Quốc hiệu Việt Nam

2025-01-17 19:49:34
Tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Anh
Nâng cao hiệu quả dạy tiếng Việt cho trẻ em Việt Nam ở nước ngoài

Canh giữ cột mốc chủ quyền thiêng liêng trên đảo Trường Sa (Ảnh: Kiên Định).

Quan niệm phổ biến từ trước và nhiều kết quả nghiên cứu gần đây thường khẳng định quốc hiệu Việt Nam xuất hiện từ đầu thời Nguyễn, bởi vì chính sử của cả nước ta và Trung Quốc đều ghi nhận cụ thể việc này. Năm 1802, sau khi lên ngôi, Nguyễn Ánh (vua Gia Long) phái hai đoàn sứ giả sang Trung Quốc.

Một đoàn do Thượng thư Bộ Hộ là Trịnh Hoài Đức làm Chánh sứ, đem trao trả lại sách ấn mà triều Thanh phong cho nhà Tây Sơn. Đoàn kia do Thượng thư Bộ Binh là Lê Quang Định làm Chánh sứ, xin phong vương cho Nguyễn Ánh và xin đặt quốc hiệu là Nam Việt. Lời quốc thư của Nguyễn Ánh có đoạn: “... Mấy đời trước mở đất viên giao càng ngày càng rộng, gồm cả nước Việt Thường và nước Chân Lạp, đặt quốc hiệu là Nam Việt, truyền nối hơn hai trăm năm. Nay tôi lấy hết cõi Nam, có toàn miền đất Việt, nên theo hiệu cũ để chính quốc danh...”.

Cũng năm 1802, nhà Thanh chuẩn danh xưng quốc hiệu nước ta là Việt Nam. Nhưng đến năm Gia Long thứ 3 (năm 1804), sứ giả nhà Thanh là Tề Bố Sâm mới mang cáo sắc, quốc ấn đến Thăng Long để làm lễ phong vương cho Nguyễn Ánh. Như vậy, mặc dù được công nhận từ năm 1802, nhưng phải đến năm 1804 quốc hiệu Việt Nam mới được chính thức thừa nhận hoàn toàn về mặt ngoại giao.

Giữa hai mốc thời gian này, có nhiều cuộc đi lại, tranh luận, hội đàm khá phức tạp giữa hai triều đình Nguyễn - Thanh, bởi vì nhà Nguyễn muốn lấy quốc hiệu nước ta là Nam Việt như hồi các chúa Nguyễn khởi nghiệp, nên không bằng lòng ngay với sự đổi thành Việt Nam của nhà Thanh. Trong cuốn “Nước Đại Việt Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa”, tác giả người Nhật Bản Yoshiharu Tsuboi căn cứ vào kết quả nghiên cứu của nhà Đông phương học Chusei Suzuki cũng khẳng định điều đó: “Năm 1803, có những cuộc thương thảo rất quan trọng về quốc hiệu dưới triều Nguyễn: Nam Việt hay Việt Nam”.

Sở dĩ nhà Thanh muốn sửa Nam Việt thành Việt Nam là vì hai lý do. Thứ nhất, trong lịch sử Trung Quốc từng có Triệu Đà nổi dậy cát cứ, lập ra nước Nam Việt, tự xưng là Hoàng đế; các triều đại trung ương ở Trung Quốc đều không thừa nhận nước Nam Việt, nhà Thanh cũng vậy và không muốn bị gợi lại quá khứ kém hùng mạnh ấy. Thứ hai (lý do này mới quan trọng!), Nam Việt - theo cách hiểu truyền thống - có thể gồm cả miền đất nước ta và các xứ Việt Đông, Việt Tây (tức Quảng Đông, Quảng Tây) của Trung Quốc, nên nếu đặt làm quốc hiệu nước ta, sau này sẽ gây rắc rối về mặt lãnh thổ.

Quốc thư phúc đáp của vua Thanh gửi vua Nguyễn đã tế nhị trình bày lý do đó và khéo léo chuẩn danh xưng quốc hiệu nước ta là Việt Nam: “... Lúc trước có đất Việt Thường đã xưng là nước Nam Việt, nay có cả đất An Nam, xét ra cho kỹ, thì nên gộp cả đất đai trước sau mà đặt danh hiệu tốt. Vậy, định lấy chữ “Việt” để trên, tỏ việc giữ đất cũ mà nối nghiệp trước; lấy chữ “Nam” đặt dưới, tỏ việc mở cõi Nam giao mà chịu quyền mệnh mới. Như thế thì danh xưng chính đại, nghĩa chữ tốt lành, so với hai đất Việt nước Tàu khác nhau xa lắm...”.

