Với việc đội tàu của Việt nam cũ, sử dụng công nghệ lạc hậu, thị phần hàng hóa vận tải hàng hải khó có thể cạnh tranh “tay đôi” với các hãng tàu nước ngoài. Điều này dẫn đến việc có thể thua ngay trên sân nhà dù lượng hàng hóa vẫn còn nhiều tiềm năng.
Vì thế, Cục Hàng hải Việt Nam kiến nghị Nhà nước cần có các cơ chế, chính sách để “giải cứu” đội tàu để không bị "chìm dần" trên biển.
Tàu nội quá cũ, hãng nước ngoài lấn át
Theo báo cáo của Cục Hàng hải Việt Nam, đến ngày 1/6, đội tàu biển Việt Nam có 1.586 tàu (trong đó tàu vận tải hàng hóa là 1.128 tàu) với tổng dung tích khoảng 4,8 triệu GT và tổng trọng tải khoảng 7,8 triệu DWT.
Tính đến tháng Sáu năm nay, sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam ước đạt 308,7 triệu tấn (không bao gồm sản lượng hàng hóa quá cảnh không bốc dỡ), tăng 21% so với cùng kỳ năm 2018.
[Vận tải biển và đóng tàu: Nhân tố quan trọng trong chiến lược biển]
Về thị phần vận tải, theo báo cáo của Cục Hàng hải Việt Nam, các đơn vị vận tải cơ bản đáp ứng được 100% thị phần vận tải nội địa trừ một số mặt hàng chuyên dụng như tàu chở xi măng rời, tàu chở khí hóa lỏng. Vận tải xuất nhập khẩu, đội tàu Việt Nam chỉ đảm nhận được khoảng 10% thị phần, còn lại là do tàu nước ngoài đảm nhận.
Chỉ ra nguyên nhân doanh nghiệp vận tải biển vẫn đang gặp khó khăn, lãnh đạo Cục Hàng hải cho biết, trong thời gian qua, thị trường vận tải biển liên tục đi xuống và chưa có dấu hiệu phục hồi.
Cụ thể, chiến tranh thương mại giữa Mỹ - Trung có tác động làm hàng hóa xuất nhập khẩu trên thế giới giảm, thị trường dư thừa một số lượng tàu lớn không có hàng để vận tải, làm cho đội tàu trong nước càng khó khăn khi phải cạnh tranh giành nguồn hàng.
Hơn nữa, giá xăng dầu tăng giảm bất thường cũng ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp vận tải.
Một yếu tố làm doanh nghiệp vận tải biển khó “chen chân” là do đa số chủ hàng của Việt Nam vẫn thực hiện mua CIF (giao hàng tại cảng dỡ hàng), bán FOB (vận chuyển hàng từ kho ra cảng và làm thủ tục hải quan hàng xuất khẩu), theo đó quyền thuê phương tiện thuộc về các đối tác nước ngoài.
“Mặt khác, một số dự án vận chuyện hàng hóa xuất nhập khẩu (như nhập khẩu than cho các nhà máy nhiệt điện) các chủ hàng tổ chức đấu thầu quốc tế, nên đội tàu trong nước cũng khó có cơ hội giành hợp đồng vận chuyển,” lãnh đạo Cục Hàng hải phân tích thêm.
Phía Cục Hàng hải cũng cho rằng đội tàu biển Việt Nam hầu hết đã qua sử dụng, được doanh nghiệp đầu tư mua lại nên đa số đội tàu đã trên 15 tuổi, công nghệ cũ không phù hợp với việc vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu dẫn đến khó cạnh tranh được với đội tàu thế hệ mới của các doanh nghiệp nước ngoài.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam gặp khó khăn về tài chính nên không đủ nguồn lực để đầu tư nâng cấp đội tàu, trong khi việc vay vốn từ các ngân hàng thương mại khó khăn do lãi suất cao và các doanh nghiệp vẫn đang nợ đọng ngân hàng.
Cần “bà đỡ” để đội tàu không chìm
Thừa nhận nguồn hàng vận tải không ổn định, hợp đồng ký kết vận tải với khách hàng thường trong thời gian ngắn khoảng 2-3 năm, phía Cục Hàng hải đánh giá, chủ tàu Việt Nam hạn chế đầu tư đóng mới tàu trong khi chưa ký kết được hợp đồng vận tải dài hạn và không có nguồn hàng ổn định với khách hàng.
Theo lãnh đạo Cục Hàng hải, thực tế, các doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam hầu như không nhận được bất cứ một ưu đãi, hỗ trợ nào từ phía Chính phủ trong khi thị trường vận tải biển đang hết sức khó khăn, một số hãng tàu biển lớn trên thế giới đã phá sản hoặc thực hiện liên kết để duy trì hoạt động.
“Việc đầu tư phát triển tàu có trọng tải lớn, phù hợp với xu hướng vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu đòi hỏi một nguồn vốn rất lớn, doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam gần như không đủ năng lực để thực hiện,” phía Cục Hàng hải chỉ rõ khó khăn.
Do vậy, Cục Hàng hải Việt Nam đề nghị Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành các Tập đoàn, Tổng công ty xuất nhập khẩu có vốn Nhà nước (như vận chuyển than phục vụ nhà máy nhiệt điện của các Tập đoàn Điện lực, Dầu khí, Than khoáng sản) thực hiện đấu thầu trong nước với các tiêu chí phù hợp để nâng cao khả năng trúng thầu của doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam.
[Bài 6: Cảng biển ‘lột xác' sau thập kỷ, chờ khơi thông dòng vốn]
Trường hợp phải tổ chức đấu thầu quốc tế, Cục Hàng hải đề nghị các bộ ngành chỉ đạo chủ hàng dành khoảng 30% sản lượng với giá bằng với giá thắng thầu để giao cho đội tàu trong nước thực hiện, hợp đồng thực hiện tối thiểu là 3 năm.
Mặt khác, Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Chính phủ giao cho Bộ Tài chính xem xét bổ sung doanh nghiệp vận tải biển vào trong danh mục doanh nghiệp vừa và nhỏ được ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp với mức thuế suất là 10% trong 15 năm; nghiên cứu đề xuất miễn giảm thuế giá trị gia tăng đối với vận tải nội địa trong thời gian 3 năm; miễn thuế nhập khẩu các loại vật tư, phụ tùng, trang thiết bị để sửa chữa tàu biển mà Việt Nam chưa sản xuất được...
Về nguồn vốn đầu tư, nâng cấp đội tàu, Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Chính phủ giao cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu đề xuất giải pháp cho các doanh nghiệp vận tải biển vay vốn đầu tư từ quỹ đầu tư phát triển hoặc có cơ chế chính sách để các ngân hàng thương mại cho khoanh nợ cũ và cho doanh nghiệp vay vốn mới với lãi suất ưu đãi để tái đầu tư đội tàu./.
Nguồn bài viết : Cặp loto cùng về