Chuyện con bị phạt quỳ: Con hư tại bố mẹ, nhất định không phải tại cô?

2025-01-17 19:49:20
Quỳ không chết, con hư mới chết! Quá trình "phá huỷ" một đứa trẻ từ những trò đùa vô ý thức của người lớn Nếu có ngày con bạn hâm mộ Khá Bảnh
Bức ảnh nam sinh bị cô giáo phạt quỳ dấy lên làn sóng tranh cãi.

Ngày 10/5, hình ảnh học sinh ở Thường Tín, Hà Nội, quỳ gối trước bục giảng trong giờ học, kèm đơn kiến nghị của phụ huynh được lan truyền trên mạng xã hội.

Chiều 11/5, ông Phạm Như Ý - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thường Tín - thông tin đã đình chỉ công tác cô Lê Thị Quy một tuần. Sở GD&ĐT cũng chỉ đạo làm rõ vụ việc này.

Sự việc chưa dừng lại ở đó. Ngay sau khi cô Quy - giáo viên chủ nhiệm lớp 9B, trường THCS Tô Hiệu (Thường Tín, Hà Nội) bị đình chỉ công tác, dư luận dấy lên những tranh cãi trái chiều. Về phía phụ huynh học sinh, bên cạnh những ý kiến kịch liệt lên án vì cho rằng “đó là làm nhục học trò” thì cũng có nhiều người thông cảm với cô giáo và đề cao giáo dục gia đình hơn trường học.

Con hư tại bố mẹ, không phải tại cô?

Một tài khoản tên Nguyễn Vanh đưa ra ý kiến này và nhanh chóng thu hút sự bàn luận sôi nổi của cộng đồng mạng.

“Ngày trước học tiểu học, tôi viết bài cẩu thả bị thầy giáo dùng thước kẻ vụt vào tay liên tục. Về nhà không dám nói vì biết kiểu gì cũng bị mắng thêm. Nhớ mãi. Lên cấp ba, vẫn nghịch ngợm, bị thầy giáo dạy môn sinh vật cho ăn mấy thước, không dám kể với ai vì cho đó là nỗi xấu hổ của bản thân.

Học trò ngày trước có thể yêu thầy cô này, không yêu thầy cô giáo kia nhưng vẫn luôn kính trọng các thầy cô của mình. Đang đạp xe, thấy thầy cô giáo, phải xuống xe chào rồi mới đi tiếp, có lỗi bị mắng là phải cúi đầu lắng nghe.

Nhiều gia đình không tự hỏi, sao con họ ngoan, con mình lại không ngoan?

Khi còn nhỏ con hư là do bố mẹ, lớn lên hư hỏng là do bản thân. Giáo dục cơ bản vẫn là do gia đình, chứ đâu phải do mỗi thầy cô giáo là đủ. Thà rằng bây giờ có lỗi để cho cô thầy giáo phạt. Thậm chí tát cho một phát còn hơn sau này bị đời "tát" cho lại không ngóc đầu lên được”.

Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Thường Tín, TP. Hà Nội đã đình chỉ giảng dạy một tuần với GV Lê Thị Quy. (Ảnh: Vietnamnet)

Đây không phải là ý kiến duy nhất ủng hộ cô giáo, rất nhiều ý kiến sau đó đều cho rằng giáo dục con cái là trách nhiệm chính của cha mẹ, bố mẹ không nên đổ mọi tội lỗi cho nhà trường và xã hội.

Tài khoản Trần Thu Trang nêu: “Ngày xưa mình đi học sợ thầy cô một phép. Giờ thì các phụ huynh coi con mình như hoàng tử, công chúa. Bảo sao nhiều đứa trẻ hỗn láo, cầm chổi đánh mẹ, đánh bố”.

Tài khoản tên Nguyễn Tường Linh đưa ý kiến ngắn gọn: “Ngày xưa đi học bị quỳ và phạt roi là chuyện thường, tất cả học sinh đều sợ thầy cô. Chứ làm thế này học sinh không sợ thầy cô nữa”.

Tài khoản tên Nguyễn Linh Huê cũng đồng tình: “Ngày xưa đi học sợ thầy cô. Còn bây giờ thầy cô không muốn răn đe học sinh vì sợ bố mẹ học sinh. Chính vì thế nên học trò ngày càng hư”.

Con bị quỳ, nhục hay không nhục?

Hình phạt quỳ cũng dấy lên làn sóng tranh luận gay gắt, khi nhiều người cho rằng đây là hình phạt làm nhục học sinh.

Trước câu hỏi “con bị phạt quỳ, nhục hay không nhục”, tài khoản Nguyễn Thành Đức viết: “Ngày tôi học đến lớp 9 còn bị thầy dạy môn Lý bắt nằm xuống băng ghế đánh muốn tét mông! Về nhà không dám ho he với cha mẹ. Xưa thầy ra thầy, trò ra trò. Trò sợ thầy cô, giờ ngược lại. Thầy cô là người cha, người mẹ thứ hai, việc quỳ trước thầy cô có gì mà nhiều người kêu nhục?”

