Các điểm đảo xa của Tổ quốc với cái tên thật gần gũi, đã trở thành “niềm tin, niềm mong đợi” yêu thương của những “trái tim” từ đất liền. Trên những hòn đảo này, ngày cũng như đêm luôn có những người chồng, người cha, người con trung kiên, vững chắc tay súng bảo vệ từng tấc biển xanh của Tổ quốc với niềm thương nhớ về quê hương thân thương, về đất mẹ Việt Nam yêu dấu.
Hành trình tiếp theo của Đoàn công tác số 11 là đảo Đá Đông và Đá Tây.
Nếu đảo Đá Đông hiên ngang giữa biển trời mênh mông, thì đảo Đá Tây lại vững vàng trở thành “căn cứ” an toàn của ngư dân trong những chuyến ra khơi suốt dọc vùng duyên hải miền Trung, đến cực Nam của Tổ quốc.
Bên cạnh nhiệm vụ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, cán bộ, chiến sĩ đảo Đá Đông, Đá Tây còn tích cực, chủ động trong tham gia cứu hộ, cứu nạn, giúp đỡ ngư dân thực hiện tốt Chương trình Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi bám biển.
Cách đây 49 năm, ngày 29/4/1975, các chiến sỹ Quân chủng Hải quân Việt Nam đã thần tốc, táo bạo, bất ngờ, tranh thủ thời cơ tấn công giải phóng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa.
Khi đêm xuống, nhìn từ xa, cụm đảo Đá Đông, Đá Tây sáng lên như những “ngọn hải đăng” lung linh tràn đầy sức sống giữa biển trời rộng lớn. Đảo Đá Đông cách bán đảo Cam Ranh 253 hải lý và cách đảo Đá Tây khoảng 19 hải lý về phía Đông song cách đảo Châu Viên do Trung Quốc chiếm đóng trái phép 10 hải lý về phía Tây.
Đảo Đá Đông có lòng hồ khép gần kín với luồng vào rất thuận tiện cho việc chuyển tải hàng từ tàu lên đảo. Khí hậu về mùa hè mát, mùa Đông ấm. Tuy nhiên, thời tiết mùa khô (từ tháng Hai đến tháng Năm) rất khắc nghiệt, ngày nắng nóng kéo dài từ sáng sớm đến sẩm tối. Mùa mưa luôn có giông bão bất thường, gây ảnh hưởng lớn đến các hoạt động của đảo. Thêm vào đó, thủy triều ở khu vực đảo là chế độ nhật triều do nằm ở gần đường Xích đạo nên số ngày nắng nóng lên trên 300 ngày mỗi năm. Hơn thế, gió vào mùa hè mang theo hơi nước từ biển thổi vào luôn gây hư hại cho các trang thiết bị, vũ khí và sự sinh trưởng của rau xanh trên đảo. Song, bối cảnh khó khăn không ngăn nổi ý chí sắt đá của những người lính đảo can trường.
Tuổi đời rất trẻ, chiến sỹ Lê Hữu Quốc (23 tuổi) cho biết ra đảo được 3 tháng và những đã sớm làm quen với cuộc sống ở đây. Quốc cho hay cơ sở vật chất và sinh hoạt trên đảo được trang bị đầy đủ. Trong đó, nước sinh hoạt lấy từ nguồn nước biển xử lý qua máy lọc. Về rau xanh, các chiến sỹ luôn thay phiên nhau tranh thủ các buổi chiều rảnh rỗi để tăng gia.
Quốc tâm sự tham gia nghĩa vụ quân sự đã giúp cho bản thân thay đổi rất nhiều: “Em ý thức được về trọng trách, nhiệm vụ của thanh niên được cống hiến một phần tuổi trẻ cho đất nước. Em cũng biết suy nghĩ cho ba, mẹ nhiều hơn. Em mong ba, mẹ thật mạnh khỏe và muốn nhắn nhủ: Ba, mẹ hãy yên tâm chờ ngày con trở về.”
Chỉ huy đảo Đá Đông, Đại úy, Nguyễn Văn Linh cho biết những năm gần đây, đảo được trang bị hệ thống bể chứa, nhờ đó đã chủ động bảo đảm 100% nhu cầu nước sinh hoạt. Để có đất trồng rau xanh, cán bộ, chiến sỹ không quản ngại vận chuyển những bao đất nhỏ từ đất liền ra đảo. Và, bằng phương pháp tưới nhỏ giọt tiết kiệm và khoa học, các chiến sỹ đã trồng được nhiều loại rau xanh đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, nâng cao đời sống bộ đội.
