Ly Thị Kía (áo đen) thăm hỏi một sản phụ ở trạm y tế xã Sà Phìn, Đồng Văn, Hà Giang. Ấy thế mà tâm sự với tôi, chị Kía không nói về những thành tích hiếm có của mình mà bao đời nay, những người phụ nữ vùng cao nguyên đá quanh năm mây trắng bao phủ này hiếm có ai có thể làm nổi. Chị Kía chỉ rụt rè, nhỏ nhẹ bảo: “phụ nữ người Mông còn khổ nhiều lắm. Muốn thay đổi chẳng thể dễ dàng một sớm một chiều”. Hỏi chị rằng, đời sống người H’Mông trên cao nguyên đá đã có nhiều thay đổi, phát triển hơn, vì sao người phụ nữ vẫn còn khổ nhiều lắm. Chị Kía bảo, đời sống có thay đổi nhiều, tốt hơn, thuận lợi hơn nhưng người phụ nữ phần lớn vẫn như xưa. Hầu hết không học hành hoặc chỉ học cho quen mặt chữ rồi ai cũng chờ lấy chồng, sinh con, làm lụng vất vả, cả đời chỉ nghĩ và phục vụ nhà chồng, phục vụ chồng con, không còn biết đến nhiều điều quan trọng khác của cuộc sống. Bao năm qua, họ vẫn quanh quẩn với tập quán sống quên đời mình cho mọi người, chồng con mà không phát triển được gì cho bản thân. Kía bảo: “phụ nữ quen nếp cũ, không có học, không hiểu biết nên càng không có tiếng nói nào trong gia đình, không ai nghe lời, kể cả kêu khổ vì đó là lẽ tự nhiên bao đời rồi”. Phần nhiều vẫn chỉ có đàn ông và trẻ con có nhiều cơ hội học hành, ra bên ngoài phát triển bản thân, phát triển cuộc sống mới.
Tôi hỏi: trong gia đình, chị Kía cũng không có tiếng nói gì à? Kía cười tươi, nhỏ nhẹ đáp: ngày trước mình không chấp nhận cuộc sống như thế nên mới quyết tâm đi học. Kía sinh năm 1980, ở xã Sảng Tủng. Từ nhỏ Kía đã biết, sao cuộc sống của người phụ nữ khổ thế, mẹ mình, các chị và mọi người khác đều khổ. Mình biết, mọi người không có hiểu biết gì nên khổ lắm. Vì thế, Kía cố gắng học. Khi vừa học quen mặt chữ thì bố mẹ bắt phải ở nhà trồng ngô, nuôi lợn và chờ đến khi có người đến hỏi làm vợ. Kía lo lắm. Không đi học thì khổ lắm, Kía thích học và không muốn quanh quẩn ở nhà rồi lại lấy chồng sớm như mọi người. Bố rất cương quyết vì nhà Kía có 2 anh trai và 4 chị gái cũng không ai đi học nên bố bắt phải ở nhà. Kía xin bố, xin mẹ nhiều lần, may mà mẹ cũng thương con nên không quyết liệt. Bố nhiều lần nổi giận, đánh đòn bắt nghỉ học.
Rồi đến năm 15 tuổi mới có cán bộ của Hội Liên hiệp phụ nữ vào tận nơi vận động bố mẹ Kía cho đi học tiểu học, Kía lại một mực xin đi nên mãi bố cũng đành xuôi lòng. Học hết tiểu học, Kía lại đối mặt với nhiều trận bố bắt phải nghỉ học vì con gái H’Mông trên những đỉnh núi này từ xưa tới nay cũng chưa có ai học hết cấp tiểu học nên học như thế là đủ rồi, phải về lấy chồng. Cứ khi bố nổi giận thì Kía lại nhỏ nhẹ, khóc xin bố, xin mẹ. Người mẹ tuy thương con nhưng cũng thấy việc học của Kía như thế là quá đủ và chẳng để làm gì. Kía thỉnh thoảng phải ăn đòn nhưng vẫn quyết không bỏ học.
