Làm cơ khí không khó
Hiện các khu công nghiệp, chế xuất trên địa bàn các tỉnh phía Nam như TP. HCM và các tỉnh lân cận luôn trong tình trạng thiếu hụt đội ngũ kỹ sư lành nghề các ngành chế tạo máy, tiện, phay… dù đăng tuyển khá nhiều. Theo Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP. HCM, thời gian gần đây ban rất chú trọng thu hút các nhà đầu tư ở lĩnh vực cơ khí nhưng lại thiếu nguồn lao động có tay nghề cao để cung ứng.
Còn tại thị trường lao động phía Bắc, các công ty cơ khí ở các các khu công nghiệp tại Hà Nội, Bắc Ninh cũng có nhu cầu tuyển dụng ngành nghề này khá lớn. Trên các trang web tuyển dụng việc làm… thì cơ khí là một trong những ngành mà các doanh nghiệp có nhu cầu lớn nhất.
Thực tế, nhu cầu nhân lực ngành cơ khí hiện đang rất lớn.
Xuất phát từ nhu cầu trên, kỹ sư thuộc nhóm ngành Cơ khí - Điện - Điện tử cũng vì thế dễ dàng tìm được việc làm với mặt bằng mức lương ổn định ngay sau khi ra trường.
Bên cạnh đó, công nghệ phát triển khiến nghề cơ khí không còn vất vả như xưa. Trước đây, công việc của ngành cơ khí luôn liên quan đến sắt thép, đến các công việc gia công bằng tay như tiện, phay, hàn… Nhưng hiện nay, ngành này cũng được chuyên môn hóa, nhiều công việc cơ khí người làm gần như không tham gia vào… mà chỉ cần bấm các thông số kỹ thuật trên máy móc.
Có rất nhiều cách để theo học ngành cơ khí. Bạn chỉ cần tốt nghiệp THCS hoặc THPT, rồi tham gia xét tuyển ở các trường trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng nghề.
Với công nghệ phát triển, ngành cơ khí ngày nay không còn vất vả như trước kia.
Tốt nghiệp ngành này, cơ hội làm việc của người học rất cao vì tất cả máy móc vận hành trong các dây chuyền sản xuất hoạt động ở mọi nơi như trên và dưới mặt đất, trên mặt biển, dưới đáy biển… Do đó, ngoài sự đóng góp của các nhà khoa học, kỹ sư thì rất cần có các công nhân cơ khí. Một điểm đáng lưu ý là để làm tốt công việc trong lĩnh vực cơ khí, người lao động phải có niềm đam mê, tính cẩn thận, chính xác, kiên trì, có tư duy phân tích nhạy bén, logic…
Luôn được trải “thảm đỏ”
Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM (Falmi), mức lương phổ biến cho các ngành kỹ thuật - công nghệ bao gồm nhóm ngành Cơ khí - Điện - Điện tử được các doanh nghiệp đưa ra khi tuyển dụng trung bình từ 6 - 10 triệu đồng/tháng trở lên. Bên cạnh đó là cơ hội nâng cao trình độ lên thạc sỹ, tiến sỹ trong và ngoài nước.
Đặc biệt, với những kỹ sư có kinh nghiệm, đã trải qua các khóa học chuyên sâu, có một trong những chứng chỉ quốc tế, là thành viên của các hiệp hội, hiểu các chuẩn quốc tế như JIS, ASME, ASTM, CSWIP, NDT, Frosio, Nace, Nebosh, PDMS, PMCS, SPR, HVAC & Freezer, Solar Gas Turbine and Gas Compressor, Laser Aligment, Maximo, Amos… thường có mức thu nhập rất cao và thăng tiến tốt trong nghề nghiệp. Hiện nay đã có nhiều người Việt Nam đảm nhận những vị trí cao cấp thay thế người nước ngoài… với mức lương từ khoảng 4.000 – 6.000 USD/ tháng.
Mức lương cho ngành này cũng khá hấp dẫn.
Theo thống kê của Hiệp hội Phát triển nhân lực quốc tế Nhật Bản (IM Japan), có những lao động ngành cơ khí Việt Nam sau khi tu nghiệp 3 năm tại Nhật về nước, họ trở thành giám đốc điều hành (CEO) các chi nhánh, doanh nghiệp của đất nước Mặt trời mọc trên chính quê hương mình.
Năm 2007, khi IM Japan mang chương trình tuyển lao động đi thực tập sinh tại Nhật Bản về thí điểm tại Bến Tre, anh Lê Văn Tiền, quê ở Ba Tri, Bến Tre đã nộp hồ sơ và trúng tuyển.
Sang Nhật Bản, Tiền là công nhân đứng máy cho Ikeda Watanabe Kakinuma, một doanh nghiệp chuyên gia công khuôn dập kim loại. Sau ba năm học tập tại xứ sở hoa anh đào, năm 2010, Tiền về nước và được lãnh đạo công ty tin tưởng giao cho vị trí giám đốc điều hành khi doanh nghiệp này có ý định đầu tư vào Việt Nam.
Hiện, anh Lê Văn Tiền đang hoàn thành nốt những công việc cuối cùng để nhà máy gia công khuôn dập kim loại với diện tích trên 4.000 m2 tại khu công nghiệp Việt Nam - Singapore ở Bình Dương đi vào hoạt động.
Có những công nhân cơ khí, sau khi tu nghiệp nước ngoài trở về đã trở thành CEO của doanh nghiệp ngoại ngay trên mảnh đất quê hương.
Một lao động ở Bến Tre khác sau 3 năm thực tập sinh tại Nhật Bản về nước “thành” CEO là anh Đỗ Phương Huy, sinh năm 1986.
Đầu năm 2011, anh Huy về nước và nhận vai trò là giám đốc điều hành cho công ty TNHH VTop Việt Nam, có trụ sở tại khu công nghiệp Long Định, Long Cang, tỉnh Long An, là công ty con của Kabushiki-kaisha Vtop Nhật Bản - một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp chế tạo nhựa.
Anh Huy cho biết, mặc dù không có bằng cấp của một trường đại học, nhưng những gì học hỏi được từ thực tế tại doanh nghiệp Nhật Bản khiến anh có thể tin tưởng vào khả năng điều hành doanh nghiệp của mình. Tại Nhật Bản, ngoài công việc chính là thợ dập khuôn, chế tạo các sản phẩm từ nhựa thì Huy còn được tham gia những khóa học thêm chuyên về robot, máy ép nhựa và học cách quản lý doanh nghiệp của người Nhật Bản.
Mạnh Phúc
Tổng hợp
Nguồn bài viết : Vietlott