Tình hữu nghị Việt Nam - Thuỵ Điển: Kết nối từ trái tim đến trái tim Quan hệ Việt Nam - Thụy Điển: 50 năm và những bước chuyển mình Công chúa kế vị Thuỵ Điển bình dị trong chuyến thăm Việt Nam |
GS.TS.Phùng Đắc Cam và những tài liệu nghiên cứu từ Thụy Điển được ông lưu giữ cẩn thận tại nhà riêng. Ảnh: P.Y |
Nhà khoa học đó là Giáo sư, Tiến sĩ (GS.TS) Phùng Đắc Cam, chuyên gia đầu ngành vi sinh lâm sàng Việt Nam. Gần 40 năm đã qua từ ngày đầu đặt chân tới Stockholm, nhưng những ký ức của ông về “đất nước của giải Nobel” vẫn vẹn nguyên như những tấm ảnh, những trang nghiên cứu vẫn được lưu giữ một cách trang trọng, cẩn thận.
Tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội ngành vi khuẩn đường ruột, người thanh niên Phùng Đắc Cam đã dành gần 8 năm tuổi trẻ (1968-1976) để phục vụ cho chiến trường miền Đông Nam Bộ. Những kiến thức thu được từ giảng đường Đại học được ông áp dụng vào việc giúp những đồng chí, đồng bào “chiến đấu” với sốt rét, cũng như nhiều bệnh tật nguy hiểm, những thương tích chiến tranh.
Là người ham học hỏi, những ngày ở chiến trường, ông vẫn mang theo sách vở miệt mài ôn luyện ngoại ngữ, với tâm niệm, đây sẽ là công cụ không thể thiếu để tiếp cận với những kiến thức y khoa tiên tiến trên thế giới sau này.
Trở về, ông đã thi đỗ kỳ thi tiếng Anh của Bộ Y tế và vào năm 1980 được cử sang Viện Vi trùng học Stockholm (Thụy Điển) làm thực tập sinh. Đến năm 1989-1991, ông tiếp tục làm nghiên cứu sinh Tiến sĩ tại Viện Karolinska, đơn vị được ủy quyền quyết định giải Nobel Sinh lý và Y khoa hàng năm.
Đất lạ hóa quê hương, thầy trò thành người thân
GS.Phùng Đắc Cam (phải) và GS.Alf A.Lindberg những ngày ở Thụy Điển. Ảnh: NVCC |
Việt Nam vừa trải qua chiến tranh tàn phá, đất nước sống trong chế độ bao cấp nhiều thiếu thốn. Trong khi đó, Thụy Điển chẳng khác nào một "thiên đường", tươi đẹp, yên bình và phát triển.
GS. Phùng Đắc Cam khi ấy là một thực tập sinh trẻ, vừa trở về từ chiến trường, điều kiện làm khoa học còn hạn chế. Tuy vậy, giữa các giáo sư và nghiên cứu sinh nước ngoài không hề có bất kỳ một khoảng cách nào.
Những năm tháng ở Thụy Điển, Phùng Đắc Cam đã được học tập, nghiên cứu bên cạnh những người thầy, người đồng nghiệp tài năng nhưng vô cùng giản dị, hòa đồng. Đó là nguyên Viện trưởng Viện Karolinska, GS. Lars Olof Kallings và nguyên Thư ký Hội đồng giải thưởng Nobel, GS. Alf A.Lindberg.
“Họ là những con người vừa cao siêu vừa gần gũi”, GS.Cam kể lại.
Thụy Điển đã sát cánh bên Việt Nam trong giai đoạn khốc liệt nhất của chiến tranh, và trong thời bình, lại mở rộng vòng tay đón những người trí thức Việt Nam tới học tập, nghiên cứu để phục vụ cho quê hương.
Vài tháng trước khi thực tập sinh Phùng Đắc Cam tới Stockholm, báo chí nước sở tại đã dành hẳn một bản tin “chào mừng”: “Thụy Điển sắp đón một thực tập sinh Việt Nam!”, thể hiện tình cảm vừa ngưỡng mộ vừa mến yêu đối với những con người Việt Nam bé nhỏ mà kiên cường, cần mẫn.
GS.Cam kể, hai lần ông tới Thụy Điển để thực tập và làm nghiên cứu Tiến sĩ vào năm 1980 và năm 1989 đều được GS hướng dẫn ân cần ra đón tại sân bay như đón người thân trong gia đình. Những năm tháng học tập, nghiên cứu dưới mái nhà chung Karolinska sau này như một chất keo đặc biệt, đã “chuyển hóa” tình thầy trò, tình đồng nghiệp giữa những con người không cùng màu da, quốc tịch trở thành tình thân ruột thịt.
Các giáo sư, nghiên cứu sinh cùng nhóm không chỉ tận tình hướng dẫn, hỗ trợ người trò, người bạn Việt Nam trong công việc, mà còn quan tâm tới cuộc sống đời thường, dành những điều kiện tốt nhất để người xa quê yên tâm học tập, nghiên cứu.
