Thư viện tài liệu

Ông Lý Xương Căn: “Dòng máu Việt đã giúp tôi vượt qua những thách thức”

2024-12-21 11:54:53

Ông Lý Xương Căn là hậu duệ đời thứ 31 của vua Lý Thái Tổ và thứ 26 của hoàng tử Lý Long Tường. Vào thế kỷ 12, hoàng tử Lý Long Tường đã lưu lạc đến xứ Cao Ly (Triều Tiên và Hàn Quốc ngày nay). Ông Lý Xương Căn chia sẻ những cảm nhận với Thời Đại, nhân kỷ niệm 30 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc.

Gần 30 năm kể từ ngày trở về Việt Nam, cuộc sống của gia đình ông có những thay đổi gì liên quan tới sự kiện này?

- Sau sự kiện lần đầu tiên về thăm quê hương năm 1994, tôi và gia đình đã quyết định chuyển đến Việt Nam từ đầu năm 2000. Ban đầu, các con tôi do bất đồng ngôn ngữ nên gặp ít nhiều khó khăn trong giao tiếp. Nhưng chỉ sau một thời gian ở Việt Nam, các thành viên trong gia đình đã dần thích ứng với môi trường mới. Các con tôi đã được học tập và có thể giao tiếp với nhiều người Việt.

Con đầu của tôi sinh năm 1989, con thứ hai sinh năm 1991, con út sinh năm 1998. Khi còn nhỏ, các con của tôi đều học tại trường Thực nghiệm (Hà Nội). Vào dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội vào 2010, gia đình tôi đã nhập quốc tịch Việt Nam. Con trai thứ 2 của tôi từng học ở Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) và đang làm việc cho một công ty về bất động sản của Hàn Quốc tại thành phố Đà Nẵng. Tôi cảm thấy mãn nguyện với cuộc sống tại Việt Nam.

Ông Lý Xương Căn trong chuyến viếng thăm Đến Đô (Bắc Ninh) vào năm 1994. (Ảnh: NVCC)

Hành trình trở về không chỉ là đến và cảm nhận, ông còn gắn bó bằng những hành động cụ thể như kinh doanh trên quê nhà. Vậy tới nay, công việc của ông đã có kết quả ra sao?

- Vào những năm 2000 khi chuyển đến Việt Nam, tôi đã quyết định đầu tư cho công ty liên quan đến môi trường tại Quảng Nam, Đà Nẵng. Khi đó, gia đình tôi cũng có sự di chuyển chỗ ở từ Quảng Nam sang Đà Nẵng.

Công ty sử dụng khoảng 50 người lao động địa phương và hoạt động trong lĩnh vực môi trường ở tỉnh Quảng Nam. Thời điểm ban đầu, tôi chưa thành thạo tiếng Việt nên hoạt động còn gặp khó do bất đồng ngôn ngữ, chưa kể những bỡ ngỡ trong việc kinh doanh nơi mới. Có những lúc tưởng như muốn buông xuôi. Nhưng chính trong lúc đó, dòng máu Việt trong tôi đã giúp có thêm nỗ lực vươn lên. Ngoài ra, tôi cũng may mắn khi có những nhân viên thông minh đã giúp đỡ để có thể vượt qua được những khó khăn.

Xin quay lại với câu chuyện trở về Việt Nam lần đầu vào năm 1994 của ông, vậy từ đó tới nay, việc phát triển mối quan hệ những thành viên trong dòng họ Lý Hoa Sơn với quê hương Việt Nam ra sao?

- Ngày 15/3 âm lịch hàng năm là lễ hội kỷ niệm vua Lý Công Uẩn lên ngôi. Dòng họ Lý Hoa Sơn thường cử đoàn 15 người đại diện về Việt Nam dự lễ. Trong 2 năm qua, dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng không nhỏ tới việc đi lại nên dòng họ chỉ có 4-5 người đại diện đến thăm cố hương. Còn tại Hàn Quốc, mỗi năm một lần hoặc vào những dịp lễ, tết, dòng họ thường tổ chức gặp gỡ để trao đổi thông tin về quê hương, sự phát triển và đổi mới của Việt Nam.

