Bảo vệ 'dải lụa xanh' Nam Yết

2025-01-18 21:49:41
Hòn ngọc Nam Yết nhìn từ mũi tàu 561.

“Dải lụa xanh” trên Biển Đông

Hòn đảo nhỏ hiện ra trước mũi tàu đẹp như viên ngọc bích trên nền nước biển xanh sẫm. Còn khi đặt chân lên Nam Yết thì chúng ta có cảm giác như đang ở xứ miệt vườn Bến Tre bởi dọc các con đường, xung quanh những dãy nhà là những hàng cây xanh um. Quả thật, đây là hòn đảo có nhiều cây xanh nhất và nhiều chủng loại cây nhất trên quần đảo Trường Sa.

Loại thực vật phổ biến hơn cả, đáng quý hơn cả trên hòn đảo là cây dừa và vì vậy Nam Yết còn có tên là đảo dừa. Giống dừa được đưa từ đất liền ra đảo từ nhiều thập niên trước, đã thích nghi với thổ nhưỡng và vùng tiểu khí hậu ở đây đến mức trở thành giống dừa đặc hữu của đảo.

Rặng dừa ở đảo Nam Yết.

Dừa vừa tỏa bóng mát vừa cung cấp nguồn thực phẩm quý giá cho bộ đội trong điều kiện nắng nóng khắc nghiệt của mùa Hè ở quần đảo Trường Sa. Dừa quý đến nỗi các cây dừa được kiểm đếm, đánh số, đưa vào “hồ sơ quản lý”, còn chùm quả trên đó cũng được bảo quản nghiêm ngặt như đạn dược, vũ khí. Và để cây dừa non phát triển được trong mùa khô thì các chiến sỹ nhiều khi phải nhịn tắm để nhường nước tưới.

Ngoài dừa, ở Nam Yết cũng rất phổ biến các loại cây mù u, tra, bàng vuông, phong ba, bão táp, hoa giấy cùng một số cây dại khác. Cây được trồng trên đảo phải đáp ứng các tiêu chí nghiêm ngặt - dễ tính, chịu hạn, mặn tốt, chống chọi được với gió bão, lớn nhanh, tỏa nhiều bóng râm.

Các loại cây trên đảo nói chung phát triển chậm hơn so với đất liền không chỉ vì thiếu nước mà còn do thổ nhưỡng xấu: Đất do san hô phong hóa, chỉ có lớp phân chim rất mỏng.

Đối với bộ đội, lợi ích của cây xanh được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên như sau: Đầu tiên là bóng mát, cải thiện môi trường, tiếp đến là cho quả để bổ sung nguồn thực phẩm và nước giải nhiệt, cuối cùng mới là hoa để làm đẹp cảnh quan.

“Bác sỹ của cây xanh” Trường Sa

Thạc sỹ Trần Văn Huy bên cây dừa non bị bọ cánh cứng tàn phá.

Trong vòng 5 năm trở lại đây, cây xanh trên đảo ngọc Nam Yết đang đứng trước một thách thức không nhỏ - sâu, bệnh. Nhiều cây dừa bị bọ cánh cứng tàn phá nặng nề - những đọt lá non mất dần màu xanh, bạc phếch, xơ xác như bị lửa táp, cây non còi cọc, còn những cây lớn cho quả rất ít và chất lượng quả giảm mạnh. Bàng vuông và một số loài cây khác bị sâu ăn lá tấn công. Có những cây bàng trở nên trơ trụi, một số cây chết khô.

Thạc sỹ Trần Văn Huy (Viện Bảo vệ thực vật) cho biết: Có nhiều con đường để sâu, bệnh xâm nhập vào đảo. Thứ nhất, qua các con tàu, theo các đàn chim biển. Thứ hai là lây lan từ các giống cây được mang tặng từ đất liền. Ở các hòn đảo không có hệ thống thiên địch trong tự nhiên, ví dụ chim sâu, để khống chế sâu hại cây, nên một khi chúng thích nghi được thì phát triển nhanh, bùng phát lên thành dịch.

