Gõ cửa “thiên đường” siêu thâm canh

2025-01-17 19:49:28

Ông Lê Anh Xuân, giám đốc công ty TNHH sản xuất và thương mại Trúc Anh (xã Vĩnh Trạch, TP Bạc Liêu) đi Mỹ mười ngày (tháng 9.2014) để tận mắt thấy mô hình nuôi tôm thâm canh – sản lượng 300 tấn/ha. Trong khi đó ở bán đảo Cà mau, mô hình nuôi công nghiệp – bán công nghiệp chỉ đạt từ 10 – 20 tấn/ha. Thử hỏi ông mơ ước gì?

Ông Xuân tính toán, thay vì cần 7.000ha để nuôi tôm theo cách cũ thì chỉ cần ứng dụng công nghệ mới vào 100ha là đã có sản lượng tương đương. Tính toán là vậy nhưng theo ông: “Phải chờ cho đội hình nuôi thâm canh ở Bạc Liêu xuất hiện nhiều hơn”.

Những khởi động tại Bạc Liêu

Một công ty khác ở xã Vĩnh Trạch Đông, TP Bạc Liêu cũng đã triển khai thực hiện mô hình nuôi tôm thẻ mật độ từ 250 – 366 con/m2, thời gian nuôi trong ba tháng, kích cỡ tôm đạt từ 25 – 40 con/kg. Năng suất đạt từ 150 – 200 tấn/ha/năm.

Tới khi công ty CP Việt – Úc Bạc Liêu (thuộc tập đoàn Việt Úc) tại ấp Vĩnh Lạc (xã Vĩnh Thịnh, huyện Hoà Bình, Bạc Liêu) khởi động mô hình “Nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kính” (tháng 3.2015), giải pháp cho việc nâng cao chuỗi giá trị ngành hàng này có vẻ đã có lối thoát.

Công ty CP Việt – Úc Bạc Liêu cung cấp cho thị trường Việt Nam, từ Cà Mau đến Quảng Ninh, trên 15 tỉ con giống trong năm 2014, chiếm gần 1/4 nhu cầu tôm giống tại Việt Nam. Tiềm lực của cả tập đoàn Việt – Úc có thể đạt 40 tỉ con giống/năm. Điều đáng nói là lời bảo đảm cung cấp giống sạch, khoẻ để bảo đảm cho bước triển khai ứng dụng công nghệ siêu thâm canh.

Ông Lương Phú Sĩ, phó chủ tịch – phó tổng giám đốc phụ trách phát triển kinh doanh công ty CP Việt – Úc Bạc Liêu cho biết, tại Bạc Liêu quy mô diện tích nuôi thâm canh 50ha, được chia làm 414 ao nuôi, mỗi ao rộng 500m2, mật độ thả giống từ 200 – 500 con/m2, tổng vốn đầu tư 180 tỉ đồng. Trong giai đoạn 1, công ty CP Việt – Úc Bạc Liêu tổ chức thả nuôi 90 ao.

Theo ông Sĩ, dự án nuôi tôm thương phẩm siêu thâm canh công nghệ cao trong nhà kính, được triển khai sau khi công ty CP Việt – Úc Bạc Liêu và các chuyên gia viện CSIRO chủ động tạo ra nguồn giống tốt, thích ứng điều kiện Việt Nam. Công nghệ nuôi tôm nhà kính Israel và công nghệ chọn tạo giống chuyển giao từ viện CSIRO, đại học Wales Swansea bảo đảm cho chương trình chọn giống theo di truyền, đa dạng hoá chủng loại nước ngọt của tập đoàn này. Không chỉ là tôm giống, một số giống thuỷ sản có giá trị thương mại khác cũng đang được các chuyên gia nghiên cứu để thay thế nguồn nhập khẩu.

Đến thời của công nghệ vượt trội

Một dự án nuôi tôm thương phẩm khác của công ty CP Việt – Úc Bạc Liêu có vốn đầu tư dự kiến là 500 tỉ đồng, quy mô 350 ha, sản lượng từ 100 – 300 tấn/ha mặt nước nuôi/năm tại ấp Cồn Cống, xã Phú Tân, huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang cũng được biết đến đồng thời với mục tiêu phát triển 1.000ha nuôi tôm theo siêu thâm canh trong nhà kính ở Bạc Liêu, biến nơi này thành đầu tàu chuyển hướng nuôi sang hướng sạch, siêu thâm canh.

Bạc Liêu được “trời phú” bốn cửa biển lớn là Gành Hào, Chùa Phật, Cái Cùng và Nhà Mát và nhiều nguồn lợi, nhưng đã đến lúc phải có sự can thiệp của công nghệ để tạo bước nhảy vọt. Trong cách nói của ông Sĩ và các nhà đầu tư tâm huyết cho hướng nuôi tôm sạch, đầu tư và ứng dụng các công nghệ vượt trội “tới nơi tới chốn” vào tất cả các phân khúc của chuỗi giá trị (từ chương trình tôm bố mẹ, đến con giống, thức ăn, nuôi và chế biến xuất khẩu…) Bạc Liêu không giấu giếm tham vọng trở thành trung tâm giống thuỷ sản hàng đầu của cả nước.

Lâu nay gần 200 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh con giống trong hiện tại có thể cung cấp lượng con giống để đẩy diện tích nuôi thuỷ sản từ 60.000ha (năm 1998), lên 127.833ha (năm 2015), đã đến lúc phải có sự “bảo lãnh” của công nghệ vượt trội. Từ các trụ cột ứng dụng công nghệ cao, doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản Bạc Liêu không chỉ đứng trong top 10 của cả nước về giá trị xuất khẩu và chất lượng vàng, mà còn bảo đảm chỉ số hạnh phúc cho các tác nhân tham gia chuỗi giá trị ngành hàng này.

Hoàng Lan-TGTT

Nguồn bài viết : Baccarat Casino

Top