Tiếp bước truyền thống anh hùng
Theo Đại tá Nguyễn Công Sơn, chúng ta đang sống trong một đất nước hòa bình và phát triển, nhưng “biên giới mềm” trên biển của Tổ quốc luôn bị các thế lực nhòm ngó và xâm phạm, vì vậy những người chiến sĩ Hải quân luôn ở trong tư thế sẵn sàng chiến đấu cao, sẵn sàng nhận nhiệm vụ lên đường trước những diễn biến phức tạp, những tình huống hiểm nguy trên các vùng biển đảo.
Sự kiện 14/3/1988, chắc rằng nhiều đại biểu trong chúng ta luôn nhớ 64 cán bộ, chiến sĩ Hải quân Việt Nam đã anh dũng hy sinh, nằm lại với biển khơi, trong lòng đất mẹ, để cùng với cả nước quyết tâm giữ vững các đảo được giải phóng năm 1975 và đóng giữ, quản lý 21 đảo với 33 điểm đóng quân và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý trong thế trận kiên cố, liên hoàn, vững chắc như ngày nay.
Đại tá Nguyễn Công Sơn cũng như bao thế hệ cán bộ, chiến sỹ Hải quân Việt Nam luôn khắc ghi những lời của Đại tướng Lê Đức Anh tại quần đảo Trường Sa ngày 7/5/1988: “…Chúng ta xin thề trước hương hồn của tổ tiên ta, trước hương hồn của cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc, xin hứa với đồng bào cả nước, xin nhắn nhủ với các thế hệ mai sau: Quyết tâm bảo vệ bằng được Tổ quốc thân yêu của chúng ta, bảo vệ bằng được quần đảo Trường Sa, một phần lãnh thổ và lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc thân yêu...”. Từ đó, cán bộ, chiến sĩ Vùng 4 Hải quân đã không ngừng phát huy tinh thần trách nhiệm trong huấn luyện, SSCĐ và chiến đấu bảo vệ vững chắc chủ quyền quần đảo Trường Sa, khu vực biển được phân công; bảo đảm an toàn, an ninh Căn cứ Cam Ranh trong mọi tình huống.
Đại tá Nguyễn Công Sơn, Phó Chính ủy Vùng 4 Hải quân
Để đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ ấy, cấp ủy Đảng, chỉ huy các cấp đã thường xuyên làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao nhận thức và trách nhiệm cho cán bộ, chiến sĩ trong nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ và chiến đấu, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ khi có tình huống xảy ra. Nhận thức sâu sắc âm mưu, thủ đoạn hoạt động xâm phạm chủ quyền của nước ngoài trên biển và những mưu đồ lợi dụng các hoạt động này để chống phá ta từ bên trong.
Chắc tay súng bảo vệ chủ quyền biển đảo
Với tinh thần trách nhiệm cao trước Đảng, Tổ quốc và Nhân dân, Đại tá Nguyễn Công Sơn khẳng định rằng, có thể tự hào khẳng định rằng, hiện nay 100% cán bộ, chiến sĩ của đơn vị có bản lĩnh chính trị vững vàng, không giao động trước những khó khăn, hiểm nguy, dám chấp nhận hy sinh để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Điều này đã được thực tiễn chứng minh, nhiều lần tàu thuyền, phương tiện của nước ngoài xâm phạm chủ quyền biển, đảo nước ta. Dù diễn biến có căng thẳng, gay go, khó lường, nguy hiểm đến mấy, theo lệnh của trên, toàn Vùng luôn chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ; không một cán bộ, chiến sĩ có biểu hiện giao động, do dự, lo lắng; dù ngày thường hay ngày lễ tết, đêm khuya hay sáng sớm, tất cả có lệnh là lên đường, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Và cũng từ đó đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua quyết thắng các cấp, nhiều tấm gương cán bộ, chiến sĩ tham gia đấu tranh kiên cường, dũng cảm, khôn khéo, linh hoạt trên thực địa, sẵn sàng hy sinh thân mình để cản phá tàu thuyền, phương tiện đối phương xâm nhập vùng biển của ta. Đó là kết quả của quá trình huấn luyện, rèn luyện bền bỉ, là kết tinh của phong trào thi đua yêu nước trong toàn Quân chủng và toàn quân ta. Điển hình là Thuyền trưởng tàu Trường Sa 22, thiếu tá Lê Minh Phúc, mặc dù bị thương nặng do tàu nước ngoài đâm va, trên người 8 vết thương, đứt động mạch cánh tay, máu chảy đầm đìa, nhưng ngay sau khi được đồng đội sơ cứu bằng 15 mũi khâu, người đang bị choáng do mất nhiều máu, anh vẫn giữ vững vị trí chỉ huy tàu cản phá, xua đuổi tàu nước ngoài xâm phạm chủ quyền vùng biển của Tổ quốc.