Thực ra, không phải đến tận đầu thời Nguyễn thì cái tên Việt Nam mới xuất hiện và có xuất xứ như vậy. Tên gọi Việt Nam được biết đến ít nhất từ thế kỷ XIV, thường thấy trong nhiều thư tịch đương thời: “Việt Nam thế chí” của Hồ Tông Thốc, “Dư địa chí” của Nguyễn Trãi, “Trình tiên sinh quốc ngữ văn” của Nguyễn Bỉnh Khiêm, “Vân đài loại ngữ” của Lê Quý Đôn, “Lịch triều hiến chương loại chí” của Phan Huy Chú... Nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải cũng sưu tầm được các văn bia (với niên đại đều trước thế kỷ XVIII) có khắc tên gọi “Việt Nam” tại những địa điểm khác nhau ở miền Bắc như bia chùa Bảo Lâm (có từ năm 1558, tại Chí Linh, Hải Dương), bia chùa Cam Lộ (1590, Phú Xuyên, Hà Nội), bia chùa Phúc Thánh (1664, Quế Võ, Bắc Ninh), bia Thủy Môn Đình (1670, Đồng Đăng, Lạng Sơn); trong đó, bia chùa Bảo Lâm và Thủy Môn Đình đã bị thất lạc, hiện chỉ còn bản dập tại Viện Nghiên cứu Hán - Nôm.

Tên gọi Việt Nam có lẽ mang ý nghĩa kết hợp nòi giống và vị trí cư trú địa lý của dân tộc ta (Việt Nam - nước của người Việt ở phía Nam), thể hiện niềm tự tôn, tinh thần độc lập và phủ nhận sự áp đặt, miệt thị của người Trung Quốc. Tuy nhiên, nó chưa thể trở thành quốc hiệu vì chưa được các triều đại phong kiến nước ta tuyên bố hoặc ghi nhận bằng pháp luật.

Tên gọi Việt Nam lần đầu tiên chính thức trở thành quốc hiệu của nước ta vào năm 1792 (chứ không phải vào đầu thời Nguyễn). Nó được xác lập bởi một văn bản pháp lý quan trọng (chiếu) của Nhà nước Tây Sơn, niên hiệu Quang Trung thứ 5 và đã được thông báo cho nhà Thanh (Trung Quốc). Trong “Dụ Am văn tập” của Phan Huy Ích có chép nguyên bản bài “Tuyên cáo về việc đặt quốc hiệu mới” của vua Quang Trung (Nguyễn Huệ) vào mùa xuân năm Nhâm Tý 1792 như sau:

“Xuống chiếu cho thần dân trong thiên hạ đều biết:

Trẫm nghĩ, xưa nay các bậc đế vương dựng nước, ắt có đặt quốc hiệu để tỏ sự đổi mới, hoặc nhân tên đất lúc mới khởi lên, hoặc dùng chữ nghĩa tốt đẹp, xét trong sử sách chứng cớ đã rõ ràng. Nước ta: sao chùa Dực, Chẩn, cõi Việt hùng cường. Từ lâu đã có tên Văn Lang, Vạn Xuân còn thô kệch. Đến thời Đinh Tiên Hoàng gọi là Đại Cồ Việt nhưng người Trung Quốc vẫn gọi là Giao Chỉ. Từ thời Lý về sau, quen dùng tên An Nam do nhà Tống phong cho ngày trước. Tuy thế, vận hội dù có đổi thay nhưng trải bao đời vẫn giữ theo tên cũ, thực là trái với nghĩa chân chính của việc dựng nước vậy. Trẫm nối nghiệp xưa, gây dựng cơ đồ, bờ cõi đất đai rộng nhiều hơn trước. Xem qua sổ sách, trẫm xét núi sông nên đặt tên tốt để truyền lâu dài... Ban đổi tên An Nam làm nước Việt Nam, đã tư sang Trung Quốc biết rõ.

Từ nay trở đi, cõi Viêm bang bền vững, tên hiệu tốt đẹp gọi truyền, ở trong bờ cõi đều hưởng phúc thanh ninh.

Vui thay, cõi Xuân Thu nhất thống đã truyền khắp bốn phương, gồm ân huệ lâu dài đều hưởng, còn nhiều muôn phúc.

