"Có nhà mới, mình vui lắm"

2024-12-21 12:36:59
Chú trọng vận động thực hiện dự án xóa nhà tạm trong năm 2024
Cộng đồng quốc tế hiến kế giúp Cao Bằng phát triển

Không còn lo thiếu cái ăn

Chúng tôi có mặt tại xóm Sỹ Điêng vào một ngày cuối tháng 6. Xóm chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông, sống rải rác xung quanh các thung lũng. Đường đến nhà anh Lý Văn Nó chỉ vừa một người đi, nằm giữa những nương ngô xanh mướt. Bên hông căn nhà gỗ lợp mái tôn xanh rộng chừng 120m2, anh Nó đang thái cỏ cho trâu bò ăn. Anh vui vẻ khoe, trong đàn trâu bò 6 con, con bò được chính quyền hỗ trợ sắp đẻ.

"Sắp tới bọn trẻ đi học, vợ chồng mình chăm mấy con trâu bò này với nương ngô. Nhà mình có 20kg hạt giống ngô rồi, không lo thiếu cái ăn", anh Nó nói.

Bên trong căn nhà cũ (ảnh trên) và căn nhà mới của anh Lý Văn Nó nhìn từ trên cao. (Ảnh: Thành Luân)

Anh kể: Trước đây, gần 10 người nhà anh sống trong căn nhà dột nát, mái lợp Fibro xi măng. Những lúc mưa bão, gió to thổi bay cả tấm Fibro xi măng, cột, kèo lại không chắc, có thể đổ sập bất cứ lúc nào khiến gia đình anh luôn sống trong thấp thỏm. Do nhận thức chưa đầy đủ, cuộc sống lại khó khăn, năm 2019 anh đi theo tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình, phải nộp tiền cho tổ chức này. Được lực lượng công an tuyên truyền, 6 tháng sau anh tự nguyện đến Ủy ban nhân dân xã ký cam kết từ bỏ tổ chức bất hợp pháp này. Sau đó, gia đình anh được chính quyền và nhà hảo tâm hỗ trợ 40 triệu đồng để làm nhà, 1 con bò giống, téc nước, đồng thời được hướng dẫn phát triển sản xuất nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.

"Bây giờ gia đình mình không phải chịu cảnh mưa dột, gió lùa nữa nên yên tâm làm nương, nuôi trâu bò. Nhà mình đã sắm sửa được xe máy, 2 chiếc quạt điện...", anh Nó cho biết.

Anh Lý Văn Nó thái cỏ cho trâu bò ăn. (Ảnh: Thành Luân)

Năm 2022, anh Nó được tín nhiệm bầu làm trưởng xóm Sỹ Điêng. Với tâm niệm "Làm trưởng xóm phải gương mẫu để giữ được lòng tin của người dân", anh Nó là người đi đầu trong tuyên truyền, vận động nhiều hộ dân xóm Sỹ Điêng tự giác từ bỏ tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình.

Cách nhà anh Nó chừng 500m, 6 nhân khẩu của gia đình anh Sùng Văn Đình (27 tuổi, dân tộc Mông, ở xóm Sỹ Điêng) sinh sống ổn định trong căn nhà mới được gần 2 năm. Anh cho biết: "Năm 2023, gia đình tôi được hỗ trợ 50 triệu đồng theo Đề án xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo. Có nhà mới vững chãi tôi rất phấn khởi. Nhà cũ của tôi ở bên cạnh dựng cách đây chừng 30 năm, dột nát hết cả, giờ chỉ để làm củi".

Không còn phải lo lắng chuyện nhà cửa, vợ chồng anh Đình yên tâm trồng ngô, chăn nuôi trâu bò, phát triển sản xuất. Thỉnh thoảng anh đi phụ hồ để tăng thêm thu nhập cho gia đình. Các con anh đi học mẫu giáo, tiểu học cũng được hỗ trợ gạo, tiền hàng tháng.

Có nhà mới, vợ chồng anh Sùng Văn Đình yên tâm làm nương. (Ảnh: Thành Luân)

Nhân thêm niềm vui

Niềm vui của anh Nó, anh Đình cũng là niềm vui chung của nhiều hộ gia đình tại huyện Hà Quảng khi được hỗ trợ xây mới, cải tạo nhà ở, cấp đất sản xuất, nước sinh hoạt... Những ngôi nhà mới mọc lên làm cho vùng Lục Khu huyện Hà Quảng trở nên đẹp đẽ, đổi thay từng ngày.

Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Xuân Tùng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Hà Quảng cho biết: Hà Quảng là huyện biên giới còn nhiều khó khăn của tỉnh Cao Bằng, địa bàn rộng gồm 21 xã, thị trấn, 195 xóm, đại đa số là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn của huyện.

Để nâng cao đời sống cho người dân, tỉnh Cao Bằng đã đầu tư mạnh mẽ về hạ tầng kỹ thuật cũng như triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, trong đó có chương trình hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát. Năm 2020, với 35 tỷ đồng từ nguồn hỗ trợ của Bộ Công an, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, tỉnh Cao Bằng đã hỗ trợ 826 hộ nghèo trên địa bàn huyện Hà Quảng có nhà vững chãi, an toàn hơn. Từ điểm sáng này, Cao Bằng nhân rộng và xây dựng Đề án hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo trên toàn tỉnh.

"Đi đầu phong trào này, đến nay huyện Hà Quảng đã xóa được 1.526 nhà tạm, nhà dột nát, giải ngân được gần 68 tỷ đồng. Từ nay đến hết năm 2024, huyện dự kiến hỗ trợ 1.003 hộ và giải ngân trên 45 tỷ đồng; đến hết năm 2025 những hộ gia đình có nhà tạm, nhà chưa an toàn sẽ được hỗ trợ", ông Phạm Xuân Tùng nói.

Bên cạnh đó, ông Tùng thông tin thêm, thông qua các chương trình, dự án, hiện 100% các xã của huyện Hà Quảng có đường ô tô đến trung tâm xóm; 97% cụm xóm có điện lưới quốc gia, gần 100% trung tâm xóm được tiếp cận sóng truyền thông. Hệ thống hồ vải địa kỹ thuật chứa nước mưa và các hệ thống kênh dẫn đã giúp bà con vùng cao có đủ nước sinh hoạt và phục vụ một phần sản xuất. Huyện cũng chú trọng hỗ trợ người dân vốn sản xuất, các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị liên kết với các doanh nghiệp, hợp tác xã, sản xuất gắn với cộng đồng...

"Các hoạt động này đã tạo sinh kế và thu nhập cho người dân. Hà Quảng phấn đấu hết năm 2025 cơ bản trở thành huyện thoát nghèo", ông Phạm Xuân Tùng nói.

Top 21 thác nước đẹp nhất thế giới gọi tên thác Bản Giốc (Cao Bằng)
Cộng đồng người Việt tại Mông Cổ chung tay thắp sáng vùng biên
Top