Thư viện tài liệu

2025-01-15 19:39:39

Trong khuôn khổ chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) lần thứ 8, Hội nghị Cấp cao Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawad-Chao Phraya-Mekong (ACMECS) lần thứ 10, Hội nghị Cấp cao Hợp tác Campuchia-Lào-Myanmar-Việt Nam (CLMV) lần thứ 11 từ ngày 5 đến 8/11/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam cũng có các hoạt động làm việc tại Trung Quốc.

Chuyến công tác lần này của Thủ tướng Chính phủ tại Trung Quốc góp phần thúc đẩy quan hệ láng giềng hữu nghị, Đối tác Hợp tác Chiến lược Toàn diện và “Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược” ngày càng phát triển, sâu sắc, toàn diện và bền vững.

QUAN HỆ LÁNG GIỀNG HỮU NGHỊ, HỢP TÁC CHIẾN LƯỢC TOÀN DIỆN VIỆT NAM-TRUNG QUỐC PHÁT TRIỂN TỐT ĐẸP

Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng gần gũi. Hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 18/1/1950. Hơn 74 năm qua kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, dòng chảy chính trong quan hệ Việt Nam-Trung Quốc là hữu nghị hợp tác.

Hai bên đã xác định phát triển quan hệ hai nước theo phương châm “Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” (năm 1999) và tinh thần “Láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt” (năm 2005). Năm 2008, hai bên nhất trí thiết lập khuôn khổ quan hệ Đối tác Hợp tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam-Trung Quốc, khung hợp tác cao nhất, nội hàm sâu rộng nhất trong quan hệ của Việt Nam với các nước trên thế giới. Trung Quốc cũng là quốc gia đầu tiên cùng Việt Nam xây dựng khuôn khổ hợp tác này.

Thời gian qua, dưới sự nỗ lực chung của hai bên, quan hệ Việt-Trung duy trì đà phát triển ổn định, đạt nhiều thành quả tích cực.

Sau hai chuyến thăm lẫn nhau mang tính lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (tháng 10/2022) và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (tháng 12/2023), hai Đảng, hai nước đã xác lập định vị mới cho quan hệ song phương, tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ Đối tác Hợp tác Chiến lược Toàn diện, xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược, tiếp thêm động lực mạnh mẽ để hai Đảng, hai nước không ngừng củng cố và tăng cường quan hệ láng giềng hữu nghị và hợp tác toàn diện. Hai nước đã đề ra phương hướng “6 hơn” bao gồm: Tin cậy chính trị cao hơn; hợp tác quốc phòng-an ninh thực chất hơn; hợp tác thực chất sâu sắc hơn; nền tảng xã hội vững chắc hơn; phối hợp đa phương chặt chẽ hơn; bất đồng được kiểm soát, giải quyết tốt hơn.

 
 

(Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Đặc biệt, trong năm 2024, quan hệ hai nước đã được đánh dấu mốc đặc biệt bằng chuyến thăm cấp Nhà nước tới Trung Quốc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước (nay là Tổng Bí thư) Tô Lâm hồi tháng 8/2024.

Trong chuyến thăm này, hai bên đã ra “Tuyên bố chung về việc tăng cường hơn nữa quan hệ Đối tác Hợp tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam-Trung Quốc, thúc đẩy xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc.” Các bộ, ngành và địa phương hai nước đã ký kết nhiều văn kiện hợp tác trong các lĩnh vực kiểm nghiệm-kiểm dịch, hải quan, y tế, truyền thông, hợp tác địa phương, dân sinh.

Chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ tại Trung Quốc góp phần thúc đẩy quan hệ láng giềng hữu nghị, Đối tác Hợp tác Chiến lược Toàn diện và “Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược” ngày càng phát triển, sâu sắc, toàn diện và bền vững.

Hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư Việt Nam-Trung Quốc không ngừng đi vào chiều sâu, thực chất. Kim ngạch thương mại hai bên đạt 171,9 tỷ USD năm 2023; 9 tháng năm 2024 đạt 148,6 tỷ USD. Trung Quốc duy trì là đối tác thương mại lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam. Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN và đối tác lớn thứ 5 của Trung Quốc trên thế giới.

