Sáng 25/3, báo cáo về tình hình tổ chức, hoạt động của Hội đồng Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2024, Trưởng Ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thị Thanh cho biết mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng nước ta đã thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ với những kết quả khá toàn diện, có nhiều dấu ấn nổi bật.
Trong thành tựu chung đó, có vai trò quan trọng của các cơ quan dân cử, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Nhân dân các cấp đã tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động cả về công tác lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của quốc gia, của từng địa phương.
Về tình hình tổ chức, tuy có sự biến động về nhân sự ở một số địa phương nhưng Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh đã kịp thời kiện toàn, nhanh chóng ổn định tổ chức, bảo đảm hoạt động thông suốt, nền nếp.
Về kết quả hoạt động, Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh cả nước đã tổ chức tổng số 357 kỳ họp, trong đó có 73 kỳ họp đột xuất, kịp thời giải quyết những vấn đề quan trọng, cấp bách, phát sinh đột xuất hoặc triển khai thực hiện các chủ trương mới của Trung ương.
Chất lượng nghị quyết ban hành ngày càng nâng lên với sự đồng thuận cao. Tổng số nghị quyết được Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh ban hành năm 2023 là 6.377 nghị quyết, tăng 504 nghị quyết so với năm 2022.
Năm 2023, Hội đồng Nhân dân các tỉnh, thành phố luôn kịp thời giải quyết các nội dung phát sinh hoặc những công việc đột xuất trong điều kiện phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội gặp nhiều rào cản.
Hoạt động giám sát tại kỳ họp Hội đồng Nhân dân được thực hiện đúng quy định của luật và hướng dẫn tại Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Hoạt động tái giám sát được chú trọng để làm rõ các vấn đề, từ đó nhiều kiến nghị qua giám sát đã được phát hiện và xem xét, giải quyết.
Nội dung giám sát chuyên đề của Hội đồng Nhân dân ngày càng sát với thực tiễn.
Bên cạnh những kết quả đạt được, bà Nguyễn Thị Thanh cho biết vẫn còn một số khó khăn, hạn chế.
Chất lượng tổ chức một số kỳ họp đột xuất còn hạn chế, việc bố trí thời gian thẩm tra và thảo luận còn ít, tài liệu gửi chậm, do vậy việc nghiên cứu tham gia vào nghị quyết kỳ họp gặp khó khăn trong công tác xây dựng pháp luật.
Việc tổng hợp trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri ở một số địa phương còn chậm...
Theo bà Nguyễn Thị Thanh, năm 2024 được xác định là năm tăng tốc, bứt phá, nước rút thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các tỉnh, thành phố, Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025, có ý nghĩa quan trọng đối với việc hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch đã đề ra, trong bối cảnh tình hình thế giới bất định và khó lường.
Trên cơ sở những kết quả và bài học kinh nghiệm từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Hội đồng Nhân dân các tỉnh, thành phố nỗ lực cao hơn, trách nhiệm lớn hơn, hành động quyết liệt hơn nữa, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, chủ động thích ứng, linh hoạt, tích cực đổi mới, sáng tạo để từng bước nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động của Hội đồng Nhân dân, tạo đột phá hơn nữa để các địa phương phát triển nhanh và bền vững, chuẩn bị tốt nhân sự Đại hội đảng bộ các cấp; bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026-2031.
Cụ thể, Hội đồng Nhân dân các tỉnh, thành phố tiếp tục quán triệt sâu sắc, chấp hành nghiêm túc, thể chế hóa đồng bộ, giám sát quyết liệt, thực hiện hiệu quả, thực chất Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; 6 nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh 6 vùng đến năm 2030 và tầm nhìn 2045; các nghị quyết của Quốc hội, của Chính phủ về phát triển kinh tế-xã hội; nghị quyết Đại hội đảng bộ các tỉnh, thành phố và các quy định của pháp luật đảm bảo đồng bộ và tổ chức thực hiện hiệu quả.
Bên cạnh đó, phát huy tinh thần trách nhiệm, vai trò trung tâm của đại biểu Hội đồng Nhân dân trên tất cả các mặt công tác để đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Hội đồng Nhân dân, Thường trực Hội đồng Nhân dân, Ban Hội đồng Nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng Nhân dân như nâng cao hơn nữa chất lượng công tác chuẩn bị và tổ chức các kỳ họp, công tác thẩm tra và việc xem xét, quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương, bảo đảm các chính sách được ban hành phù hợp với yêu cầu thực tiễn, có tính khả thi, dự báo cao, đồng thời xử lý kịp thời các vấn đề bất cập của địa phương.
Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, Thường trực Hội đồng Nhân dân các tỉnh, thành phố cần tập trung chỉ đạo toàn diện, đồng bộ, hiệu quả các chủ trương, chỉ đạo của Trung ương và tỉnh ủy, thành ủy, phát huy tinh thần giám sát hiệu quả, quyết sách kịp thời, bứt phá phát triển, góp phần xứng đáng xây dựng và phát triển chung của đất nước, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2024.
Trong đó lưu ý tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế, chính sách, nhất là đối với các tỉnh, thành phố đang thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù theo các nghị quyết của Quốc hội; khơi thông các nguồn lực; xử lý hiệu quả các vướng mắc để phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế, phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Tại Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, kết thúc năm 2023, thành phố Hà Nội đã đạt được kết quả toàn diện trên các lĩnh vực.
Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, hiệu quả tiếp tục được đẩy mạnh.
Kinh tế-xã hội năm 2023 của thành phố cơ bản hoàn thành mục tiêu tổng quát, đã hoàn thành và vượt mức 18/23 chỉ tiêu kế hoạch đề ra, trong đó 3 chỉ tiêu vượt kế hoạch.
Các ngành, lĩnh vực đều phát triển khá. Thành phố cũng đang triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng có tính chiến lược liên quan đến phát triển Thủ đô.
Ông Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh trong sự phát triển toàn diện của Thủ đô, Hội đồng Nhân dân thành phố đã khẳng định được vị thế xứng đáng của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương; khẳng định được vai trò trong hệ thống chính trị với những quyết sách quan trọng cho sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của cử tri, nhân dân, giám sát quyền lực nhà nước tại địa phương.
Hội đồng Nhân dân thành phố đã chủ động, tích cực, trách nhiệm trong việc cụ thể hóa các chủ trương, mục tiêu, chỉ tiêu nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp, Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; 10 chương trình công tác toàn khóa của Thành ủy; các nhiệm vụ chung của Thành phố...
Đảng đoàn Hội đồng Nhân dân Thành phố đã chủ động tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Đề án số 15 về "Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Hội đồng Nhân dân các cấp thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2026 gắn với thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và củng cố chính quyền nông thôn tại thành phố Hà Nội."
Qua gần 2 năm thực hiện, các nội dung, mục tiêu, chỉ tiêu của Đề án đã được Hội đồng Nhân dân các cấp thành phố thực hiện nghiêm túc, thiết thực, với nhiều cách làm đổi mới, khoa học, hiệu quả; bước đầu đã có những tác động và chuyển biến rõ nét.
Bên cạnh đó, hoạt động giám sát lan tỏa sự đổi mới, thực chất, nâng cao hiệu lực, hiệu quả.
Nội dung giám sát được lựa chọn kỹ lưỡng, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những vấn đề quan trọng, cấp thiết, được cử tri quan tâm như dự án chậm triển khai, quản lý tài sản công, cải cách hành chính, chuyển đổi số, lĩnh vực môi trường, xử lý nước thải, rác thải, việc đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tại các khu đô thị…
Tái giám sát được chú trọng, các giải pháp, cam kết, lộ trình được cụ thể và công khai; quyết tâm đi đến tận cùng vấn đề, giải quyết triệt để các nội dung giám sát. Thông qua hoạt động giám sát của Hội đồng Nhân dân, thành phố đã đánh giá nghiêm túc việc thực hiện các quy định pháp luật, kịp thời khắc phục các tồn tại, hạn chế, bất cập và từ đó đề xuất thúc đẩy đầu tư, các cơ chế, chính sách trong các lĩnh vực thuộc thẩm quyền.
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, Hội nghị là cơ hội tốt để thành phố Hà Nội lắng nghe và học hỏi kinh nghiệm hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Hội đồng Nhân dân các tỉnh, thành phố trong cả nước; đổi mới, vận dụng sáng tạo, phù hợp thực tiễn, để hoạt động của Hội đồng Nhân dân thành phố tiếp tục hoạt động thực chất, hiệu lực, hiệu quả như ý kiến của Chủ tịch Quốc hội, tiếp tục là tiêu biểu cho "làn gió tươi mới;" là "điểm sáng," "hình mẫu" trong hoạt động của Hội đồng Nhân dân các tỉnh, thành phố./.