Nhóm làm việc về UPR của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc thông qua Báo cáo quốc gia UPR chu kỳ IV của Việt Nam |
Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt: Việt Nam có một Phiên đối thoại về Báo cáo UPR IV rất thành công |
Phát biểu tại Hội nghị, Đại tá Lê Quang Đạo, Phó Giám đốc Công an, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Nhân quyền Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thời gian qua công tác bảo đảm và đấu tranh về nhân quyền trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã được triển khai thực hiện một cách đồng bộ và có hiệu quả. Các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, nhất là trong lĩnh vực an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo, trợ giúp pháp lý, đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo của nhân dân… ngày càng được hoàn thiện, bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Công tác đấu tranh với các hoạt động lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền để xâm phạm an ninh quốc gia đạt được nhiều kết quả tích cực, đáng ghi nhận.
Đại tá Lê Quang Đạo, Phó Giám đốc Công an Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: congan.com.vn) |
Bên cạnh đó, công tác nhân quyền trên địa bàn vẫn còn tồn tại một số hạn chế nhất định, như: công tác tuyên truyền các thành tựu chưa được quan tâm đẩy mạnh và triển khai có hệ thống; nhận thức về công tác nhân quyền của một bộ phận cán bộ chưa được sâu sắc, thống nhất, việc thực hiện chế độ thông tin báo cáo của một số sở, ban, ngành thành viên Ban Chỉ đạo đôi lúc chưa kịp thời, chưa phản ánh đầy đủ thông tin, tình hình dẫn đến khó khăn trong việc tổng hợp, tham mưu, đề xuất lãnh đạo các cấp ban hành và triển khai các giải pháp góp phần nâng cao kết quả công tác nhân quyền của Thành phố. Công tác phối hợp, trao đổi thông tin liên quan giữa các cơ quan, ban ngành, đoàn thể có lúc chưa kịp thời, thống nhất; công tác quản lý còn một số bất cập; công tác tham mưu, tuyên truyền về công tác bảo đảm quyền con người chưa thường xuyên; công tác đấu tranh, phản bác quan điểm sai trái chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ...
Xuất phát từ thực tế nêu trên, việc tổ chức Hội nghị tập huấn công tác nhân quyền là cần thiết, nhằm quán triệt cho cán bộ, lãnh đạo chủ chốt các đơn vị nhận thức đúng về ý nghĩa, tầm quan trọng và trách nhiệm trong việc đảm bảo quyền con người; huy động được sức mạnh tổng hợp của các sở, ban, ngành, địa phương trong quá trình tham mưu cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp đề ra các chủ trương, chính sách nhằm thúc đẩy và đảm bảo quyền con người trên địa bàn Thành phố.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Kỷ, Phó Chánh văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Nhân quyền Chính phủ phát biểu tại Hội nghị. |
Tại hội nghị, Thiếu tướng Nguyễn Văn Kỷ, Phó Chánh văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Nhân quyền Chính phủ khẳng định Hội nghị diễn ra ngay sau khi Việt Nam vừa bảo vệ thành công Phiên đối thoại về Báo cáo quốc gia của Việt Nam theo Cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV tại Geneva, Thụy Sỹ, những nỗ lực và thành tựu của Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.
Ông đề nghị, trong thời gian tới Ban Chỉ đạo Nhân quyền thành phố Hồ Chí Minh cần có nhiều đột phá hơn nữa, chủ động trong công tác tham mưu cho chính quyền các cấp thực hiện triển khai các chính sách, pháp luật về bảo đảm, thúc đẩy quyền con người; tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về thành tựu bảo đảm quyền con người tại cấp cơ sở; tăng cường thông tin đối ngoại về vai trò tích cực của Việt Nam đặc biệt trong giai đoạn Việt Nam tuyên bố tái ứng cử Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2026-2028… Chủ động làm tốt công tác nắm tình hình, nâng cao cảnh giác, phát hiện âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền tại cấp cơ sở để tiến hành các hoạt động chống phá.
Hội nghị tập huấn công tác nhân quyền đã quán triệt những vấn đề mới, trọng tâm cần chú ý liên quan tới công tác bảo đảm quyền con người để cán bộ, đảng viên nắm bắt và vận dụng hiệu quả vào thực tiễn công tác. Các đại biểu đã nghe các báo cáo viên trình bày hai chuyên đề gồm: “Công tác nhân quyền trong tình hình mới” và “Bảo đảm quyền của người lao động trong bối cảnh kinh doanh và tự do hóa thương mại”.
Các đại biểu tham dự hội nghị. (Ảnh: congan.com.vn) |
Các chuyên đề được các đại biểu đánh giá đã cung cấp những thông tin, kiến thức thiết thực về lĩnh vực bảo đảm quyền con người. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, việc Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại thế hệ mới như CPTPP hay EVFTA đã đặt ra những yêu cầu và quy định mới liên quan trực tiếp tới quyền của người lao động trong quá trình hội nhập quốc tế, nhất là việc thành lập các tổ chức của người lao động trong các doanh nghiệp ngoài tổ chức công đoàn. Các đại biểu mong muốn tiếp tục có thêm nhiều buổi tập huấn thông qua các chuyên đề về lĩnh vực bảo đảm quyền con người trong tình hình mới cho các cán bộ cấp địa phương và cơ sở.
Phát biểu bế mạc tại Hội nghị, Đại tá Lê Quang Đạo khẳng định, hội nghị tập huấn công tác nhân quyền đã kịp thời cung cấp những thông tin mới nhất về vấn đề dân chủ, nhân quyền; bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác nhân quyền; tạo diễn đàn chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm thực tiễn, giải đáp những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện công tác, góp phần thiết thực đưa công tác bảo đảm, bảo vệ và đấu tranh bảo vệ quyền con người từ Trung ương đến địa phương. Ông đề nghị các đơn vị thành viên Ban Chỉ đạo cần phối hợp chặt nhằm tham mưu Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố tổ chức triển khai thực hiện tốt nhất công tác bảo đảm, bảo vệ quyền con người.
Việt Nam đạt nhiều thành tựu trong bảo vệ, thúc đẩy quyền con người |
Quảng Ngãi: sở, ban, ngành chung tay bảo vệ, bảo đảm quyền con người |