Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus bên hành lang Quốc hội ngày 28/5, nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá Luật Thủ đô (sửa đổi) có nhiều chính sách đặc thù, vượt trội; bảo đảm chặt chẽ về kỹ thuật lập pháp, chất lượng quy phạm pháp luật. Do vậy, các đại biểu kỳ vọng luật sẽ tạo điều kiện, cơ chế phát triển, đặc biệt là vấn đề đầu tư “nguồn lực tinh hoa” để xứng tầm với vị trí, vai trò của “trái tim của cả nước”.
Nêu quan điểm, đại biểu Quốc hội Nguyễn Phương Thủy (Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội) cho biết dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 này gồm 7 Chương, 54 Điều là một bước thay đổi rất lớn so với Luật Thủ đô 2012.
Theo đại biểu Nguyễn Phương Thủy, các chính sách được đề xuất trong dự thảo luật lần này cơ bản bám sát với tinh thần chỉ đạo tại Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và đã thể hiện chính sách mang tính đặc thù, vượt trội; từ đó tạo nền tảng cơ sở cho việc tiếp tục phát triển của Thủ đô nói chung.
Trong quá trình hoàn thiện, đại biểu Nguyễn Phương Thủy cho biết dự thảo luật đã tập trung thể hiện những chính sách tạo cơ sở để chính quyền Hà Nội tiếp tục đề xuất và hoàn thiện hệ thống giải pháp, biện pháp trong lĩnh vực quản lý nhà nước.
Dự thảo Luật phân quyền cho HĐND thành phố Hà Nội quy định tiêu chí thành lập và quyết định việc thành lập, tổ chức lại, giải thể cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND thành phố.
Cụ thể, dự thảo luật tập trung vào giải pháp về huy động nguồn lực, đầu tư, quy hoạch cũng như biện pháp, chính sách về phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, an sinh xã hội. Đây là nền tảng để Hà Nội có thể khắc phục những vấn đề còn bất cập nhất hiện nay như cảnh quan đô thị, giao thông, ô nhiễm môi trường.
Đại biểu Nguyễn Phương Thủy cũng nhấn mạnh Luật Thủ đô (sửa đổi) có nhiều chính sách vượt trội, đặc thù ở nhiều lĩnh vực mang tính bao quát. Tuy nhiên, để những chính sách này đi vào thực tế và thực thi hiệu quả, theo nữ đại biểu, vẫn cần yếu tố nhân lực có năng lực, nhiệt huyết để triển khai trên thực tiễn.
“Một trong những nội dung được chú trọng trong dự thảo luật này là quy định về hoàn thiện tổ chức bộ máy chính quyền đô thị tại Hà Nội. Đây cũng là nội dung mới so với Luật Thủ đô 2012; trong đó có rất nhiều cơ chế khác biệt so với Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện nay,” đại biểu Nguyễn Phương Thủy nhìn nhận.
Dẫn chứng cụ thể, đại biểu Nguyễn Phương Thủy cho biết dự thảo luật đã dự kiến phân quyền mạnh mẽ hơn cho hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội được quyết định vấn đề liên quan đến tổ chức bộ máy.
Cùng đó là việc thực hiện phân cấp cho thành phố được quyền chủ động trong tổ chức bộ máy cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính trực thuộc và có chính sách liên quan đến việc quản lý cán bộ, công chức, viên chức; thu hút người có tài năng. Các chính sách về biên chế, tiền lương, thu nhập cũng được quan tâm…
“Với những quy định này, Luật Thủ đô (sửa đổi) kỳ vọng sẽ tạo điều kiện để cấp ủy, chính quyền Hà Nội có dư địa, lợi thế trong hoàn thiện tổ chức chính quyền. Mục tiêu là đảm đương và đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, trách nhiệm rất cao được giao trong Luật Thủ đô lần này,” đại biểu Nguyễn Phương Thủy nhấn mạnh.
Nhấn mạnh Thủ đô Hà Nội là trung tâm văn hóa chính trị của cả đất nước, đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng (Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội) cho rằng tất cả những gì tốt nhất phải dành cho Thủ đô bởi đây là “trái tim,” bộ mặt của quốc gia.
“Lần này tôi mong Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ có đổi mới căn bản, toàn diện hơn, một nét riêng so với những đặc thù đã áp dụng,” đại biểu Nguyễn Tạo chia sẻ và lưu ý qua kinh nghiệm của các đô thị, tỉnh, thành đã được áp dụng cơ chế đặc thù cho thấy có nội dung phát huy rất hiệu quả. Đó là việc thu hút nguồn nhân lực tinh hoa nhất, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững trong tương lai.
Theo đại biểu Nguyễn Tạo, vị thế của đất nước trước mắt và lâu dài cũng cần chính sách để đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng. Những chính sách này phải do các cơ quan có thẩm quyền quyết định. Hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân có thẩm quyền quyết định cơ chế đặc thù dành riêng cho mình trên tinh thần tự chủ, tự cường.
“Do vậy, tôi mong muốn Luật Thủ đô (sửa đổi) cũng sẽ phân cấp rõ ràng, cụ thể cho các cơ quan có thẩm quyền của Thủ đô Hà Nội để thu hút nguồn nhân lực trên cơ sở rút kinh nghiệm tại những đô thị đã được cho phép ứng dụng cơ chế thu hút nguồn nhân lực thành công trong thời gian qua,” đại biểu Nguyễn Tạo nói.
Góp thêm ý kiến, đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) nhận định Luật Thủ đô (sửa đổi) có một sự chuẩn bị rất công phu, có tính kế thừa. Những cơ chế đặc thù của thành phố cũng đã được nhận diện, thông qua để đưa vào trong luật.
Do đó, đại biểu Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh ông ủng hộ những nội dung của Luật Thủ đô (sửa đổi) vì phù hợp với bối cảnh chung của thế giới, nhất là việc phân cấp mạnh hơn cho Thủ đô để góp phần phát huy tính chủ động, sáng tạo.
“Đây cũng là một định hướng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII là phát huy tính chủ động, sáng tạo của các địa phương mà đặc biệt là Thủ đô,” đại biểu Trần Hoàng Ngân chia sẻ.
Vị đại biểu của Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh những cơ chế đặc biệt cần phải được áp dụng cho Thủ đô để đưa Hà Nội phát triển mạnh mẽ, có thể sánh vai với các cường quốc năm châu./.
Nguồn bài viết : Video thể thao