Có sai phạm nhưng Sở Y tế Thái Bình nói không biết mặt nhà thầu

2025-01-17 19:51:06

Giám đốc Sở Y tế Thái Bình Phạm Văn Dịu cho biết đang yêu cầu các đơn vị, cá nhân liên quan làm giải trình sau khi có kết luận của Thanh tra tỉnh về sai phạm trong mua sắm thiết bị chống dịch Covid-19. .

Trao đổi với VietNamNet, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thái Bình Phạm Văn Dịu cho biết, đã yêu cầu các đơn vị, cá nhân có liên quan giải trình các nội dung sai phạm vừa được Thanh tra tỉnh Thái Bình chỉ ra.

Thời điểm chống dịch Covid-19, Sở Y tế Thái Bình là chủ đầu tư của 3 gói thầu: Gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế cho Bệnh viện Đa khoa và Bệnh viện Nhi (giá trị hơn 18 tỷ đồng); gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế cho Trung tâm kiểm soát dịch bệnh tỉnh (trị giá hơn 5,8 tỷ đồng); Gói thầu mua sắm trang thiết bị cho bệnh viện đa khoa tuyến huyện (hơn 18,8 tỷ đồng). Tổng giá trị của 3 gói thầu này là hơn 43 tỷ đồng.

{keywords}
Giám đốc Sở Y tế Phạm Văn Dịu

Trung tâm kiểm soát dịch bệnh tỉnh là chủ đầu tư của 3 gói thầu: Mua sắm thuốc, hóa chất, sinh phẩm và trang thiết bị y tế (trị giá hơn 4,2 tỷ đồng); Mua sắm hóa chất và sinh phẩm; Mua sắm vật tư y tế (trị giá hơn 455 triệu đồng). Tổng giá trị 3 gói thầu là hơn 4,7 tỷ đồng.

Thanh tra tỉnh kết luận: quá trình thẩm định giá không tuân thủ theo quy trình thẩm định giá, Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 05 kèm theo Thông tư 28/2015 của Bộ Tài chính; Hồ sơ thẩm định không có biên bản khảo sát thực tế; không tuân thủ phương pháp thẩm định giá.

Tại gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế cho 11 bệnh viện đa khoa tuyến huyện, hợp đồng mua máy truyền dịch Model Top-2300, hãng sản xuất Top/Nhật Bản, xuất xứ Nhật Bản nhưng trong hồ sơ đề xuất của nhà thầu trúng đấu giá, sản phẩm lại ghi xuất xứ là hãng sản xuất Meditop/Malaysia, xuất xứ Malaysia.

Ngoài ra, nhân lực thực hiện của gói thầu là nhân viên hợp đồng, không đúng với nhân lực mà nhà thầu đăng ký trong hồ sơ thầu.
Xác nhận những sai phạm tại Kết luận thanh tra số 157, ông Phạm Văn Dịu giải thích thêm: những sai sót trên thuộc về sai phạm hành chính.

Cụ thể, theo ông Dịu: thời điểm chống dịch Covid-19, Thái Bình là địa phương thực hiện lệnh giãn cách, cách ly xã hội sớm trên cả nước. Ngay đầu tháng 4, tỉnh này đã đặt các trạm kiểm soát tại các cửa ngõ, không cho các phương tiện ngoại tỉnh ra vào tỉnh (trừ trường hợp có lý do chính đáng), thực hiện đo thân nhiệt, khai báo y tế…

“Trong bối cảnh đó, chúng tôi phải cử cán bộ của Sở ra nhận hồ sơ của nhà thầu tại cầu Tân Đệ (cửa ngõ đặt trạm kiểm soát ra vào tỉnh Thái Bình) vì họ không được vào địa phương theo lệnh phong tỏa.
Ngoài ra, nội dung sai phạm là không đi lấy ý kiến cộng đồng trong quy trình thực hiện mở gói thầu mua sắm thiết bị y tế, do đang thực hiện cách ly xã hội nên không thể thực hiện được bước này” - ông Dịu nói.

Chưa thanh toán một đồng nào cho các nhà thầu

Giám đốc Sở Y tế Thái Bình khẳng định, đến thời điểm hiện tại, Sở chưa thanh toán một đồng nào cho các nhà thầu trúng thầu 3 gói mua sắm do Sở Y tế Thái Bình làm chủ đầu tư.

Về nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm không đúng như trong hồ sơ thầu, ông Dịu lý giải: sản phẩm đó vẫn đúng hãng sản xuất, chỉ sai về xuất xứ. Sản phẩm được sản xuất tại Malaysia, việc đó là do hãng đó đặt hàng hoặc mở các chi nhánh sản xuất phụ kiện tại các quốc gia khác nhau trên thế giới. Điều này là bình thường, các hãng sản xuất khác họ vẫn làm theo hướng chuyên môn hóa sản xuất. Đơn vị tham gia thầu không ghi đầy đủ, rõ ràng nên dẫn đến cách hiểu sai.

Ông Dịu cho biết, trong quá trình đoàn liên ngành tiến hành thanh tra, Sở Y tế đã chủ động giải trình các nội dung liên quan.

