2025-01-15 19:30:43
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Nhân dịp này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Lê Thu Hà đã trả lời phỏng vấn báo chí nhằm làm rõ ý nghĩa chuyến thăm cũng như thông tin về những nội dung nổi bật, đáng chú ý của Hội nghị IPTP 11 và ICAPP 12. 

Chuyến thăm chính thức Vương quốc Campuchia của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Đoàn Đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam có ý nghĩa quan trọng như thế nào, thưa bà?

Đây là chuyến thăm chính thức Campuchia đầu tiên của đồng chí Trần Thanh Mẫn trên cương vị Chủ tịch Quốc hội Việt Nam. Chuyến thăm có nhiều ý nghĩa quan trọng, khẳng định chính sách đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XIII, trong đó dành ưu tiên cao cho mối quan hệ "láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài" với Campuchia, thể hiện sự tin cậy, gắn bó giữa lãnh đạo cấp cao hai nước cũng như giữa cá nhân Chủ tịch Quốc hội ta với lãnh đạo cấp cao Campuchia, góp phần triển khai thực hiện các Thỏa thuận cấp cao, nhất là kết quả của các Cuộc gặp thường niên giữa Bộ Chính trị Đảng ta với Ban Thường vụ CPP cũng như Cuộc gặp cấp cao Người đứng đầu ba Đảng Việt Nam - Campuchia - Lào, thúc đẩy kết quả chuyến thăm Campuchia của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tháng 7/2024.

Chuyến thăm cũng nhằm tiếp tục đưa quan hệ Việt Nam - Campuchia đi vào giai đoạn phát triển mới trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi, hợp tác hiệu quả, tôn trọng lợi ích của nhau; đề ra phương hướng và biện pháp lớn nhằm nâng cao hiệu quả, tạo động lực mới cho quan hệ hợp tác kinh tế, tăng cường kết nối giữa hai nước trong thời gian tới; góp phần củng cố tin cậy chiến lược và làm sâu sắc hơn quan hệ hai nước, thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Quốc hội nước ta với Quốc hội và Thượng viện Vương quốc Campuchia; tăng cường giao lưu, tiếp xúc giữa các ủy ban và nhóm nghị sỹ hữu nghị hai nước cũng như phối hợp hành động tại các diễn đàn liên nghị viện quốc tế và khu vực.

Bà có thể thông tin về những nội dung nổi bật, đáng chú ý của Hội nghị IPTP 11 và ICAPP 12 năm nay?

Về ICAPP 12, ICAPP là diễn đàn quốc tế lớn nhất của các đảng chính trị ở khu vực châu Á và cũng là diễn đàn đa phương chính đảng lớn nhất thế giới, được thành lập tháng 9/2000 tại Philippines.

Mục tiêu của ICAPP là thúc đẩy trao đổi và hợp tác giữa các Đảng chính trị tại châu Á và châu Đại Dương, tăng cường sự hiểu biết, tin cậy giữa các dân tộc và các quốc gia; thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng thông qua vai trò đặc biệt của quan hệ kênh đảng.

Hiện nay, ICAPP có hơn 350 chính đảng thuộc 52 nước và 1 lãnh thổ có đủ tư cách tham gia các hoạt động của ICAPP. Trong những năm gần đây, ICAPP không ngừng nâng cao vị trí và ảnh hưởng tại khu vực; đồng thời khẳng định vai trò cầu nối, thúc đẩy hợp tác giữa các chính đảng châu Á với các đối tác ở các khu vực khác trên thế giới. Đảng ta tham gia chủ động, tích cực và là thành viên quan trọng của ICAPP; liên tục được tín nhiệm bầu là Ủy viên Ủy ban Thường trực của ICAPP, có tiếng nói và ảnh hưởng trong các quyết định của tổ chức.

Hội nghị toàn thể lần thứ 12 được tổ chức từ ngày 21 đến ngày 24/11/2024 với chủ đề "Tìm kiếm hòa bình và hòa giải". Theo thông tin của Ban Tổ chức, Hội nghị có 253 đại biểu, quan sát viên, các tổ chức chính trị (trong đó có 188 đại biểu quốc tế, 44 đại biểu của Đảng CPP và FUNCINPEC của Campuchia) thuộc 49 đảng chính trị của 28 quốc gia đăng ký tham dự.

Các hoạt động chính của Hội nghị toàn thể lần thứ 12 của ICAPP bao gồm Lễ Khai mạc, 3 Phiên họp toàn thể, Đối thoại bàn tròn giữa các Đảng chính trị từ châu Á, châu Phi, Mỹ La tinh, châu Âu, cuộc họp lần thứ 3 của Hội đồng Văn hóa châu Á (ACC), cuộc họp lần thứ 7 của Diễn đàn Truyền thông ICAPP. Hội nghị dự kiến sẽ thông qua Tuyên bố hòa bình Phnom Penh về tìm kiếm hòa bình, hòa giải thông qua sức mạnh tập thể và sự hợp tác của các đảng chính trị trong và ngoài châu Á.