Chuyến công tác đầu tiên tại đảo Nam Yết của Thạc sỹ Trần Văn Huy và nhóm cán bộ khoa học của anh kéo dài hàng tháng. Sau đó, anh sẽ còn quay lại Trường Sa nhiều lần, cho đến khi màu xanh tại đây không còn bị đe dọa nữa.

Các cán bộ của Viện Bảo vệ thực vật mang theo ra đảo những chế phẩm sinh học để diệt sâu, trừ bệnh cho cây. Các loại thuốc hóa học không phù hợp để sử dụng trên đảo do diện tích hẹp, mật độ người cao, việc sinh hoạt, luyện tập của bộ đội vẫn diễn ra liên tục dưới bóng râm trong suốt thời gian chữa bệnh cho cây. Các chế phẩm sinh học trừ sâu, bệnh có tính năng thân thiện với môi trường, không ảnh hưởng đến đời sống của con người và vật nuôi trên đảo, nhưng đòi hỏi nhiều công sức, thời gian và phải thực hiện liên tục chu trình trong vài năm.

Bộ đội sinh hoạt văn nghệ dưới bóng mát của hai cây di sản bàng vuông và mù u.

Thạc sỹ Trần Văn Huy cho biết: Việc trừ sâu, bệnh cho cây trên đảo khó khăn hơn so với trên đất liền do không thể dùng thuốc hóa học, trong tự nhiên lại thiếu thiên địch. Tuy nhiên, đảo có tính cách ly nhất định nên nếu cây xanh được “làm sạch” thì thời gian chưa bị tái nhiễm sâu, bệnh kéo dài hơn. Điều thuận lợi cơ bản là các cán bộ, chiến sỹ ở Nam Yết ý thức được tầm quan trọng của cây xanh nên hợp tác rất nhiệt tình với các nhà khoa học. Chúng tôi sẽ chờ 3 - 4 năm để khẳng định kết quả của việc phòng trừ sâu bệnh ở Nam Yết rồi chuyển giao công nghệ cho bộ đội. Sau đó, mô hình xanh ở Nam Yết sẽ được nhân ra khắp các đảo khác ở Trường Sa.

Theo Thạc sỹ Trần Văn Huy, để việc bảo vệ màu xanh ở Trường Sa đạt hiệu quả cao thì cần có sự hợp tác chặt chẽ ở tầm cao giữa Bộ Quốc phòng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cùng Bộ Khoa học và Công nghệ. Bên cạnh việc trừ sâu, bệnh thì Bộ Tư lệnh Hải quân cũng cần nghiên cứu, đề xuất quy trình kiểm soát, kiểm định các loại cây giống, hoa quả mang ra đảo. Bên cạnh việc loại bỏ ngay từ đất liền những cá thể cây, quả đang mang mầm bệnh, thì việc lựa chọn những giống cây phù hợp với môi trường trên đảo và không “gây hấn” với các loại cây bản địa, các loại cây đã được thuần dưỡng ở quần đảo Trường Sa, là rất quan trọng.

Bài và ảnh: Trần Quang Vinh (TTXVN)
Chuyến tàu nặng tình cá nước - Bài 4: 'Thương nhớ sao vơi... Trường Sa ơi!'

Trên chuyến tàu quân y 561 thuộc Hải đội 411 (Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân) nhắm hướng Trường Sa lướt tới vào những ngày Hè 2019, bên cạnh các thân nhân bộ đội, nhóm phóng viên, còn có Đội Văn nghệ xung kích Thái Nguyên. Nhạc sỹ Nguyễn Xuân Ngọc, tác giả bài hát “Tự hào người chiến sỹ Hải quân Việt Nam”, là một trong số 15 thành viên của Đội Văn nghệ.

Nguồn bài viết : Casino online uy tín

Top