Thống kê Bộ, ngành

2025-01-16 21:58:53
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị triển khai kế hoạch kinh doanh năm 2024 của ngành Đường sắt. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Cùng dự hội nghị có: Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh; Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương. 

Đường tàu - đường hoa

Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam được Nhà nước giao quản lý hệ thống tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt có tổng chiều dài 3.143 km, 297 khu ga và tiếp nhận mới 6 khu ga (gồm 15 tuyến đường sắt đi qua 34 tỉnh, thành phố từ Bắc đến Nam), có 5 tuyến chính, trong đó có 2 tuyến liên vận quốc tế kết nối với đường sắt Trung Quốc và hệ thống cầu, hầm, thông tin tín hiệu đường sắt.

Năm 2023, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam thành công với nhiều dấu ấn như: khai thác hoạt động vận tải liên vận quốc tế tại ga Kép sau 27 năm; khai trương tàu chuyên tuyến Thạch Gia Trang - Yên Viên; ra mắt tàu chất lượng cao tuyến Hà Nội - Đà Nẵng; xây dựng phong trào "Đường tàu - đường hoa", "Mỗi cung đường là một vườn hoa, mỗi nhà ga là một điểm đến"; tai nạn giao thông đường sắt giảm cả 3 tiêu chí; chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế được đẩy mạnh…

Sản lượng vận tải hàng hóa cả năm của toàn ngành đạt 4,6 triệu tấn; vận chuyển 6,1 triệu lượt hành khách. Tổng doanh thu hoạt động sản xuất, kinh doanh của Tổng Công ty đạt hơn 8.503 tỷ đồng, đạt 101,7% kế hoạch năm; lợi nhuận sau thuế đạt 94,8 tỷ đồng (trong khi cùng kỳ lỗ 111,9 tỷ đồng), thu nhập bình quân người lao động là 9,5 triệu đồng/người/tháng.

Phân tích kết quả đạt được, thảo luận về nhiệm vụ, giải pháp sản xuất, kinh doanh năm 2024, toàn Tổng Công ty quyết tâm hoàn thành kế hoạch được giao, phấn đấu duy trì đà tăng trưởng của các chỉ tiêu hợp nhất về doanh thu, lợi nhuận, thu nhập của người lao động, hoàn thành nghĩa vụ nộp Ngân sách Nhà nước và thực hiện tốt nhiệm vụ công ích về quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, ngành Đường sắt Việt Nam mà nòng cốt là Tổng Công ty Đường sắt, với bề dày hơn 140 năm hình thành và phát triển, đã có những đóng góp to lớn, đã từng đóng vai trò chủ đạo trong kết cấu hạ tầng giao thông quốc gia; là một trong những minh chứng lịch sử trong công cuộc giải phóng dân tộc, thống nhất và xây dựng đất nước.

Thủ tướng cho biết, thời gian qua, hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam gặp nhiều khó khăn, vướng mắc như: bất cập về quy định để giao vốn, đặt hàng; về ngành nghề kinh doanh; quy định về niên hạn phương tiện giao thông đường sắt và liên vận quốc tế; về quản trị, sản xuất kinh doanh; công tác nhân sự… Tuy nhiên, nhờ sự quan tâm của Trung ương, Chính phủ, các bộ, ngành và nỗ lực của riêng mình, ngành Đường sắt Việt Nam đã vượt qua nhiều khó khăn, vướng mắc, đạt được một số thành tựu đáng trân trọng, tự hào.

Năm 2023, là năm đầu tiên sau 3 năm hoạt động sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 ghi nhận đạt lợi nhuận. Kết quả đó, đã đóng góp quan trọng vào công tác quản lý, sử dụng hiệu quả kết cấu hạ tầng giao thông đường sắt, ổn định đời sống, việc làm cho người lao động trong ngành Đường sắt.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Ghi nhận, đánh giá cao, biểu dương kết quả mà ngành Đường sắt đạt được, Thủ tướng cho rằng, mặc dù có nhiều nỗ lực, song ngành Đường sắt chưa phát triển xứng tầm lịch sử và mong muốn của nhân dân; đồng thời, đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ phát triển ngành Đường sắt xứng tầm, hiện đại, góp phần hoàn thiện đồng bộ các phương thức giao thông tốt hơn.

