Điện Kremlin: Pháo đài quyền lực và huyền bí giữa lòng Moskva

2025-01-17 19:49:32
Ngày Việt Nam tại Đại học ngôn ngữ quốc gia Moskva
Tàu điện ngầm Moskva: kỳ quan nghệ thuật dưới lòng đất

Pháo đài lớn nhất châu Âu

Trong tiếng Nga, "Kremlin" có nghĩa là "Pháo đài trong một thành phố". Mỗi thành phố ở Nga đều có một pháo đài riêng, nhưng Điện Kremlin ở Moskva là pháo đài nổi tiếng nhất trên thế giới và là pháo đài lớn nhất đến nay còn hoạt động ở châu Âu.

Điện Kremlin.

Quần thể Điện Kremlin có tổng diện tích 28ha, tọa lạc trên đồi Borovitskii. Nơi này được ngăn cách bởi một con hào dài 30m và bức tường thành bao quanh được ốp bằng gạch đỏ. Nằm ở trung tâm quần thể là Đại Cung điện Kremlin có chiều dài 125m, cao 47m với tổng diện tích sàn là 25.000 m2. Đây là sự kết hợp tinh tế giữa phong cách kiến trúc Nga cổ và các yếu tố phong cách thời Phục Hưng và Baroque. Mặt tiền của cung điện được trang trí với các tông màu vàng cam, xanh ngọc và trắng, tạo nên vẻ sang trọng và vương giả.

Ngôi sao trên đỉnh tháp điện Kremlin được làm từ thủy tinh ruby và đồng dát vàng.

Bên trong Đại Cung điện, không gian lộng lẫy với những sảnh lớn được trang trí cầu kỳ, trần nhà cao, các chi tiết mạ vàng và những tấm thảm đỏ sang trọng, tạo nên không khí trang nghiêm và hoành tráng.

Quần thể Điện Kremlin cũng bao gồm nhiều công trình nổi bật khác như Cung điện Teremnoi, Nhà thờ Dormition, Tháp chuông Ivan Đại đế… Năm 1990, quần thể Điện Kremlin đã được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới, khẳng định tầm quan trọng của nó không chỉ với Nga mà còn với toàn nhân loại.

Nội thất bên trong Đại Cung điện Kremlin.

Trung tâm quyền lực của nước Nga

Ngày nay, Điện Kremlin không chỉ là di sản văn hóa, mà còn đóng vai trò trọng yếu trong đời sống chính trị của Nga. Đây là nơi làm việc chính thức của Tổng thống Nga và các cơ quan cấp cao của Nga đều đặt văn phòng tại cung điện này. Điện Kremlin cũng là nơi tổ chức các sự kiện lớn mang tầm quốc tế. Các cuộc gặp thượng đỉnh giữa Nga và các cường quốc thế giới thường được diễn ra tại đây.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đại biểu dự Đại hội Đảng Cộng sản Liên Xô lần thứ XXII tại Điện Kremlin, tháng 10/1961 (Nguồn: Tài liệu lưu trữ Bộ Ngoại giao).

Điện Kremlin còn là nơi diễn ra các buổi lễ quan trọng của quốc gia. Mỗi lần Tổng thống Nga nhậm chức, buổi lễ long trọng đều được tổ chức tại đây, dưới sự chứng kiến của các quan chức cấp cao và giới truyền thông toàn cầu. Điện Kremlin, với vẻ uy nghiêm và quyền lực của nó, không chỉ là chứng nhân của các sự kiện lớn trong lịch sử mà còn là biểu tượng của quyền lực chính trị vĩnh cửu.

Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ thứ 4 tại Điện Kremlin ngày 7/5/2018. (Ảnh: Reuters)

Điện Kremlin dưới bom đạn chiến tranh

Trước thiên niên kỷ II trước Công nguyên, quanh khu vực Điện Kremlin không có dấu tích người sinh sống. Năm 1147, khi khu dân cư đầu tiên sinh sống tại đây thì Điện Kremlin đã được xây dựng như một tòa thành bảo vệ người dân, chống lại các cuộc tấn công từ bên ngoài.

Quang cảnh Moskva nhìn từ ban công của Điện Kremlin về phía cầu Moskvoretsky (Tranh của J. Delabart vẽ năm 1797)

Năm 1156, tại khu vực Điện Kremlin ngày nay, người Nga đã xây dựng những công trình phục vụ quân sự đầu tiên - Pháo đài Kremlin với chiều dài lên đến hơn 700m. Từ cuối thế kỷ 13 đến thế kỷ 15, cung điện bị hư hại bởi chiến tranh cùng sự bào mòn của thời gian dẫn đến các cuộc trùng tu liên tục.

Vào năm 1812, sau cuộc tấn công mạnh mẽ của quân đội Napoleon Bonaparte, hai toà thành là Moskva và Điện Kremlin đã bị người Pháp chiếm đóng. Tuy nhiên, một thời gian ngắn sau, đứng trước sự phản công mạnh mẽ của Nga cùng phe đồng minh, Napoleon buộc phải rút quân khỏi Nga và trao trả lại tất cả những thành phố và thuộc địa bị chiếm đóng trước đó.

