Những làng quê tan vỡ

2025-01-17 19:49:20
Cố Viên Lầu: Làng quê Bắc Bộ thu nhỏ ở cố đô Hoa Lư Độc đáo lễ chồng cỗ cao ở làng quê Hà Tĩnh 23 khung cảnh huyền ảo đẹp mãn nhãn của các địa điểm bị lãng quên

Trưa tháng Năm, trên nền nhiệt hơn 40 độ, ông Tân ở Hà Tĩnh cùng vợ ra đồng đi nhổ lạc. Một lúc sau, ông ngất xỉu. Chiều hôm đó, ông được đưa vào bệnh viện cấp cứu khi đã hôn mê sâu, ngưng tim, ngưng thở. Ông Tân tử vong vì sốc nhiệt trong ngày miền Bắc, Trung Bộ nóng nhất từ đầu hè.

"Cùng em khoác chiếc áo tơi ra đồng, dù trời đổ nắng chang chang vẫn quàng". Nhưng thực ra, trên trời nắng gắt và dưới chân là bùn, đất, tình yêu cũng không cứu được: mồ hôi vã ra, rất dễ say nắng, hoa mắt, chóng mặt, nặng hơn là sốc nhiệt tử vong.

Trớ trêu là những ngày hè nắng rát nhất lại thường trùng với ngày mùa ở quê. Người nông dân không còn cách nào khác ngoài đội nắng mà ra đồng gặt lúa, nhổ lạc, phơi rơm... Họ đối phó với ông trời bằng cách mặc áo tơi, đội đèn pin gặt lúa buổi tối, đi cấy đêm sáng trăng. Mẹ tôi, một phụ nữ miền Trung ham việc đồng áng, những ngày này cũng sẽ bất chấp trời nắng mà ra đồng. Bởi nắng to thì rơm, thóc nhanh khô, dù mệt. Cách để bà chống nóng là đội nón, đeo xà cạp, bịt lên trán một cái khăn và bịt miệng bằng một chiếc mùi xoa để thấm mồ hôi.

Những đứa trẻ sinh ra từ làng như tôi, thời thơ bé đã được khuyến khích "Cố mà học. Dốt thì chỉ có ở nhà làm ruộng". Trong tiềm thức của người quê, "làm ruộng" đồng nghĩa với khổ. Gắn bó với ruộng đồng mười mấy năm, xong lớp 12, đám thanh niên chúng tôi sẽ tìm mọi cách đi khỏi làng. Bằng cạnh tranh một suất vào đại học hay bằng bất kỳ con đường nào khác. Dù đi học nghề, lái taxi, hoặc theo người làng đi buôn đồng nát, chạy xe ôm, đi làm công nhân... Miễn là đi.

"Làm ruộng không giàu nổi" là câu trả lời duy nhất cho sự ra đi. Thu nhập vài triệu một tháng, ngang ngửa lương công nhân nhưng đủ đong gạo ăn cả năm. Người quê quyết ở lại phố. Thực tế ấy càng rõ hơn trong những ngày nắng nóng này. Sự tương phản là rõ ràng: một trong những nghề phổ biến nhất của vùng lúa Nam Định và Thái Bình bây giờ, là đi lái taxi. Cũng vất vả, cạnh tranh cũng gay gắt. Nhưng không phải khoác áo tơi đeo xà cạp.

Chúng tôi đi dọc sông Hồng, nơi những ngôi làng bị bỏ lại trong cuộc di cư. Ở ngôi làng ấy, vợ chồng bà Nụ đã tự tay viết đơn xin bỏ hai sào tám đất ở cánh đồng đẹp nhất thôn. Con cháu bà chỉ muốn vào nhà máy. "Cực chẳng đã mới phải cấy. Nhưng giờ cấy cũng không giải quyết được gì".

Những cánh đồng 5 tấn một hecta giờ chỉ còn là ký ức văn học. Từ một năm hai vụ lúa, ruộng chỉ cấy một vụ, rồi bỏ hoang. Cứ cách vài ngày, ông trưởng thôn lại nhận được một lá đơn xin trả ruộng.

Cách Thái Bình một con sông, bên kia là Nam Định. Ở xã Nam Hồng, ông Chủ tịch kể cho tôi nghe về phong trào "lên Hà Nội khai hoang" của thanh niên những năm đầu thế kỷ 21. Nghĩa là thoát ly được ruộng đồng rồi thì đừng quay về làm chi cho khổ.

