Trợ giảng cho học sinh dân tộc thiểu số: Một mô hình, nhiều lợi ích

2025-01-17 19:49:25

Bất đồng ngôn ngữ: Rào cản sau cổng trường

Huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái là địa bàn có mật độ dân tộc thiểu số đông, với 22,4% dân tộc Thái, gần 9% dân tộc Dao, 6,2% dân tộc H’Mông. Tỉ lệ trẻ em dân tộc thiểu số (DTTS) trong nhóm học sinh ở huyện lên tới 70%.

Điều kiện kinh tế vùng hạn chế, đa phần đồng bào sống bằng nghề nông, thu nhập không ổn định nên việc tới trường của trẻ em gặp rất nhiều khó khăn.

Bên cạnh hoàn cảnh nghèo đói, giao thông chia cắt, thiếu thốn sách vở, đồ dùng học tập, thì so với bạn bè cùng lứa ở vùng đồng bằng, đường đi học của các em học sinh DTTS còn gập ghềnh hơn gấp bội do rào cản ngôn ngữ.

Rào cản ngôn ngữ là một trong những thách thức đối với học sinh dân tộc thiểu số. Ảnh trường PTDTBT TH Nậm Lành.

Từ khi sinh ra, trẻ em DTTS vốn chỉ quen với việc nghe, nói tiếng mẹ đẻ. Khi đến trường, Tiếng Việt với các em là ngôn ngữ thứ hai, thậm chí mới hoàn toàn. Trong khi đó, giáo viên trên lớp lại không sử dụng được tiếng của đồng bào DTTS. Chưa kể, trong một lớp học còn gồm nhiều nhóm học sinh thuộc nhiều DTTS xen lẫn nhau, càng khiến rào cản ngôn ngữ thêm chồng chéo.

Do đó, việc nói ngọng, phát âm sai, nghe không chuẩn, dẫn đến nhầm lẫn, hiểu lầm nội dung giao tiếp là vấn đề nhiều học sinh DTTS gặp phải. Rào cản ngôn ngữ không chỉ ảnh hưởng đến việc tiếp thu kiến thức trên lớp, mà còn khiến các em học sinh DTTS trở nên kém tự tin, mặc cảm khi giao tiếp với thầy cô, bạn bè.

Trợ giảng: Mô hình đa tác dụng

Nhằm khắc phục những khó khăn về mặt ngôn ngữ của giáo viên và học sinh ở các điểm trường, mô hình trợ giảng tiếng mẹ đẻ (TMĐ) đã được tổ chức Cứu trợ trẻ em (Save the Children International) triển khai tại hai huyện Văn Chấn và Mù Cang Chải.

Mô hình nằm trong khuôn khổ dự án “Nâng cao khả năng sẵn sàng đi học và kết quả học tập của trẻ dân tộc thiểu số tại Việt Nam” do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tài trợ với tổng kinh phí gần 4,38 tỉ đồng. Theo đó, trong những lớp học của khối 1, bên cạnh giáo viên chủ nhiệm, còn có thêm một trợ giảng là người có thể sử dụng tiếng dân tộc.

Trợ giảng Lò Thị Oanh trong hướng dẫn học sinh DTTS. Ảnh trường PTDTBT TH Nậm Lành.

Chị Lò Thị Oanh, 32 tuổi hiện đang là trợ giảng cho lớp 1A trường Phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) Tiểu học (TH) Nậm Lành. Là người dân tộc Thái, lấy chồng người Dao nên chị Oanh có thể sử dụng thông thạo cả ba ngôn ngữ Dao, Thái, Kinh.

Tháng 8/2018, chị Oanh được Ban giám hiệu nhà trường tín nhiệm, lựa chọn tham gia khóa tập huấn về “Phương pháp dạy học giáo dục song ngữ dựa trên tiếng mẹ đẻ và tăng khả năng đọc viết cho học sinh tiểu học” và được nhận làm trợ giảng cho lớp 1A. Lớp học có sĩ số 35 học sinh, 100% là người DTTS (1 em người Thái, 5 em người Mông và 29 em người Dao).

