Trả nợ rừng xanh

2025-01-17 19:49:32

Từng là người “xâm hại” đến rừng nhưng sau những lần vấp ngã, ông đã đứng lên làm lại cuộc đời. Nhớ đến câu nói “ăn của rừng rưng rưng nước mắt”, ông quay về trồng rừng để trả nợ rừng…

Ông Minh phát cỏ dại, chăm sóc rừng keo.

"Ăn của rừng rưng rưng nước mắt"

Chúng tôi về thôn Thọ An, xã Bình An, huyện Bình Sơn vào tháng mùa khô. Nhìn những mảng rừng xanh mượt đang được phủ kín dần theo những sườn núi, ai cũng trầm trồ về sự đổi thay ấy. Vùng đất khó năm xưa, nay trở thành một trong những vùng trọng điểm trồng rừng của huyện nhờ có sự góp công không nhỏ của người dân. Trong đó, có đôi bàn tay vàng của ông Nguyễn Văn Minh, 57 tuổi.

Tìm về nhà ông Minh không quá khó. Xen lẫn giữa những ngôi nhà cấp 4 còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, ngôi nhà lầu 2 tầng khang trang của gia đình ông hiện lên như điểm xuyến thêm một nét hiện đại của miền quê heo hút.

Như bao thanh niên khác, từ năm 14 tuổi, ông Minh tham gia vào đội du kích ở địa phương. Từng vào sinh ra tử trong chiến trận suốt một thời trai trẻ, có lẽ cuộc đời của ông sẽ đẹp biết bao nếu không có lầm lỗi năm ấy.

Đất nước giải phóng, ông trở về địa phương và lập gia đình. Sống trên mảnh đất khô cằn, sỏi đá, không phù hợp với việc canh tác nông nghiệp, một mình chạy vạy nuôi vợ và 5 con còn nhỏ ăn học, cuộc sống vô cùng túng quẩn và khó khăn. “Đói ăn vụng, túng làm liều”, không ít lần ông lên rừng đốn gỗ, bán đổi lấy miếng cơm manh áo cho vợ con. “Biết là sai với chủ trương, đường lối của Đảng và nhà nước, nhưng lúc đó tôi không còn cách nào khác nên đành phải làm liều”, ông bộc bạch.

“Đi đêm cũng có ngày gặp ma”, trong một lần đốn gỗ để làm nhà, ông bị kiểm lâm phát hiện. Vi phạm những điều qui định bảo vệ rừng, Tòa án nhân dân huyện Bình Sơn tuyên phạt ông 18 tháng tù giam.

Tay trắng trả nợ rừng

Năm 2003, sau gần 2 năm sống trong trại giam, ông Minh trở về trong vòng tay yêu thương của gia đình và cộng đồng. Cuộc sống túng thiếu trước đây cũng không là gì so với khoảng thời gian ông vừa mới ra tù. Ông chua xót: “Lúc đó, tôi chẳng biết đi đâu về đâu. Người như mất hồn với bao điều tiếng. Càng truân chuyên hơn nữa khi cái nghèo, khổ bám riết lấy gia đình”.

Tuy nhiên, với suy nghĩ: “Sinh ra và lớn lên cùng rừng. Rừng đã nuôi sống ông bà. Vì mưu sinh và một chút lòng tham của bản thân mà đã gây ra tội với rừng, như thế là có lỗi với ông bà. Nếu như không bị phát hiện và đưa đi cải tạo, có lẽ bây giờ, tôi đã trượt dài trên vết xe đổ rồi”.

Phải trồng rừng, một ý nghĩ chợt lóe lên. Ông lấy lại được tinh thần sau ý nghĩ ấy. Ông cho rằng: “Có thể không bồi đắp lại được những gì đã gây ra, nhưng đó là cách để phần nào chuộc lỗi với rừng”.

Từ đôi bàn tay trắng, ông bắt đầu với những việc nhỏ, kiếm mảnh đất rừng trồng trọt, chăn nuôi. Tuy nhiên, cuộc đời đâu dễ dàng, chỗ phẳng thì không đủ diện tích để trồng, chỗ có diện tích lớn hơn thì lại là những đồi cao chót vót nên khó canh tác.
Sau bao ngày miệt mài, ông cũng chọn được một khu đất khá phẳng ở quả núi sau nhà, đánh dấu mốc cho sự hoàn lương của ông. Chọn được “đất lành”, ông bắt tay vào khai hoang để trồng các loại cây ngắn ngày, nuôi vợ con.

Cơ duyên chuộc lỗi với rừng xanh thật sự đến với gia đình ông khi được hỗ trợ vốn từ chương trình 327 phủ xanh đất trống đồi trọc, góp phần xóa đói giảm nghèo của Chính phủ. Có vốn, ông cùng vợ lăn lộn khắp núi rừng, khai hoang được 15ha và bắt đầu lấy ngắn nuôi dài, trồng keo phủ xanh đất trống, đồi trọc. Đến năm 2006, vợ chồng ông khai hoang và trồng được 60ha keo. Sau khi khai thác lứa keo đầu tiên vào năm 2007, ông thu về hơn 700 triệu đồng.

Nhìn cơ ngơi hôm nay, ông ngậm ngùi: “Trước đây, do nghĩ không sâu, tôi phải đốn gỗ rừng, sau đó phải chịu sự trừng trị của pháp luật. Bây giờ, sau khi đem đến màu xanh cho rừng, tôi đã cất được ngôi nhà hai tầng khang trang có giá 700 triệu, mua được ô tô tải chạy đường dài. Ngoài diện tích rừng, tôi còn sở hữu 3 ha đất màu trồng mì, lúa, đậu, đào ao nuôi cá…”

Sau hơn 10 năm, nhờ sự nhanh nhẹn, tháo vát, ông làm được việc mà nhiều người khó có thể vượt qua. Hiện nay, bình quân mỗi năm, ông có thu nhập trên 200 triệu đồng. Ông đang dự định mua thêm một ô tô tải và mở rộng qui mô thành doanh nghiệp vận tải, vận chuyển hàng hóa liên tỉnh khi có thêm vốn.

Được rừng đãi ngộ, không vì thế mà ông quên đi cái suy nghĩ chuộc lỗi với nó. Trả nợ rừng không đơn thuần là trồng rừng mà phải làm sao giữ được khu rừng đó mãi tồn tại. Đều đặn mỗi tháng một lần, cùng với lực lượng kiểm lâm địa phương, ông vẫn cần mẫn tham gia vào công tác bảo vệ rừng, đấu tranh chống lại nạn khai thác gỗ trái phép và tình trạng lấn chiếm đất rừng…

Ông Lê Quốc An - Phó Chủ tịch UBND xã Bình An, chia sẻ: “Trước đây, tình trạng vi phạm Luật bảo vệ rừng xảy ra thường xuyên ở Bình An. Địa phương luôn trăn trở ngày đêm nhằm tìm mọi biện pháp ngăn chặn. May mắn thay cho vùng quê này khi có sự đồng hành của những người như ông Minh. Tấm gương của ông trong việc trồng, bảo vệ rừng và phát triển kinh tế hộ gia đình đáng để nhiều người học hỏi và làm theo”.

Bài, ảnh: Th.Hậu-QNO

Nguồn bài viết : Lịch thi đấu

Top