Vậy, nay bá cáo rộng khắp để mọi người đều biết.

Nay chiếu”.

Tuy nhiên, vương triều Tây Sơn tồn tại khá ngắn ngủi, lại gặp nhiều phức tạp nội bộ nên quốc hiệu mới Việt Nam chưa được dùng phổ biến. Tính đến nay, chúng ta cũng chưa tìm thấy sử liệu đáng kể nào nói về phản ứng của các nước ngoài (nhất là nhà Thanh - Trung Quốc) với việc đổi quốc hiệu này.

Trong lịch sử nước ta, có một hiện tượng rất thú vị là quốc hiệu và tên gọi đất nước (quốc danh) thường không thống nhất. Chẳng hạn, năm 1054, nhà Lý đổi quốc hiệu là Đại Việt, quốc hiệu đó liên tục tồn tại đến hết đời Trần (1400), thế nhưng chiếu nhường ngôi của Lý Chiêu Hoàng cho Trần Cảnh ngày 10-1-1226 lại mở đầu bằng câu: “Nước Nam Việt ta từ lâu đã có các đế vương trị vì”. Nhà Hồ (1400 - 1407) đổi quốc hiệu là Đại Ngu (sự yên vui lớn), nhưng đa số dân chúng vẫn gọi Đại Việt, còn người Trung Quốc gọi Giao Chỉ. Thế kỷ XV, trong “Dư địa chí”, Nguyễn Trãi có viết: “Vua đầu tiên là Kinh Dương Vương, sinh ra có đức của bậc thánh nhân, được phong sang Việt Nam làm tổ Bách Việt”, nhưng trong “Bình Ngô đại cáo” ông lại viết: “Như nước Đại Việt ta từ trước, vốn xưng nền văn hiến đã lâu”. Đời Gia Long (trị vì năm 1802 - 1820), quốc hiệu là Việt Nam, nhưng một bộ phận dân chúng vẫn quen gọi Đại Việt, còn người Trung Quốc và phương Tây thường gọi An Nam...

Sau khi lên nối ngôi vua Gia Long, vua Minh Mạng cho đổi quốc hiệu là Đại Nam (cuối năm 1838), cái tên Việt Nam không còn thông dụng như trước nữa. Tuy nhiên, từ cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, hai tiếng Việt Nam được sử dụng trở lại bởi các nhà sử học và chí sĩ yêu nước, trong nhiều tác phẩm và tên tổ chức chính trị: Phan Bội Châu viết “Việt Nam vong quốc sử” (năm 1905) rồi cùng Cường Để thành lập Việt Nam Công hiến hội (1908), Việt Nam Quang phục hội (1912); Phan Châu Trinh viết “Pháp - Việt liên hiệp hậu chi Tân Việt Nam” (1914), Trần Trọng Kim viết “Việt Nam sử lược” (1919); Nguyễn Ái Quốc thành lập Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội (1925) và Việt Nam Độc lập Đồng minh hội (1941)...

Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp, trao chính quyền hình thức cho Bảo Đại. Vua Bảo Đại đổi lại quốc hiệu từ Đại Nam thành Việt Nam. Ngày 19/8/1945, Cách mạng Tháng Tám thành công, Bảo Đại thoái vị. Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Hiến pháp năm 1946 chính thức thể chế hóa danh hiệu này. Từ đấy, quốc hiệu Việt Nam được sử dụng phổ biến, với đầy đủ ý nghĩa thiêng liêng, toàn diện nhất của nó.

Tăng cường hiểu biết về mối quan hệ Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia
Qua hội nghị tuyên truyền và các phần thi hỏi - đáp, cán bộ, hội viên phụ nữ thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Củ Chi tăng cường hiểu biết về ý nghĩa lịch sử, tầm quan trọng của mối quan hệ Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia.
Hợp tác du lịch Việt Nam - Lào sôi động, hiệu quả
Hợp tác du lịch giữa hai nước Việt Nam - Lào những năm qua diễn ra sôi nổi, sinh động, góp phần quan trọng vào sự phát triển của mỗi nước trong giai đoạn mới. Nhiều du khách Việt Nam và Lào quan tâm tìm hiểu du lịch lịch sử, điều này giúp nhân dân hai nước hiểu thêm mối quan hệ đặc biệt giữa hai dân tộc.

Nguồn bài viết : Bóng đá TBN

Top