Nam Định, mảnh đất của bánh phở giờ đã bỏ hoang trên 1.000 ha đất lúa. Những cánh đồng còn cấy cày giờ đều chuyển sang gieo sạ thay vì cấy lúa thẳng hàng tay, cho nhàn.

"Nếu bán tất chỗ này, với cả gốc rạ được 15 tỷ. Trong khi một tháng lương của hơn bốn nghìn công nhân nhà máy sản xuất túi, ví da ở đầu xã là 29 tỷ", ông chủ tịch Nam Hồng nhẩm tính. Giá trị kinh tế của đất nông nghiệp, hay là cây lúa, thấp đến mức không còn ngành nào để so sánh.

Đi từ Thái Bình sang Nam Định, hay đi xa hơn, các vị lãnh đạo xã đều nói rằng nông dân bỏ ruộng hoang không ảnh hưởng nhiều đến kinh tế địa phương. Những thiếu hụt về giá trị sản xuất nông nghiệp sẽ được bù lại bằng tiểu thủ, công nghiệp. Và thu nhập bình quân của xã vẫn "thuộc loại cao của huyện", dù chủ yếu đến từ lương công nhân.

Bạn tôi rời quê vào Sài Gòn. Nhà bốn chị em gái, bố mất, chỉ còn mình mẹ ở quê. Bạn muốn mẹ vào Sài Gòn sống. Dĩ nhiên bà không chịu. Bà giục giã mãi, rồi một đứa cũng bắt buộc phải về cho gần mẹ. Con bé đại học bằng giỏi, đi làm thu nhập khá. Giờ về quê, có thể sẽ đi công nhân - công việc phổ biến thứ hai sau làm ruộng.

"Hồi đi học về, tao cảm nhận rất rõ đây là quê hương. Nhưng từ nay mình sẽ không còn thuộc về nơi này nữa", bạn nói với tôi. Những đứa trẻ không thuộc về phố, cũng chẳng còn là người quê. Nhưng mấy ai chịu về.

Neo giữ người đi với làng quê, có lẽ chỉ còn là máu mủ với cha mẹ, tình thân với họ hàng. Còn cha mẹ là còn quê, còn cội, còn nhà. Sợi dây liên hệ người Việt với ruộng đồng, có chăng chỉ còn là những hạt cơm tẻ, cháo, bún, miến, phở... những thứ đồ ăn được làm ra từ hạt gạo. Một phần văn hóa của quốc gia nông nghiệp đang biến mất mà không cách gì níu lại.

Đức và Nhật, hai nước giàu thứ 3 và thứ 4 thế giới, đều đang có những chiến dịch "cứu lấy nông thôn": họ nhận thức được rằng những làng quê có thể vỡ ra và biến mất. Làng quê biến mất, thì rất nhiều phần máu thịt của quốc gia, từ miếng ăn, lối sống, văn hóa cũng biến mất. Tiến trình đô thị hóa đang đe dọa tất cả những thứ đó. Họ tìm mọi cách để người dân ở lại làng, hay nước Nhật, tìm cách khuyến khích giới trẻ quay lại làng.

Nhưng chắc không thể nói điều đó với những người nông dân Việt Nam, như cha mẹ tôi, đã dành cả đời để giúp con đi khỏi làng.

Chúng ta phải chấp nhận những cái mất này như một tất yếu, cho đến khi giàu thứ 4 thế giới?

Xem thêm

Cố Viên Lầu: Làng quê Bắc Bộ thu nhỏ ở cố đô Hoa Lư

Nằm ẩn mình bên dòng sông Ngô Đồng, làng Việt cổ Cố Viên Lầu đang lưu giữ nhiều nếp nhà xưa mang đậm nét văn ...

Độc đáo lễ chồng cỗ cao ở làng quê Hà Tĩnh

Chồng cỗ cao - hay còn gọi là lễ cúng gà, một nét văn hoá rất đặc biệt, một tục lệ có từ rất lâu ...

23 khung cảnh huyền ảo đẹp mãn nhãn của các địa điểm bị lãng quên

Dưới sức mạnh của thời gian, các kiến trúc cổ bị lãng quên còn lại đến ngày nay đã được phủ lên màu sắc vừa ...

Thanh Hoá: Ngôi mộ công chúa Cẩm Vinh dường như bị lãng quên?

TĐO - Nằm trong địa bàn xã Xuân Phong thuộc cánh đồng làng Phú Thọ huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa - ngôi mộ cổ ...

Nguồn bài viết : Trực tiếp đá gà

Top