Thông qua dự án, họ không chỉ làm sống dậy nghệ thuật chèo mà còn truyền đi tình yêu văn hóa dân gian, niềm tự hào dân tộc.
Tìm về với hồn cốt cha ông cùng nghệ thuật dân gian
Đêm công diễn “Tôi chèo về quê hương” tại đền Voi Phục (Kim Mã, Hà Nội) như lễ tổng kết dự án “Chèo 48h” năm 2015. Biểu diễn chèo giữa sân đình, những người trẻ hóa trang thành Thị Mầu, mẹ Đốp, xã trưởng... Họ đang tìm về loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống của cha ông – nơi còn cất giữ bao suy tư thời cuộc trong sự ví von đa thanh, đa nghĩa.
Giới trẻ tìm về với nghệ thuật dân gian
Chèo đến với giới trẻ bắt đầu từ... hình ảnh cô sinh viên diễn vai mẹ Đốp khệnh khạng bụng bầu bước ra sân khấu. Mõ Gióng lên mấy hồi, rao rằng: “Chiềng làng chiềng chạ/ Thượng hạ Tây Đông/ Con gái phú ông/ Tên là Mầu Thị/ Tư tình ngoại ý/ Mãn nguyệt có thai/ Già trẻ gái trai/ Ra đình mà ăn khoán...”.
Họ trải qua bao nhiêu ngày tập luyện để có 1 đêm diễn chèo như thế. Giáp Trọng Đức (sinh viên trường Đại học Nghệ thuật Trung ương) – người hóa thân vào vai xã trưởng cho biết: “Khi tập điệu cười hách dịch của xã trưởng, em bị nhập tâm đến mức nhiều lần trên đường về phòng trọ, nói chuyện với các bạn mà em cười nguyên cái điệu cười của xã trưởng. Nhiều người đi cùng xe buýt tưởng bọn em bị... điên. Thú vị lắm!”.
Họ hóa thân vào những vai diễn nổi tiếng của nghệ thuật chèo: xã trưởng, mẹ Đốp...
Nguyễn Thị Thu Trà (sinh viên Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ: “Đối với những bạn sinh viên sống ở Hà Nội, lại lớn lên trong thời đại nhạc trẻ, nhạc Hàn Quốc... chiếm lĩnh thị trường âm nhạc thì việc tiếp cận với chèo dường như quá xa vời. Em cũng hay nói với bố rằng: “Con không thể nghe được chèo hay các thể loại nhạc dân gian khác”. Nhưng khi nghe thầy Lê Tuấn Cường giảng dạy về chèo và xem các bạn tập trích đoạn “Xã trưởng, mẹ Đốp”, em thích chèo luôn rồi”.
Thêm tự hào văn hóa truyền thống của dân tộc
"Chèo 48h" là dự án âm nhạc phi lợi nhuận được sáng lập bởi nhóm bạn trẻ là học sinh, sinh viên tại Hà Nội, với sự đồng hành của Quỹ Văn hóa Hà Nội và bảo trợ của Nhà hát Chèo Việt Nam, Trung tâm nghiên cứu và phát triển bền vững CSDS Việt Nam, tổ chức “Tôi 20”.
Dự án mong muốn góp phần hỗ trợ các bạn trẻ có cơ hội được trải nghiệm, tiếp xúc nhiều hơn với nghệ thuật chèo, mang chèo dân gian đến gần hơn với giới trẻ.
Tìm hiểu về nghệ thuật chèo cùng các chuyên gia
Đến với "Chèo 48h" các bạn trẻ sẽ được thử sức qua 2 giai đoạn: “Chèo khám phá” và “Chèo trải nghiệm”. “Chèo khám phá” với 10 buổi học trên lớp. Qua mỗi buổi học, học viên được học hát chèo cùng những nghệ sĩ chèo nổi tiếng như: thạc sĩ Lê Tuấn Cường – đạo diễn tại Nhà hát Chèo Việt Nam; nghệ sĩ Khương Cường (Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn, Phát huy âm nhạc dân tộc)… Đặc biệt, giới trẻ thích thú hơn khi vừa được học các làn điệu chèo nổi tiếng vừa được trải nghiệm thực tế ở 1 làng quê có chèo là loại hình nghệ thuật chính.
Có những mảnh hồn làng gắn với chèo như làng Khuốc (Thái Bình), làng Đặng Xá (Nam Định), làng Thiết Trụ (Hưng Yên), làng Cổ Phong (Hà Nội), chiếu chèo làng Then (Bắc Giang), làng Ngò (Hà Nam)... Có thể, khi tìm về với làng, chiếu chèo đã khép tự khi nào, nhưng trầm tích chèo vẫn còn trong trí nhớ của dân làng. Trong hành trình gần như chuyến khảo cổ ấy, giới trẻ sẽ khám phá nét văn hóa khi xưa.
Học hát chèo
Đinh Phương Thảo, cựu sinh viên Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, 1 trong những thành viên sáng lập "Chèo 48h" chia sẻ: "Khi thành lập dự án, chúng mình nghĩ rằng âm nhạc truyền thống đang mờ bị mờ nhạt so với âm nhạc hiện đại. Phải có người nào đó làm âm nhạc truyền thống sống lại, gần gũi hơn với các bạn trẻ, không nó sẽ ngày càng bị mai một. Tuy nhiên, sau một thời gian chạy dự án, chúng mình đã phải thay đổi cách nhìn khi thấy các bạn trẻ vẫn rất yêu thích nhạc truyền thống".
Bùi Đình Hiếu, sinh viên trường Đại học Ngoại thương Hà Nội sinh ra ở Thái Bình, cái nôi của nghệ thuật chèo nên cậu bạn và gia đình đau đáu nỗi niềm làm sao mang chèo dân gian đến gần hơn với giới trẻ. Vì vậy, Hiếu luôn tận dụng mọi cơ hội để quảng bá về dự án "Chèo 48h" đến nhiều bạn trẻ khác.
Tìm về với chèo là một cách để người trẻ hướng về nguồn cội văn hóa dân tộc
"Đây cũng là cách chúng mình và những người thực hiện dự án "Chèo 48h" góp thêm giá trị vật chất và tinh thần để đưa âm nhạc truyền thống nước nhà tươi sáng hơn trước sự xâm nhập của nhiều “cơn bão văn hóa” thiếu lành mạnh trong đời sống xã hội. Từ đó, hướng các bạn trẻ tới văn hoá dân gian của đất Việt, khơi dậy niềm đam mê, sáng tạo, phát huy lòng tự hào về truyền thống dân tộc", Hiếu cho biết.
Thạc sĩ Lê Tuấn Cường – đạo diễn, Phó phòng Nghệ thuật Nhà hát Chèo Việt Nam cho biết: “Chẳng có gì là khó khăn nếu các em thật sự có đam mê và mong muốn tìm hiểu. Chúng tôi sẵn sàng truyền dạy cho các em bất kể lúc nào, không chỉ riêng chèo mà còn nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống khác. Điều quan trọng để giữ gìn di sản là chính các em thổi hồn vào tác phẩm, chạm đến cảm xúc, chạm đến trái tim của khán giả. Đó là thành công”.
An Vinh
Nguồn bài viết : XS Max 3D