Tiền nội chủ động làm nóng thị trường, có cổ phiếu đạt thanh khoản cao nhất 9 tháng
|
Nông sản Việt có mặt tại hội chợ nông nghiệp lớn nhất Bắc Ireland
|
Nhiều người Việt Nam ở Nhật Bản biết tới chị Bùi Ngọc Thúy (SN 1986, Long Khánh, Đồng Nai) qua những đoạn clip triệu view về cuộc sống thường ngày của một gia đình làm nông nghiệp trên đất nước mặt trời mọc. Những hình ảnh giản dị, gần gũi và thân thiện do chị Thúy dành nhiều tâm huyết và thời gian ghi lại khiến nhiều người thích thú.
Từ bỏ tất cả theo chồng sang Nhật làm… nông dân
Chị Thúy là bà chủ xinh đẹp của hệ thống cửa hàng thẩm mỹ tại TP.HCM và Đồng Nai. Vốn giỏi tiếng Nhật nên chị được đối tác "nhờ" dẫn đoàn của anh Murakami Kazuyuki (50 tuổi, Nhật Bản) đi tham quan TP.HCM.
Cuộc gặp gỡ định mệnh năm 2016 đã gắn kết hai con người ở hai đất nước xa lạ với nhau. "Gặp nhau, chúng tôi như bị trúng tiếng sét ái tình vậy. Khi anh về nước, chúng tôi vẫn thường xuyên giữ liên lạc với nhau", chị Thúy kể lại.
Qua tìm hiểu, chị chỉ biết anh Murakami từng đi du học ở Mỹ, đang làm công ty nông nghiệp cùng gia đình. Cả nhà anh phải lao động rất vất vả để khôi phục lại kinh tế sau trận càn quét của sóng thần năm 2012.
Mùa đông năm 2017, chị Thúy quyết định sang nhượng cửa hàng ở quê rồi sang Nhật sinh sống cùng chồng. Vợ chồng chị Thúy rất hợp nhau từ suy nghĩ tới cách làm việc. Anh luôn hỗ trợ, động viên giúp đỡ và đồng ý với những đề xuất chị Thúy đưa ra.
"Khi mới sang tôi phải cố gắng rất nhiều để thích nghi với môi trường, văn hóa gia đình nhà chồng. Tôi rất stress mặc dù luôn có chồng ở bên cạnh ủng hộ. Ở Việt Nam tôi cố gắng 10 thì sang Nhật phải cố gắng 100 lần. Những bất đồng về ngôn ngữ, văn hóa và khoảng cách thế hệ với bố mẹ chồng là thử thách khiến tôi luôn lo lắng căng thẳng trong năm đầu tiên làm dâu", chị Thúy nhớ lại.
Chồng chị Thúy vì áp lực công việc kinh doanh của gia đình nên bị suy nhược thần kinh và cơ thể. Thương chồng, chị Thúy xin theo chân anh đi làm, vừa để động viên anh mỗi ngày và vừa để học cách làm nông nghiệp.
Vượt qua thử thách, chinh phục mẹ chồng
Khó khăn lớn nhất chị Thúy gặp phải là sự khác biệt về tư duy, cách sống và cách làm việc của mẹ chồng.
Bà Murakami Atsuko năm nay 77 tuổi. Khi còn trẻ bà là người phụ nữ năng động, cùng chồng con chèo chống, điều hành hoạt động sản xuất nông nghiệp của công ty gia đình. Tuy nhiên suy nghĩ, cách làm của bà không còn giống với thế hệ trẻ.
Khi bắt tay vào làm việc, chị Thúy nhận thấy mọi người mới chỉ tập trung vào sản xuất mà chưa chú ý tới khâu bán hàng, có nhiều điểm bất cập cần sửa đổi cho phù hợp. Điều đó làm thay đổi thói quen điều hành của mẹ chồng nên bà không vui.
"Mẹ chồng tôi khỏe, giỏi và rất tận tụy chăm sóc gia đình. Nhưng bà thường đi theo lối mòn, luôn cho rằng mình đúng và muốn hướng người trẻ làm theo ý mình. Vì thế, để thay đổi định kiến, thay đổi “đế chế” nông nghiệp cổ xưa của mẹ chồng, tôi phải rất nghị lực và kiên trì thực hiện”, chị Thúy nhớ lại.
Mới đầu, chị Thúy rất khó khăn để vượt qua những bất đồng quan điểm với mẹ chồng. Nhưng khi chị nghĩ tới thế mạnh của mỗi người, không để ý soi xét lỗi của nhau mà chỉ nhìn vào mặt tích cực, mọi sự dần thay đổi.