Về đầu tư, tính lũy kế đến tháng 10/2024, tổng vốn FDI đăng ký của Trung Quốc tại Việt Nam là 29,9 tỷ USD với 4.965 dự án còn hiệu lực, đứng thứ 6/148 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

Trên các diễn đàn đa phương, hai nước cũng tích cực phối hợp, thúc đẩy hòa bình, ổn định và hợp tác tại khu vực và trên thế giới, phát huy vai trò trung tâm của ASEAN, tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế.

TĂNG CƯỜNG HỢP TÁC GIỮA CÁC ĐỊA PHƯƠNG VIỆT NAM-TRUNG QUỐC

Hợp tác giữa các địa phương, nhất là các tỉnh, khu biên giới của hai nước cũng luôn được tăng cường với nhiều hình thức đa dạng. Trong chuyến công tác đến Trung Quốc lần này (từ ngày 5 đến 8/11/2024), bên cạnh việc tham gia chương trình nghị sự của Hội nghị thượng đỉnh GMS lần thứ 8, Hội nghị Cấp cao ACMECS lần thứ 10, Hội nghị Cấp cao CLMV lần thứ 11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng thăm và có các hoạt động quan trọng tại tỉnh Vân Nam và thành phố Trùng Khánh.

Theo Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai, điều này thể hiện sự tiếp nối truyền thống giao lưu cấp cao giữa hai Đảng, hai nước, sự coi trọng cao độ của Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam đối với quan hệ Việt-Trung, đặc biệt là trong việc thúc đẩy triển khai nhận thức chung cấp cao và các thỏa thuận đã ký kết giữa hai bên từ góc độ các địa phương, thúc đẩy các địa phương hai nước phát huy hơn nữa tiềm năng, lợi thế, cùng bổ sung ưu thế lẫn nhau, mở rộng và nâng cao hiệu quả, chất lượng các lĩnh vực hợp tác, đem lại lợi ích cho nhân dân hai nước, hướng tới kỷ niệm 75 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Trung Quốc và “Năm giao lưu nhân văn Việt-Trung” năm 2025.

Theo Đại sứ Phạm Sao Mai, tỉnh Vân Nam là địa phương có vị trí địa lý gần gũi, giáp biên giới với các tỉnh vùng Tây Bắc của nước ta, đồng thời cũng là cửa ngõ kết nối Trung Quốc với các nước Nam Á, Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Những năm qua, quan hệ giao lưu, hợp tác giữa tỉnh Vân Nam với các địa phương của Việt Nam không ngừng được thúc đẩy mạnh mẽ, nhiều cơ chế giao lưu, hợp tác giữa hai bên được triển khai thường xuyên, hiệu quả như Hội nghị thường niên giữa Bí thư các tỉnh Lào Cai, Hà Giang, Điện Biên, Lai Châu và Bí thư Tỉnh ủy Vân Nam; Hội nghị hợp tác Hành lang kinh tế giữa 5 tỉnh, thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Lào Cai, Yên Bái và Vân Nam. Hợp tác giữa hai bên trong công tác quản lý biên giới, kết nối giao thông, phát triển cửa khẩu, lối mở, văn hóa, thể thao và du lịch... đạt nhiều kết quả quan trọng.

Đặc biệt về hợp tác kinh tế, thương mại, tỉnh Vân Nam cùng các địa phương của phía Việt Nam đã phối hợp thúc đẩy giao thương, tiện lợi hóa thông quan, tháo gỡ khó khăn trong hoạt động xuất nhập khẩu. Trong 8 tháng năm 2024, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Vân Nam và Việt Nam đạt 2,09 tỷ USD, tăng 30,31% so với cùng kỳ.

Thời gian tới, tỉnh Vân Nam cùng các địa phương Việt Nam sẽ tiếp tục mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác trên các lĩnh vực như trao đổi đoàn, kinh tế-thương mại-đầu tư, phát triển cửa khẩu, kết nối giao thông, quản lý biên giới, du lịch...

