Trang bị vốn từ thường sử dụng
Ông cho rằng, phải biết tiếng Anh thì mới kiếm tìm được nhiều thông tin hữu ích trên các trang mạng. Bên cạnh đó, trong thời buổi hiện nay, ngoại ngữ là rất cần thiết cho công việc mỗi người. Tuy nhiên, không phải ai cũng có điều kiện để học ngoại ngữ vài năm liền.
GS Nguyễn Lân Dũng cho biết, kinh nghiệm học ngoại ngữ không phải học ở đâu xa mà từ chính Bác Hồ. "Bác Hồ biết rất nhiều ngoại ngữ. Ngoài một số từ chữ Hán được học từ cụ thân sinh, còn từ tiếng Trung, tiếng Anh đến tiếng Thái… tất cả đều do Bác tự học lấy. Mà Bác không chỉ học để biết vài chữ, mà là thông thạo như người bản địa", ông kể.
GS Nguyễn Lân Dũng không có điều kiện học lớp ngoại ngữ nào nên đành tự học.
Nguyên tắc đơn giản, quyết định thành công không gì khác đó chính là sự tự học và có phương pháp khoa học. GS Dũng chia sẻ: “Tôi là người không có điều kiện học lớp ngoại ngữ nào. Và ngoại ngữ với tôi là cả một sự khó khăn. Nhưng trong thời đại hội nhập thế này mà không biết ngoại ngữ thì thật hạn chế lắm. Nên tôi đành tự học".
Ông khuyên, phương pháp tự học ở đây chính là chọn vốn từ tối thiểu để học trước. Sau đó, cứ mạnh dạn giao tiếp với người nước ngoài. Phải thường xuyên sử dụng những từ ngữ tối thiểu đó, nếu không là sẽ quên ngay. Đồng thời, đừng ngại nói sai, viết sai.
Theo GS Dũng, phương pháp học từ tối thiểu này đã được các chuyên gia ngôn ngữ nước ngoài nghiên cứu kỹ lưỡng. "Họ cho rằng trẻ em độ tuổi 5 - 7 tuổi, mặc dù số lượng từ mới biết không nhiều; chúng không biết vi sinh vật, vi khuẩn, giải mã gene là gì nhưng chúng có thể líu lo cả ngày được. Vì vậy, chúng ta cũng nên học hỏi các em, học lấy một số lượng từ tối thiểu và thường xuyên sử dụng. Còn khi muốn diễn đạt từ nào mà ta chưa biết thì dùng những từ đã biết, nói vòng vòng một chút để người nghe hiểu ý mình là được".
Ông cho rằng, phương pháp học từ vựng tối thiểu rất hiệu quả cho người tự học ngoại ngữ.
Đồng thời trong giao tiếp hàng ngày, khi được nghe những từ mới, cần phải ghi nhớ để củng cố thêm vốn từ cho mình. Ông đưa ra ví dụ, trong một lần nói chuyện với người bạn Trung Quốc, khi muốn nói đến "con dâu", ông hỏi: "Vợ của con trai gọi là gì nhỉ?" thì ông bạn Trung Quốc nói ngay là xifu (tức phụ) hay éxifu (nhi tức phụ). Thế là ông lại nhập tâm thêm một từ.
"Với tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Nga tôi cũng thực hiện kiểu như vậy. Phương châm "năng nhặt chặt bị" và biết đến đâu dùng ngay đến đó. Không hiểu đấy có phải là cách học của người không có điều kiện học chính quy hay không?”, GS Dũng chia sẻ.
Tự học ngoại ngữ: Tại sao không?
Với kinh nghiệm tự học của mình GS Dũng đã biên soạn cuốn "Từ tiếng Anh tối thiểu". Mỗi từ ngoài việc giải thích nghĩa còn kèm theo những câu ví dụ thông dụng với các nghĩa khác nhau. Để chắc chắn, GS đã nhờ một tiến sỹ thạo tiếng Anh hiệu đính lại.
Cuốn sách gồm khoảng 1.400 từ tiếng Anh thông dụng, thường gặp nhất trong đời sống hàng ngày. Các từ được sắp xếp thật trật tự ABC tiếng Anh theo hình thức từ điển song ngữ (Anh - Việt).
Theo GS, ngoại ngữ giúp ích nhiều cho ông trong việc tra cứu thông tin.
Mỗi từ tiếng Anh được đối dịch với một hoặc hơn một từ tiếng Việt, tùy theo nội dung ý nghĩa của nó. Các từ tiếng Việt có thể là các từ đồng nghĩa hoặc gần nghĩa (joy: vui mừng, vui sướng, vui vẻ, hân hoan), hoặc là các từ biểu thị các ý nghĩa khác nhau (off: xa, ly khai, xuất phát, đóng lại, tắt).
Nhiều từ tiếng Anh, ngoài các ngữ cảnh thường gặp, sách cung cấp thêm một số thành ngữ hay quán ngữ thông dụng - rất có ích cho người học, nhất là người không có điều kiện tiếp xúc trực tiếp với bản ngữ hoặc chưa quen với tiếng Anh khẩu ngữ.
Điều rất thú vị là ở những từ có khả năng làm yếu tố tạo thành các từ khác, tác giả cũng dẫn ra các từ có chứa từ đó giúp người đọc nhân tiện học luôn các từ liên quan. Ví dụ, ở mục từ “flower” (hoa) tác giả cung cấp thêm 18 tên gọi các loài hoa phổ biến.
Cuốn sách của GS Nguyễn Lân Dũng tập hợp những từ vựng tiếng Anh cơ bản.
Người học sẽ dựa vào các nghĩa được cung cấp ở đầu mục từ, rồi đối chiếu với ngữ cảnh mà suy ra nghĩa thích hợp của từ này trong từng trường hợp cụ thể.
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng hy vọng cuốn sách sẽ giúp ích nhiều cho các em học sinh phổ thông và những người tự học tiếng Anh. “Để giao tiếp thông thường, để đọc sách báo phổ thông, thì theo tôi gắng học lấy được số từ trong tập sách này là đủ”, GS bày tỏ.
Mạnh Phúc
Tổng hợp
Nguồn bài viết : Table games