Ảnh minh họa |
Điện thoại Huawei bán tại thị trường quốc tế đều chạy Android. Do đó, Android vô cùng quan trọng với công ty. Song, do lệnh cấm của Mỹ, công ty Trung Quốc có nguy cơ không được sử dụng Android.
Đối với Huawei, thách thức trong việc xây dựng hệ điều hành mới không chỉ ở mặt kỹ thuật. Họ còn phải thuyết phục được người dùng và lập trình viên giữa tâm bão bị tẩy chay. Hệ sinh thái phải có quy mô đủ lớn và thu hút được đủ ứng dụng, đây là điều mà Microsoft, BlackBerry và nhiều hãng khác thất bại.
Một công ty như Huawei có thể tạo ra thứ gì đó khả dụng song không thể đạt tới tầm của Android hay iOS trong 1 năm hay 18 tháng. Android được giới thiệu với các nhà đầu tư năm 2004, bán cho Google năm 2005 và chính thức công bố năm 2007. Thiết bị đầu tiên chạy Android bán ra năm 2008. Trong khi đó, Huawei được cho là mới nghiên cứu hệ điều hành “kế hoạch B” từ năm 2012.
Theo ông Neil Shah, Giám đốc nghiên cứu hãng phân tích Counterpoint, để cạnh tranh với Android, phải có lập trình viên viết ứng dụng cho Huawei và kho ứng dụng phải có hàng triệu chương trình. Một trong các lý do Microsoft từ bỏ Windows Phone năm 2017 chính là bị các lập trình viên thờ ơ. Lượng người dùng ít ỏi khiến đầu tư trở nên lãng phí. Nokia Symbian và BlackBerry OS cũng vấp phải khó khăn tương tự và dẫn đến việc bị khai tử như Windows Phone.
Tian Weishu, nhà phát triển Android đang làm cho Alibaba, nhận xét: “Không có lý gì để công ty duy trì ứng dụng trên nền tảng không có đủ người dùng”.
Bởi việc viết lại và chuyển đổi ứng dụng sang nền tảng mới khá tốn kém, nhiều người tin rằng hệ điều hành của Huawei - tên gọi Hongmeng - sẽ được xây dựng trên nền tảng nguồn mở của Android. Nó có lợi thế là giúp lập trình viên chạy ứng dụng trên Hongmeng dễ hơn.
Dù vậy, Huawei vẫn còn một quân át chủ bài nếu phát triển hệ điều hành mới hoàn toàn, đó chính là quan hệ với các hãng công nghệ quan trọng nhất Trung Quốc. Để có thể đạt được số lượng lớn ứng dụng cần thiết, công ty cũng cần được chính phủ hỗ trợ.
Nếu muốn giảm bớt lệ thuộc vào Mỹ, tất cả các hãng sản xuất điện thoại Trung Quốc phải dùng hệ điều hành “của nhà trồng được” giống như Hongmeng. Khi mọi công ty đồng lòng, họ có cơ hội cạnh tranh với Android và iOS tốt hơn là Huawei đơn thương độc mã.
Ngoài ra, để đạt tầm ảnh hưởng và thị phần như iOS và Android, Huawei không chỉ phải thống trị thị trường Trung Quốc mà còn cả thị trường nước ngoài. Đây là nơi công ty đối mặt với rào cản lớn hơn do họ đang bị giám sát chặt chẽ vì lý do an ninh.
Theo Shah, không dễ để Huawei trấn an người dùng và lập trình viên về sự an toàn của nền tảng. Sau cùng, họ vẫn là một công ty điện thoại chứ không phải phần mềm. Mọi thiết bị Android đều được Google kiểm duyệt tính năng bảo mật. Không có Google đứng ra bảo vệ, Huawei sẽ khó giành được lòng tin của người dùng quốc tế.
Ông Tian không nghi ngờ việc Hongmeng sẽ thành công tại Trung Quốc song không dám chắc về thị trường nước ngoài.
Ngay cả khi Huawei vượt qua được các thách thức kể trên, vẫn còn một điều phải lo lắng về lâu dài, đó là con chip. Kiến trúc chip của ARM xuất hiện trong 90% con chip di động, bao gồm cả chip của Huawei. Tuy nhiên, ARM cho biết sẽ tuân thủ lệnh cấm của Mỹ, dừng giao dịch với công ty.
Một phần trong mã của hệ điều hành tương ứng với con chip mà Huawei đang dùng, nói cách khác là chip của ARM. Nếu Huawei không được tiếp cận những nâng cấp của con chip, nó sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của toàn bộ nền tảng.
Hai con chip lớn hiện nay là Intel x86 và ARM v8. Huawei có thể thay ARM bằng kiến trúc mở RISC-V và không bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm của Mỹ nhưng không phải giải pháp lý tưởng. RISC-V chưa sẵn sàng cho thời hoàng kim.
Theo Wu Hequan, học giả tại Học viện Kỹ thuật Trung Quốc, Huawei có thể chọn cách mua bản quyền công nghệ ARM v8 vĩnh viễn và sản xuất, nâng cấp chip dựa trên công nghệ v8 hiện tại mà không cần trợ giúp từ ARM để giải quyết rắc rối trong ngắn hạn.
Nguồn bài viết : Nagamas Vip E-Gaming Club