Trong 7 tháng năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trùng Khánh đạt 3,03 tỷ USD. (Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN)

Bên cạnh đó, với vị trí địa lý gần gũi, truyền thống quan hệ hữu nghị lâu đời và những nét tương đồng về văn hóa, sẽ tạo điều kiện thuận lợi để hai bên triển khai các hoạt động giao lưu nhân văn, góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị và hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân, nhất là nhân dân khu vực biên giới hai nước.

Trong 7 tháng năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trùng Khánh đạt 3,03 tỷ USD; trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Trùng Khánh đạt 1,88 tỷ USD, nhập khẩu từ Trùng Khánh 1,15 tỷ USD.

Trong khi đó, Thành phố Trùng Khánh là trung tâm phát triển kinh tế quan trọng của khu vực miền Tây Trung Quốc với 4 ưu thế nổi bật. Một là, Trùng Khánh là thành phố trực thuộc trung ương do đó có cơ chế ra quyết sách chủ động và hiệu quả. Hai là, Trùng Khánh có độ mở kinh tế cao và là trung tâm vận tải, logistics và là điểm trung chuyển chính của tuyến đường sắt liên vận quốc tế từ Trung Quốc đi châu Âu. Ba là, Trùng Khánh là một trong những trung tâm sản xuất công nghiệp hàng đầu của Trung Quốc, đặc biệt là sản xuất ôtô và hàng điện tử. Bốn là, với lịch sử văn hóa lâu đời, thành phố Trùng Khánh cũng có nhiều tài nguyên du lịch phong phú.

Trùng Khánh là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh từng sinh sống và hoạt động cách mạng. Nhiều lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam đã đến thăm Trùng Khánh. Kể từ năm 2019 đến nay, Việt Nam liên tục là đối tác thương mại lớn nhất của Trùng Khánh trong ASEAN.

Trong 7 tháng năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trùng Khánh đạt 3,03 tỷ USD; trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Trùng Khánh đạt 1,88 tỷ USD, nhập khẩu từ Trùng Khánh 1,15 tỷ USD.

Về đầu tư, tính đến cuối tháng 7/2024, Việt Nam có 5 dự án đầu tư tại Trùng Khánh với tổng vốn đầu tư là 8,1 triệu USD; trong khi Trùng Khánh có 22 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng số vốn là 296 triệu USD.

Các địa phương của Việt Nam và thành phố Trùng Khánh còn nhiều tiềm năng để thúc đẩy hơn nữa hợp tác đi vào chiều sâu và thực chất.

Một là, phát huy truyền thống hữu nghị, tăng cường quan hệ giao lưu hợp tác giữa các địa phương của Việt Nam với thành phố Trùng Khánh. Hai là, tăng cường kết nối chiến lược, cơ sở hạ tầng, khai thác hiệu quả tuyến đường sắt liên vận quốc tế từ Trùng Khánh đi các nước châu Âu để tạo thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam xuất khẩu đi nước thứ ba. Ba là, tiếp tục mở rộng kim ngạch thương mại song phương, tăng cường nhập khẩu hàng hóa của nhau, trong đó có hàng nông, thuỷ sản chất lượng cao của Việt Nam, tạo tính bổ sung lẫn nhau về cơ cấu hàng hoá xuất nhập khẩu. Bốn là, gia tăng thu hút đầu tư sản xuất công nghiệp công nghệ cao của các doanh nghiệp uy tín tại Trùng Khánh vào Việt Nam, đặc biệt là trong các lĩnh vực chuyển đổi xanh, chuyển đổi số. Năm là, đẩy mạnh hơn nữa giao lưu nhân dân, khai thác tốt hơn tiềm năng hợp tác du lịch giữa hai bên, nghiên cứu mở thêm đường bay giữa Trùng Khánh với các địa phương của Việt Nam.

Với nhiều tiềm năng trong hợp tác, chắc chắn chuyến công tác và làm việc tại Trung Quốc lần này của Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ tiếp tục thúc đẩy quan hệ láng giềng hữu nghị, Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện và “Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược” ngày càng phát triển, sâu sắc, toàn diện và bền vững./.

(TTXVN/Vietnam+)
Top