Độc đáo nhà cổ miền Tây: Ngôi nhà nhiều cột nhất Nam bộ

2025-01-17 19:49:28

Nội thất bên trong ngôi nhà trăm cột

Độc đáo nhà trăm cột

Với lối kiến trúc độc đáo mang đậm phong cách Huế, ngôi nhà trăm cột (68 cột chính và 52 cột phụ) được ông Trần Văn Hoa khởi công xây dựng từ năm 1898 với tổng diện tích 822 m2, theo kiểu nhà rường, mái lợp ngói âm dương, nền móng được bao kè bằng đá xanh lục giác, đến năm 1904 thì hoàn thành. Đầu thập niên 1970, mặt tiền ngôi nhà được sửa lại theo kiểu tân thời, ốp gạch mosaic, nhưng các vì kèo xuyên qua phần gạch xây mới vẫn giữ được nét chạm trổ độc đáo.

Qua hơn một thế kỷ, bên trong nhà, những hàng cột gỗ cẩm lai, gõ đỏ đã lên nước bóng lộn. Nội thất còn khá nguyên vẹn với vách lụa, cửa võng, bao lam, khám thờ... Các tác phẩm điêu khắc, chạm lộng công phu, độc đáo với những hình tượng như long, lân, quy, phụng, mai, lan, cúc, trúc, tùng, lộc, dơi, nho, sóc... mặc dù một số đã bị phủ một lớp sơn bóng nhưng vẫn còn giữ nguyên vẻ đẹp tinh tế, sắc sảo. Những bức hoành phi, liễn đối và những chiếc đèn lồng kéo quân không vết bụi bám, chứng tỏ chủ nhân ngôi nhà đã rất trân quý và lau chùi chúng thường xuyên.

Tuy nhiên, trái ngược với nội thất bên trong, cổng chính của ngôi nhà hiện đã quá xập xệ, cánh cổng được đóng tạm bằng gỗ, sứt bản lề phải lấy dây buộc tạm. Vì vậy, du khách đến tham quan phải đi bằng cửa sau. Ngay trước sân nhà, cỏ dại mọc um tùm, rào giậu hoang sơ, nhiều chậu kiểng sứt mẻ. Bên cạnh tấm bia di tích do Bộ VH-TT-DL xây, tấm bản đồ quy hoạch khoanh vùng bảo vệ của ngôi nhà đã tróc sơn, được chủ nhà tô vẽ lại nguệch ngoạc, nhìn không rõ. Nhưng đường vào di tích còn tệ hơn, chiều ngang con đường bê tông chỉ vừa đủ cho một chiếc xe gắn máy đi qua, lại sụt lún nhiều chỗ, mùa mưa thì rêu phong, trơn trợt, dễ bị té.

Ngôi nhà trăm cột nhìn từ mặt tiền

Long đong số phận di sản

Theo bà Trần Thị Ngỏ thì từ năm 2010, khi chồng bà là ông Trần Văn Ngô, hậu duệ của cụ Trần Văn Hoa qua đời, bà và người con trai út Trần Thanh Nhã quản lý ngôi nhà này. Khi có khách tham quan thì bà đứng ra thuyết minh. Từ năm 2005 đến nay, ngôi nhà đã qua 3 lần tôn tạo và sửa chữa với chi phí hơn 800 triệu đồng. Nhưng hiện tại, ngôi nhà vẫn xuất hiện nhiều chỗ hư hỏng, một số cột kèo phía nhà sau bị mối gặm nhắm. Con trai bà phải dùng thuốc trừ mối quét thường xuyên.

Rất nhiều du khách đến tham quan ngôi nhà này, có đoàn cả trăm người, sổ lưu niệm cũng được ghi dày cộm. Nhưng theo bà Ngỏ thì tùy lòng hảo tâm, có đoàn tặng vài trăm ngàn đồng, có đoàn không. Số tiền này được sử dụng bù vào chi phí điện, nước, trà, bánh, còn việc lau chùi, quét dọn và cắt cỏ ngoài sân thì bà tự lo.

Cũng theo bà Ngỏ thì toàn bộ diện tích của khu đất trên giấy tờ là 4.866 m2, trong đó diện tích ngôi nhà 822 m2, còn lại khu vườn 4.044 m2. Nhưng năm 1997, khi các cơ quan chức năng lập quy hoạch bản đồ khu di tích thì khu vườn chỉ còn 3.222 m2. “Khi phát hiện bị hàng xóm lấn chiếm 822 m2, tôi làm đơn khiếu nại khắp nơi. Nhưng khi tỉnh xuống xác minh, họ bảo tôi phải khởi kiện ra tòa vì hai bên đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tôi nói với các cơ quan chức năng rằng đây là di tích cấp quốc gia, vì sao chỉ mình tôi ra tòa? Vậy là họ bỏ luôn từ năm 2010 tới nay. Cũng vì vậy mà khi tôi lập thủ tục sang tên cho con trai là Trần Thanh Phong thừa kế quản lý di sản thì xã không cho, lý do là đất có tranh chấp”.

Theo Thanh Niên

Nguồn bài viết : Games bài

Top