Thời sự - Chính trị

Hiệp định Paris truyền tải thông điệp hòa bình

2024-12-20 19:10:16
Bài học từ Hiệp định Paris và giá trị vận dụng cho hiện tại
Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình gửi thông điệp tri ân các nhân chứng lịch sử của Hiệp định Paris

Ông Rabid Deb, đại diện Tổ chức Hòa bình đoàn kết toàn Ấn Độ:

Hiệp định Paris biểu tượng của nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới

Ông Rabid Deb, đại diện Tổ chức Hòa bình đoàn kết toàn Ấn Độ

(Ảnh: Sơn Nguyễn).

Từ những năm 60 của thế kỷ trước, phong trào nhân dân Ấn Độ đoàn kết với nhân dân Việt Nam đã được manh nha. Nhiều hoạt động đoàn kết đã được tổ chức để ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa giành độc lập của dân tộc Việt Nam. Khẩu hiệu hành động “Tên anh, tên tôi, tên chúng ta, Việt Nam! Việt Nam!”, “Hồ, Hồ, Hồ Chí Minh”, tôi còn nhớ mãi.

Chúng tôi, những người ủng hộ cuộc kháng chiến chính nghĩa của Việt Nam, rất vui mừng khi hiệp định Paris cuối cùng được ký kết vào ngày 27/1/1973. Tuy nhiên, chúng tôi cũng nhận thức được rằng ký kết là một chuyện, thực hiện các nội dung Hiệp định trên thực tế càng khó khăn hơn nhiều. Rất mừng, Việt Nam đã hoàn thành sự nghiệp giải phóng Việt Nam và thống nhất đất nước. Ký kết Hiệp định Paris là một biểu tượng của hòa bình không những của Việt Nam mà còn nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới.

Cùng với thắng lợi của Hiệp định Paris, tên tuổi của những nhà ngoại giao Việt Nam cũng đã để lại ấn tượng sâu sắc. Bà Nguyễn Thị Bình là một người vĩ đại, bà cống hiến cả sự nghiệp của mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Tôi vẫn nhớ, năm 1970, đoàn đại biểu của bà Bình thăm Ấn Độ và nhận được sự chào đón của hàng trăm người ở mọi tầng lớp xã hội với biểu ngữ “Chào đón Madame Binh”.

Sau đó, tôi đã có cơ hội gặp trực tiếp bà Bình vài lần. Lần đầu vào năm 2007, khi bà thăm bang Tây Bengan và tham gia lễ hội Ấn Độ-Việt Nam và lần thứ hai tại Hà Nội, khi kỷ niệm 40 năm ngày ký kết Hiệp định Paris. Năm nay, bà Bình tuổi đã cao, sức khỏe không còn như trước, nhưng tôi vẫn thấy sự nhiệt huyệt và cống hiến tận tâm qua ánh mắt và lời nói của bà.

Ông Viktor Alekseevich Petrov, Chủ tịch Hội của Liên bang Nga hữu nghị và hợp tác văn hóa với Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên:

Việt Nam đã có những thay đổi diệu kỳ

Ông Viktor Alekseevich Petrov, Chủ tịch Hội của Liên bang Nga hữu nghị và hợp tác văn hóa với Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên (Ảnh: Thu Hà).

Nếu ở Việt Nam vào thời điểm ký kết Hiệp định Paris và trải nghiệm cuộc sống hiện nay, các bạn sẽ thấy được sự thay đổi ở đất nước các bạn diệu kỳ như thế nào.

Tôi đã nhiều lần đến Việt Nam. Một lần khi chiến tranh còn đang khốc liệt, một lần dự lễ kỷ niệm 40 năm ngày ký kết Hiệp định Paris và lần này nhân kỷ niệm 50 năm. Mỗi lần quay trở lại tôi đều ngạc nhiên trước những đổi thay nhanh chóng của đất nước các bạn. Từ những thay đổi có thể nhìn thấy bằng mắt thường như những thành phố hiện đại, những tòa cao ốc chọc trời đã thay thế cho hình ảnh những ngôi nhà, làng mạc, phố xá đổ nát, hoang tàn trong chiến tranh trước đây đến những thay đổi có tính chất căn cơ, bền vững hơn. Đất nước các bạn ngày càng phát triển giàu đẹp với những thành tựu ấn tượng về kinh tế, xã hội. Cuộc sống người dân được cải thiện, ấm no, tự do, hạnh phúc.

Chúng tôi trân trọng những tình cảm Việt Nam dành cho Liên Xô trước đây và Liên bang Nga ngày nay. Chúng tôi cũng hãnh diện và tự hào vì luôn kề vai sát cánh với vận mệnh của Việt Nam. Một tình bạn đặc biệt, gắn bó thủy chung sâu sắc giữa nhân dân hai nước từ trong quá khứ đến hiện tại và sẽ tiếp tục phát triển ngày càng mạnh mẽ hơn.

Ông George Burchett (Úc):

Việt Nam - Úc tăng cường hợp tác vì hòa bình

Ông George Burchett (Ảnh: Thu Hà).