Xin được nói thêm, từ năm 1967 ở Hàn Quốc, một cuốn tiểu thuyết lịch sử về hoàng tử Lý Long Tường đã được xuất bản. Tới năm 1995, tiểu thuyết này đã được chuyển ngữ sang tiếng Việt để nhiều người Việt Nam cũng có thể hiểu thêm về lịch sử cũng như mối nhân duyên giữa 2 nước. Cuốn sách đã được tái bản nhiều lần tại Việt Nam, trong lần tái bản thứ 2 (năm 2010), cuốn sách đã được GS. Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội khoa học lịch sử Việt Nam và ông Park Sukhwan - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền HQ tại Việt Nam viết lời giới thiệu.

Tôi còn lập kênh Youtube để nói về lịch sử của hoàng tử Lý Long Tường. Tại Hàn Quốc cũng từng có Hiệp hội về hoàng tử Lý Long Tường. Hiệp hội được thành lập nhằm giúp con cháu dòng họ Lý Hoa Sơn tìm hiểu và quảng bá thêm về lịch sử dòng họ, nguồn gốc của hoàng tử Lý Long Tường.

Báo chí Hàn Quốc viết về câu chuyện của hoàng tử Lý Long Tường và chuyến trở về của ông Lý Xương Căn.

Cơ duyên nào để ông và Bộ Văn hóa thể thao và du lịch Việt Nam gắn kết với nhau trong câu chuyện đại sứ du lịch Việt Nam tại Hàn Quốc?

- Năm 2016, với mong muốn đóng góp cho lĩnh vực du lịch của Việt Nam, tôi đã đề nghị tới Bộ Văn hoá - thể thao và du lịch Việt Nam bổ nhiệm tôi làm đại sứ du lịch của Việt Nam tại Hàn Quốc. Thời điểm đó, công tác thu hút du khách cũng như thu hút đầu tư của Hàn Quốc là rất quan trọng. Tôi hiểu rõ về Hàn Quốc và nắm bắt chính xác về các loại hình tour của Hàn Quốc.

Trước đề nghị này, Bộ Văn hoá thể thao và du lịch Việt Nam đã tổ chức hội đồng thẩm định với 10 người. Quá trình đánh giá cho thấy tôi có đủ các tố chất phù hợp với vị trí đại sứ du lịch. Trên cơ sở đó, Bộ cũng ủng hộ và bổ nhiệm tôi làm Đại sứ du lịch Việt Nam nhiệm kỳ thứ nhất vào năm 2017.

Giấy chứng nhận ông Lý Xương Căn là Đại sứ Du lịch Việt Nam nhiệm kỳ 2021-2024.

Tới nay, ông đã làm đại sứ du lịch của Việt Nam tại Hàn Quốc ở nhiệm kỳ thứ 2, vậy những kết quả gì tiêu biểu nhất trong việc chắp nối du lịch giữa Việt Nam và Hàn Quốc?

- Ở nhiệm kỳ đầu tiên tôi đã thực hiện các chương trình sự kiện để giới thiệu Việt Nam tới du khách Hàn Quốc với Slogan “gần gũi hơn, thân thiện hơn” được tổ chức tại Hàn Quốc 1 năm 2 lần. Năm 2019, hơn 4,3 triệu lượt khách du lịch Hàn Quốc đã tới Việt Nam. Mục tiêu vào năm 2020 sẽ đạt 5 triệu lượt khách nhưng rất tiếc do dịch bệnh Covid-19 mà các kế hoạch bị gián đoạn và phải dừng lại. Tuy nhiên thời gian tới, mục tiêu này sẽ có nhiều cơ sở để trở thành hiện thực.

Nhân kỷ niệm 30 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc và sự kiện hai bên đã nhất trí nâng cấp quan hệ song phương lên thành đối tác chiến lược toàn diện, ông có đánh giá gì về cơ hội phát triển đầu tư giữa 2 nước thời gian tới, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch?