“Việc mở thầu là đấu thầu qua mạng điện tử. Chúng tôi không biết mặt mũi của các nhà thầu như thế nào. Các khâu thẩm định giá, tư vấn lập hồ sơ yêu cầu; thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu, tư vấn giám sát lắp đặt… cũng đều là các đơn vị được thuê, có hợp đồng kinh tế. Chúng tôi làm chuyên môn nên không nắm bắt được những nội dung liên quan tới đấu thầu nên đều thuê cho đảm bảo tính khách quan, đảm bảo đúng quy định”.

Sở này đang yêu cầu các cá nhân, đơn vị được giao nhiệm vụ mua sắm thiết bị y tế chống dịch Covid 19 làm báo cáo giải trình, trên cơ sở đó sẽ đưa ra các hình thức kỷ luật cụ thể, sau đó báo cáo UBND tỉnh.

Đối với các nhà thầu, ông Dịu cho biết đang yêu cầu hoàn tất hồ sơ để đảm bảo tính pháp lý.

“Sở vẫn chưa thanh toán một đồng nào cho họ. Nếu hồ sơ mua thầu, trang thiết bị do họ cung cấp không đảm bảo sẽ tiến hành thẩm định lại giá để làm căn cứ thanh toán hợp đồng”.

“Trách nhiệm thuộc người đứng đầu”

Giám đốc Sở Y tế Thái Bình thừa nhận, những sai phạm theo kết luận thanh tra, trách nhiệm thuộc về cá nhân người đứng đầu.

“Tôi nhận trách nhiệm thuộc về cá nhân tôi với tư cách là người đứng đầu Sở Y tế tỉnh. Những sai sót trên thuộc về khâu giấy tờ, hành chính chứ không quá nghiêm trọng, không có chênh lệch về giá. Nguyên nhân khách quan là do bối cảnh dịch bệnh, tỉnh thực hiện giãn cách, phong tỏa chống dịch nên không thể gặp trực tiếp các đơn vị, nhà thầu… để họp bàn, thương thảo”.

Về việc mua máy xét nghiệm Real-time PCR phục vụ chống dịch Codid-19 ở mức giá 5,8 tỷ đồng, ông Dịu giải thích: Đây là máy xét nghiệm hiện đại nhất (Cobas 4800) có thể xét nghiệm nhiều loại bệnh chứ không chỉ xét nghiệm riêng Covid-19.

Mức giá đã được đàm phán với đơn vị cung cấp có giá 4,2 tỷ đồng. Nhà cung cấp còn chủ động bán giá ưu đãi, khuyến mại 5 năm bảo hành, kèm theo 1.300 bộ xét nghiệm trị giá 600 triệu đồng. 1 năm bảo hành chi phí rất lớn, tương đương khoảng 5% hợp đồng.

“Nếu như chúng tôi làm một bản Phụ lục hợp đồng để tách bạch giá trị của 1.300 bộ xét nghiệm thì sẽ không bị hiểu lầm là máy có giá 5,8 tỷ. Thời điểm đó, Sở cũng chủ động có báo cáo, tường trình gửi lãnh đạo UBND tỉnh, đoàn thanh tra liên ngành” - ông Dịu cho biết.

Phó Bí thư thường trực tỉnh Thái Bình Nguyễn Tiến Thành cho biết, “Tỉnh ủy sẽ kiểm tra, theo dõi việc thực hiện các kết luận sau thanh tra. Sở Y tế có trách nhiệm báo cáo bằng văn bản các nội dung thực hiện xử lý sau khi sai phạm đã được chỉ ra”.

Các sai phạm được nêu tại kết luận số 157 ngày 21/8/2020 về việc thanh tra của các gói thầu mua sắm thiết bị, vật tư tiêu hao chống dịch Covid 19 do Sở Y yế; Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Bình làm chủ đầu tư, gồm: quá trình thẩm định giá không tuân thủ theo quy trình thẩm định giá, Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 05 kèm theo Thông tư 28/2015 của Bộ Tài chính; Hồ sơ thẩm định không có biên bản khảo sát thực tế; không tuân thủ phương pháp thẩm định giá.

Không đúng nguồn gốc, xuất xử sản phẩm: HĐ mua máy truyền dịch Model Top-2300, hãng sản xuất Top/Nhật Bản, xuất xứ Nhật Bản nhưng trong hồ sơ đề xuất của nhà thầu trúng đấu giá, sản phẩm lại ghi xuất xứ là hãng sản xuất Meditop/Malaysia, xuất xứ Malaysia.

Nhân lực thực hiện của gói thầu là nhân viên hợp đồng, không đúng với nhân lực mà nhà thầu đăng ký trong hồ sơ thầu.

Thanh tra tỉnh kết luận, trách nhiệm thuộc về người đứng đầu, gồm Giám đốc Sở Y tế Thái Bình Phạm Văn Dịu, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bênh tật tỉnh Nguyễn Văn Thơm; Giám đốc Sở Tài chính Tạ Ngọc Giáo với vai trò là người đứng đầu thẩm định dự toán trình UBND tỉnh phê duyệt.

Kiên Trung

Vụ nâng khống giá thiết bị y tế ở Bạch Mai 'móc túi' bệnh nhân hơn 10 tỷ

Vụ nâng khống giá thiết bị y tế ở Bạch Mai 'móc túi' bệnh nhân hơn 10 tỷ

Hệ thống robot hỗ trợ thần kinh ở Bệnh viện Bạch Mai, giá nhập khẩu chỉ 7,4 tỷ, các đối tượng câu kết nâng khống lên 39 tỷ đồng để đưa vào liên kết.

Nguồn bài viết : Quay số

Top