Thống kê Bộ, ngành

Hành trình về nguồn của thế hệ trẻ gốc Việt: khám phá bản sắc qua tiếng mẹ đẻ

2024-12-21 11:24:44
Công nghệ: chìa khóa bảo tồn, phát triển tiếng Việt cho thế hệ kiều bào trẻ
Những người mẹ Việt ở nước ngoài gìn giữ tiếng quê hương

Daniel Nguyễn Hoài Tiến: tiếng Việt để hiểu về chính mình

Khóa học tiếng Việt tại UCSD đánh dấu sự khởi đầu của hành trình khám phá bản sắc đối với Daniel. Tại đây, anh không chỉ học ngôn ngữ mà còn tìm hiểu về văn hóa, lịch sử Việt Nam. "Tôi nhận ra rằng ngôn ngữ là cánh cửa đầu tiên để hiểu về dân tộc và chính bản thân mình", Daniel chia sẻ. Việc học tiếng Việt đã thôi thúc anh tiếp tục khám phá sâu hơn về cội nguồn, mở ra những cơ hội và hành trình đáng nhớ sau này.

Daniel Nguyễn Hoài Tiến trong hành trình đi tìm thảo mộc trên rừng Tây Bắc.

Một trong những dấu mốc quan trọng tiếp theo trong hành trình của Daniel là chuyến trở về Việt Nam lần đầu năm 2008. Dù chưa nói được tiếng Việt trôi chảy, anh cảm nhận được mối liên kết mạnh mẽ khi đặt chân đến quê hương.

"Nhìn cha tôi rơi nước mắt khi trở về sau hơn 30 năm, tôi hiểu rằng mình cũng có một phần thuộc về nơi này", anh kể. Chuyến đi không chỉ giúp củng cố quyết tâm học tiếng Việt mà còn đưa anh đến những trải nghiệm gắn bó sâu sắc hơn với Việt Nam.

Khóa học tiếng Việt tại Trường Đại học California ở San Diego (UCSD) chính là nơi khởi đầu hành trình về nguồn bằng ngôn ngữ của Daniel Nguyễn Hoài Tiến. UCSD cung cấp chương trình Tiếng Việt cho người nói tiếng Việt và chương trình Tiếng Việt di sản ở ba cấp độ dựa trên trình độ của học viên: sơ cấp, trung cấp và cao cấp. Trong đó, chương trình sơ cấp và trung cấp được cung cấp hàng quý; chương trình cao cấp được cung cấp hai lần mỗi năm. Sinh viên có thể tham gia cả ba khóa học ở cùng một cấp độ theo bất kỳ thứ tự nào. Đây là một trong những nỗ lực giáo dục nhằm bảo tồn tiếng Việt trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài.

Sau chuyến đi đó, Daniel dần gắn bó với Việt Nam. Đến năm 2014, anh quyết định hồi hương để khởi nghiệp. "Tiếng Việt không chỉ giúp tôi hiểu sâu hơn về con người và cuộc sống ở Việt Nam, mà còn tạo ra những kết nối mạnh mẽ, thôi thúc tôi phát triển các dự án bền vững giúp đỡ bà con dân tộc thiểu số", Daniel cho biết. Anh tham gia các dự án phát triển bền vững ở Bến Tre, Lâm Đồng, dự án giám sát giao đất giao rừng ở các tỉnh miền núi Bắc Trung bộ, Tây Bắc...

Năm 2018, Daniel thành lập Sông Cái Distillery, một thương hiệu rượu thủ công cao cấp, sử dụng những nguyên liệu thuần Việt như nếp cái hoa vàng, bưởi Diễn, mắc khén. “Chúng tôi không chỉ sản xuất rượu, mà còn kể câu chuyện văn hóa Việt Nam qua từng chai rượu, từ những giá trị cốt lõi về nguồn gốc đến sự tinh tế trong cách thưởng thức”, Daniel tự hào chia sẻ.

Với mong muốn phát triển sinh kế bền vững, Daniel cam kết làm việc chặt chẽ với các cộng đồng dân tộc thiểu số tại Việt Nam, không chỉ để bảo tồn giống nông sản quý mà còn giúp bà con phát triển kỹ năng sản xuất.