Thủ tướng thẳng thắn chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế ngành Đường sắt cần khắc phục như: bộ máy cồng kềnh, mức độ cơ giới hóa chưa cao, ứng dụng khoa học kỹ thuật - công nghệ thông tin còn thấp; kết cấu hạ tầng còn lạc hậu; hiện trạng đầu máy, toa xe chưa có khả năng đáp ứng nếu nâng cao tốc độ chạy tàu trên 100 km/h; nguồn vốn đầu tư từ ngân sách cho phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt còn hạn chế…

Chú trọng xây dựng nền tảng phát triển công nghiệp đường sắt theo hướng hiện đại

Phân tích các mô hình quản lý mà ngành Đường sắt đã áp dụng, Thủ tướng cho biết, Trung ương, Chính phủ hết sức trăn trở để các đơn vị kinh tế, trong đó có ngành Đường sắt nói riêng không thua lỗ; khai thác tài sản, tài chính và nguồn nhân lực hiệu quả hơn.

Thủ tướng yêu cầu ngành Đường sắt phải áp dụng phương pháp quản trị hiện đại, phù hợp với hoàn cảnh đất nước và chức năng, nhiệm vụ ngành; tổ chức cơ cấu lại để sử dụng tài sản, tài chính hiện có của ngành một cách hiệu quả và có lợi nhất cho sự phát triển cả trước mắt và lâu dài; sắp xếp, tái cơ cấu tổ chức bộ máy quản lý, đội ngũ cán bộ, viên chức, người lao động hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với kinh tế thị trường, quy luật cạnh tranh, quy luật cung cầu; tiếp tục làm mới lại các động lực cũ, bổ sung các động lực mới; thực hiện chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức trong ngành Đường sắt…

Theo Thủ tướng, Trung ương Đảng mà cụ thể là Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII của Đảng đã có chủ trương phát triển đường sắt, góp phần thực hiện thắng lợi một trong những đột phá chiến lược là hạ tầng mà cụ thể là hạ tầng giao thông. Do đó, điều quan trọng là chúng ta phải đoàn kết, thống nhất, đổi mới tư duy, quyết tâm thực hiện chủ trương này. Đặc biệt, để có nguồn lực phát triển ngành Đường sắt, Thủ tướng cho rằng phải hoàn thiện thể chế chính sách để huy động nguồn lực phù hợp với yêu cầu, điều kiện của đất nước, phù hợp với xu thế, công nghệ của thời đại.

Nêu một số bài học, những kinh nghiệm quý trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phát triển ngành Đường sắt nói riêng, thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam tiếp tục thực hiện hiệu quả sứ mệnh, vai trò nòng cốt trong quản lý, sử dụng khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia; là nhân tố quan trọng triển khai Chiến lược phát triển vận tải đường sắt quốc gia, cung cấp hình thức giao thông an toàn, thuận tiện cho người dân và doanh nghiệp, góp phần quan trọng giải quyết các vấn đề về giao thông vận tải cả nước, phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.

Tổng Công ty Đường sắt phải chú trọng xây dựng nền tảng phát triển công nghiệp đường sắt theo hướng hiện đại; chủ động liên danh, liên kết hợp tác đầu tư, chuyển giao công nghệ phát triển công nghiệp đường sắt; khẩn trương triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển, Kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển giai đoạn 2021 - 2025 đã được phê duyệt; hoàn thành đạt và vượt các chỉ tiêu Kế hoạch năm 2024 đã được Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp giao; triển khai Đề án tái cơ cấu Tổng Công ty giai đoạn đến hết năm 2025 sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Tổng Công ty cần khẩn trương, nhanh chóng nắm bắt cơ hội, tiếp tục đổi mới tư duy, hoàn thành việc tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả hoạt động, ứng dụng thành công chuyển đổi số, chủ động, sáng tạo, mạnh dạn đẩy mạnh công tác đầu tư; thực hiện các nhiệm vụ được giao trong triển khai Kết luận số 49-KL/TW của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 178/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình hành động triển khai Kết luận số 49 của Bộ Chính trị; chủ động tổ chức công tác chuẩn bị về nguồn nhân lực, công nghệ, cơ khí... để sẵn sàng tiếp nhận và đưa vào vận hành, khai thác đường sắt tốc độ cao và các tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt khác được nhà nước giao.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp tích cực, chủ động, quyết liệt, kịp thời hơn, làm đúng chức năng, nhiệm vụ của cơ quan đại diện chủ sở hữu để xử lý hiệu quả, kịp thời các khó khăn, vướng mắc lớn, là điểm nghẽn trong hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam theo thẩm quyền; phối hợp, kiến nghị các bộ, ngành hoặc tham mưu, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh.