Từ đó đến nay, trợ giảng Lò Thị Oanh luôn nỗ lực hết mình để làm "cây cầu nối" giữa giáo viên và học sinh DTTS. Xuyên suốt buổi học, chị Oanh cũng bận rộn không kém giáo viên với rất nhiều nhiệm vụ: từ sử dụng tiếng mẹ đẻ để tạo không khí cho lớp học thông qua các trò chơi, cho tới giải nghĩa các từ khóa trong bài đọc sách giáo khoa, hay giải thích những phần trong bài giảng các em còn chưa hiểu, và củng cố, khắc sâu bài học vào cuối buổi.

Không chỉ là người trung gian truyền đạt kiến thức, một phiên dịch kiêm cô giáo dạy ngôn ngữ, mỗi trợ giảng như chị Oanh còn là người mẹ, người chị của các em. Họ theo sát những em học sinh nhỏ tuổi, kèm cặp trong những việc nhỏ nhất như gọt bút chì, sắp xếp sách vở, nhắc các em ôn bài, uốn nắn từng nét chữ, cách phát âm, đánh vần, dạy vệ sinh cá nhân,...

Kết thúc mỗi buổi học, trợ giảng và giáo viên chủ nhiệm thường ngồi lại với nhau để cùng trao đổi, rút kinh nghiệm cho những giờ học sau đạt hiệu quả cao hơn.

Một mô hình, nhiều lợi ích

Tuy mới triển khai được hơn 3 tháng, song mô hình trợ giảng bằng tiếng mẹ đẻ đã đem lại nhiều thay đổi tích cực, nhất là với học sinh. Dưới sự hướng dẫn của các trợ giảng, khả năng ngôn ngữ phổ thông của các em được cải thiện đáng kể.

Theo cô Nguyễn Thị Hương, giáo viên chủ nhiệm lớp 1A, trường PTDTBT TH Nậm Lành, sự tham gia của những trợ giảng biết tiếng dân tộc như chị Lò Thị Oanh đã góp phần xóa bỏ rào cản ngôn ngữ, giúp cho việc truyền đạt kiến thức trở nên thông suốt, thuận lợi, rút ngắn khoảng cách giữa giáo viên, học sinh, tạo mối liên kết gần gũi, gắn bó hơn.

Mô hình trợ giảng cũng tạo công ăn việc làm cho nhân lực địa phương. Ảnh: Trường PTDTBT TH Nậm Lành.

"Học sinh đã tự tin, mạnh dạn hơn trong học tập và giao tiếp nhờ vốn ngôn ngữ phong phú. Các em biết sử dụng ngôn ngữ đúng mục đích, đúng hoàn cảnh giao tiếp," thầy Đặng Thái Bình, phó Hiệu trưởng trường PTDTBT TH Nậm Lành nhận xét.

Một điểm sáng nữa của mô hình trợ giảng là tận dụng được nguồn nhân lực địa phương, giúp họ cải thiện thu nhập (các trợ giảng được nhận lương hàng tháng dựa trên thang lương cơ bản của nhà nước cùng với hỗ trợ đi lại). Quan trọng hơn, công việc trợ giảng cũng cung cấp cho những người phụ nữ DTTS như chị Oanh kỹ năng sư phạm bổ ích để dạy con tại gia đình, cũng như chia sẻ với bà con trong cộng đồng.

Mô hình trợ giảng cũng góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc ít người thông qua việc bảo tồn và phát huy tiếng nói của họ.

Tổ chức Cứu trợ trẻ em có kế hoạch sẽ duy trì mô hình trợ giảng tiếng mẹ đẻ tại huyện Văn Chấn và Mù Cang Chải trong thời gian tiếp theo của dự án“Nâng cao khả năng sẵn sàng đi học và kết quả học tập của trẻ dân tộc thiểu số tại Việt Nam” (đến năm 2020). Tổ chức cũng hướng tới việc nỗ lực vận động sự quan tâm và hỗ trợ của chính quyền địa phương để duy trì mô hình này sau khi dự án kết thúc.

Phi Yến

Nguồn bài viết : PS Điện Tử

Top