Trước khi rời đi, Napoleon đã ra lệnh đặt mìn để phá huỷ hoàn toàn Điện Kremlin. Mặc dù phần lớn lượng thuốc nổ đã không hoạt động nhưng những tổn thất sau sự tàn phá này rất nặng nề.

Điện Kremlin từng bị phá huỷ bởi quân đội của Napoleon Bonaparte năm 1812.

Đến giữa thế kỷ 18, Điện Kremlin đã được khởi công xây dựng lại và tồn tại gần như nguyên vẹn sau Thế chiến thứ II và nhiều biến cố, thử thách trong suốt các thế kỷ sau đó. Trong Thế chiến thứ II, các nhà chức trách đã thực hiện mọi biện pháp để ngụy trang, khiến Điện Kremlin trông giống như một khu dân cư bình thường. Lăng Lenin được ngụy trang dưới một căn lều gỗ khổng lồ và thi hài của nhà lãnh đạo cũng được âm thầm đưa khỏi thủ đô Moskva.

Dự án ngụy trang Điện Kremlin của Boris Iofan. (Ảnh: Russia Beyond)

Nơi lưu giữ những bảo vật hoàng gia

Nằm trong Điện Kremlin, Bảo tàng Vũ khí Kremlin là một trong những bảo tàng lâu đời nhất của Moskva. Năm 1508, tòa nhà này có nguồn gốc là kho vũ khí của hoàng gia phụ trách sản xuất và lưu trữ vũ khí. Nơi đây từng lưu giữ các bộ sưu tập pháo lớn nhất trên thế giới vào thời điểm đó. Năm 1851, Bảo tàng Vũ khí Kremlin được xây dựng nhằm lưu giữ những bảo vật, hiện vật có giá trị văn hóa và lịch sử to lớn, bao gồm những vật phẩm được cung cấp từ cung điện và các món quà tặng cho Hoàng đế Nga.

Những bộ lễ phục quý giá và tranh thêu trưng bày tại bảo tàng.

Năm 1955, khi Điện Kremlin chính thức mở cửa cho công chúng, Bảo tàng Vũ khí Kremlin mới bắt đầu đón khách tham quan và thu hút hàng triệu lượt du khách mỗi năm. Tuy nhiên du khách chỉ được vào tham quan khuôn viên và khu bảo tàng, giáo đường chứ không được đi vào các cơ quan mật của nhà nước.

Bảo tàng Vũ khí Kremlin thu hút hàng triệu lượt du khách mỗi năm.

Bảo tàng có 9 sảnh, mỗi sảnh lưu giữ các bảo vật khác nhau. Trong đó, sảnh 1 và 2 trưng bày đồ vật quý bằng vàng, bạc từ thế kỷ 12 đến đầu thế kỷ 20; sảnh 3 lưu giữ vũ khí trong các nghi lễ châu Âu và phương Đông; sảnh 4 là vũ khí của Nga từ thế kỷ 12 đến 19...

Hiện Bảo tàng Vũ khí Kremlin lưu trữ khoảng 8.000 bộ áo giáp và các tác phẩm nghệ thuật của Nga và nước ngoài. Bảo tàng cũng là nơi trưng bày xe ngựa hoàng gia, tranh sơn dầu, bộ sưu tập số học, vương miện, ngai vàng, quyền trượng của Sa hoàng…

Bảo tàng trưng bày các bộ giáp chiến đấu.

Quả chuông và khẩu pháo lớn nhất thế giới

Chuông Sa hoàng được ghi nhận là quả chuông lớn nhất thế giới.

Chuông Sa hoàng, còn được gọi là Tsarsky Kolokol hay Chuông Hoàng gia cao 6.14m và đường kính 6.6m, được ghi nhận là quả chuông lớn nhất thế giới. Chiếc chuông được làm ra theo yêu cầu của Hoàng hậu Anna Ivanovna, cháu gái của Peter Đại đế. Ngày nay, du khách có thể đến Điện Kremlin để chiêm ngưỡng trực tiếp chiếc chuông khổng lồ này cũng như tìm hiểu về nét đẹp trong nghệ thuật tạc chuông và giá trị lịch sử quý báu.

Khẩu pháo Tsar Cannon là khẩu pháo lớn nhất thế giới. (Ảnh: Expedia)

Bên cạnh đó, Điện Kremlin cũng tự hào là nơi lưu giữ khẩu pháo lớn nhất thế giới. Được biết đến với tên gọi là Tsar Cannon với kích thước khổng lồ và hoạ tiết tinh xảo nhưng khẩu pháo này lại chưa hề được sử dụng trong chiến tranh.

Việt Nam chia buồn về vụ tấn công khủng bố ở Moskva (Nga)
Quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đã gửi điện chia buồn đến Tổng thống Nga Vladimir Putin về vụ tấn công khủng bố tại trung tâm thương mại Crocus, Moskva khiến nhiều người thiệt mạng và bị thương.
Giải cứu 12 người Việt ở hiện trường vụ tấn công tại Moskva (Nga)
Ngay sau khi nhận được thông tin về vụ tấn công khủng bố tại Crocus City Hall, ngoại ô Moskva, Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga đã triển khai ngay công tác bảo hộ công dân, cử người đến hiện trường và từ đêm cho đến 5h ngày 23/3 đã giải cứu được 12 người Việt, đưa họ về nhà an toàn.

Nguồn bài viết : TP Trực Tuyến

Top