Chị em dâu như bầu nước lã

2025-01-17 19:49:28

Thật không sai khi ông bà ta cho rằng "chị em dâu giống bầu nước lã". Bởi xét cho cùng, chị em dâu cũng chỉ là người dưng, vì cưới hai anh chàng có quan hệ ruột thịt với nhau nên mới về sống chung dưới một nhà. Bản chất mối quan hệ này vốn đã không có sự gắn kết, thân thiết, nên việc xảy ra va chạm, xích mích, bất hòa trong cuộc sống thường nhật là điều khó tránh khỏi.

Mối quan hệ dễ nảy sinh bất hòa, đối kháng (Ảnh minh họa)

Đặc biệt, với nền văn hóa truyền thống gia đình 2, 3 thế hệ sống chung trong cùng một mái nhà như ở Việt Nam thì nó càng phức tạp và tồn tại nhiều điều đáng phải suy ngẫm. Không ít trường hợp chị em dâu gây ra cho đối phương biết bao nỗi ấm ức không thể giải tỏa, khiến không khí gia đình luôn căng như dây đàn chỉ vì hiềm khích cá nhân. Ngược lại, số khác lại hình thành nên nhữngđôi bạn "tri âm tri kỷ".

Mỗi cây mỗi hoa

Ông bà nội tôi sinh được 6 người con trai. Bước sang tuổi 65, ông bà có đủ 6 con dâu lớn, nhỏ. 3 người con dâu sinh sống ở phía Nam, còn lại cư trú tại miền Bắc. Con dâu lớn nhất của ông bà thuộc thế hệ 5X, còn con dâu nhỏ tuổi nhất thuộc thế hệ 8X. Bất chấp khoảng cách về tuổi tác lẫn vùng miền, mấy chục năm qua, các con dâu của bà nội tôi vẫn thân thiết, yên ấm một cách đáng ngưỡng mộ!

Tôi và nhiều người xung quanh đôi khi thắc mắc về bí quyết khiến 6 con người "không chung dòng máu" ấy hễ gặp nhau là trò chuyện rôm rã, đối đãi thân thiết như ruột thịt, và mấy chục năm rồi cũng chẳng hề có "hòn bấc ném đi, hòn chì ném lại" nào? Do nền tảng - văn hóa gia đình, do kỹ năng sống hay do tất cả 6 người con dâu của bà đều ôn hòa, biết nhường nhịn, sẻ chia?

Có lẽ, tất cả lý do nêu trên đều đúng.

Bác dâu cả của tôi được con cháu gọi với biệt danh trìu mến – "người không biết nổi giận" – bật mí: đối đãi với nhau bằng tấm lòng chân thành, dẹp bỏ tính hẹp hòi, so bì và biết đặt mình vào vị trí của người khác để nghĩ cho họ là “chìa khóa” giữ cho mối quan hệ chị em dâu luôn tốt đẹp.

Thực tế, nói thì dễ, song làm được điều đó không phải chuyện đơn giản.

Đối đãi chân thành là “chìa khóa” giữ cho mối quan hệ chị em dâu luôn tốt đẹp (Ảnh minh họa)

Trong xã hội hiện nay, đối với người trẻ tuổi mới xây dựng gia đình, chuyện giữ cho mối quan hệ chị em dâu dễ chịu lại càng trở nên khó khăn hơn. Kinh nghiệm đối nhân xử thế thiếu hụt, chưa sâu sắc vẹn toàn, lòng tự tôn cá nhân cao, thiếu sự đồng cảm, sẻ chia… là một số nguyên nhân khiến nó trở nên hời hợt, thậm chí dẫn tới xung đột.

Tôi đã làm dâu tròn 4 năm, có một chị dâu và một em dâu nên cũng hiểu được ít nhiều sự phức tạp của mối quan hệ từ “bắn đại bác không tới” mà về sau lại thành "ngồi cùng mâm cơm".

Chị dâu bằng tôi, 31 tuổi. Anh chị đi làm ăn xa, còn vợ chồng tôi sinh sống, làm việc tại Hà Nội. Mỗi năm, anh chị về quê thăm bố mẹ một lần vào dịp Tết. Thời gian ngắn ngủi gặp nhau tính được trên đầu ngón tay, thế mà cũng đủ để chị dâu tăm tia tôi từng chuyện nấu nướng, dọn dẹp, đi đứng… trong nhà. Từ đó nảy sinh thái độ và lời nói hằn học, chua chát. Nguyên nhân chỉ vì tôi bận bịu con nhỏ nên không giúp được bố mẹ chồng nhiều việc lặt vặt trong mấy ngày lễ so với bình thường.

Thêm nữa, chị còn tỏ ra khó chịu khi nghĩ rằng tôi là nàng dâu mới nhưng lại được bố mẹ chồng thương quý, bênh vực. Mối quan hệ chị em dâu trở nên tệ đến mức mặc dù muốn tôi cũng khó lòng tháo gỡ. Sự việc chỉ được hóa giải cho đến ngày tôi thẳng thắn tâm sự, chia sẻ lòng mình với chị.

Bây giờ, chúng tôi đã thân thiết hơn, và còn thường xuyên trao đổi về chuyện gia đình, cách chăm sóc dạy dỗ con cái, chia sẻ những buồn vui trong cuộc sống hàng ngày dù ở cách xa nhau… Tôi nhận ra rằng, nếu thực sự chân thành và có hướng xử lý thích hợp, “bầu nước lã” có thể biến thành “giọt máu đào”!