Càng gắn bó với Việt Nam, Daniel càng khẳng định rằng: "Đây chính là nhà của tôi". Đối với anh và nhiều người trẻ gốc Việt, để hiểu sâu về người Việt hoặc chính mình, cần bắt đầu từ ngôn ngữ. Tiếng Việt không chỉ giúp anh khám phá dân tộc mình mà còn trở thành chiếc chìa khóa để kết nối và phát triển cộng đồng.

Tháng 3/2024, Daniel Nguyễn Hoài Tiến là một trong 100 người Việt Nam và gốc Việt tiêu biểu trên khắp thế giới tham gia Diễn đàn Người Việt có tầm ảnh hưởng 2024 do Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) tổ chức tại Paris, Pháp.

Huỳnh Samuel An: tiếng Việt giúp tôi tạo dựng quan hệ với mọi người

Trong khi Daniel chọn con đường kinh doanh để gắn kết với cội nguồn, Huỳnh Samuel An, một người gốc Việt sinh ra tại Thụy Sĩ, lại chọn cách quay trở về Việt Nam để theo đuổi sự nghiệp nghệ thuật. Samuel chia sẻ, dù sinh ra và lớn lên ở Thụy Sĩ, tiếng Việt vẫn luôn là phần quan trọng trong cuộc sống của anh.

"Tuy sinh ra và lớn lên ở nước ngoài nhưng tôi được học tiếng Việt mỗi khi ở nhà. Ba mẹ là người gốc Việt nên tôi nói tiếng Việt 100% trong mái ấm của mình. Tôi muốn trải nghiệm, đồng thời tìm hiểu về Việt Nam, cội nguồn của mình, nơi ba mẹ tôi đã lớn lên. Khi hiểu ba mẹ, tôi cũng hiểu về bản thân mình hơn", Huỳnh Samuel An kể.

Huỳnh Samuel An đang hoạt động trong vai trò ca sĩ, diễn viên tại Việt Nam.

Năm 24 tuổi, Samuel quyết định về Việt Nam sinh sống và làm việc. Ban đầu, anh gặp không ít khó khăn với tiếng Việt, nhưng sự kiên trì đã giúp anh nhanh chóng hòa nhập và tìm thấy cơ hội trong ngành nghệ thuật.

"Việt Nam là một môi trường năng động với vô vàn cơ hội, không chỉ trong lĩnh vực nghệ thuật mà còn trong nhiều ngành nghề khác. Tiếng Việt đã giúp tôi hiểu sâu hơn về văn hóa và tạo dựng quan hệ với mọi người," Huỳnh Samuel An nói.

Gắn bó với Việt Nam được 6 năm, hiện Huỳnh Samuel An là một diễn viên, ca sĩ và đang theo đuổi đam mê sân khấu kịch tại Thành phố Hồ Chí Minh. Anh không ngừng tìm kiếm những vai diễn mới và cống hiến hết mình cho nghệ thuật. "Tiếng Việt chính là ngôn ngữ mẹ đẻ của tôi, là cầu nối đưa tôi về với ánh đèn sân khấu của quê hương và giúp tôi tự tin tiếp tục đam mê và khẳng định bản thân trên con đường nghệ thuật ngay tại quê hương", anh nói.

Hành trình tìm về cội nguồn qua ngôn ngữ của Daniel Nguyễn và Huỳnh Samuel An không chỉ là những câu chuyện cá nhân, mà còn là nguồn cảm hứng cho thế hệ trẻ gốc Việt trên khắp thế giới. Với họ, tiếng Việt không chỉ là ngôn ngữ giao tiếp, mà còn là sợi dây kết nối tinh thần giữa họ và quê hương, tạo ra động lực để phát triển không chỉ cho bản thân, mà còn cho cộng đồng.

Người phụ nữ giữ hồn tiếng Việt nơi xứ người
Đa dạng sân chơi tiếng Việt cho trẻ em kiều bào và sinh viên Nga

Top