Tài khoản Nguyễn Kiều cũng cho rằng đây là hình phạt bình thường: “Ngày xưa đi học không thuộc bài, nói chuyện riêng, là học sinh cá biệt, thầy cô phạt bằng hình thức quỳ gối, giặt khăn lau bảng, đứng úp mặt vào góc tường là chuyện bình thường”.

Tài khoản Hung Manh Hung đưa ra ý kiến tương tự: “Ngày xưa đi học lớp 1, lớp 2, nghịch ngợm, học không thuộc bài bọn mình cũng bị bắt quỳ mà”.

Nên dạy con quỳ trước lẽ phải, chứ không phải quỳ trước chân mình. (Ảnh minh họa)

Một số phụ huynh tỏ ra thông cảm vì hiểu áp lực mà giáo viên đang phải chịu đựng. Tài khoản Nguyễn Kiều Hưng viết: “Áp lực của các thầy cô giáo là rất lớn, đừng bắt các thầy cô phải chịu thêm một áp lực là đối xử với học sinh như thượng đế hay chấp nhận sự chửi rủa của phụ huynh. Thời tôi đi học, bị thầy cô phạt, cha mẹ phải nói lời cảm ơn! Thời giờ phụ huynh có tiền, ứng xử khác quá”.

Trong khi đó, ý kiến của một số phụ huynh cũng đang là giáo viên cũng nhận được sự chú ý của những người đang quan tâm đến vấn đề này.

Tài khoản Nguyễn Thị Thuần viết: “Trong lớp khoảng 30-40 học sinh, không phải tất cả ngồi nghe thầy cô giảng, một vài em có cá tính, hay chọc ghẹo, quay qua lại, nói chuyện và làm ảnh hưởng các bạn khác không nghe bài giảng được. Bất đắc dĩ nói mãi không được, sợ học sinh không tiếp thu bài thầy cô phải phạt để răn đe. Nếu phụ huynh không muốn, thì giáo viên cứ giảng ai nghe được thì nghe. Giáo viên làm vậy thì có nói họ vô cảm không?

Mỗi gia đình có vài đứa con đôi khi không quản hết mà học trò mỗi đứa mỗi tính cách. Ai trải qua đứng lớp giảng dạy sẽ biết cảm giác thôi mà. Không đứng trực tiếp giảng dạy thì không biết áp lực giáo viên phải chịu lớn thế nào đâu?”

Tài khoản Mai Phan viết: “Mình đang là giáo viên và không cổ vũ việc phạt hoặc đánh học sinh. Nhưng có đi dạy, gặp đủ kiểu học sinh mới thấy việc quản lý 40 em học sinh trong lớp mà không phải quát tháo, mắng mỏ, lườm hoặc phạt đứng thì đúng là cả một nghệ thuật”.

Nên dạy con quỳ trước lẽ phải, chứ không phải quỳ trước chân mình

Từ hiểu và cảm thông cho những áp lực mà giáo viên gặp phải, nhiều phụ huynh cho rằng hình phạt quỳ là bất đắc dĩ, thể hiện sự bất lực của cô giáo. Một số ý kiến thẳng thắn rằng dù rất thông cảm với cô, nhưng cũng không đồng tình với hình phạt quỳ này, vì nó không có nhiều tác dụng giáo dục. “Nên dạy con quỳ trước lẽ phải, chứ không phải quỳ trước chân mình” là một trong những ý kiến tiến bộ, nhận được sự ủng hộ của nhiều phụ huynh. Nhiều người “hiến kế” cách phạt khác, như phạt lao động công ích hoặc mời học sinh ra ngoài và cô giáo chỉ nói chuyện với phụ huynh.

Dù dùng hình phạt nào, dù ủng hộ ai (giáo viên hay học sinh) thì sự trao đổi, kết nối giữa gia đình – giáo viên – nhà trường luôn cần được coi trọng và duy trì. Giáo dục gia đình là nền tảng và chỉ có bố mẹ mới là người hiểu con mình nhất. Từ việc hiểu con, gần gũi với con, là chỗ dựa tinh thần và là nơi đáng tin tưởng nhất với con, bố mẹ mới chính là người có thể tìm ra hướng giải quyết đúng đắn nhất với con mình.

Xem thêm:

Bố mẹ nói lời cay nghiệt, con trẻ lớn lên thích mỉa mai người khác

Khi còn giữ thói quen châm chọc và làm tổn thương người khác, tôi không suy nghĩ nhiều về hậu quả của nó. Tôi chỉ ...

Con xin lỗi cha mẹ, con có thể " hiếu" nhưng không phải lúc nào cũng "thuận"

Lòng hiếu thảo rất cần ở mỗi người con đối với đấng sinh thành nhưng ở một mức độ hợp lý, không phải là sự ...

Vì sao cha mẹ giàu, có thế lực thường bất chấp để chạy trường cho con?

Con đi học bị áp lực phải giỏi bằng bạn bè, thì cha mẹ cũng thế. Luôn có một cuộc đua ngầm giữa các bậc ...

Nếu có ngày con bạn hâm mộ Khá Bảnh

(TĐO) - Nếu có một ngày nào đó con trai mình cũng hâm mộ hay hứng thú với một nhân vật như Khá Bảnh mình ...

Nguồn bài viết : XS Mega

Top