Thống kê Bộ, ngành

IFAD hỗ trợ nông dân Việt Nam thích ứng với biến đổi khí hậu, cải thiện sinh kế

2024-12-20 20:27:21
Australia và Việt Nam hợp tác ứng phó với biến đổi khí hậu
Biến con đường, bãi rác thành năng lượng giúp Hà Lan ứng phó biến đổi khí hậu

Xã Cao Bồ, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang nổi tiếng với cây chè Shan tuyết – loại chè cổ thụ lâu đời nhất Việt Nam. Như bao nhiêu nông dân khác trong xã, gia đình anh Hoàng Tinh Kiêm (thôn Tham Vè, xã Cao Bồ) lấy cây chè là nguồn thu nhập chính với 3 vụ trong năm. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, tình hình biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt, nắng mưa thất thường làm giảm giá trị và chất lượng chè.

Xã Cao Bồ, huyện Vị Xuyên, Hà Giang hiện có 1000 ha chè Shan tuyết. (Ảnh: hagiang.gov.vn)

Anh Kiêm được hỗ trợ, tạo điều kiện tham gia tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật sản xuất, chế biến chè tiên tiến, qua đó anh đã có kiến thức về sản xuất chè thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đầu năm 2019, anh tham gia tổ hợp tác sản xuất chế biến chè thôn Tham Vè 2. Khi tổ hợp tác được dự án “Giảm nghèo dựa trên phát triển hàng hóa tỉnh Hà Giang” hỗ trợ 100 triệu đồng, anh Kiêm đã xây dựng nhà phơi sấy, mua máy sao, sấy chè. Anh cũng tự quảng bá sản phẩm chè của tổ hợp tác qua nhiều kênh bán hàng khác nhau như Facebook, Zalo, quan hệ với các cửa hàng chè trong và ngoài tỉnh cũng như xuất khẩu chè qua Trung Quốc với sự giúp đỡ của các cấp chính quyền.

Cũng tại Hà Giang, với sự hỗ trợ của IFAD, Hợp tác xã chè Phìn Hồ (ở xã Thông Nguyên, huyện Hoàng Su Phù) đã sản xuất chè hữu cơ đi đôi với chế biến sâu để cho ra sản phẩm cao cấp, thương hạng.

Hợp tác xã cũng mở rộng liên kết chế biến với hơn 1.000 hộ thông qua các nhóm sở thích theo phương thức tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình sản xuất, chế biến theo tiêu chuẩn hữu cơ của Việt Nam, tiêu chuẩn hữu cơ của châu Âu. Những năm gần đây, hợp tác xã đã xuất khẩu chè hữu cơ sang Đài Loan và châu Âu.

Tại Hà Giang còn có một số mô hình khác được lựa chọn nhân rộng như: mô hình nuôi cá chép trong ruộng bậc thang tại huyện Hoàng Su Phì; mô hình thu mua và chế biến dầu lạc; mô hình liên kết trồng, thu hái và sơ chế dược liệu tại huyện Bắc Quang; mô hình liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm từ khổ qua rừng tại huyện Xín Mần; mô hình nuôi ong và sơ chế đóng gói mật ong bạc hà; mô hình trồng dưa trong nhà màng ở tại huyện Vị Xuyên…

Tại Cao Bằng, để đối phó với thời tiết khắc nghiệt vào mùa đông, chủ động nguồn thức ăn cho trâu bò và các gia súc khác, nhiều nông dân ở huyện Hà Quảng đã chuyển đổi từ chăn nuôi theo kiểu thả rông sang chăn nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu. Trâu bò được nhốt hoàn toàn, kết hợp trồng cỏ đảm bảo thức ăn thô và thức ăn tinh, không để gia súc thiếu thức ăn trong mùa lạnh.

Đến nay, mô hình này đã được nhân rộng ra 30 xã trên địa bàn 3 huyện vùng cao của Cao Bằng. Ngoài ra, Cao Bằng còn có nhiều mô hình khác: chế biến thạch đen; liên kết sản xuất lạc giống; sản phẩm từ cây trúc sào; ủ thức ăn chăn nuôi; chè hữu cơ gắn du lịch sinh thái…

Bến Tre phát triển vùng nguyên liệu dừa hữu cơ nâng giá trị sản xuất. (Ảnh: TTXVN)

Tại Bến Tre, với khả năng chịu độ mặn tới 4-5‰, cây dừa là loại cây ít bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn so với các loại cây trồng lâu năm khác. Mô hình liên kết sản xuất, chế biến dừa hữu cơ của Công ty Beinco là một trong số 9 mô hình chuỗi giá trị nông sản của tỉnh Bến Tre được dự án chọn lựa.

Công ty Beinco thực hiện đầu tư theo mô hình hợp tác công – tư để xây dựng nhà máy chế biến dừa trái, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường lớn hơn. Các hoạt động đào tạo kỹ thuật canh tác dừa theo hướng hữu cơ cho nông dân và xây dựng liên kết với các tổ hợp tác, hợp tác xã tại huyện Mỏ Cày Bắc và huyện Giồng Trôm.

Ngoài mô hình liên kết trồng dừa hữu cơ, Bến Tre có nhiều mô hình khác được dự án lựa chọn để nhân rộng như: chuối sấy trong nhà kính; đào ao trữ nước ngọt; nuôi vịt biển, nuôi dê sinh sản; chuỗi liên kết nghêu bền vững…

Các mô hình trên nằm trong dự án quốc tế “Hợp tác Nam – Nam nhằm nhân rộng các sáng kiến chuỗi giá trị thích ứng với biến đổi khí hậu” do IFAD, cơ quan phát triển nông thôn của Liên hợp quốc, tài trợ triển khai tại 4 quốc gia Trung Quốc, Campuchia, Lào và Việt Nam.

Với quan hệ hợp tác hiệu quả trong hơn 4 thập kỷ qua, IFAD đã hỗ trợ tích cực cho công tác giảm nghèo và phát triển nông thôn tại Việt Nam, nhất là tại các khu vực miền núi và đặc biệt khó khăn, và hiện đang triển khai nhiều dự án về nông nghiệp thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Những mô hình sinh kế thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu
Huế: Phát huy vai trò của phụ nữ trong thích ứng biến đối khí hậu
Top