Thời sự - Chính trị

2025-01-15 19:07:46

Sáng 18/12, dự Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 ngành văn hóa, thể thao và du lịch, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu xây dựng, hoàn thiện thể chế để thu hút nguồn lực, khuyến khích người tài có tâm huyết và xử lý người gây cản trở phát triển văn hóa, thể thao, du lịch.

Hội nghị có chủ đề “Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc - Động lực phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam” được tổ chức trực tiếp tại điểm cầu Trụ sở Chính phủ, trực tuyến tới điểm cầu 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và tới trên 700 điểm cầu các huyện, thị, thành phố trực thuộc tỉnh, thành phố.

Dự Hội nghị có: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; hơn 16.000 đại biểu.

Chuyển tư duy "làm văn hóa" sang "quản lý nhà nước về văn hóa"

Hội nghị đánh giá năm 2024, toàn ngành văn hóa, thể thao và du lịch đã quán triệt, triển khai kịp thời các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội; bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tích cực, chủ động triển khai nhiệm vụ với chủ đề công tác năm “Tận tụy-Chuyên nghiệp-Tinh thông-Hiện đại-Đoàn kết-Kỷ cương-Tăng tốc về đích."

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp tham mưu, báo cáo, trình Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ ban hành và cho ý kiến nhiều văn bản quan trọng như: Kết luận của Bộ Chính trị về "tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới" và “phát triển thể dục, thể thao trong giai đoạn mới”; Luật Di sản văn hóa; Chương trình Mục tiêu Quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035; Chiến lược phát triển thể dục thể thao đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2045 và Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045…

Sự chuyển biến trong nhận thức, tư duy từ "làm văn hóa" sang "quản lý nhà nước về văn hoá" ngày càng được nâng cao và hoàn thiện, tiếp cận theo hướng chiều sâu. Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa được quan tâm đặc biệt, có bước đột phá với các chương trình có tầm vóc, sức thu hút, hiệu ứng xã hội lớn như "Anh trai vượt ngàn chông gai," "Anh trai say hi"…

Lĩnh vực di sản văn hóa, văn hóa quần chúng, văn hóa dân tộc, thư viện, văn học, nghệ thuật, công tác gia đình tiếp tục phát triển sâu rộng, sôi nổi, đạt thành tựu nổi bật.

Việt Nam có thêm hai di sản được UNESCO ghi danh: Những bản đúc nối trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế được đưa vào Danh mục Di sản Tư liệu khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam được đưa vào Danh sách Di sản Văn hóa Phi vật thể của nhân loại.

Thể thao Việt Nam tham dự các Đại hội thể thao quốc tế để lại nhiều dấu ấn tích cực, đã giành được tổng số 1.214 huy chương quốc tế, trong đó 482 huy chương Vàng, 360 huy chương Bạc, 372 huy chương Đồng. Đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam lần đầu tiên giành huy chương thế giới, lần thứ hai vô địch châu Á.

Du lịch Việt Nam năm 2024 đã đạt 17,5 triệu lượt, tăng 38,9% so với cùng kỳ năm 2023; khách nội địa ước đạt 110 triệu lượt, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt khoảng 840.000 tỷ đồng, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm 2023. Việt Nam đăng cai thành công Hội nghị quốc tế về Du lịch Nông thôn của Tổ chức du lịch Liên hợp quốc năm 2024; Việt Nam có làng thứ 3 được công nhận Làng du lịch tốt nhất thế giới.

Trong năm 2024, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức Ký kết 11 văn bản hợp tác quốc tế nhân các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước; xây dựng 14 Kế hoạch triển khai các hoạt động đối ngoại, 9 đề án. Nhiều hoạt động, sự kiện giao lưu, hợp tác quốc tế về văn hóa, thể thao và du lịch được tổ chức thành công, quảng bá hình ảnh, góp phần củng cố vị thế quốc tế của đất nước...

Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2025. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Các đại biểu thảo luận làm sâu sắc hơn về những thành tựu, thách thức và nhiệm vụ công tác văn hóa, thể thao, du lịch trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Qua đó, các đại biểu nhấn mạnh văn hóa, thể thao, du lịch Việt Nam cần những giải pháp, hành động cấp thiết để thúc đẩy sự phát triển và vươn mình trên trường quốc tế, bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Các đại biểu đồng thời đề cao vai trò xây dựng thể chế, kiến tạo và tạo môi trường để phát triển văn hóa, thể thao, du lịch; xây dựng hệ giá trị gia đình Việt Nam trong tình hình mới; tạo thêm “sân chơi” để thúc đẩy công nghiệp văn hoá; xúc tiến quảng bá du lịch; phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa…

Nhắc lại bản Đề cương về Văn hóa Việt Nam năm 1943 đã xác định vai trò đặc biệt quan trọng của văn hóa với ba nguyên tắc “dân tộc," “đại chúng," “khoa học," Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng văn hóa là cầu nối của quá khứ với hiện tại, điểm đến tươi sáng và hấp dẫn của tương lai, sức mạnh nội sinh của dân tộc. Thể thao thể hiện sức khỏe của dân tộc; du lịch là hình ảnh, lan tỏa, truyền cảm hứng của Việt Nam trên trường quốc tế. Do đó, phải quốc tế hóa giá trị nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thành tựu, giá trị du lịch, thể thao của đất nước, tiếp thu tinh hoa văn hóa, thể thao, du lịch thế giới.

Thông tin về thành tựu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước trong năm 2024, Thủ tướng khẳng định tình hình kinh tế-xã hội phục hồi tích cực, tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, đạt nhiều kết quả quan trọng, tốt hơn năm 2023 trên hầu hết các lĩnh vực. Dự kiến, đạt và vượt toàn bộ 15/15 chỉ tiêu chủ yếu, trong những thành tựu chung đó, ngành văn hóa, thể thao và du lịch có nhiều đóng góp quan trọng với những điểm sáng.

Ngành đã chuyển đổi mạnh mẽ tư duy từ “làm văn hóa” sang “quản lý nhà nước về văn hóa”; thể chế, cơ chế, chính sách được bổ sung, phát triển, hoàn thiện; công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống và di sản văn hóa tiếp tục đạt thành tựu mới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ trọng tâm ngành văn hóa, thể thao và du lịch năm 2025. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Ngành tiếp tục xây dựng hệ giá trị văn hóa; công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí Việt Nam tiếp tục có bước phát triển đáng ghi nhận; nâng cao mức hưởng thụ các thành quả của văn hoá, thể thao và du lịch của người dân. Các hoạt động đối ngoại về văn hóa, thể thao và du lịch, quảng bá hình ảnh đất nước, con người và nền văn hóa nghệ thuật Việt Nam ra nước ngoài tiếp tục được đẩy mạnh. Du lịch tiếp đà phục hồi mạnh và là điểm sáng; việc xây dựng, phát triển con người Việt Nam đạt được nhiều thành tựu về tầm vóc, thể lực và trình độ…

Ghi nhận, biểu dương những nỗ lực, cố gắng và chúc mừng kết quả quan trọng mà toàn ngành đã đạt được trong năm 2024, Thủ tướng thẳng thắn chỉ rõ một số hạn chế như văn hóa chưa thực sự là nền tảng tinh thần của xã hội, sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước; năng lực cạnh tranh của ngành du lịch chưa cao; thể thao, nhất là thể thao thành tích cao vẫn chưa như mong muốn…

Khuyến khích người tài cống hiến và xử lý người gây cản trở

Thủ tướng Chính phủ nêu các bài học kinh nghiệm và phân tích bối cảnh, tình hình thời gian tới, nhất là năm 2025 được xác định là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng - năm tăng tốc, bứt phá, về đích để thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025. Đồng thời năm 2025 diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của đất nước: kỷ niệm 95 năm thành lập Đảng, 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 80 năm thành lập nước.

Năm 2025 cũng sẽ diễn ra tổ chức sắp xếp tổ chức bộ máy và tiến hành Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV mở ra kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình, phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc.

Trên cơ sở đó, Thủ tướng yêu cầu ngành văn hóa, thể thao và du lịch phải thực sự đổi mới tư duy, đột phá kiến tạo không gian phát triển để văn hóa, thể thao và du lịch “cất cánh”; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Toàn ngành quyết tâm cao, nỗ lực lớn để tổ chức thực hiện kịp thời, linh hoạt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp với tinh thần “Đảng đã chỉ đạo, Chính phủ đã thống nhất, Quốc hội đồng tình, nhân dân ủng hộ, Tổ quốc mong đợi," “chỉ bàn làm, không bàn lùi," với tư duy đổi mới, chiến lược, nhìn xa, trông rộng, nghĩ sâu, làm lớn; phát huy trí tuệ, bản lĩnh, coi trọng thời gian, sự quyết đoán."