GS.Phùng Đắc Cam xúc động nhớ lại: Suốt một năm rưỡi thực tập tại Thụy Điển (1980-1981), do phương tiện thông tin còn hạn chế, ông và gia đình gần như “biệt vô âm tín”. Chứng kiến cảnh anh chàng thực tập sinh người Việt mới "chân ướt chân ráo" ra nước ngoài lần đầu, mà rất lâu không thể thư từ, điện thoại cho bố mẹ, vợ con, Viện trưởng Viện Karolinska, GS. Lar Olof Kallings rất thương và thông cảm. Một buổi sáng, tình cờ thấy Phùng Đắc Cam đang bước một mình trong khuôn viên Viện nghiên cứu, ông đã vội vàng chạy tới với câu hỏi đầy băn khoăn: “Này, tôi trông cậu buồn lắm. Cậu có sao không đấy?”...
Lo lắng học trò sẽ cảm thấy cô đơn, lạc lõng ở nước ngoài, cứ mỗi cuối tuần, Viện trưởng lại “phân công” một thành viên trong nhóm nghiên cứu đưa “anh Cam” về nhà, ăn những bữa cơm gia đình, cùng đi dã ngoại, vừa để thực tập sinh người Việt được hòa mình vào đời sống của người Thụy Điển, và làm vợi bớt nỗi trống trải khi sống xa nhà.
GS.Phùng Đắc Cam (thứ 3, phải sang) cùng những người bạn Thụy Điển chuẩn bị cho chuyến dã ngoại. Ảnh: NVCC |
Năm 1980, cậu con trai thứ hai của GS.Phùng Đắc Cam chào đời, và cũng đúng năm đó, phu nhân GS.Lars Olof Kallings, cũng là một nhà khoa học, có chuyến công tác tại Việt Nam.
GS.Cam hóm hỉnh kể lại: “Chuyến đi của phu nhân GS.Kallings xác định hai “nhiệm vụ” rất “quan trọng”: thứ nhất, là tìm kiếm cơ hội hợp tác khoa học Thụy Điển-Việt Nam, và thứ hai là...chụp một tấm hình cậu con trai mới sinh, mang về Thụy Điển cho tôi được thấy mặt.”
GS.Alf A. Lindberg tặng máy đánh chữ cho GS.Phùng Đắc Cam trước khi về nước. Ảnh NVCC |
Tình cảm của những người thầy Thụy Điển dành cho người trò Việt Nam đến giờ vẫn hiện hữu trong từng trang tài liệu nghiên cứu do chính tay các giáo sư ghi chép, hướng dẫn tỉ mỉ, từng món quà mà họ gửi ông mang về Việt Nam như chiếc máy đánh chữ mà sau vài thập kỷ vẫn dùng tốt.
“Tôi thực sự vô cùng may mắn khi đã có những năm tháng được sống trong bầu không khí chan chứa tình người như thế!”, GS.Cam kể về Thụy Điển, đất nước của những người thầy, người bạn đáng quý, đáng kính mà ông trân trọng suốt cuộc đời.
Tinh thần tập thể hay chuyện seminar và fika
Chỉ có dân số khiêm tốn 10 triệu dân, song Thụy Điển lại chính là cái nôi khai sinh ra Giải thưởng Nobel, cũng như nhiều phát minh, sáng tạo khoa học vĩ đại.
Lý giải về điều này, GS.Phùng Đắc Cam nhận định, những thành tựu ấy được xây dựng trên nền tảng là thái độ làm việc nghiêm túc, vô tư, cống hiến hết mình cho khoa học và tinh thần đoàn kết chặt chẽ.
Ở Thụy Điển, ngoài những giờ nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, thư viện, hay trao đổi một thầy một trò, việc thảo luận nhóm luôn là một phần không thể thiếu.
“Các buổi seminar không bao giờ vắng một ai. Nhất là Giáo sư Viện trưởng. Trong những buổi sinh hoạt chuyên đề như thế, tất cả mọi người đều có quyền và trách nhiệm tham gia đóng góp, không chỉ riêng Giáo sư, bởi làm khoa học không thể làm một mình được!” GS.Cam nói.
Mỗi buổi seminar các thành viên sẽ thay phiên nhau trình bày về một chủ đề nghiên cứu, để mọi người cùng góp ý, phản biện. Và người trình bày sẽ phải luôn sẵn sàng chuẩn bị các dẫn chứng, lập luận thật thuyết phục, sắc bén để bảo vệ nghiên cứu của mình.
Ở Thụy Điển, những bữa trưa cũng thường được các nhà khoa học tận dụng để trao đổi chuyên môn. Ảnh: NVCC |
Không khí làm khoa học ở đất nước của giải thưởng Nobel lúc nào cũng sôi nổi như thế, tuy nhiên lại không gây căng thẳng, bởi người Thụy Điển luôn biết cách cân bằng, sử dụng thời gian hợp lý. Xen giữa những giờ nghiên cứu, làm việc, họ có những khoảng “Fika”, một khái niệm khó dịch sang tiếng Việt, được hiểu đơn giản là nghỉ giữa giờ, thư giãn với trà bánh, những câu chuyện phiếm. Cũng giống như chuyện luân phiên thuyết trình, mỗi thành viên trong nhóm nghiên cứu sẽ có “nhiệm vụ” chuẩn bị những món đồ ăn, đồ uống nhẹ nhàng.