Việt Nam là một trong những quốc gia độc lập nhất trên thế giới. Trở lại Việt Nam lần này, đất nước các bạn đã không còn cảnh chiến tranh, bom đạn. Chào đón chúng tôi là đất nước xinh đẹp, những nụ cười thân thiện, hiếu khách. Tiếng vang của đất nước các bạn trên trường quốc tế rất tích cực, trong đó có những chiến thắng lịch sử như ký kết Hiệp định Parsi, lập lại hòa bình ở Việt Nam năm 1973.

Thời điểm đó, thế giới tưởng rằng cuộc chiến tranh ở Việt Nam chỉ là các cuộc nội chiến. Tuy nhiên bố tôi - nhà báo Wilfred Burchett đã trực tiếp đến chiến trường tìm hiểu thông tin và đã hiểu được tính chất phi nghĩa Mỹ triển khai ở Việt Nam. Trong thời gian đàm phán, ông chuyển cả gia đình đến Paris sinh sống để thuận lợi trong việc trực tiếp theo dõi, đưa tin về cuộc đàm phán. Ông nói ông muốn đóng góp cho hòa bình ở Việt Nam. Vì những bài báo ủng hộ Việt Nam, bố tôi đã bị tước hộ chiếu Úc trong nhiều năm.

Hiệp định Paris được ký kết đã tác động tích cực đến quan hệ Việt Nam và Úc. Thủ tướng Úc Gough Whitlam đã thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Việt Nam. Từ đó đến nay, quan hệ Việt Nam - Úc ngày càng phát triển tốt đẹp, toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Tôi mong muốn hai nước sẽ tăng cường hợp tác vì hòa bình, tổ chức nhiều hoạt động trao đổi chuyên gia trong lĩnh vực này.

Ông Xaphouvong Bouangeun, Phó Chủ tịch Trung ương Hội hữu nghị Lào - Việt Nam:

Hiệp định Paris là tiền đề, nguồn động viên cho cách mạng Lào

Ông Xaphouvong Bouangeun, Phó Chủ tịch Trung ương Hội hữu nghị Lào - Việt Nam (Ảnh: Hải An).

Những ngày đầu của cách mạng Lào, chúng tôi được Đảng và Nhà nước Việt Nam ủng hộ rất nhiều. Chúng ta đã cùng nhau chiến đấu và chiến thắng. Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết ngày 13/1/1973. Sau khi Hiệp định được ký kết, không khí phấn khởi, tin tưởng vào ngày chiến thắng cuối cùng ở Lào rất sôi nổi. Một tháng sau, Hiệp định Viêng Chăn về lập lại hòa bình và thực hiện hòa hợp dân tộc ở Lào được ký kết (ngày 21/2/1973). Hiệp định Paris là sự động viên to lớn cho cách mạng, quân và dân Lào tiến lên để hoàn thành nhiệm vụ cách mạng của mình. Có Hiệp định Paris mới có Hiệp định Viêng Chăn, từ đó cách mạng Lào mới thành công cho đến hôm nay.

Tôi tin rằng, quan hệ hai nước sẽ ngày càng phát triển. Sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, các hoạt động giao lưu nhân dân hai nước, nhất là nhân dân các tỉnh có biên giới chung (thăm hỏi, buôn bán, làm ăn) sẽ ngày càng phát triển.

Ông Rabindra Adhikari, Điều phối viên khu vực châu Á, Hội đồng Hòa bình thế giới:

Hữu nghị nhân dân góp phần duy trì hòa bình

Ông Rabindra Adhikari, Điều phối viên khu vực châu Á, Hội đồng Hòa bình thế giới (Ảnh: Sơn Nguyễn).

Nhìn từ hội nghị Paris và quá trình đàm phán, chúng ta đều nhận ra rằng can thiệp quân sự, sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế không nhận được sự ủng hộ của người dân yêu chuộng hòa bình dư luận tiến bộ trên thế giới. Đồng thời, việc thúc đẩy hiểu biết lẫn nhau, hợp tác cùng nhau, nỗ lực để đạt được hòa bình và duy trì hòa bình là cần thiết và đúng đắn trong các giai đoạn lịch sử.

Để duy trì hòa bình, cũng rất cần thiết thúc đẩy giao lưu nhân dân, sự hiểu biết lẫn nhau giữa các quốc gia, đảng phái chính trị cùng chung sống hòa bình.

Việt Nam đang thực hiện chính sách đối ngoại trung lập, hòa bình và phát triển quan hệ đối ngoại với rất nhiều quốc gia trên thế giới. Chính sách này nhận được sự ủng hộ lớn của cộng đồng quốc tế.

Ông Botz Laszlo, Chủ tịch Hội hữu nghị Hungary-Việt Nam:

Sẽ giới thiệu cuộc đấu tranh vì hòa bình của Việt Nam đến người dân Hungary

Ông Botz Laszlo, Chủ tịch Hội hữu nghị Hungary-Việt Nam trao đổi với Chủ tịch VUFO Nguyễn Phương Nga về kế hoạch xuất bản cuốn sách giới thiệu văn hóa, lịch sử và con người Việt Nam đến người dân Hungary (Ảnh: Thu Hà).