Thủ tướng chỉ đạo ngành phải tạo đột phá về thế chế để “chuyển hóa các giá trị tài sản văn hóa thành nguồn lực, động lực cho sự phát triển," nhất là đổi mới tư duy, xóa bỏ tư duy “không quản được thì cấm, loại bỏ cơ chế “xin-cho." Đồng thời đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh rườm rà gắn với chuyển đổi số; tập trung đào tạo nguồn nhân lực, có chính sách trọng dụng, phát huy tài năng, sức sáng tạo của đội ngũ trí thức, văn nghệ sỹ, vận động viên; khuyến khích người tài có tâm huyết và xử lý người gây cản trở…

Ngành tiếp tục tập trung sắp xếp, tinh gọn tổ chức, bộ máy; xây dựng đội ngũ cán bộ tâm huyết, vì nước, vì dân, vì sự phát triển của đất nước theo tinh thần “Tinh-Gọn-Mạnh-Hiệu năng-Hiệu lực-Hiệu quả."

Đồng thời sơ kết, tổng kết các đề án, chương trình, dự án có mốc đến năm 2025 và chủ động xây dựng nhiệm vụ, chương trình, dự án giai đoạn 2026-2030, kiến tạo không gian phát triển đúng tầm, đồng bộ, tương hỗ với các bộ, ngành liên quan, trung ương với địa phương, Nhà nước và người dân, doanh nghiệp.

Ngành tiếp tục bảo tồn, tôn tạo và phát huy mạnh mẽ giá trị di sản văn hóa của dân tộc, nhất là di sản văn hóa các dân tộc thiểu số; có giải pháp đột phá phát triển văn học nghệ thuật, tinh hoa của văn hóa dân tộc trong kỷ nguyên mới. Đồng thời thúc đẩy các phong trào, hoạt động văn hóa theo hướng thiết thực, linh hoạt, lấy địa bàn cơ sở, người dân làm trung tâm; huy động, sử dụng hiệu quả nguồn lực, thúc đẩy hợp tác công-tư phát phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng số.

Thủ tướng yêu cầu có giải pháp để hình thành ý thức, thói quen trong toàn dân về tập luyện thể dục thể thao; tăng cường giáo dục thể chất và thể thao trường học, góp phần “tạo nguồn” cho thể thao thành tích cao; đầu tư trọng điểm cho các môn thể thao Việt Nam có lợi thế và các môn Olympic; chuẩn bị kỹ lực lượng và thi đấu tốt tại các sự kiện, cuộc thi thể thao lớn của khu vực, châu lục và thế giới.

Đồng thời, có giải pháp đột phá, mạnh mẽ để phát triển du lịch; khẩn trương hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh gắn với chuyển đổi số toàn diện; nghiên cứu phát động Phong trào thi đua “Dịch vụ chuyên nghiệp, phục vụ ân cần, ứng xử văn minh, môi trường xanh sạch," mang đến “nụ cười du lịch Việt Nam."

Nhắc lại lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi," Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh nền văn hóa của dân tộc Việt Nam - với lịch sử hàng nghìn năm - là sức mạnh trường tồn của dân tộc; phát triển thể dục, thể thao là một yêu cầu khách quan, đòi hỏi bắt buộc, góp phần hình thành một dân tộc mạnh khỏe; du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Do đó, toàn ngành có vai trò quan trọng, tác động sâu rộng, mang tính toàn dân, toàn diện, toàn cầu vừa mang tính cấp bách, chiến lược đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Thủ tướng mong muốn và tin tưởng rằng ngành văn hóa, thể thao và du lịch sẽ phát huy mạnh mẽ hơn nữa truyền thống, kết quả đạt được; tiếp tục phát huy tinh thần tiên phong khơi thông, đột phá, kiến tạo không gian phát triển, góp phần tạo nền tảng vững chắc cùng đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc./.

Thủ tướng dự Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành văn hóa, thể thao và du lịch

Sáng 18/12/2024, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm ngành văn hóa, thể thao và du lịch năm 2025.

(TTXVN/Vietnam+)
Top