Đó là cán bộ, chiến sỹ đảo Sinh Tồn Đông, trong dịp tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014, khi chuẩn bị đến bữa cơm tất niên trên đảo, lực lượng trực canh đảo phát hiện tàu nước ngoài tiến vào đảo, xâm phạm chủ quyền của ta, toàn đảo phát lệnh báo động chiến đấu, điện báo cáo Sở Chỉ huy các cấp, gác lại bữa cơm 30 tết…chỉ huy đảo quyết định tăng cường lực lượng quan sát, tổ chức lực lượng theo dõi, phát hiện mọi động thái bất thường, ngang ngược của tàu nước ngoài, đồng thời hạ xuồng CV, triển khai lực lượng tuyên truyền đặc biệt, phối hợp với tàu trực cơ động tiếp cận, dùng cờ tay, loa tuyên truyền, kiên trì, kiên quyết xua đuổi buộc tàu nước ngoài cơ động rời khỏi khu vực. Đây là một tình huống trong vô vàn các tình huống phức tạp trên biển mà bộ đội Trường Sa thường phải đối mặt…
Trong 5 năm qua, tập thể cán bộ chiến sĩ Vùng 4 Hải quân tự hào vì đã hoàn thành được nhiều việc mới, việc khó. Năm 2011, Lữ đoàn tàu mặt nước 162 được Quân chủng giao chỉ tiêu phải làm chủ lớp tàu Gepard 3.9 trong thời gian 6 tháng. Với quyết tâm cao, Lữ đoàn đã triển khai nghiêm túc, đồng bộ, đua đuổi vượt cùng thời gian, làm chủ từng phần, từng loại trang bị, vừa làm, vừa học, vừa rút kinh nghiệm. Nhờ đó, không chỉ tiếp nhận, làm chủ vững chắc các lớp tàu hiện đại, mà còn tổ chức được nhiều kíp tàu mẫu đi huấn luyện cho các vùng bạn.
Để đảm bảo yêu cầu tác chiến trên biển, Lữ đoàn tên lửa bờ 685 với trang bị mới, tính cơ động cao, hỏa lực mạnh cũng đã ra đời. Tuy thời gian chuyển giao công nghệ ngắn, nhận thức của bộ đội không đồng đều, nhưng Lữ đoàn đã quyết tâm nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học qua học hỏi chuyên gia, tự đào tạo tại chỗ, xây dựng mô hình câu lạc bộ... Tổ chức huấn luyện cơ động nhiều tháng liền trên biển, đảo; kết quả, đơn vị đã bắn đạn thật tên lửa trúng bia chính xác, được thủ trưởng Bộ Quốc phòng khen ngợi. Vùng cũng thường xuyên duy trì tổ chức và tham gia tốt các hội thi, hội thao của các cấp, qua đó giúp bộ đội ôn luyện kiến thức, duy trì tình trạng kỹ thuật cao cho vũ khí trang bị.
Người bạn tin cậy của ngư dân
Đại tá Nguyễn Công Sơn cho biết, quán triệt sâu sắc nghị quyết của Đảng ủy Quân chủng Hải quân, đối với Hải quân nhân dân Việt Nam, cứu dân, giúp dân là mệnh lệnh từ trái tim của người chiến sỹ, là nhiệm vụ chiến đấu. Cán bộ, chiến sỹ các đơn vị Vùng 4 thường xuyên làm tốt công tác dân vận. Các tàu, các đảo trên quần đảo Trường Sa đã tạo điều kiện cho trên 20.000 lần chiếc tàu cá của ngư dân ra đánh bắt hải sản khu vực quần đảo Trường Sa; tìm kiếm cứu nạn 220 tàu cá của ngư dân với hơn 4.700 lượt người gặp nạn trên biển. Đặc biệt, năm 2013 trong cơn bão số 14 (Haiyan), trong điều kiện sóng to, gió lớn, đêm tối…, cán bộ, chiến sỹ đảo Song Tử Tây đã tổ chức đưa 64 tàu cá với gần 800 ngư dân vào tránh trú bão an toàn, cung cấp thuốc men, quần áo, lương thực thực phẩm cho bà con.
Từ 2013 đến nay, kíp quân y các đảo đã cấp cứu trên 250 ca, khám chữa bệnh và cấp thuốc cho trên 1.000 lượt ngư dân. Nhiều trường hợp bệnh nặng, sau khi sơ cứu an toàn, đã được máy bay, tàu của Quân chủng Hải quân đưa về bờ cứu chữa kịp thời. Cũng có những ca cấp cứu trên đảo, những ca mổ khó, được sự giúp đỡ của đất liền, các kíp quân y đã nỗ lực cứu chữa, bảo toàn tính mạng cho bộ đội và nhân dân trên đảo và bà con ngư dân ta.
Gần đây nhất, ngày 27/10/2015, một ngư dân quê ở Lý Sơn, Quảng Ngãi được đưa lên đảo trong tình trạng rất nguy kịch sau tai nạn nổ bình ga trên tàu, bị sốc bỏng nặng, mất thính lực, thị lực. Vùng đã nhanh chóng cứu chữa tại chỗ, chuyển bệnh nhân lên tàu Hải quân, cấp tốc đưa về bờ, đảm bảo an toàn tính mạng ngư dân trong sự cảm động, cảm phục và biết ơn sâu sắc của gia đình. Hình ảnh tàu bệnh viện 561 với những chuyến khám chữa bệnh dài ngày trên quần đảo Trường Sa, cùng máy móc khám chữa bệnh hiện đại càng giúp ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển, xây dựng nền quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân vững mạnh trên biển.
"Phát huy truyền thống “Chiến đấu anh dũng, khắc phục khó khăn, đoàn kết hiệp đồng, làm chủ vùng biển”, Vùng 4 xin đại diện cho Quân chủng Hải quân và toàn quân nguyện trung thành tuyệt đối với Đảng, Tổ quốc, Nhân dân, đem hết tinh thần trách nhiệm, luôn trụ vững nơi đầu sóng, ngọn gió, chấp nhận hy sinh để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc", Đại tá Nguyễn Công Sơn tự hào nói.
Theo An Ninh Thủ Đô
Nguồn bài viết : PT Trực Tuyến