Rồi Kía tiếp tục xin đi học bổ túc văn hóa tại trường phổ thông dân tộc nội trú. Chuyện Kía học được và tiếp tục học cao hơn có thể là niềm tự hào của gia đình ở xã Sảng Tủng này nhưng cũng chỉ thế thôi chứ không ai định cho Kía đi học nữa. Nếu đi học tiếp có nghĩa là phải đi xuống tận thị trấn huyện Đồng Văn, xa nhà, đường sá đi lại khó khăn, nguy hiểm và phải ở lại học lâu lắm mới về thăm gia đình. Đây là điều không tưởng đối với suy nghĩ của gia đình. Về phần mình, được đi học ở trường Kía mừng lắm. Lúc đó, cảm tưởng như đó là điều gì to lớn mà Kía không thể đánh mất trong đời mình. Kía phải vận động nhiều người nói đỡ, nhất là các cô chú làm cán bộ ở địa phương nói giúp. Mặt khác, Kía vừa vận động bố mẹ vừa tỏ thái độ kiên quyết đi học. Sau rất nhiều cuộc vận động Ly Thị Kía mới được phép bước tiếp trên con đường mơ ước mà chị đã chọn.
Tất nhiên, để đi tiếp một chặng đường dài với nhiều vất vả tưởng như không thể nào vượt qua, Ly Thị Kía cũng có cái may hiếm có. Kía lập gia đình năm 2002 và theo về nhà chồng ở xã Sà Phìn. Chồng Kía làm cán bộ một xã cùng huyện nên việc học hành của Kía được chồng ủng hộ. Tuy được ủng hộ nhưng bổn phận phụ nữ trong gia đình ra sao, Kía vẫn phải tự mình xoay xở. Đến năm 2004, Kía được mọi người tín nhiệm bầu làm Phó chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ của xã. Làm cán bộ có rất nhiều việc mới nhưng để vận động phụ nữ thay đổi lại quá khó. Kía sinh 2 con vừa phải chăm con nhỏ, làm việc gia đình, vừa phải hoàn thành công việc được giao đã là một nỗ lực phi thường vì thời gian phần lớn đã dành làm việc tại cơ quan, thời gian ít ỏi còn lại vừa làm việc nhà, vừa chăm sóc con cái quả là không dễ. Năm 2006, Kía được tín nhiệm và bầu làm Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ xã Sà Phìn. Công việc mới với trách nhiệm lớn hơn. Ấy thế mà Ly Thị Kía nhận ra rằng, phải học cao hơn nữa, hiểu biết nhiều hơn nữa mới có thể vận động được bà con, mới hoàn thành nhiệm vụ của mình. Thế là Kía lại quyết tâm đi học. Kía bàn với chồng để tiếp tục đi học Đại học bổ túc. Muốn có tiền đi học, Kía vận động chồng đồng ý vay ngân hàng cho vợ đi học rồi cả hai vợ chồng sẽ cố gắng chăn nuôi, trả nợ. Chồng Kía hiểu nhiệm vụ và mong muốn của vợ nên tiếp tục ủng hộ. Nhưng ngoài công việc của một người vợ, người mẹ giờ lại thêm nhiệm vụ mới cộng với việc đi học, đây là thời gian chị vô cùng vất vả. Đã có không ít lần Kía khóc một mình vì quá khổ sở. Khóc rồi, chị lại bậm môi kiên quyết phải vượt lên thôi. Chồng không thể giúp đỡ được gì vì anh cũng làm cán bộ nên cứ tờ mờ sáng đã phải đi làm đến chiều muộn mới về. Đã có những lần đi làm về muộn, con ở nhà bị ốm, cơm canh chưa nấu, chồng chưa về… Kía ôm con khóc một mình.