Biến “bầu nước lã” thành “giọt máu đào”

Tuy là việc hết sức khó khăn, nhưng vấn đề này chưa đến mức "bất khả thi". Mối quan hệ chị em dâu tốt đẹp là lợi thế khiến đại gia đình thêm yên ấm, hạnh phúc, khiến cha mẹ mãn nguyện, vui lòng, anh em hòa thuận. Ngược lại, một khi nó xấu đi, sẽ khiến các bậc phụ huynh khổ tâm, người thân khó xử, đôi khi dẫn đến thảm cảnh “huynh đệ tương tàn”.

Chính vì thế, để dung hòa mối quan hệ giữa hai hay nhiều người phụ nữ cùng làm phận dâu con, cần phải có sự thật lòng và cố gắng nỗ lực của cả đôi bên. Chị em dâu nên chủ động làm bạn với nhau, thiết lập tình cảm thân thiết mà không có sự can thiệp từ người chồng.

Đối đãi chân thành

Mọi mối quan hệ bền vững đều cần đến sự chân thành - yếu tố đầu tiên vô cùng quan trọng. Đây cũng là nền tảng để xây dựng nên những điều tốt đẹp, giúp mọi người từ chỗ xa lạ trở nên gần gũi, khăng khít. Điều tối kỵ là “đâm bì thóc, chọc bì gạo”, nói xấu sau lưng.

Thẳng thắn có… mức độ

Trong mối quan hệ nhạy cảm chị em dâu, chúng ta nên tinh tế để giới hạn những chuyện nên và không nên nói thẳng. Vì “sự thật mất lòng” nên tốt nhất hãy cân nhắc trước khi góp ý.

Dẹp bỏ thói đố kỵ, nhỏ nhen

Mỗi người là một cá thể riêng biệt về hoàn cảnh sống, tính cách, điều kiện, công việc, khả năng… Do đó, hãy ngưng việc so sánh, ghen tỵ với người kia, từ đó "mua dây buộc mình" thành ra tự chuốc lấy ấm ức hoặc nảy sinh thái độ cao ngạo. Con nào thì cũng là con, cha mẹ nào cũng thương yêu con cái như nhau. Cho nên, không có lý do gì để chị dâu/em dâu cảm thấy bất bình chỉ vì một vài cử chỉ, lời nói mà họ cho rằng phụ huynh đang "thiên vị nhỏ đó".

Đừng ghen tỵ khi thấy chị/em dâu thân thiết với mẹ chồng (Ảnh minh họa)

Thật ra, "gừng càng già càng cay", bố mẹ sẽ động viên/quan tâm các thành viên trong nhà tùy thời điểm và theo cách họ thấy hợp lý. Có thể chị/em dâu mang nhiều điểm chung về tính cách với mẹ chồng nên hay được chia sẻ chuyện riêng tư hơn. Bạn đừng nên biến điều này thành lý do để "khai hỏa đại chiến". Không hợp nhau không đồng nghĩa với việc giá trị của bạn và chồng trong mắt bố mẹ bị đánh giá thấp đi, cũng như tình cảm họ dành cho bạn hóa thành "nước đá đổ vào bếp lò". Vì thế, hãy dẹp bỏ ngay những ý nghĩ ganh đua ngấm ngầm với đối phương.

Giúp đỡ, đùm bọc nhau vô điều kiện

Không ai "nắm tay từ sáng đến tối" được nên sẽ có lúc bạn hoặc chị/em dâu của mình gặp trắc trở trong cuộc sống. Hãy nhiệt tình hỗ trợ, chia sẻ để trở thành nguồn động lực giúp người thân nhanh chóng thoát cơn hoạn nạn. Việc này sẽ gắn kết tình cảm anh chị em, đặc biệt là chị em dâu, khơi gợi lòng yêu thương, sự đùm bọc giữa những đứa trẻ (anh chị em họ) trong đại gia đình.

Tế nhị, khéo léo khi xảy ra mâu thuẫn

Bát đũa còn có lúc xô chạm, thì con người sống cùng một gia đình không thể tránh khỏi đụng độ dẫn đến mâu thuẫn. Tuy nhiên, nên hóa giải để chuyện lớn thành chuyện nhỏ, chuyện nhỏ như không có gì, tránh sứt mẻ tình cảm. Bởi vì, dù gì anh em ruột thịt cũng không thể bỏ được nhau, đau đấy rồi lành đấy, giận đấy rồi tha thứ đấy. Có như thế, gia đình mới yên ấm, bền chặt.

Vun đắp tình cảm chị em bằng cách cởi mở, sẻ chia (Ảnh minh họa)

Như vậy, quả thực muốn sống tốt, sống đẹp trong cuộc đời này nói chung và có được mối quan hệ chị em dâu "trong ấm ngoài êm" nói riêng, chúng ta rất nên có văn hóa - kỹ năng "đắc nhân tâm". Chỉ cần bạn biết "không tranh chấp là từ bi, không tranh luận là trí tuệ, không nghe thấy là sự thanh tịnh, không quan sát là sự tự tại, không tham lam là bố thí, bỏ ác là cái thiện, sửa đổi bản thân là sám hối, nhún nhường chính là lễ Phật, tha thứ là giải thoát, biết đủ chính là biết buông bỏ, lợi của mọi người chính là cái lợi của bản thân" như lời Phật dạy, chẳng phải mỗi ngày mới đều là một ngày vui của chính mình và của mọi người đó hay sao?!

Thảo Miên

Nguồn bài viết : Game cờ bạc online

Top