Một nhóm trẻ em di cư trên đảo Lesbos (Hy Lạp) hồi năm 2015. (Ảnh: IOM)
Thống kê trên được đưa ra trong báo cáo của UNICEF về người tị nạn và người di cư hôm 17/5. Theo báo cáo, những kẻ buôn người thường "buôn bán trẻ em, đôi khi giống như một dạng nô lệ thời hiện đại" và buộc nhiều em phải làm việc mà các em không muốn hoặc làm không công.
Cũng trong báo cáo, UNICEF cho biết trong giai đoạn 2015-2016, có khoảng 170.000 trẻ em xin tị nạn ở châu Âu. Hầu hết trong số này đều vượt biển Địa Trung Hải từ Libya, tới Italia hồi năm ngoái. Trong năm nay, trẻ tị nạn và di cư thường đến châu Âu mà không có người lớn đi kèm.
UNICEF nhận định rằng nhóm trẻ em tị nạn và di cư tự mình vượt biên đang ngày càng tăng mạnh về số lượng, đồng thời đặc biệt dễ bị bóc lột hoặc lạm dụng. Chính vì thế, đây là nhóm đối tượng cần được bảo vệ mạnh mẽ hơn.
"Bị cưỡng đoạt, không được bảo vệ và thường đi một mình, trẻ em di cư và tị nạn có thể trở thành nạn nhân của nạn buôn người cũng như những kẻ lạm dụng và bóc lột các em" - báo cáo của UNICEF nhấn mạnh.
Cơ quan của Liên Hợp Quốc cảnh báo rằng trẻ em di cư và tị nạn thường bị bỏ rơi trong điều kiện "không thể chấp nhận được". Vì thế một số em buộc phải sống lang thang trên đường phố, đôi khi phải hành nghề mại dâm hoặc phạm tội vặt để kiếm tiền trả cho những kẻ buôn người, tiếp tục hành trình di cư.
Dựa trên báo cáo, UNICEF đã kêu gọi nhóm 7 nước có nền công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) cam kết bảo vệ quyền lợi cho trẻ di cư và tị nạn bằng cách chấm dứt tình trạng tạm giữ trẻ em, tăng cường nỗ lực đoàn tụ gia đình, đảm bảo quyền được đi học và chăm sóc sức khỏe cho các em.
Hiện, có 4 quốc gia thuộc G7 là thành viên của Liên minh châu Âu (EU). Tính riêng trong các năm 2014-2016, số người tị nạn và người nhập cư từ Trung Đông, châu Phi vượt biển tới các nước này là khoảng 1,6 triệu người.
Hồng Anh
Nguồn bài viết : Quán bar & câu lạc bộ