- Do đại dịch Covid-19 mà trong suốt 3 năm qua việc đi lại giữa hai nước gặp nhiều khó khăn. Khi dịch Covid-19 đã giảm đi và việc đi lại dễ dàng hơn. Đồng thời năm 2022 là thời điểm quan trọng kỷ niệm 30 năm thiết lập mỗi quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Sự kiện Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sang thăm Hàn Quốc vừa qua đã có ảnh hưởng tốt tới quan hệ 2 nước. Nội dung trao đổi của lãnh đạo 2 nước cũng rất tích cực về nhiều vấn đề, lĩnh vực.

Ông Lý Xương Căn tặng bức thư pháp tới lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam.

Cũng tại Hàn Quốc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã gặp gỡ Chủ tịch các tập đoàn tiêu biểu của Hàn Quốc. Thông qua diễn đàn kinh tế, khoảng 500 doanh nhân kinh tế Hàn Quốc trên toàn quốc tham dự và bày tỏ sự quan tâm tới Việt Nam đã được đưa tin rộng rãi trên các kênh truyền hình, báo chí, các trang mạng xã hội SNS của Hàn Quốc. Tôi cho rằng, sang đầu năm 2023, việc đầu tư và thu hút du khách du lịch giữa 2 nước sẽ có sự thay đổi rõ rệt.

Trên cương vị đại sứ du lịch của Việt Nam, điều ông quan tâm nhất hiện nay là gì?

- Tôi đã thành lập Văn phòng xúc tiến du lịch Việt Nam tại Hàn Quốc. Hoạt động của Văn phòng dựa trên hợp đồng nội bộ Việt Nam giữa Đại sứ du lịch và Tổng cục du lịch Việt Nam. Về phía Hàn Quốc, các cơ quan chính phủ đã công nhận Đại sứ du lịch Việt Nam về mặt danh xưng và không có trở ngại gì trong việc giao lưu với người dân.

Tuy nhiên, Văn phòng chưa được Chính phủ Hàn quốc cấp phép và công nhận nó là một cơ quan tổ chức của chính phủ Việt Nam. Vì thế, các giấy tờ, tài liệu liên quan cần hỗ trợ thì không hỗ trợ được nên các giấy tờ đó cũng không có hiệu lực. Vì vậy mặc dù tôi đã rất nhiều lần đề nghị hỗ trợ về mặt hành chính để có thể đăng ký chính thức với Chính phủ Hàn Quốc nhưng chưa có kết quả. Để sớm thúc đẩy hoạt động du lịch của Việt Nam tại Hàn Quốc, tôi cho rằng cần sớm thành lập Trung tâm văn hoá du lịch Việt Nam tại Hàn Quốc cũng như tăng cường các quỹ phát triển du lịch ở nhiều hình thức.

Ông Lý Xương Căn gặp gỡ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. (Ảnh: NVCC).

Ngoài ra, theo ông cần chú trọng thêm điều gì để tăng cường hơn nữa mối quan hệ giao lưu về du lịch?

- Tôi nhận thấy các nước trong khu vực đang chi nhiều tiền và nỗ lực để thu hút đầu tư và khách du lịch Hàn Quốc. Sau thời kỳ bùng phát của Covid-19, xu hướng du lịch của Hàn Quốc có nhiều thay đổi và sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Do vậy, chúng ta phải nghiên cứu để tìm ra cách tiếp cận mới với thị trường du lịch Hàn Quốc để mang lại hiệu quả trong quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam.

Ở thời điểm hiện tại, tôi sẽ cố gắng dùng sự nhiệt tình để gắn kết trong lĩnh vực du dịch 2 nước. Nhưng nếu chỉ một cá nhân thì chưa đủ để tạo ra sự cạnh tranh với các nước xung quanh. Chúng ta cần có sự hỗ trợ tích cực từ mọi người và các cơ quan bộ, ngành liên quan.

Nội dung: Hoàng Mạnh

Đồ họa: Đông Phong

Top