao, nhưng Võ Duy Phương, kỹ thuật viên bộ phận sửa chữa thiết bị Công ty Intel Products Vietnam (Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh) không khởi đầu hành trình từ trường đại học mà từ trường Cao đẳng Kỹ thuật Lý Tự Trọng chuyên ngành Điện - Điện tử. Đó là lý do mà Duy Phương đã không ngừng học hỏi, rèn luyện, theo học các khóa thiết kế cơ khí, lập trình phần mềm và tiếp tục học liên thông đại học để đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp sau khi chạm vào ước mơ làm việc tại một tập đoàn đa quốc gia vào năm 2017.
Duy Phương cho biết, trước đây thường các thiết bị khi gặp trục trặc, Công ty phải gửi đi nước ngoài sửa chữa, không chỉ tốn kém chi phí mà còn khiến sản xuất bị ảnh hưởng. Từ thực tiễn, anh đã dành nhiều thời gian tham khảo tài liệu và giữ liên hệ chặt chẽ với các bộ phận chuyên trách trong suốt quá trình thử nghiệm và đã tìm ra giải pháp “Thiết kế thiết bị thử tải và kiểm tra lỗi cho đầu gắn sản phẩm giúp tiết kiệm chi phí”. “Thiết bị này giúp kỹ thuật viên nhanh chóng kiểm tra được lỗi của bộ phận hư hỏng, chạy thử tải, từ đó rút ngắn thời gian sửa chữa bằng nguồn lực tại chỗ. Sáng kiến này giúp Công ty tiết kiệm một số tiền lớn cho việc sửa chữa cũng như giảm thời gian chờ từ 1 tuần xuống còn 2 giờ từ khi áp dụng”, Duy Phương chia sẻ.
Hơn 6 năm làm việc tại Công ty Intel Products Vietnam, Duy Phương đã có 5 sáng kiến, cải tiến chuyển đổi chức năng thiết bị đầu gắn sản phẩm từ SRM sang ACS; tạo máy công cụ để sửa chữa và thử tải thiết bị đầu gắn sản phẩm; nghiên cứu sửa chữa 56 loại bộ phận máy… làm lợi cho đơn vị từ 800 triệu đồng đến 7 tỷ đồng/sáng kiến. Hiện, Duy Phương còn dành thời gian huấn luyện, đào tạo ở các lớp nâng cao kỹ năng nghề cho gần 500 công nhân để hướng đến mục tiêu xây dựng nguồn nhân lực lâu dài cho nhà máy.
Nói về Chương trình “1 triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19”, Duy Phương cho rằng, Chương trình đã giúp người lao động phát huy sáng kiến, sáng tạo, cùng nhau tư duy để biến thách thức thành cơ hội… tạo ra những sản phẩm chất lượng, đem lại hiệu quả kinh tế cao, giúp đơn vị, doanh nghiệp phát triển, lớn mạnh, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế Thành phố sau COVID-19.
Nỗ lực hoàn thành sớm và vượt chỉ tiêu
Từ những sáng kiến đến giải thưởng, những người thợ, kỹ sư, công nhân không chỉ giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ mà còn khẳng định năng lực, kỹ năng, từng bước trưởng thành và tham gia nhiều vị trí chủ chốt của đơn vị, doanh nghiệp. Với nhiều năm kinh nghiệm, họ còn là người thầy khai thông cho lớp trẻ, là người thợ cả truyền lửa kinh nghiệm và cả nhiệt huyết cho các thế hệ tiếp nối.
Ông Nguyễn Thành Đô, Trưởng Ban Chính sách - Pháp luật Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, đó là thành quả của sự nỗ lực của mỗi cá nhân cùng tổ chức Công đoàn trong phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”. Với Chương trình “1 triệu sáng kiến nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19”, kết quả đó còn có sự quan tâm của lãnh đạo đơn vị, doanh nghiệp, sự chủ động của các cấp Công đoàn, người lao động trong định hướng, làm rõ nội hàm chương trình và nỗ lực phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu ở đa dạng các lĩnh vực, ngành, nghề.
Theo ông Nguyễn Thành Đô, phần lớn các sáng kiến tham gia chương trình được đánh giá bằng kết quả việc làm lợi cụ thể. Song cũng có nhiều sáng kiến nỗ lực, vượt khó sáng tạo không chỉ mang lại giá trị thực tiễn, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển mà còn mang lại lợi ích cho cộng đồng xã hội rất lớn.
Một trong những Công đoàn cơ sở có nhiều sáng kiến nhất trong Chương trình 1 triệu sáng kiến là Công đoàn các doanh nghiệp Công ích và Dịch vụ thương mại Thành phố Hồ Chí Minh với hơn 4.600/1.182 sáng kiến được giao, đạt 389% chỉ tiêu phân bổ và hoàn thành sớm hơn thời gian quy định.