Về IPTP 11, Nghị viện Quốc tế vì Bao dung và Hòa bình là một cơ chế thuộc Hội đồng toàn cầu về Khoan dung và Hòa bình (GCTP). Đây là tổ chức quốc tế do ông Ahmed Bin Mohamed Aljarwan, Nhà ngoại giao Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE), Chủ tịch đương nhiệm GCTP thành lập vào năm 2017 với mục đích thúc đẩy văn hóa hòa bình, chống lại sự phân biệt và bạo lực cực đoan. GCTP có Trụ sở toàn cầu ở Malta và các văn phòng chi nhánh tại khu vực MENA, châu Âu, châu Phi, Mỹ la tinh và châu Á - Thái Bình Dương. Campuchia hiện giữ vai trò Chủ tịch của IPTP nhiệm kỳ 2023-2024 và là nơi đặt trụ sở của GCTP khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Các hoạt động chính của IPTP gồm Phiên họp toàn thể lần thứ 11 của IPTP được chia thành hai phiên thảo luận chuyên đề về Thúc đẩy Kiến trúc Hòa bình, Xây dựng Hòa bình, Hòa giải và Bao dung: Sức mạnh tổng hợp của Chính phủ, Nghị viện, Xã hội Dân sự; Củng cố Chủ nghĩa đa phương, Hợp tác và Đối tác cùng Tồn tại và Kết nối Bao trùm.

Tham dự Phiên họp toàn thể lần thứ 11 của IPTP do Campuchia đăng cai tổ chức, hiện có khoảng 186 đại biểu (trong đó 11 Chủ tịch Quốc hội/Phó Chủ tịch Quốc hội, Tổng Thư ký IPU, Tổng thư ký ASEAN, Tổng thư ký AIPA, 82 nghị sĩ) đến từ 54 Nghị viện thành viên, Nghị viện khách mời và đối tác đăng ký tham dự.

Phiên họp dự kiến sẽ thông qua "Tuyên bố Phnom Pênh về ủng hộ Hiến chương hòa bình vì con người và hành tinh trong việc tìm kiếm hòa bình, bao dung và hòa giải" và Kỷ niệm Hiến chương hòa bình thế giới.

Đoàn Đại biểu Quốc hội Việt Nam đã có sự chuẩn bị như thế nào và dự kiến sẽ có những đóng góp cụ thể gì cho nội dung của Hội nghị, thưa Phó Chủ nhiệm?

Việc Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đại diện Đảng ta tham dự Hội nghị toàn thể lần thứ 12 của ICAPP nhằm đẩy mạnh sự tham gia đóng góp tích cực của Đảng ta tại ICAPP, thúc đẩy quan hệ với các đảng chính trị châu Á, đóng góp vào các vấn đề chung của khu vực; tăng cường quan hệ giữa Đảng ta với với Đảng CPP, thể hiện sự coi trọng đối với lãnh đạo Đảng, Nhà nước Campuchia.

Đồng thời, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng sẽ tham dự Phiên họp toàn thể lần thứ 11 của IPTP với tư cách khách mời của nước chủ nhà nhằm thể hiện sự ủng hộ và thiện chí đối với nước chủ nhà Campuchia, nhất là trong nhiệm kỳ Campuchia là Chủ tịch IPTP; qua đó, góp phần tăng cường củng cố, phát triển mối quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện giữa hai Quốc hội nói riêng và hai nước nói chung.

Để chuẩn bị cho sự tham gia tích cực của Đoàn Đại biểu Quốc hội Việt Nam tại hai Hội nghị quan trọng nói trên, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội đã phối hợp chặt chẽ với Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan của Việt Nam, đồng thời tham vấn với các cơ quan liên quan của Campuchia trong quá trình chuẩn bị về nội dung, văn kiện Hội nghị.

Theo đó, dự kiến Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn sẽ có bài phát biểu quan trọng tại Phiên khai mạc của Hội nghị toàn thể lần thứ 12 của ICAPP, đánh giá cao vị trí, vai trò của ICAPP trong nâng cao đoàn kết quốc tế, thúc đẩy giải quyết các tranh chấp, xung đột quốc tế thông qua đối thoại và hợp tác đa phương trên cơ sở luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc; khẳng định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương  hóa, sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng động quốc tế của Việt Nam; khẳng định sự ủng hộ đối với những mục tiêu của ICAPP, cam kết đóng góp tích cực vào việc thực hiện các mục tiêu chung của ICAPP và đề xuất một số chủ trương, định hướng nhằm thúc đẩy hòa bình, hòa giải phù hợp với chủ đề của Hội nghị.

Ngoài ra, theo sự phân công của Chủ tịch Quốc hội, Đoàn Việt Nam cũng sẽ tham dự đầy đủ các Phiên thảo luận trong chương trình Hội nghị ICAPP 12 và có các cuộc tiếp xúc song phương với lãnh đạo các chính đảng, Nghị viện các nước tham dự Hội nghị.

Xin cảm ơn những chia sẻ của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Lê Thu Hà.

Top