Doanh nghiệp Mỹ coi trọng tính chiến lược, sự đồng hành và tinh thần đối thoại của Chính phủ Việt Nam |
Doanh nghiệp Việt Nam mong được hỗ trợ tìm kiếm đối tác ở thị trường Mỹ |
Là một tổ chức phi lợi nhuận, mục tiêu chính của Hội đồng Kinh doanh Mỹ - Việt (UVBC) là hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Mỹ và Việt Nam trong việc tìm kiếm, triển khai các cơ hội hợp tác kinh doanh giữa Mỹ và Việt Nam. Thưa ông, tại sao Hội đồng lại chọn đối tượng là các doanh nghiệp nhỏ và vừa để hỗ trợ?
- Khoảng 80% nền kinh tế của Mỹ và Việt Nam được tạo nên bởi các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đây vừa là động lực vừa là một trụ cột của nền kinh tế hai nước. Các doanh nghiệp này tạo ra công ăn việc làm và lợi ích xã hội.
Lâu nay nhiều người vẫn cho rằng các công ty lớn như Coca Cola, Boeing, McDonald’s… mới có tiềm năng, nhưng làm việc với các công ty lớn rất khó, trong khi doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Mỹ muốn vào Việt Nam nhưng không biết vào bằng cách nào.
Vì vậy, Hội đồng Kinh doanh Mỹ - Việt muốn hỗ trợ, làm cầu nối cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Mỹ cũng như Việt Nam trong việc tìm kiếm và triển khai các cơ hội hợp tác, kinh doanh. Chúng tôi cũng mong muốn giúp các doanh nghiệp hiểu hơn về văn hóa Mỹ và văn hóa Việt Nam, kinh nghiệm làm việc của nhau.
Ông Trịnh Trung, Giám đốc điều hành Hội đồng Kinh doanh Mỹ - Việt (Ảnh: Thu Hà). |
Phải chăng vì thế mà ông rất tâm đắc với mô hình hợp tác xã của Việt Nam?
- Đúng vậy. Nhiều năm nay tôi muốn giới thiệu, quảng bá mô hình hợp tác xã trong cộng đồng người Việt tại Mỹ như một hình thức đầu tư bền vững và hiệu quả, tạo công ăn việc làm cho bà con và các cơ hội hợp tác kinh doanh. Hợp tác xã khác biệt với mô hình doanh nghiệp vì nó có ý nghĩa cộng đồng cao, xóa đói giảm nghèo, giá trị văn hóa lớn.
Mục tiêu của Hội đồng Kinh doanh Mỹ - Việt là làm sao đưa hàng tỷ USD kiều hối về Việt Nam mỗi năm cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hợp tác xã để đầu tư, kinh doanh.
Tôi rất vui khi được biết dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) vừa được trình Quốc hội Việt Nam đã đề xuất mở rộng đối tượng tham gia hợp tác xã. Việc này mở ra cơ hội cho các Việt kiều ở nước ngoài trở thành xã viên trong các hợp tác xã tại Việt Nam. Khi Luật Hợp tác xã (sửa đổi) được Quốc hội Việt Nam thông qua, bước kế tiếp là Hội đồng Kinh doanh Việt - Mỹ sẽ phối hợp với Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tiến hành quảng bá, thông tin để bà con ở nước ngoài biết, đồng thời kết nối bà con Việt kiều ở Mỹ với các hợp tác xã ở Việt Nam.
Thời gian tới, hoạt động của Hội đồng Kinh doanh Mỹ - Việt sẽ tập trung vào những nội dung gì, thưa ông?
- Hiện có hai lĩnh vực được Hội đồng Kinh doanh Mỹ - Việt đặt trọng tâm là nông nghiệp công nghệ cao và công nghệ thông tin. Dự kiến, khoảng tháng 2 hoặc tháng 3/2023, chúng tôi sẽ tổ chức các đoàn công tác thuộc hai lĩnh vực này về Việt Nam để khảo sát.
Buổi chia sẻ thông tin giữa Hội đồng Kinh doanh Mỹ - Việt và Câu lạc bộ Doanh nghiệp Việt - Mỹ vào cuối tháng 10/2022 (Ảnh: Thu Hà). |
Ở trong nước, chúng tôi sẽ phối hợp với Hội Việt - Mỹ, trực tiếp là Câu lạc bộ Doanh nghiệp Việt - Mỹ xây dựng kho dữ liệu về các doanh nghiệp thành viên, nhu cầu cụ thể về nhập khẩu, xuất khẩu, số lượng, mặt hàng.. của doanh nghiệp mỗi bên.
Đồng thời, tổ chức các khóa huấn luyện về các vấn đề đang được quan tâm như an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc thực phẩm theo yêu cầu của Mỹ hay việc áp dụng công nghệ trong nông nghiệp hiện nay như công nghệ bảo quản sau thu hoạch, công nghệ chế biến, sản xuất các sản phẩm chất lượng cao để xuất khẩu...
Được biết 20 năm qua, trong vai trò cầu nối, ông đã đưa rất nhiều đoàn Việt Nam sang thăm quan học hỏi ở Mỹ, tham gia hội chợ, tìm kiếm cơ hội hợp tác và ngược lại. Điều gì khiến ông đeo đuổi công việc này?
- Tôi sinh tại Hoa Lư, Ninh Bình, thuở nhỏ sống ở Hà Nội rồi theo học luật tại Sài Gòn, sau đó sống ở Mỹ... Năm nay tôi 74 tuổi, đã bôn ba khắp nơi, trải qua không ít thăng trầm, dù ở đâu tôi vẫn là người Việt Nam. Tôi vẫn luôn mong muốn làm cầu nối để hai nền văn hóa Mỹ - Việt Nam có thể giao lưu, tiếp cận được với nhau.
Chính vì vậy, với vai trò tư vấn, tôi hỗ trợ các công ty nhỏ và vừa của Mỹ và Việt Nam quan tâm đến thị trường hai bên trao đổi thông tin, tìm kiếm cơ hội. Tôi và các đồng nghiệp làm việc này hoàn toàn tự nguyện và phi lợi nhuận, vì tâm huyết với đất nước mà làm.
Ông Trịnh Trung là người sáng lập ra Công ty tư vấn Nguồn lực Việt (VRG) với mục tiêu tìm kiếm, triển khai các đề án thương mại, huấn luyện, sản xuất và đầu tư tại Việt Nam. Năm 2005, ông cùng một số doanh nhân người Mỹ thành lập Hiệp hội Thương mại Mỹ - Việt (UVBA) chuyên kết nối, cung cấp thông tin thị trường hai nước cho doanh nghiệp nhỏ và vừa hai bên. Tháng 7/2022, ông Trịnh Trung đồng sáng lập Hội đồng Kinh doanh Mỹ - Việt (UVBC), một tổ chức phi lợi nhuận nhằm cung cấp các dịch vụ phát triển kinh doanh cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa quan tâm đến hoạt động kinh doanh tại Hoa Kỳ và Việt Nam. UVBC cũng đang nỗ lực thúc đẩy sự hiểu biết và hợp tác lẫn nhau giữa nhân dân Việt Nam và Hoa Kỳ thông qua các dự án nghệ thuật, giáo dục và văn hóa khác nhau. |
Quan hệ đối tác toàn diện của Việt Nam và Hoa Kỳ đang phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ |
Gặp gỡ chuyên gia, trí thức, doanh nhân kiều bào tại Hoa Kỳ |