Ở vị trí trọng yếu, đảo Đá Đông được ví là “ngọn hải đăng” gắn kết triệu triệu trái tim người con đất Việt hướng về Trường Sa hướng, vùng đất thiêng liêng của Tổ quốc, giữa biển khơi.
Theo đó, Chính trị viên đảo Đá Đông, Đại úy Nguyễn Văn Linh nhấn mạnh về công tác tư tưởng, giúp các cán bộ, chiến sỹ luôn an tâm công tác, chấp hành nghiêm kỷ luật của quân đội, giữ vững niềm tin bảo vệ chủ quyền biển đảo với tinh thần “còn người, còn đảo, còn chủ quyền của tổ quốc.”
“Các cán bộ trong đơn vị thường xuyên quan tâm, hỏi han đến những chiến sỹ trên đảo. Những dịp lễ Tết, cán bộ sẽ gọi điện chúc Tết người thân và gia đình các chiến sỹ. Hàng tuần, Chính trị viên cũng tổ chức hỏi thăm cán bộ, chiến sỹ và gọi điện cho gia đình họ nhằm kịp thời động viên gia đình yên tâm - Cán bộ, chiến sỹ ngoài đảo luôn đoàn kết, giúp đỡ nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao,” Đại úy Nguyễn Văn Linh nói.
Nhấn mạnh bên cạnh trách nhiệm còn là vinh dự, Chính trị viên đảo Đá Tây, Đại tá Lê Ngọc Nam khẳng định cán bộ, chiến sĩ nhận thức sâu sắc về nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, thềm lục địa của Tổ quốc. Mỗi cán bộ, chiến sỹ đều ý thức luyện rèn bản lĩnh chính trị, kiên định, vững vàng công tác, xác định với quyết tâm của người chiến sĩ Hải quân bảo vệ chủ quyền biển đảo - Một phần “máu thịt” thiêng liêng của đất nước và giữ bình yên cho nhân dân. Cán bộ, chiến và các lực lượng, nhân dân trên đảo Đá Tây luôn xác định “đảo là nhà, biển cả là quê hương, đồng đội và nhân dân là anh em.”
“Chính vì điều đó, chúng tôi thường xuyên quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần đồng thời xây dựng tốt tình cảm gắn bó, đoàn kết quân dân. Mặc dù điều kiện còn nhiều khó khăn, phải bốn tháng tới thời tiết mới có mưa. Điều này ảnh hưởng nhiều việc canh tác trồng trọt, song chúng tôi đã chủ động hệ thống chứa nước ngọt đầy đủ cho các lực lượng trên đảo và tăng gia, sản xuất để nâng cao đời sống, cải thiện bữa ăn bảo đảm sức khỏe cho bộ đội để thực hiện các nhiệm vụ được giao,” Đại tá Lê Ngọc Nam nói.
Đặc biệt là đảo Đá Tây đang có 16 hộ dân sinh sống, Đại tá Lê Ngọc Nam cho hay các hộ dân đều có nhận thức sâu sắc về nhiệm vụ ra đảo sinh sống và cùng với cán bộ, chiến sĩ xây dựng đảo. Thời gian qua, các cấp lãnh đạo luôn quan tâm và bảo đảm đầy đủ về vật chất cũng như tinh thần cho các hộ dân trên đảo, để có được cuộc sống như trên đất liền.
Công việc hàng ngày của các công dân là tăng gia, sản xuất, cải thiện đời sống và tham gia một số động chung, xây dựng đảo trong ngày càng xanh đẹp, chính quy. Về giáo dục, các em học sinh có điều kiện và môi trường học tập đảm bảo, thông tin và các nội dung mới luôn được cập nhật. Theo Đại tá Lê Ngọc Nam, với tâm huyết và quyết tâm của thầy trò, trường tiểu học đảo Đá Tây luôn gặt được thành tích rất cao. Học kỳ 1 vừa qua, các em học sinh cơ bản đạt cơ bản đạt khá, giỏi.
Sát cánh cùng đảo Đá Đông, đảo Đá Tây trở thành “địa chỉ đỏ” cho ngư dân nghỉ ngơi, chăm sóc y tế, giúp ngư dân ấm lòng hơn, phấn khởi, an tâm bám biển cũng như các đảo trong quần đảo Trường Sa.
Đảo Đá Tây được hình thành từ sự phun trào của các dãy núi lửa dưới đáy biển. Chiều dài của bãi Đá Tây khoảng 15 km, chiều rộng khoảng 3 km và giữa có hồ hình vành khuyên chiều dài hồ khoảng 6 km. Vì vậy, đảo có âu tàu rất lớn để hỗ trợ cho ngư dân tránh trú bão và trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá cung cấp phục vụ cho các hoạt động khai thác ngư trường biển xa.