"Tự nhiên một cô con dâu từ đâu tới đòi bà phải thay đổi cách làm, bất đồng quan điểm với bà, chắc chắn bà sẽ khó chịu lắm chứ. Nên tôi rất nhẹ nhàng, tránh va chạm với bà. Khi bà nói nhiều thì tôi im lặng. Tôi chỉ tập trung vào làm, miễn sao đạt được hiệu quả công việc cao nhất. Rồi mẹ chồng tôi tự nhận thấy tôi đã đúng, bà rất văn minh và chủ động xin lỗi", chị Thúy tâm sự.
Dần dần, bố mẹ chồng chị chấp nhận lui về phía sau, nhường lại quyền điều hành công ty cho vợ chồng chị Thúy. Vượt qua sự khác biệt về lối sống, văn hóa, cô gái Việt Nam nhỏ nhắn đã trở thành nhân vật quan trọng trong công ty của gia đình chồng.
Cuối năm 2018, chị Thúy sinh con trai đầu lòng. Những bất đồng chị Thúy và mẹ chồng dần dần được hóa giải.
“Sống chung với người lớn tuổi mình phải có tình thương và đặt mình vào vị trí của họ. Vợ chồng mình được đi đây đi đó, còn bố mẹ chồng suốt đời gắn bó làm nông nghiệp không đi đâu, nên tư duy của họ khác. Khi mình chấp nhận về đó sống thì mình phải thông cảm”, chị Thúy chia sẻ.
Mẹ chồng chị Thúy đúng chất người phụ nữ Nhật Bản truyền thống, hết lòng phục tùng chồng con và gia đình. Khác nhau về thế hệ, về lối sống, về cách làm việc nhưng chị Thúy vẫn luôn được mẹ chồng yêu thương coi như con gái. Giờ đây, chị Thúy có trợ thủ đắc lực U80 trong sinh hoạt hàng ngày.
Làm dâu ở đất nước mặt trời mọc, chị Thúy còn bỡ ngỡ về văn hóa, mẹ chồng trở thành chuyên gia tư vấn cho chị. Bà không ngần ngại mặc áo Kimono, Yukata cho con dâu.
“Nhìn mẹ chồng già rồi buồn ngủ mà vẫn phải lái xe chở con dâu, vẫn lom khom mặc áo Kimono cho tôi,… tôi luôn biết ơn bà vì điều đó”, chị Thúy nói.
Chị Thúy không biết lái xe ô tô, mẹ chồng trở thành chân đi, chân chạy của chị. Nhiều lần bà lái xe chở rau củ quả đi bán, chở con cháu đi chơi… và chở chị Thúy đi làm.
Hàng tháng, vợ chồng chị Thúy trả tiền lương và đóng BHXH cho "nhân viên" mẹ chồng. Bà cũng không vì thế mà ỷ lại con cái, vẫn luôn chân luôn tay làm việc để khẳng định mình không phụ thuộc con cháu.
Chị Thúy hiểu tính mẹ chồng, nói nhiều nhưng vô tư và không bao giờ để bụng giận lâu.
“Được cái mẹ chồng nói nhiều nhưng rất vô tư và không bao giờ để bụng, giận lâu. Bà luôn vui vẻ giúp đỡ con cháu. Tôi luôn cảm thấy thương và biết ơn mẹ chồng”.
“Nếu ngày đó tôi bỏ cuộc khi gặp áp lực, chúng tôi sẽ không có ngày hôm nay. Bây giờ tôi có cuộc sống an yên, gia đình chồng tâm lý và con trai rất ngoan, còn gì bằng”, chị Thúy chia sẻ.
Hành trình chinh phục nóc nhà thế giới của cô gái Việt
Từ tháng 9/2022 đến tháng 2/2023, Trần Nhật Anh (Nghệ An) chu du nhiều nước châu Á để thoả mãn đam mê du lịch bụi của mình. Trong chuyến đi, cô đã leo thành công cung trekking Annapurna tại Himalaya (Nepal) ngay lần đầu tiên chinh phục địa danh nổi tiếng hiểm trở này.
|
Hướng tới không có ca tử vong mẹ tại những vùng khó khăn ở Việt Nam
Dự án “Không để ai bị bỏ lại phía sau: Các can thiệp đổi mới sáng tạo nhằm giảm tình trạng tử vong mẹ tại các vùng dân tộc ít người ở Việt Nam” do Quỹ dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) thực hiện ở các nhóm dân tộc ít người tại các tỉnh Bắc Cạn, Lai Châu, Sơn La, Đắc Nông, Kon Tum và Gia Lai đã bước đầu đem lại những tác động tích cực trong việc cung cấp các dịch vụ y tế có chất lượng và nâng cao nhận thức làm mẹ an toàn cho phụ nữ các dân tộc ít người tại các xã trọng điểm.
|