Fika hay thậm chí là những bữa trưa cùng nhau cũng quan trọng như sinh hoạt chuyên đề vậy. Đó là dịp để người ta trao đổi, chuyện trò, xây dựng mối quan hệ, tình đồng nghiệp và đặc biệt, khơi dậy cảm hứng sáng tạo khoa học.
"Gia tài" tặng quê hương
Trở về Việt Nam, GS.Phùng Đắc Cam không chỉ mang theo những kiến thức, những phát minh từ đất nước tiên tiến khai sinh ra giải Nobel, mà quan trọng hơn cả là tinh thần khoa học, mạch nguồn bền bỉ để tạo nên những công trình đóng góp cho quê hương.
Bên cạnh tri thức, những gì GS.Phùng Đắc Cam mang về từ Thụy Điển còn là tinh thần khoa học chân chính. Ảnh: PY |
"Gia tài" của GS.Phùng Đắc Cam là 75 công trình khoa học đã được công bố rộng rãi trên các tạp chí Y học ở châu Âu, châu Mỹ. Tên tuổi của GS.Phùng Đắc Cam gắn liền với những nghiên cứu có tính đột phá.
Ông và nhóm nghiên cứu của mình với sự hợp tác của các chuyên gia Thụy Điển, đã phát triển test urease vào ứng dụng chẩn đoán nhanh vi khuẩn Helicobacter Pylori gây bệnh viêm loét dạ dày.
Bên cạnh đó, ông cũng là người có đóng góp tích cực trong các công trình sản xuất vaccine bệnh đường ruột như tả, lỵ; nghiên cứu về miễn dịch trong HIV ở Việt Nam; nước thải trong nuôi trồng thủy sản và rau ở thành phố; tìm hiểu đáp ứng kháng thể của người Việt Nam với virus cúm H5N1…
Đặc biệt, là một người thầy, ông đã dành tâm huyết để bồi dưỡng thế hệ trẻ, hướng dẫn về chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp và tạo cơ hội cho họ được tiếp cận với những môi trường khoa học hàng đầu thế giới ở Thụy Điển cũng như nhiều nước châu Âu, châu Mỹ.
Được học tập, nghiên cứu ở những quốc gia rất phát triển, song cũng giống như GS.Phùng Đắc Cam, học trò của ông sau khi tốt nghiệp với kết quả xuất sắc đều trở về Việt Nam, chọn con đường cống hiến cho quê nhà. Trong những nhà khoa học ấy, có thể kể đến PGS.TS Nguyễn Thị Việt Hà, Trưởng khoa tiêu hóa Bệnh viện Nhi Trung Ương; PGS.TS Hoàng Thị Thu Hà, Trưởng khoa Vi khuẩn, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương; TS.Phạm Đức Phúc, đồng sáng lập Trung tâm nghiên cứu Y tế công cộng và hệ sinh thái của trường Đại học Y tế Công cộng, điều phối viên Mạng lưới Một Sức khỏe (One Health) và Hội Y tế công cộng Việt Nam...
PGS.TS.Hoàng Thị Thu Hà, một trong những học trò của GS.Phùng Đắc Cam. Ảnh: Trung tâm Truyền thông Bộ Khoa học Công nghệ. |
“Phải sống cùng người dân, cùng họ trải qua ngày mưa ngày nắng, thấm thía cái vất vả nhọc nhằn thì mới đóng góp cho đất nước được”, GS.Phùng Đắc Cam nói về lý tưởng của mình.
Ở tuổi 70, hành trình khoa học của ông đã gắn bó với nhiều miền đất, và cuối cùng vẫn luôn hướng về quê nhà, đem những tiến bộ của khoa học thế giới, những chuyên gia có tài có tâm đến với Việt Nam, cũng như đưa những nhà khoa học Việt Nam ra thế giới. Ông đã, đang và sẽ tiếp tục truyền cho thế hệ trẻ những cảm hứng, trải nghiệm vô giá mà đất nước và con người Thụy Điển đã dành cho mình.
Đã có giải pháp trị ung thư dựa vào hệ miễn dịch từ nghiên cứu đoạt giải Nobel Y học 2018 TĐO - Giáo sư James Allison người Mỹ và Nhà miễn dịch học Tasuku Honjo người Nhật đã được trao giải Nobel y học năm ... |
Người trẻ nhất từng đoạt giải Nobel Malala trúng tuyển Đại học Oxford TĐO - Malala Yousafzai, người giành giải Nobel Hòa bình vào năm 2014 vừa nhận được thông báo trúng tuyển từ Lady Margaret Hall, trường ... |
Đây là công cụ giúp xóa đói giảm nghèo từng được Nobel hòa bình nhưng ít người biết đến Nghiên cứu được đăng trên tạp chí chuyên ngành B.E Journal of Economics cho thấy chỉ cần tăng 10% tổng danh mục cho vay cho ... |