Ông Trương Khắc Định, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Hậu cần Nghề cá đảo Đá Tây, Công ty Dịch vụ Khai thác Hải sản Biển Đông, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết dịch vụ hậu cần cung ứng cho ngư dân về nước ngọt đá lạnh, xăng dầu, lương thực, thực phẩm, sửa chữa tàu thuyền và cùng các lực lượng của quân đội tham gia cứu hộ tàu thuyền gặp nạn trên biển.
Trong năm 2023, Trung tâm đã cung ứng nhiên liệu gần 283.000 lít dầu diezel, 29 tấn lương thực-thực phẩm, 116.000 cây đá và cấp 2.427 m3 nước ngọt (miễn phí). Đội sửa chữa, cứu hộ đã lai dắt và sửa chữa 40 tàu thuyền hư hỏng (miễn phí công sửa chữa). Sang đến quý 1 năm nay, Trung tâm đã cung ứng 100.000 lít dầu diezel, 2 tấn lương thực-thực phẩm, 26.000 cây đá, cấp 463 m3 nước ngọt, lai dắt và sửa chữa 5 tàu thuyền hư hỏng.
Ông Định cho hay đối với cán bộ, nhân viên của Trung tâm, công tác quốc phòng an ninh trên biển là một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng. Hàng năm, hải đội dân quân tự vệ Biển Đông tham gia đầy đủ các khóa hội thao do Hải quân kiểm tra huấn luyện. Đội ngũ cán bộ, nhân viên của Trung tâm là những người dầy dạn kinh nghiệm làm việc trên biển, luôn chấp hành kỷ luật tốt, sẵn sàng chịu đựng mọi khó khăn gian khổ, chung một lòng hoàn thành mọi công tác được giao.
Trong những năm qua, Trung tâm đã phục vụ và giúp đỡ hàng nghìn con tàu và nhận được sự tin tưởng đồng tình ủng hộ của bà con ngư dân. Để hoàn thành các yêu cầu đặt ra và đảm bảo an toàn tuyệt đối, ông Định nhấn mạnh đến công tác chính trị nội bộ. Cụ thể, cấp ủy, chi bộ và Ban giám đốc Trung tâm thường xuyên quan tâm sâu sắc đến các công tác đoàn thể, tổ công đoàn, đoàn thanh niên, từ đó góp phần nâng cao năng lực, trách nhiệm của các tổ chức quần chúng trong đơn vị.
“Bên cạnh việc đảm bảo sinh hoạt định kỳ, giao ban tuần tổng hợp báo cáo rút kinh nghiệm và giải pháp tháo gỡ khó khăn, hướng khắc phục, công tác chính trị luôn chú trọng đoàn kết nội bộ, xây dựng mối quan hệ quân dân, các lực lượng gắn bó sát cánh bên nhau. Những tâm tư nguyện vọng, vấn đề về chế độ, quyền lợi của người lao động cũng luôn được các cấp quan tâm lắng nghe và kịp thời báo cáo cấp trên xem xét, nhờ đó mọi người đều yên tâm công tác. Trên đảo, từng đảng viên, công nhân viên thấm nhuần tư tưởng, rèn luyện tác phong, đẩy mạnh học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, giữ gìn sự đoàn kết thống nhất cao trong toàn đơn vị, ” ông Định nói./.
Bài 1:
Tình hình trên Biển Đông và các vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Quan điểm xuyên suốt của Việt Nam là phải giữ vững môi trường hòa bình và ổn định.
Bài 2:
Đảo Sinh Tồn Đông có vị trí quan trọng trong hệ thống phòng thủ trên quần đảo Trường Sa. Các cán bộ, chiến sĩ luôn quán triệt sâu sắc tình hình, nhiệm vụ, tinh thần cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu cao.
Bài 3:
Mỗi cán bộ, chiến sĩ đóng quân trên đảo Len Đao luôn khẳng định quyết tâm vững vàng, không nao núng tinh thần, kiên quyết, kiên trì giữ vững chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc trong mọi tình huống.
Bài 4:
Nếu đảo Đá Đông hiên ngang giữa biển trời mênh mông, thì đảo Đá Tây lại vững vàng trở thành “căn cứ” an toàn của ngư dân ra khơi suốt dọc vùng duyên hải miền Trung, đến cực Nam của Tổ quốc.
Bài cuối:
Sau những chuyến công tác đến với Trường Sa, mỗi đại biểu ở một vị trí và có những cách riêng lan tỏa về tinh thần yêu thương và trách nhiệm bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc.
Nguồn bài viết : NE Điện Tử