Trong khuôn khổ chuyến thăm, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã có cuộc hội đàm với Quốc vụ khanh Bộ Giáo dục Anh, ông Nick Gibb. Tại cuộc họp, hai bên đã thảo luận hợp tác trong lĩnh vực giáo dục đại học như hợp tác tập huấn bồi dưỡng cho cán bộ quản lý giáo dục, tập huấn nâng cao năng lực quản trị đại học cho cán bộ quản lý giáo dục, tăng cường ứng dụng CNTT (các phần mềm chuyên dụng) trong quản trị đại học, hợp tác trong lĩnh vực đào tạo giảng viên, tăng cường liên kết đào tạo giữa các cơ sở giáo dục đại học của hai nước.
Tại hội đàm, Quốc vụ khanh Nick Gibb cho biết ông rất ấn tượng kết quả Chương trình đánh giá học sinh quốc tế (Pisa) của Việt Nam, phía Anh mong muốn tìm hiểu kinh nghiệm của Việt Nam về lĩnh vực này. Về phía mình, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết Việt Nam đánh giá cao giáo dục Anh, mong muốn Anh hợp tác, hỗ trợ không chỉ bậc đại học mà cả từ bậc học phổ thông, đào tạo giáo viên bậc học này, cũng như học hỏi kinh nghiệm của Anh đối với các chương trình đào đạo STEM và tiếng Anh.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng đã có buổi làm việc với ông Ciaran Devane, Giám đốc điều hành (CEO) của Hội đồng Anh. Tại cuộc gặp, hai bên đã thảo luận về hợp tác giáo dục đại học với các chủ để như đối thoại chính sách, quản trị và tự chủ đại học, đảm bảo chất lượng liên kết đào tạo, liên kết trường đại học - doanh nghiệp, thúc đẩy nghiên cứu đổi mới sáng tạo và trao đổi giảng viên, sinh viên, khởi nghiệp xã hội . Giảng dạy anh ngữ, kiểm định chất lượng đào tạo Anh ngữ và các hoạt động tương lai của Hội đồng Anh sau năm 2019.
Bộ trưởng cũng thăm và làm việc với Viện Kiểm toán, Kế toán Hoàng gia Anh, thăm bộ Thương mại Quốc tế, tham dự cuộc gặp giữa Thứ trưởng Bộ Trẻ em và Gia đình, ông Nadhim Zahawi với các Bộ trưởng giáo dục của 5 nước trong khối ASEAN: Việt Nam, Campuchia, Myanmar, Malaysia và Thái Lan.
Trước đó, đoàn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào Tạo Việt Nam do Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ dẫn đầu đã tham dự diễn đàn Giáo dục Thế giới được tổ chức tại London từ 20-23/1/2019.
Tại đây, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã có bài phát biểu ấn tượng trước hơn 550 đại biểu tham dự phiên tham luận của bộ trưởng gồm các nhà lãnh đạo giáo dục, những người quản lý và chuyên gia giáo dục trên toàn thế giới.
Trong bài phát biểu, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã thuyết trình về mối quan hệ giữa giáo viên, gia đình, học sinh và cộng đồng để tạo nên một nền giáo dục thiết thực và hiệu quả. Nói về giáo dục Việt Nam, Bộ trưởng Nhạ đã đề cập 3 khía cạnh: bình đẳng, mức độ đầu tư vào giáo dục và tính hiệu quả.
Về sự bình đẳng, Việt Nam đã làm rất tốt trong việc mở rộng mạng lưới nhà trường. Phổ cập giáo dục cấp 1 và cấp 2. Không có sự khác biệt về kết quả ở cấp 1 đối với các vùng miền. Các địa phương cũng đã có những chính sách ưu tiên, tạo cơ hội tiếp cận giáo dục cho trẻ em dân tộc và có hoàn cảnh đặc biệt. Thống kê cũng cho thấy giáo dục Việt Nam không có sự bất bình đẳng về giới tính. Đặc biệt là về tiếp cận và kết quả giáo dục.
Nói về đầu tư của nhà nước Bộ trưởng Nhạ cho biết Việt Nam chi 5.8% GDP cho giáo dục, là một trong những chính phủ có sự quan tâm lớn đối với giáo dục. Nếu tính cả đóng góp của gia đình thì con số này đạt 8% GDP cho thấy sự quan tâm đến giáo dục trong mỗi gia đình Việt Nam, đây cũng là một trong những lý giải cho sự thành công của giáo dục. Trong những năm vừa qua, đầu tư của chính phủ Việt Nam cho giáo dục ngày càng tăng, duy trì mức chi 20% tổng chi ngân sách.
Về tính hiệu quả, Việt Nam đã có sự đầu tư rất lớn nhưng con số tuyệt đối còn thấp so với các nước. Tuy nhiên Việt Nam vẫn đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Bộ trưởng Nhạ đưa ra dẫn chứng về kết quả kết quả PISA năm 2015, Việt Nam xếp thứ 8 về Khoa học, 22 về Toán học và 30 về đọc hiểu. Bên cạnh đó, phân tích về mối liên hệ giữa mức đầu tư cho học sinh ở độ tuổi 6-12 và kết quả học tập qua kì đánh giá PISA thì Việt Nam là một trong những nước được đánh giá có hiệu quả đầu tư cho giáo dục cao nhất. Không chỉ trong giáo dục đại trà, Việt Nam cũng luôn đạt kết quả cao trong giáo dục mũi nhọn. Kết quả các kì thi học sinh giỏi quốc tế về các môn khoa học của chúng ta luôn nằm trong top 10.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thừa nhận giáo dục Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức cần vượt qua như tỉ lệ học sinh bỏ học cuối cấp 2 ở các khu vực khó khăn còn cao, các em không theo học THPT, không theo học nghề mà tham gia thị trường lao động. Học sinh Việt Nam đạt kết quả cao trong các kì thi nhưng về kĩ năng mềm, về động lực học tập vẫn còn là vấn đề.
Diễn đàn Giáo dục Thế giới là diễn đàn lớn nhất cho cấp bộ trưởng giáo dục các nước trên thế giới tham gia thường niên tại London. Diễn đàn năm nay thu hút được 1263 đại biểu đến từ 95 nước trên thế giới tham dự. Mục đích của diễn đàn là đưa ra các thảo luận về chính sách giáo dục tương lai. Trong 3 ngày diễn ra diễn dàn, các đại biểu tham dự sẽ nghe các tham luận trình bày chuyên sâu từ những nhà nghiên cứu giáo dục tiên phong, các nhà lập chính sách và các chuyên gia giáo dục. Diễn đàn cũng sẽ nghe một số tham luận của một số bộ trưởng các nước tham dự đưa ra những đánh giá khách quan nhất về những vấn đề và thách thức nói chung của giáo dục.
Diễn đàn giáo dục được tổ chức dưới sự tài trợ và giúp đỡ của Bộ Ngoại giao, Bộ Giáo dục, Bộ Thương Mại Quốc tế, Hội đồng Anh và một số đối tác trong lĩnh vực giáo dục.
Nguồn bài viết : xổ số kiến thiết hôm nay