Sẽ thành lập câu lạc bộ Hoàng Sa, Trường Sa toàn châu Âu |
Kiều bào đóng góp to lớn vào công cuộc bảo vệ chủ quyền Tổ quốc |
ĐT bóng rổ nam Việt Nam dự SEA Games 30 với hàng loạt cầu thủ Việt kiều |
Bà con kiều bào chào đón Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Ảnh: VOV |
Tại buổi gặp mặt, bà con Việt kiều ở thủ đô Kazan, Cộng hòa Tatarstan, Liên bang Nga đã cập nhật với Chủ tịch Quốc hội về tình hình đời sống, học tập, làm việc của người Việt tại Tatarstan, cũng như bày tỏ những tình cảm, tâm huyết mà họ dành cho quê hương, nhất là những trăn trở về việc dạy, học tiếng Việt cho thế hệ trẻ.
Theo bà con kiều bào, hiện tại Hội người Việt Nam tại thành phố Kazan tổ chức và duy trì lớp học tiếng Việt cho con em đã được hơn 5 năm. Các em được học một tuần 1 buổi vào chủ nhật, giáo viên là những sinh viên tâm huyết.
Để gìn giữ và phát triển ngôn ngữ quê hương, bà con kiều bào bày tỏ mong muốn Đảng và Chính phủ, Quốc hội, Đại sứ quán quan tâm và giúp đỡ, tạo điều kiện cử giáo viên từ Việt Nam sang có trình độ, có giáo trình và tổ chức văn hóa văn nghệ, những trò chơi dân gian để cho các cháu biết thêm về phong tục, tập quán của Việt Nam.
Trước nguyện vọng thiết tha của kiều bào, Chủ tịch Quốc hội khẳng định: Quốc hội rất ủng hộ việc hỗ trợ cho cộng đồng người Việt Nam dạy tiếng Việt cho các thế hệ trẻ em ở những nước có đông người Việt định cư. Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết: sẽ đề nghị Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga, và sau khi về nước sẽ đề xuất với các cơ quan chức năng để thúc đẩy hoạt động này.
"Chúng tôi sẽ đề nghị Bộ giáo dục và Đào tạo cũng phải có một đề án giúp cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài được đưa tiếng Việt, văn hóa Việt đến với con em chúng ta", Chủ tịch Quốc hội khẳng định.
Báo cáo với Chủ tịch Quốc hội về tình hình lưu học sinh, anh Nguyễn Thế Đạt, trưởng đoàn Lưu học sinh Việt Nam cho biết, tổng số lưu học sinh Việt Nam tại thành phố Kazan là 96 người, theo học ở các trường khác nhau. 90 % lưu học sinh đạt được bằng đỏ. Tuy nhiên, khi trở về nước, các lưu học sinh lại gặp phải những trở ngại trong việc tiếp cận, định hướng việc làm phù hợp với ngành nghề của mình.
“Tôi đề nghị và cũng mong muốn trong thời gian tới Đảng, Nhà nước, Quốc hội quan tâm hơn nữa đến lực lượng lưu học sinh đang chuẩn bị tốt nghiệp về nước. Đây là lực lượng có rất nhiều "chất xám", mong muốn đóng góp cho quê hương, đất nước”, anh Nguyễn Thế Đạt chia sẻ.
Ghi nhận và đánh giá cao những tâm tư tình cảm, nguyện vọng của lưu học sinh Việt Nam tại Cộng hòa Tatarstan, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân mong muốn các lưu học sinh tiếp tục học tập tốt và khi trở về sẽ tìm được những cơ hội việc làm phù hợp. Chủ tịch Quốc hội cũng khẳng định: chủ trương của Đảng, Nhà nước luôn mở rộng cánh cửa tiếp nhận tầng lớp trí thức được đào tạo bài bản theo đúng quy định của Luật công chức, viên chức. Cơ hội vẫn chờ các lưu học sinh ở phía trước, để khẳng định mình và phục vụ cho đất nước.
Trong buổi gặp gỡ với kiều bào ngày 9/12, Chủ tịch Quốc hội đã đánh giá cao cộng đồng gần 1.000 người Việt đang sinh sống tại thành phố Kazan rất đoàn kết, gắn bó khăng khít, giàu tinh thần hướng về quê hương đồng thời hội nhập tốt với nước sở tại.
"Đảng, Nhà nước ta bao giờ cũng xem cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không thể tách rời. Tôi cũng biết rằng, cộng đồng người Việt Nam ở đây chấp hành pháp luật rất tốt, sinh sống học tập hòa mình cùng với nhân dân nước sở tại. Điều này rất đáng mừng”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định.
Chủ tịch Quốc hội bày tỏ mong muốn bà con Việt kiều tiếp tục là cầu nối quan trọng cho tình hữu nghị giữa Liên bang Nga và nhân dân Việt Nam. Mỗi một người dân đều thể hiện một hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam, để qua đó, những người dân ở Kazan, Tatarstan hay Liên bang Nga thấy được hình ảnh người Việt Nam rất tốt đẹp.
Trong năm 2019 và 2020, Việt Nam và Liên bang Nga đã phối hợp tổ chức nhiều hoạt động như Năm Việt Nam tại Nga và Năm Nga tại Việt Nam nhân kỷ niệm 25 năm ký Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị Việt - Nga (1995-2019) và 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (1950-2020).
Chuyến thăm chính thức Liên bang Nga lần này của Đoàn đại biểu Cấp cao Quốc hội Việt Nam cũng là một hoạt động góp phần vào các sự kiện trọng đại đó, đồng thời thúc đẩy quan hệ hữu nghị truyền thống và Đối tác chiến lược toàn diện Việt-Nga và hợp tác giữa hai Quốc hội hai nước.
Tại cuộc gặp ngày 9/12, Chủ tịch Quốc hội đã thông báo cho bà con về tình hình phát triển kinh tế, xã hội trong nước thời gian qua. Năm nay Việt Nam giữ nhiệm vụ là chủ nhà ASEAN và Chủ tịch AIPA 41, tham gia Liên hợp quốc nên công tác đối ngoại sẽ rất phong phú, qua đây thể hiện vai trò nhiệm vụ của Việt Nam trên trường thế giới. Về vấn đề Biển Đông, Chủ tịch Quốc hội khẳng định, Đảng và Nhà nước thực hiện nhất quán chủ trương kiên quyết, kiên trì bảo vệ biển đảo của tổ quốc. Vừa qua, nhóm tàu khảo sát HD8 của Trung Quốc đã có các hoạt động xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. Bằng các giải pháp thực địa, ngoại giao, chúng ta đã kiên quyết đấu tranh trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 và đã nhận được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. |