2025-01-15 20:11:18

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, hiện nay vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, ngại khó, ngại khổ, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; tình trạng quan liêu, cửa quyền, sách nhiễu nhân dân của một bộ phận cán bộ, đảng viên vẫn còn xảy ra ở một số nơi...

Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Lợi – Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh biểu tại Hội thảo. 

Nội dung trên được các nhà khoa học, các chuyên gia, lãnh đạo quản lý đặt ra tại Hội thảo khoa học “Xây dựng đội ngũ cán bộ phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh Đồng Nai – những vấn đề lý luận và thực tiễn”, do Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Tỉnh ủy Đồng Nai tổ chức, ngày 21/9.

Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nhận định: Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường căn dặn mỗi cán bộ, đảng viên đều phải có ý thức tự tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, phụng sự Tổ quốc và “phải hết lòng hết sức phục vụ nhân dân”. Những năm qua Tỉnh ủy Đồng Nai đã thường xuyên quan tâm, chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, trong đó dành sự quan tâm hàng đầu cho việc chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ thực hành gương sáng về nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Ðảng, trước nhân dân. Tuy nhiên, hiện vẫn còn tình trạng cán bộ, công chức tại một số cơ quan, đơn vị đôi lúc e dè, né tránh nhiệm vụ, thiếu sự gương mẫu trước đồng nghiệp và nhân dân.

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Lợi, tỉnh Đồng Nai sở hữu lợi thế lớn về mặt địa lý, nhiều thế mạnh và dư địa trong thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo hướng bền vững, do đó cấp thiết phải xây dựng được đội ngũ cán bộ vươn lên tầm tư duy mới, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, vững vàng về tư tưởng chính trị, lành mạnh về đạo đức, lối sống, sẵn sàng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, đủ bản lĩnh thực hiện công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Bà Nguyễn Thị Hoàng, Phó Chủ tịch  UBND tỉnh Đồng Nai, cho rằng qua 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, địa phương đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, nhưng cũng cho thấy nhiều hạn chế, rào cản đối với sự phát triển.

“Trước thực trạng này, việc triển khai những giải pháp để giải quyết, tháo gỡ có thể tiềm ẩn rủi ro, dễ dẫn đến sai sót trong việc triển khai thực hiện. Điều này phát sinh tình trạng cán bộ công chức sợ sai, sợ trách nhiệm trong thực thi công vụ ở nhiều địa phương trên cả nước, cũng như ở một số bộ, ngành Trung ương, trong các hoạt động kinh tế - xã hội, thể hiện rõ nhất trên lĩnh vực đầu tư công, quản lý đất đai, đấu thầu mua sắm công. Việc giải quyết, tháo gỡ những điểm nghẽn, khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn đòi hỏi đội ngũ cán bộ công chức phải có quyết tâm, bản lĩnh chính trị vững vàng để đương đầu với những hậu quả, thách thức phát sinh, góp phần xóa bỏ tình trạng trì trệ, lúng túng trong giải quyết công việc tại các địa phương, cơ quan, đơn vị - bà Nguyễn Thị Hằng nêu rõ.

Ông Đào Văn Phước, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Đồng Nai cho rằng các nghị quyết, kết luận của Trung ương đã xác định rõ, việc đánh giá cán bộ là việc làm thường xuyên, liên tục; các tiêu chí để đánh giá phải được xây dựng dựa trên việc cụ thể hóa đối với từng vị trí công tác.

Kết quả đánh giá cán bộ trong hệ thống chính trị của tỉnh Đồng Nai giai đoạn từ năm 2020 đến 2023 được thực hiện thường xuyên, liên tục. Cụ thể, đối với cán bộ, công chức, viên chức, bình quân hàng năm tỷ lệ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chiếm 30,81%; hoàn thành tốt nhiệm vụ chiếm 66,22%; hoàn thành nhiệm vụ chiếm 2, 55%; không hoàn thành nhiệm vụ chiếm 0,4 2%. Đối với cán bộ thuộc diện Ban Thường Tỉnh ủy quản lý, bình quân hàng năm tỷ lệ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chiếm 19, 42%; hoàn thành tốt nhiệm vụ chiếm 80,1%; hoàn thành nhiệm vụ chiếm 0%; không hoàn thành nhiệm vụ chiếm 0,47%.

Quang cảnh Hội thảo. 

Kết quả đánh giá cho thấy, đa số cán bộ khẳng định được phẩm chất, năng lực cá nhân trong lãnh đạo, quản lý, điều hành và hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao. Đánh giá ngày càng đi vào thực chất, tỷ lệ cán bộ lãnh đạo, quản lý hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao đảm bảo tỷ lệ không vượt quá 20% theo quy định. Kết quả đánh giá đã giúp Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các cấp ủy, tổ chức đảng và cơ quan, đơn vị thực hiện ngày càng tốt các khâu trong công tác cán bộ - ông Đào Văn Phước nêu rõ.

Hội thảo khoa học diễn ra trong bối cảnh tỉnh Đồng Nai đang tiến hành các công việc chuẩn bị tổng kết nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, trọng tâm là chuẩn bị văn Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII và văn kiện đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030, trong đó có tổng kết nội dung về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp của tỉnh. Với hơn 40 tham luận của các nhà khoa học, chuyên gia, lãnh đạo quản lý của các đơn vị Trung ương, địa phương được trình bày, gửi đến Hội thảo, đã làm rõ hơn những vấn đề lý luận, thực tiễn đặt ra cho Đồng Nai về công tác cán bộ thời gian tới.

Top