Để đạt kết quả đó, ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch Công đoàn các doanh nghiệp Công ích và Dịch vụ thương mại Thành phố cho biết, ngay từ đầu chương trình, Công đoàn đã chủ động gắn với phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” với trọng tâm “Hiệu quả - Lan tỏa - Phát triển”. Đặc biệt, xác định vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, các cấp Công đoàn chủ động hướng dẫn, sáng tạo trong cách thức thực hiện; quyết liệt và thường xuyên kiểm tra, đánh giá kết quả tạo tinh thần thi đua giữa người lao động và giữa các đơn vị, doanh nghiệp; đẩy mạnh ký kết phối hợp với lãnh đạo đơn vị, doanh nghiệp tạo cho người lao động có thời gian, môi trường nghiên cứu, sáng tạo và vật chất thực hành, ứng dụng sáng kiến”.
"Công đoàn Công ty còn thành lập Tổ hỗ trợ sáng kiến giúp người lao động hiện thực hóa ý tưởng sáng kiến; tổ chức tuyên dương, khen thưởng kịp thời và nhân rộng các gương điển hình tiêu biểu thi đua lao động", ông Minh chia sẻ.
Tham gia Chương trình 1 triệu sáng kiến, Công đoàn ngành Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã hoàn thành trước 5 tháng so với quy định và vượt chỉ tiêu với 4.445/3.586 sáng kiến. Trong đó, nhiều đơn vị vượt chỉ tiêu ở mức cao như Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Truyền máu Huyết học, Bệnh viện Bình Dân, Bệnh viện Hùng Vương…
Chia sẻ những thuận lợi, khó khăn trong quá trình thực hiện, ông Trần Đăng Công Nghĩa, Chủ tịch Công đoàn ngành Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, ngay sau khi COVID-19 được kiểm soát, ngành tiếp tục tập trung cho phòng, chống dịch cũng như đối mặt với tình trạng nhân viên y tế xin nghỉ việc nên số lượng sáng kiến của toàn ngành bị ảnh hưởng... “Tuy nhiên, kết quả đạt được cho thấy, các phong trào "Thi đua yêu nước", "Lao động giỏi, lao động sáng tạo" của lực lượng y, bác sỹ, người lao động ngành Y tế Thành phố luôn nỗ lực vượt khó, đổi mới, sáng tạo để đảm bảo an toàn sức khỏe cho toàn dân; cùng Thành phố đẩy nhanh tiến trình phục hồi và phát triển”, ông Trần Đăng Công Nghĩa khẳng định.
Triển khai hiệu quả Chương trình 1 triệu sáng kiến, Công đoàn ngành và các địa phương của Thành phố Hồ Chí Minh đã thường xuyên đôn đốc, giải quyết kịp thời các khó khăn; thu thập các giải pháp hay, kinh nghiệm hữu ích phổ biến rộng rãi cho các đơn vị học tập tạo phong trào và khí thế thi đua sôi nổi giữa các đơn vị, góp phần hoàn thành sớm, vượt chỉ tiêu hàng ngàn sáng kiến.
Theo ông Phạm Chí Tâm, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh, để đạt được kết quả đó, Công đoàn Thành phố đã xác định nhiệm vụ trọng tâm phòng, chống dịch và chăm lo đời sống, ổn định việc làm cho đoàn viên, người lao động, góp phần phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Các hoạt động Công đoàn tập trung gắn phong trào “Thi đua yêu nước” với “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”.
“Đến nay, Công đoàn Thành phố đã cơ bản hoàn thành và vượt chỉ tiêu Chương trình 1 triệu sáng kiến. Chương trình đã thật sự khơi dậy sự sáng tạo tinh thần thi đua lao động của công nhân người lao động để có những sáng kiến mang tính ứng dụng và giá trị thiết thực ở đơn vị, doanh nghiệp; đồng thời góp phần hoàn thành các chỉ tiêu, nghị quyết Đại hội Công đoàn; cùng các cấp, ngành thực hiện có hiệu quả phục hồi và phát triển thành phố”, ông Phạm Chí Tâm chia sẻ.
Có thể thấy, ngay sau khi COVID-19 được kiểm soát, Thành phố Chí Minh vẫn tiềm ẩn nhiều khó khăn bởi dịch bệnh và ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế thế giới. Tuy nhiên, việc hoàn thành trước thời hạn và vượt chỉ tiêu Chương trình 1 triệu sáng kiến cho thấy Thành phố tiếp tục ghi dấu ấn - một bước tiến quan trọng trong nỗ lực bảo vệ sức khỏe, an toàn, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định việc làm và phục hồi, phát triển kinh tế.
Nguồn bài viết : Casino Trực