Những Bệnh viện “hữu nghị” trên biên giới Quảng Trị |
Quảng Trị - Savannakhet: Tăng cường tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ mùa khô 2023-2024 |
Cuối tháng 5/2023, Trường Chính trị Lê Duẩn (thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị) tổ chức chuyến đi nghiên cứu thực tế tại huyện đảo Cồn Cỏ (tỉnh Quảng Trị) cho lớp Trung cấp lý luận chính trị hệ tập trung khóa XII dành cho cán bộ hai tỉnh Salavan và Savannakhet.
Trong chuyến đi này, các học viên được giới thiệu về tình hình kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng trên địa bàn huyện đảo Cồn Cỏ; đến viếng Đài tưởng niệm; thăm và tặng quà các cháu Trường Mầm Non Phong Ba; tham quan các di tích, danh lam thắng cảnh trên đảo.
Chuyến đi là trải nghiệm bổ ích, góp phần nâng cao hiệu quả đào tạo và năng lực của học viên khi trở về đơn vị công tác, đồng thời hoàn chỉnh kiến thức lý luận được trang bị trong khóa học. Đây cũng là dịp để học viên Lào hiểu hơn về mảnh đất, con người Quảng Trị nói riêng và Việt Nam nói chung; tạo quan hệ mật thiết, hiểu biết lẫn nhau giữa cán bộ, giảng viên nhà trường và học viên.
Cán bộ hai tỉnh Salavan và Savannakhet (Lào) học tập tại Trường Chính trị Lê Duẩn đi nghiên cứu thực tế tại huyện đảo Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị. (Ảnh: Hữu Hòa) |
Từ năm 2008 đến nay, Trường Chính trị Lê Duẩn bắt đầu phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành mở lớp Trung cấp lý luận chính trị - hành chính đầu tiên cho cán bộ hai tỉnh Salavan và Savannakhet. Sau 15 năm hợp tác đào tạo, Trường đã mở được 12 lớp Trung cấp lý luận chính trị - hành chính, Trung cấp lý luận chính trị cho hơn 500 cán bộ của hai tỉnh nước bạn.
Từ những lớp học này, nhiều cán bộ được bồi dưỡng có bản lĩnh chính trị vững vàng, năng lực quản lý tốt, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm. Qua đó góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý của nước bạn Lào.
Anh Bua Khăm Keomixay, giảng viên Trường Cao đẳng Sư phạm Savanakhet đến Quảng Trị từ tháng 3/2022 để học tiếng Việt. Từ tháng 6/2022 anh bắt đầu học Trung cấp lý luận chính trị tại Trường Chính trị Lê Duẩn.
Anh cho biết: quá trình học tập rất thuận lợi nhờ sự hỗ trợ, tạo điều kiện của nhà trường cũng như tỉnh Quảng Trị. Khó khăn lớn nhất trong quá trình học tập tại trường là bất đồng ngôn ngữ. Tuy nhiên, được sự hỗ trợ nhiệt tình của các giảng viên, Ban Giám hiệu nhà trường bố trí thông dịch viên cũng như nội dung bài giảng dễ hiểu nên các học viên được học tập trong môi trường thuận lợi, thân thiện.
Các học viên luôn được tạo điều kiện tốt nhất từ học tập, ăn, ở, sinh hoạt. Tài liệu dễ hiểu, sinh động, không khô khan, cứng nhắc. Các giảng viên luôn tận tình giúp đỡ mỗi khi học viên cần.
Trường Chính trị Lê Duẩn là một trong ba cơ sở của tỉnh Quảng Trị tham gia đào tạo cán bộ, học sinh Lào. Bên cạnh ngôi trường này, còn có Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị và Trường Cao đẳng Y tế Quảng Trị đào tạo lưu học sinh Lào ngành sư phạm và y tế.
Trong đó, Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị chính thức đào tạo hệ chính quy cho lưu học sinh Lào các chuyên ngành Tin học ứng dụng, Tiếng Việt và Văn hóa Việt Nam theo diện học bổng toàn phần của tỉnh Quảng Trị và đặt hàng của các tỉnh Savannakhet và Salavan từ năm 2006. Đến năm 2022, nhà trường đã đào tạo trên 10 khóa với 45 sinh viên đã tốt nghiệp và 10 sinh viên đang theo học tại trường.
Từ năm 2016 đến năm 2022, Trường Cao đẳng Y tế Quảng Trị đã tuyển sinh đào tạo ngành y 5 khóa cho 255 lưu học sinh các tỉnh Savannakhet, Salavan, Khăm Muộn, Champasak của nước bạn Lào. Bên cạnh chính sách xét miễn, giảm học phí cho lưu học sinh Lào gặp hoàn cảnh khó khăn, nhà trường cũng xây dựng quỹ học bổng nhằm khen thưởng, giúp đỡ lưu học sinh Lào có kết quả học tập tốt.
Để cán bộ, sinh viên Lào yên tâm học tập, Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Trị đã ban hành Nghị quyết số 54/2023/ NQ-HĐND ngày 19/7/2023 quy định nội dung, mức chi hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, học sinh Lào thuộc diện hợp tác đào tạo giữa tỉnh Quảng Trị với các tỉnh nước Lào trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.