Mối lương duyên của tôi với Việt Nam bắt đầu khi tôi là sỹ quan trong Ủy ban quốc tế giám sát và kiểm sát ở Việt Nam. Đó là lần đầu tiên tôi biết đến Việt Nam. Tôi bắt đầu tìm hiểu về cuộc chiến tranh Việt Nam. Tôi đến Việt Nam lần đầu tiên vào năm 1973. Tôi thấy người dân Việt Nam rất hạnh phúc và nụ cười thường trực trên khuôn mặt của họ. Tôi rất ấn tượng với sự lạc quan của người dân ngay cả trong thời chiến. Tôi chứng kiến Việt Nam trong chiến tranh và sau chiến tranh, và mỗi lần quay trở lại đây, tôi đều chứng kiến Việt Nam sự đổi thay đáng kinh ngạc.

Chứng kiến nhiều cuộc xung đột, chiến tranh, tôi nghĩ cần thiết phải duy trì hòa bình, hợp tác và hữu nghị giữa các quốc gia. Đối với quan hệ Hungary-Vietnam, tôi cho rằng, cần làm nhiều điều thúc đẩy quan hệ nhân dân hai nước. Nhiều người Hungary chưa biết đến Việt Nam và cuộc kháng chiến đấu tranh vì hòa bình, độc lập, tự do của nhân dân Việt Nam. Vì vậy, chúng tôi có kế hoạch phối hợp cùng Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam xuất bản một cuốn sách về Việt Nam, giới thiệu văn hóa, lịch sử và con người Việt Nam với người dân Hungary, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Bà Lorena Peña Mendoza, Chủ tịch Liên đoàn Phụ nữ dân chủ quốc tế:

Kinh nghiệm ngoại giao nhân dân Việt Nam được vận dụng tại El Salvador

Bà Lorena Peña Mendoza, Chủ tịch Liên đoàn Phụ nữ dân chủ quốc tế đón đọc thông điệp "Cùng Việt Nam đến với một thế giới hòa bình" trên số Xuân Quý Mão của tạp chí Thời Đại.

(Ảnh: Thu Hà).

Cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam trên mặt trận chính trị và ngoại giao có ảnh hưởng rất lớn đến cuộc đấu tranh giành độc lập của nhân dân Mỹ Latin. Kinh nghiệm ngoại giao nhân dân của Việt Nam đã được vận dụng trong cuộc chiến tranh nhân dân tại El Salvador nhiều năm sau đó. Đó là bài học về cách một nước nhỏ không ngừng học hỏi, kiên cường đấu tranh cho độc lập, chủ quyền.

Việc tìm kiếm các giải pháp hòa bình, như đàm phán Hiệp định Paris là bài học và cũng là thách thức trong thời đại hiện nay. Điều quan trọng là phải bảo vệ quyền tự quyết của các dân tộc, bảo vệ quyền được sống trong hòa bình của mỗi người. Việt Nam luôn là tấm gương về việc bảo vệ chủ quyền dân tộc, phát triển đất nước và đấu tranh vì hòa bình thế giới.

Với vai trò là Chủ tịch Liên đoàn Phụ nữ dân chủ Quốc tế, tôi muốn đề cập đến một khía cạnh khác của hòa bình. Qua trao đổi với các đồng nghiệp như bà Hà Thị Nga, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Liên đoàn Phụ nữ dân chủ Quốc tế cho rằng muốn có hòa bình thế giới, trước hết phải có độc lập, an toàn cá nhân. Do đó, chúng tôi đấu tranh cho sự an toàn, phát triển của phụ nữ, chống lại bạo lực gia đình.

Tiến sĩ Chap Sotharith (Campuchia), Tổng Thư ký Hội hữu nghị Campuchia - Việt Nam:

Hiệp định Paris tạo tiền đề cho sự phát triển của Việt Nam

Tiến sĩ Chap Sotharith (Campuchia), Tổng Thư ký Hội Hữu nghị Campuchia - Việt Nam (Ảnh: Thu Hà).

Hiệp định Paris liên quan đến cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của ba nước Đông Dương: Lào, Campuchia và Việt Nam. Hiệp định tạo cơ hội cho sự phát triển mà Việt Nam hôm nay. Nếu không có Hiệp định này, thì những thành tựu đó không thể xảy ra.

Việt Nam đã trở thành một quốc gia phát triển trong khu vực, nhập cuộc năng động trong sân chơi toàn cầu, nhất là trong lĩnh vực chính trị. Năm 2023, tôi tin rằng quan hệ thân thiết giữa hai quốc gia, hai dân tộc sẽ tiếp tục phát triển tích cực trên mọi lĩnh vực. Chúng ta là những người hàng xóm, người anh em tốt của nhau. Hội Hữu nghị chúng tôi sẽ phối hợp và làm việc chặt chẽ với phía Việt Nam để quan hệ hợp tác giữa hai bên sẽ ngày càng thường xuyên và hiệu quả hơn.

Tri ân người bạn Hungary tham gia giám sát thực thi Hiệp định Paris
Gặp gỡ, giao lưu với các nhân chứng lịch sử quá trình đàm phán, ký kết Hiệp định Paris

Top