Cùng với đó, khẩn trương hoàn thiện Đề án cơ cấu lại Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam giai đoạn đến 2025 theo chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ tại văn bản số 99/VPCP-DMDN ngày 4/1/2024 để trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành; chỉ đạo, theo dõi, giám sát Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam triển khai Chiến lược, Kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 và Kế hoạch năm 2024; triển khai hiệu quả Đề án cơ cấu lại Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đến năm 2025.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ, tạo điều kiện và cùng ngành Đường sắt thực hiện hiệu quả các chủ trương, nghị quyết, kết luận, đề án, quy hoạch phát triển đường sắt đã được phê duyệt; đặc biệt, nghiên cứu, đề xuất cơ chế chính sách "đặc thù đặc biệt" để báo cáo Bộ Chính trị, trình Quốc hội khi thông qua chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.

Về các kiến nghị của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam liên quan khai thác các khu ga có lợi thế thương mại để khai thác; giải quyết các vướng mắc liên quan đến chính sách ưu đãi về sử dụng đất dành cho đường sắt, giải quyết thủ tục đất đai, miễn tiền thuế sử dụng đất..., Thủ tướng giao các bộ, ngành liên quan phối hợp với các địa phương và Tổng Công ty Đường sắt xem xét, giải quyết theo thẩm quyền và pháp luật, những vấn đề vượt thẩm quyền thì tổng hợp trình cấp có thẩm quyền xem xét.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, với tinh thần trách nhiệm cao, với khí thế và niềm tin mạnh mẽ về bề dày lịch sử và truyền thống hào hùng của ngành Đường sắt Việt Nam, lãnh đạo và tập thể người lao động Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã quyết tâm phải quyết tâm cao hơn nữa, đã nỗ lực phải nỗ lực nhiều hơn nữa, vượt qua mọi khó khăn thử thách để hoàn thành tốt nhiệm vụ, vượt mức kế hoạch được giao, khẳng định vị trí, vai trò trọng yếu trong hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông quốc gia.

Người dân hài lòng với phục vụ của ngành Đường sắt

Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra cơ sở vật chất của tàu khách chất lượng cao Hà Nội - Đà Nẵng (SE19). Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Trước đó, chiều cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ  Phạm Minh Chính đã thăm, kiểm tra ga Hà Nội và đoàn tàu khách chất lượng cao Hà Nội - Đà Nẵng (SE19).

Kiểm tra hệ thống bán vé tự động, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam tiếp tục tăng cường chuyển đổi số, thiết kế công cụ thông minh, công khai, minh bạch, tạo thuận lợi nhất cho người dân trong giao dịch, đặt, đổi chỗ.

Lên tận toa xe, thăm đoàn tàu khách chất lượng cao Hà Nội - Đà Nẵng, Thủ tướng bày tỏ hài lòng vì toa tàu được vệ sinh sạch sẽ; ghế ngồi, giường nằm hành khách chắc chắn, lịch sự; toa hàng ăn sạch sẽ, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Thăm hỏi về công việc, thu nhập và tặng quà các lực lượng làm nhiệm vụ tại ga Hà Nội và trên tàu SE19, Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn các lực lượng thuộc ngành Đường sắt phải làm việc thực sự chuyên nghiệp. Trong đó, lái tàu phải đảm bảo tuyệt đối an toàn, thông suốt, đúng giờ; thái độ phục vụ khách hàng, hành khách phải nhiệt tình, niềm nở, vì hành khách và khách hàng phục vụ.

Trò chuyện với hành khách đi tàu, Thủ tướng Chính phủ bày tỏ vui mừng vì nhiều người dân vẫn ưa thích sử dụng tàu hỏa làm phương tiện di chuyển và hài lòng với chất lượng phục vụ của ngành Đường sắt. Thủ tướng mong muốn người dân tiếp tục ủng hộ ngành Đường sắt, đồng thời góp ý xây dựng để ngành Đường sắt ngày một phát triển, phục vụ tốt hơn nhu cầu ngày càng cao của hành khách, khách hàng.

Top