Hàng ngày, mới hơn 5h sáng, Ly Thị Kía đã tỉnh dậy, nổi lửa nấu cơm, gọi 2 con dậy. Kía loay hoay tất cả các việc chuẩn bị từ rửa mặt, quần áo, bón cơm… rồi kiểm tra sách vở và đưa 2 đứa lên xe máy đến lớp. Xong xuôi, Kía vội quay về trụ sở UBND xã bắt đầu công việc của mình. Đến gần trưa, chị tranh thủ rẽ vào chợ mua thức ăn rồi đón các con về, lại nấu nướng, quấn quýt với con, dọn dẹp, rồi lại cho con đi học và vội vàng về cơ quan làm việc, buổi chiều cũng một hành trình với những việc không tên của một người mẹ trẻ. Khi các con đi ngủ, chị đã rã rời nhưng vẫn phải tiếp tục lấy sách vở ra ôn học… Kía bảo, chỉ cần một trong hai đứa nhỏ không tập trung ăn ngoan là quỹ thời gian chung của ba mẹ con có thể bị đảo lộn. Có những hôm bận quá, chị phải nhờ người trong họ hàng đến giúp một vài việc. Năm 2011, chị Kía được bổ nhiệm làm Phó chủ tịch xã
Đến tháng 4/2014, Ly Thị Kía đã hoàn thành khóa học Đại học bổ túc. Vừa là người phụ nữ có học, lại làm tới Phó chủ tịch cán bộ xã Sà Phìn, Kìa tủm tỉm cười khi kể về sự đổi thay ở gia đình mình và cả nhà chồng. Giờ đây, mọi người đã tin tưởng vào Kía nên có việc lớn gì trong gia đình cũng đều đến hỏi ý kiến. Bố đẻ của Kía rất hài lòng, tự hào về cô con gái, mỗi lần nhắc đến chuyện ngăn cấm đi học, ông lại vui vẻ nói tránh sang chuyện khác. Bên nhà chồng cũng dần quen với cô con dâu có học, làm cán bộ. Thế nên khi em chồng Kía mất, đây là một lễ hệ trọng của cả họ nên bố chồng muốn làm đám tang thật linh đình cho xứng mặt con giai đang làm Phó chủ tịch xã Phố Cáo còn con dâu làm Phó chủ tịch xã Sà Phìn. Kía đã khôn khéo, nhẹ nhàng và kiên quyết phân tích, giải thích về chủ trương của nhà nước và sự tiến bộ ngày nay trong việc tổ chức tang ma. Kía lại nhờ thêm một bà cô trong họ cũng làm cán bộ nơi khác đến vận động bố chồng chỉ tổ chức đám tang ngọn ngàng, chu đáo. Rồi bố chồng Kía đã nghe ra và thuận theo. Thật là một chuyện hiếm có.
Nhìn khuôn mặt ửng hồng của Kía khi kể về những sự thay đổi của gia đình hai họ mà ở đó, vai trò, hình ảnh người phụ nữ H’Mông như Kía thật đáng ngưỡng mộ, tôi không thể quên những câu chuyện mà Kía đã nỗ lực phi thường để vượt qua, vươn lên trên số phận. Chợt tôi hỏi Kía: Kía sẽ vận động chị em phụ nữ như thế nào để họ bớt khổ? Kía bảo: “phụ nữ H’Mông còn khổ nhiều nhưng em sẽ vận động họ hiểu phải cho con cái của mình đi học, bản thân mình cũng phải học hỏi thêm nhiều để hiểu hơn về cuộc sống, phải biết mình làm phụ nữ cũng có những giá trị và đóng góp như thế nào và phải từ từ có được tiếng nói, được tham gia vào kế hoạch của gia đình. Nhưng phụ nữ cũng cần phải rất cố gắng vượt qua rất nhiều khó khăn thì mới thành công được”. Tôi tin Kía sẽ vận động được vì những điều Kía đã làm.
Hoàng Đình Nguồn bài viết : TCG Xổ Số