Thống kê tập trung

Một chữ dâng đời

2024-12-20 20:12:40
Cộng đồng người Việt Nam tại Romania đón Xuân Quê hương 2023
Tết Cộng đồng chào Xuân Quý Mão 2023 đầm ấm cho người Việt tại Hy Lạp
Ảnh: KT

Chữ “Trung” đã Việt hóa từ lâu. Nó nhiều nghĩa. Cả cao sâu trong kinh sách và cả thông dụng trong đời sống. Năm nay tự ngẫm đôi điều về nghĩa “Trung dung” và “Trung chính” để ứng với đối ngoại và đối nội.

Đối ngoại trung dung

Theo đạo Nho, Trung là: không thái quá, không bất cập, không lệch về phía nào, không dựa vào ai. Dung là: không thay đổi, vững lập trường ngay thẳng, đúng đạo lý.

Người xưa nói: quân tử nên Trung dung để tránh rơi vào cực đoan, thiên lệch, bất cập; tránh bị thái quá, hay thay đổi, không nhất quán. Trung dung khi đạt đến “chí trung hòa” nghĩa là sự trung hòa cao độ. Lấy vững vàng, mạch lạc để ứng xử, đối sách với những tình huống phức tạp, chưa rõ ràng, ngổn ngang, nhiều lôi kéo, cám dỗ... Trong bối cảnh thế giới luôn thay đổi về trật tự, quan niệm, quyền lực... Nhiều xu hướng, nhiều tranh giành, nhiều nhân tố manh nha, phát tác hoặc trỗi dậy, hoặc biến thái... xuất hiện hoặc mất đi hay chuyển đổi… rất khó đoán. Sự tương tác, va chạm, giằng co... làm nảy sinh nhiều tình huống, cục diện mới... khiến cho sự đánh giá và đưa ra quyết định lớn nhỏ thường khó. Những năm dịch bệnh và xung đột vừa qua đã chứng minh điều này.

Trong sân chơi toàn cầu không cho phép ai bỏ cuộc hay “bất động”. Ở những việc trực tiếp tác động tới mình với tư cách chủ thể thì đương nhiên ta phải chủ động giải quyết và thường là đã có phương án, công thức và được dự báo. Nhưng những việc ta chỉ là khách thể, là đối tượng liên quan thì phải trả lời câu hỏi “ăn làm sao, nói làm sao bây giờ"? Đạo trung dung chỉ rõ rồi. Chính sách đối ngoại của Việt Nam cũng đã định: Độc lập, tự chủ; không theo nước này để chống nước kia; tôn trọng độc lập, chủ quyền của mỗi nước; thượng tôn luật pháp, công ước quốc tế; hòa bình, hữu nghị, bình đẳng và hợp tác...

Việc còn lại là kiên định, sáng suốt, linh hoạt vận dụng... những chính sách đó vào từng hoàn cảnh… Thế cuộc dẫu bể dâu, lòng người có nghiêng đảo thì đạo trung dung vẫn cho ta vững vàng, tỏa sáng để đi lên.

Đối nội trung chính

Trung chính là làm cho ngay thẳng; cứ ngay thẳng mà làm. Lẽ ngay thẳng là theo đạo lý, công tâm, bình tĩnh mà xét. Với tình hình trong nước, có lẽ nên cầu cho chữ này.

Dân ta đang tin tưởng, vui mừng và đồng lòng với nước nhà vì nhiều lẽ. Vẻ như nguồn cảm hứng lớn nhất là kết quả và quyết tâm trong chống tham nhũng. Đường đang đúng, quả đang thành bởi lòng dân, đạo trời cũng là ý Đảng. Vậy cần trung kiên, quyết tâm giữ vững, dốc sức tiến lên. Trung chính còn có nghĩa phải công tâm, sáng suốt, quân bình. Ứng dụng ở đây là trong việc làm sạch, thậm chí cắt bỏ cũng cần có lắng nghe, động viên, tháo gỡ. Cụ thể là chống tham nhũng đồng thời có chính sách thích hợp để gỡ bỏ tâm lý: “không dám làm” vì làm dễ bị sai. Sự sai không hẳn do trục lợi. Mà có thể do cơ chế, chính sách, quy định chưa tốt.

Bên cạnh chống phải có xây. Chống tham nhũng để xây dựng lòng tin ở dân, ở bộ máy, ở đối tác và quốc tế. Xây dựng văn hóa chính trị ở mỗi vị quan chức hay sắp là quan chức. Xây dựng bộ máy ngày một sạch hơn. Chống tham nhũng cũng là vừa răn đe vừa tạo nhận thức, hối cải, mở đường “chạy lại”, quay về chỗ sáng.

Lẽ trung chính cũng cần được hiểu trong việc quan tâm tới nhu cầu, quyền lợi nhân dân, doanh nghiệp. Khó khăn sau đại dịch, ảnh hưởng kinh tế toàn cầu, khiến nhiều doanh nghiệp và người lao động thấm mệt… Chính sách đất đai; giải phóng, đền bù đất đai cho nông dân hay thị dân vẫn đang là những việc dễ gây tổn thương xã hội nhất. Sự quan tâm đúng mức, chân thành cho những vấn đề trên ắt sẽ nhận được hưởng ứng của lòng người. Đó cũng là cái đích muôn đời của cuộc sống.

Tết vừa quen, vừa lạ với người nước ngoài tại Việt Nam
Cộng đồng người Việt Nam tại Romania đón Xuân Quê hương 2023
Top