Chiều 6/9, bảng xếp hạng đại học do một một nhóm chuyên gia độc lập với cơ quan quản lý nhà nước tiến hành chính thức được công bố.
Nhóm xếp hạng các trường đại học Việt Nam đã tiến hành đề án xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam với kỳ vọng, báo cáo xếp hạng sẽ trở thành nguồn tham khảo khả tín cho xã hội, tạo ra động lực cải cách cho các trường, đồng thời mở ra phương pháp và tiền lệ đánh giá xếp hạng đại học cho các năm tới.
Trong lần đầu công bố, nhóm đã xếp hạng 49 trường đại học có đầy đủ thông tin nhất trong số dữ liệu hơn 100 trường mà nhóm thu thập được từ năm 2014.
Theo bảng xếp hạng này Đại học Quốc gia Hà Nội đứng vị trí số 1
Theo kết quả nghiên cứu của Nhóm xếp hạng các trường đại học Việt Nam cho thấy, các đại học quốc gia, đại học có quy mô lớn đều đứng ở thứ hạng cao, cụ thể: Trường Đại học Quốc gia Hà Nội đứng thứ nhất trong bảng xếp hạng, Đại học Đà Nẵng ở vị trí thứ 4 và Đại học Quốc gia TP.HCM xếp hạng thứ 5. Trong tốp 10 trường hàng đầu còn có các trường đại lớn truyền thống khác như: Học viện Nông nghiệp Việt Nam đứng thứ 3, Đại học Cần Thơ xếp thứ 6, Đại học Bách khoa Hà Nội vị trí thứ 7, Đại học Sư phạm Hà Nội thứ 10.
Một số trường đại học mới thành lập chưa lâu, được biết đến ít hơn nhưng lại có vị trí cao trong bảng xếp hạng. Đó là trường Đại học Tôn Đức Thắng đứng thứ 2, trường Đại học Duy Tân đứng thứ 9.
Đặc biệt, các trường đại học thuộc khối kinh tế thuộc “top đầu” trong cả nước lại có xếp hạng trung bình. Trường Đại học Ngoại thương đứng thứ 23, Đại học Thương mại xếp thứ 29, Đại học Kinh tế quốc dân đứng ở vị trí 30, Học viện Tài chính đứng thứ hạng 40.
Theo phân tích của Nhóm xếp hạng các trường đại học Việt Nam, những trường có thứ hạng cao chủ yếu là có thành tích trong công bố quốc tế. Còn những trường xếp ở hạng trung bình bởi sự hiện diện của các trường này trên những ấn phẩm khoa học quốc tế còn mờ nhạt, đồng thời có thể quy mô đào tạo lớn hơn so với năng lực đội ngũ cán bộ giảng dạy có trình độ (đo bằng tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ trên sinh viên) Các trường muốn vươn lên vị trí cao hơn trong bảng xếp hạng trong thời gian tới, cần vượt qua nhiều thách thức, đặc biệt công bố quốc tế.
Bảng xếp hạng các trường đại học Việt Nam
Thành viên của nhóm xếp hạng gồm sáu người: TS Lưu Quang Hưng, nhà nghiên cứu làm việc tại Melbourne, Australia (chủ biên báo cáo xếp hạng); TS Nguyễn Ngọc Anh, Giám đốc và nhà kinh tế trưởng của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách DEPOCEN (đồng chủ biên báo cáo); TS Giáp Văn Dương, nhà nghiên cứu độc lập, Chủ tịch Công ty GiapGroup (đề xuất dự án xếp hạng); TS Ngô Đức Thế, nhà nghiên cứu đang làm việc tại Đại học Manchester, Anh; Thạc sĩ Trần Thanh Thủy, nhà nghiên cứu tại DEPOCEN; Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Huyền, nghiên cứu sinh tại Đại học East Angila, Anh.
Theo nhóm này, ba nhóm tiêu chí dùng để xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam được thiết kế thông qua thảo luận nội bộ và tham khảo các bảng xếp hạng đã có trên thế giới.
Theo đó, hai nhiệm vụ chính của nhà trường, bao gồm đào tạo và nghiên cứu khoa học, được đánh giá là quan trọng như nhau, nên mỗi bên đều chiếm 40% trọng số. Tuy nhiên, để có thể làm tốt được việc đào tạo và nghiên cứu thì cơ sở vật chất, chất lượng quản trị nhà trường, cũng có đóng góp quan trọng, do đó chiếm 20% trong số còn lại.
Tương tự như vậy, các tiêu chí lớn lại được chia thành các tiêu chí nhỏ hơn, với các trọng số tương ứng.
Đề án xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam của nhóm được bắt đầu tiến hành từ năm 2014, thông qua nhiều bước, bao gồm xây dựng tiêu chí, thử nghiệm mẫu số nhỏ, tối ưu hóa tiêu chí, thu thập số liệu ở số lượng mẫu quy mô lớn, xử lý số liệu và thiết lập bảng xếp hạng.
An Nhi (t/h)
Nguồn bài viết : mketqua1.net