Dịch giả thông thạo nhiều ngoại ngữ: Cứ đi thì sẽ thành đường!

2025-01-17 19:49:28

Học trong khi làm việc

Nhớ về quá trình phát triển vốn ngoại ngữ của mình, Nguyễn Thụy Ứng kể: “Năm 1946, tôi mới bắt đầu học ở khoa Xã chính, Đại học Hà Nội. Bộ trưởng Tạ Quang Bửu cùng nhiều Bộ trưởng khác làm thầy giáo, thêm một chuyên gia người Nga tên là Bretnev. Học được 3 tháng thì vào bộ đội. Tất cả chỉ có thế.

Năm 1952, ở trường Lục quân Trần Quốc Tuấn (bấy giờ đóng ở Trung Quốc), Tướng Lê Thiết Hùng, khi ấy là hiệu trưởng nói: "Lệnh Bác Hồ chuẩn bị tổng phản công. Cậu dịch ngay “10 cú đấm thép” của Stalin để làm tài liệu".

Dịch giả Nguyễn Thụy Ứng thông thạo nhiều ngoại ngữ.

Tôi báo cáo: “Tôi mới học tiếng Nga có 3 tháng”. Ông Lê Thiết Hùng cắt ngang: “Vẫn còn hơn người ta không học. Tài liệu cần lắm, lệnh: dịch!”. Tôi học tắt ngữ pháp, ôm cuốn từ điển Nga – Trung, dịch cật lực trong 2 tháng thì xong.

Lúc nộp bản dịch, ông Hùng bảo: “Thế này mà nói chưa biết tiếng Nga!”. Tôi trả lời: “Đến bây giờ, tôi vẫn chưa biết tiếng Nga đâu!”.

Bí quyết dịch giả Nguyễn Thụy Ứng rút ra là: “Cái chính không phải học, mà là làm việc. Học trong khi làm việc”.

Về việc học tiếng Trung, ông hồi tưởng: “Hồi nhỏ, bố tôi có dạy một ít chữ Hán. Năm lên 9, thi sơ học yếu lược, đỗ cả 3 bằng tiếng Hán, tiếng Việt, tiếng Pháp. Về sau khi ta mở lớp Hoa văn đầu tiên (1949), tôi học 4 tháng rưỡi, hết”. Thế nhưng tiếng Trung ông dịch rất nhiều, chiếm tới một nửa sự nghiệp dịch.

Bản dịch "Sông Đông êm đềm" của ông được coi là bản thành công nhất.

Có lẽ 1 trong những tác phẩm nổi tiếng mà rất nhiều người Việt Nam đã từng đọc là “Sông Đông êm đềm” của tác giả Solokhov. Cho đến bây giờ, hàng chục năm trôi qua, có nhiều người dịch lại nhưng bản của Nguyễn Thụy Ứng vẫn là bản dịch tốt nhất, chuyển tải được cái hồn của tác phẩm đến với người đọc.

Về tiếng Nga, ngoài “Sông Đông êm đềm”, ông dịch Gorki, Ostrovski, Pauxtopxki, Tvardovski... khoảng 25% sự nghiệp của ông. Ở mảng tiếng Pháp, tác giả Nguyễn Ứng Thụy dịch Louis Aragon; tiếng Anh dịch một số truyện ngắn, truyện dài; tiếng Tây Ban Nha dịch tác phẩm lý luận “Văn học kết cấu”. Tiếng Thụy Điển, ông dịch một số truyện ngắn. Chưa kể, dịch giả còn có thể thành thạo tiếng Đức, Ý, Nhật...

Không ngừng sáng tạo

Nói về cách học ngoại ngữ, dịch giả nói bằng 1 câu chuyện đầy hình tượng.

“Tề Bạch Thạch nói: Ngã thư ý tạo bản vô pháp. Mỗi một bức tranh phải tìm ra 1 phương pháp vẽ, vẽ xong lại tìm ra cách mới”. “Caminante, no hay camino! El camino se hace al andar” (Đầu tiên nào có đường! Cứ đi thì sẽ thành đường). Đây là câu thơ của Antonio Machado (1875 – 1939), 1 trong những nhà thơ Tây Ban Nha xuất sắc nhất đầu thế kỷ XX.

Và đây cũng là phương châm cả cuộc đời của tôi. Tôi sống như thế này đây, và cứ thế mà sống”, ông nói.

Dịch giả (bên phải) trong 1 lần thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Với dịch giả Nguyễn Thụy Ứng, có lẽ cứ có đam mê, nhiệt huyết và hết mình với niềm yêu thích của mình thì sẽ thành công. Ông quyết tâm học và dịch các tác phẩm Trung Quốc với mục đích là để người Việt Nam hiểu thật nhiều về láng giềng của mình. Ông vừa học vừa dịch tiếng Tây Ban Nha vì thích Che Guevara và cô diễn viên Ý Gina Lolobrigida trong phim “Thằng gù nhà thờ Đức Bà”.

“Không biết máy vi tính, cứ mua về rồi sẽ biết dùng. Không phải cái gì cũng đòi học, mà cứ làm thì sẽ biết. Có những người cả đời chỉ viết vài bài, làm vài việc, sáng tác vài câu thơ, thế nhưng gặp người khác lại cứ tự khoái mãi! Sống là lao động và không ngừng suy nghĩ. Tôi thích những cái kỳ cục, cái mới, thích sống cuộc đời của mình, theo cách của mình...”, dịch giả nói thêm.

Trong công tác dịch thuật, tác giả Nguyễn Thụy Ứng cho rằng, khó nhất là phải chuyển tải cho được cái hồn của từng câu chữ trong tác phẩm sang tiếng mẹ đẻ. Nếu không, đó chỉ là cách dịch thô thiển. Việc dịch phải rất sáng tạo chứ không đơn thuần là công việc chuyển chữ.

Theo dịch giả Nguyễn Thụy Ứng, học trong quá trình làm việc là cách tốt nhất để thành thạo ngoại ngữ.

Rồi ông kể câu chuyện, khi dịch giả De Merval người Pháp dịch tác phẩm “Phao” của Geothe. Geothe đọc xong, sang Pháp đã ôm lấy ông rồi nói: “Geothe của Pháp đây rồi!”. Hay bà Quách Thị Hồ (Việt Nam) đã từng dịch “Tỳ Bà Hành” hay đến nỗi đoạt giải nhất về dịch thơ Bạch Cư Dị do Trung Quốc tổ chức. Tất cả các bản dịch này đều tuyệt ở chỗ chuyển đúng được cái hồn, cái thần của nguyên bản.

Mạnh Phúc

Nguồn bài viết : JILI Game Bài 3d

Top