WB: Các nước nghèo cạn kiệt tài chính vì trả nợ nước ngoài trong năm 2022

2025-01-17 19:49:33
Hợp tác Việt Nam - WB sẽ tập trung cho một số dự án trọng điểm, chiến lược
Anh hỗ trợ Việt Nam nâng cao chất lượng chăm sóc trẻ sơ sinh và phụ nữ mang thai
Người dân mua thực phẩm tại một khu chợ ở Colombo, Sri Lanka. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 13/12, Ngân hàng thế giới (WB) cho biết các nước đang phát triển đã chi gần 500 tỷ USD để trả nợ nước ngoài trong năm 2022, làm cạn kiệt nguồn tài chính cho các nhu cầu quan trọng về y tế, giáo dục và ứng phó với biến đổi khí hậu, đồng thời khiến những nước nghèo nhất có nguy cơ ngày càng cao rơi vào khủng hoảng nợ.

Trong Báo cáo Nợ quốc tế mới nhất, WB nêu rõ năm 2022, các khoản thanh toán nợ - gồm cả gốc và lãi - đã tăng 5% so với năm 2021, lên mức kỷ lục 443,5 tỷ USD trong bối cảnh các mức lãi suất toàn cầu tăng mạnh nhất trong vòng 40 năm qua.

WB dự tính các khoản thanh toán này có thể tăng 10% trong giai đoạn năm 2023-2024.

Theo báo cáo của WB, 75 quốc gia nghèo nhất đang chịu tác động nặng nề nhất, với các khoản thanh toán nợ nước ngoài lên tới mức kỷ lục 88,9 tỷ USD vào năm 2022 và có thể còn tăng 40% trong giai đoạn 2023-2024.

Tính riêng khoản thanh toán lãi đã tăng 4 lần kể từ năm 2012, lên 23,6 tỷ USD. Nhà kinh tế trưởng của WB, ông Indermit Gill, cho rằng mức nợ kỷ lục và lãi suất cao đã đẩy nhiều quốc gia đến bờ vực khủng hoảng, đồng thời cảnh báo lãi suất duy trì ở mức cao sẽ khiến thêm nhiều nước đang phát triển lâm vào tình trạng khó khăn do nợ.

Theo chuyên gia này, các nước mắc nợ, chủ nợ nhà nước và tư nhân cũng như tổ chức tài chính đa phương cần phối hợp hành động nhanh chóng để tăng tính minh bạch, phát triển các công cụ cho vay bền vững hơn và đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu nợ.

Trong báo cáo của WB, nhà kinh tế trưởng Indermit Gill cảnh báo các nước châu Phi đang đứng trước một thập kỷ "mất phương hướng" nữa, lưu ý rằng châu lục này đã không còn tăng trưởng về thu nhập bình quân đầu người kể từ năm 2014.

Ông cũng cho biết cứ 4 quốc gia đang phát triển thì có 1 quốc gia hiện không còn đủ năng lực tham gia thị trường vốn quốc tế.

Hơn nữa, trong 3 năm qua đã có 18 vụ vỡ nợ chính phủ ở 10 quốc gia, nhiều hơn tổng số các vụ vỡ nợ chính phủ trong vòng 20 năm trước đó cộng lại.

Nhà kinh tế trưởng WB cũng cho biết tỷ trọng doanh thu xuất khẩu dành cho việc thanh toán nợ hiện ở mức cao nhất từ trước tới nay, đáng lo ngại khi chỉ một cú sốc cũng có thể đẩy một số quốc gia vào khủng hoảng.

Thực tế, khoảng 60% các quốc gia thu nhập thấp đã hoặc đang có nguy cơ áp lực vì nợ nần.

Báo cáo của WB cho thấy các quốc gia được hoãn thanh toán nợ gốc và lãi theo Sáng kiến đình chỉ thanh toán nợ (DSSI) áp dụng trong đại dịch COVID-19 hiện đối mặt với chi phí bổ sung khi các khoản thanh toán này đến hạn.

Ngoài ra, WB lưu ý vốn tư nhân phần lớn đã rút khỏi các nước đang phát triển do lãi suất cao hơn ở các nền kinh tế phát triển.

Các chủ nợ tư nhân đã rút nợ gốc nhiều hơn 185 triệu USD so với số tiền giải ngân cho các khoản nợ mới, đánh dấu lần đầu tiên xảy ra tình trạng này kể từ năm 2015.

Theo TTXVN

https://www.vietnamplus.vn/wb-cac-nuoc-ngheo-can-kiet-tai-chinh-vi-tra-no-nuoc-ngoai-trong-nam-2022-post915733.vnp

WB bất ngờ lạc quan về triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2023
Thúc đẩy đầu tư là chìa khóa tăng trưởng kinh tế của Việt Nam

Nguồn bài viết : MT Trực Tuyến

Top