Sinh viên Lào học phụ đạo tiếng Việt tại Trường Cao đẳng Y tế Quảng Trị. (Ảnh: Thanh Huyền) |
Theo đó, cán bộ, sinh viên thuộc diện hợp tác đào tạo giữa tỉnh Quảng Trị và các tỉnh Salavan, Savannakhet, Champasak (Lào) được đào tạo tại các cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh Quảng Trị quản lý được ngân sách tỉnh cấp hỗ trợ các nội dung như: hỗ trợ cho công tác giảng dạy và học tập, chi phí tài liệu; hỗ trợ trang thiết bị phục vụ giảng dạy và thực hành, trang thiết bị phục vụ sinh hoạt tại ký túc xá; hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm thân thể, khám sức khỏe; hỗ trợ tiền thuê nhà nếu cơ sở đào tạo không đủ chỗ ở...
Đối với hình thức đào tạo dài hạn, thời gian hỗ trợ không quá 10 tháng/ năm. Mức hỗ trợ cơ sở đào tạo 2 triệu đồng/cán bộ, sinh viên/tháng. Đối với các cơ sở đào tạo không có điều kiện bố trí chỗ ở thì mỗi cán bộ, sinh viên được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/tháng. Hỗ trợ sinh hoạt phí (gồm tiền ăn, tiền sinh hoạt) là 3,1 triệu đồng/người/tháng. Hỗ trợ thêm tiền ăn trong các ngày lễ 100 ngàn đồng/người/ngày (hỗ trợ không quá 4 ngày/năm).
Ngoài ra, cán bộ, học sinh Lào học tại các cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh còn được hỗ trợ trang cấp ban đầu các đồ dùng cá nhân 2-3 triệu đồng/người/khóa (tùy theo cơ sở đào tạo). Đối với cán bộ đào tạo ngắn hạn được hỗ trợ sinh hoạt phí và trang cấp ban đầu 250 ngàn đồng/người/ngày. Hỗ trợ các cơ sở đào tạo ngắn hạn với mức 2 - 4,5 triệu đồng/cơ sở (tùy theo điều kiện đảm bảo cơ sở vật chất phục vụ việc học và ăn ở cho cán bộ của từng cơ sở đào tạo).
Bên cạnh chế độ chính sách chăm lo, bồi dưỡng cho cán bộ, sinh viên Lào của tỉnh, các trường cũng chủ động quan tâm, có nhiều sáng kiến nhằm hỗ trợ các em nhanh chóng hòa nhập với môi trường học tập tại Việt Nam.
Nổi bật là tại Trường Cao đẳng Y tế Quảng Trị, ngoài giờ đứng lớp, các thầy cô miệt mài tổ chức nhiều hoạt động giúp sinh viên Lào vượt qua rào cản ngôn ngữ. Trong đó, các lớp phụ đạo miễn phí theo nhóm đã và đang phát huy hiệu quả, mang lại niềm vui cho cả sinh viên Lào lẫn giảng viên.
Được biết, chiều thứ 5 hàng tuần, các giảng viên và sinh viên Lào lại cùng nhau tham gia lớp phụ đạo. Sau khi nắm bắt khó khăn, vướng mắc của sinh viên trong học tập, sử dụng tiếng Việt, các thầy cô giúp các em giải quyết, tháo gỡ một cách nhanh chóng, hiệu quả nhất. Ngoài học tập, trao đổi, thảo luận, các em có môi trường để tăng cường vốn tiếng Việt. Một số thầy, cô mời sinh viên về nhà ăn cơm; cùng đi chợ, mua sắm; tham gia các hoạt động cộng đồng… Có thầy cô dạy tiếng Việt cho sinh viên Lào thông qua những bài hát, câu chuyện…
Được tương tác nhiều nên khả năng giao tiếp của phần lớn sinh viên Lào tiến bộ rõ rệt. Các em hiểu thêm về văn hóa Việt Nam; thuộc nhiều bài hát, bài thơ tiếng Việt; có thể đi chợ, tham gia các hoạt động cộng đồng… Đặc biệt, chất lượng học tập chính khóa của sinh viên Lào được nâng lên đáng kể. Quan hệ giữa thầy cô và các em gắn bó hơn sau mỗi giờ học phụ đạo.
Có thể nói, hợp tác đào tạo văn hóa, y tế và lý luận chính trị cho cán bộ, lưu học sinh Lào tại Quảng Trị đã góp phần vun đắp quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào nói chung, tỉnh Quảng Trị và các tỉnh nước bạn Lào nói riêng ngày càng bền chặt. Những cán bộ, học sinh Lào học tập tại Quảng Trị trở thành “sợi dây” kết nối tình hữu nghị Việt Nam - Lào.
Vun đắp tình hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa Quảng Trị - Savannakhet - Salavan |
Tôn tạo khu di tích lịch sử Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Savannakhet (Lào) |
Nguồn bài viết : Thống kê giải đặc biệt theo năm