Giúp em tự tin đến trường
Năm 2009, bé Khôi Nguyên, con trai đầu lòng của vợ chồng chị Nguyễn Phương Hà (Hà Nội) ra đời trong sự mong chờ và hạnh phúc của cả gia đình. Tuy nhiên, khi chị Hà dạy con tập nói, bé không chịu học.
Chị bắt đầu lo lắng khi nhận thấy, dường như con không có cảm giác với âm thanh. Vợ chồng chị đưa con đi khám. Bác sỹ kết luận bé Khôi Nguyên bị điếc sâu.
Không chấp nhận được việc con mình không thể nghe những âm thanh đẹp của cuộc đời, anh chị lao vào kiếm tiền để có thể cấy điện cực ốc tai cho con, theo lời tư vấn của trung tâm trợ thính.
Nguyên (bên trái) cùng em gái và mẹ kể chuyện bằng NNKH.
Trong thời gian chờ đợi đủ tiền, chị đưa con đi học ở một trường hoà nhập. Học được gần hai tháng, Khôi Nguyên có những biểu hiện cáu gắt, bất an. Đỉnh điểm cho tới hôm chị tới đón, đặt bé lên xe mà người con nhũn ra, không có sức lực để bám, mắt khép hờ, nước bọt trong mồm không thể nuốt vào cũng không thể nhổ ra, lay gọi bé cũng chẳng phản ứng gì... Quá sợ hãi, chị Hà cho con nghỉ học sau hôm đó. Bác sỹ tư vấn cho gia đình chị rằng, bé có thể bị suy nhược do stress tâm lý.
Sau một thời gian suy nghĩ, chị quyết định xin cho con vào học trường Mầm non Xã Đàn, Hà Nội. “Quả là quyết định khó khăn. Tôi sợ những ánh mắt thương hại, sự cố gắng cảm thông từ mọi người hay cả những lời thì thầm sau lưng. Nhưng dù sao, đó là điều phải làm để con tôi có cơ hội phát triển bình thường như các bạn”, chị Hà tâm sự.
Lúc này bé đã được hơn 3 tuổi. Chị Hà kể: “Tôi nhận thấy thời gian này, con khá cục tính. Bé thường cáu, hét, đánh mọi người xung quanh, hay tự đánh chính mình. Có lẽ, bé không diễn tả được những nhu cầu bản thân. Mọi người trong gia đình cũng không hiểu bé muốn gì.
Lúc đó, gia đình tôi thực sự cảm thấy bất lực, mất phương hướng, chỉ thấy một tương lai thật mờ mịt ở phía trước. Vợ chồng tôi đã nghĩ rằng, sẽ nuôi con cho đến hết cả cuộc đời”.
Nguyên cùng các bạn thể hiện 1 bài hát với NNKH.
Tháng 7/2013, bé Khôi Nguyên bắt đầu có những buổi học ký hiệu đầu tiên với giáo viên là người điếc của dự án IDEO.
Chị Hà vẫn còn nhớ những khó khăn khi ấy: Thời gian đầu cháu không hợp tác, không chịu học. Giáo viên điếc vẫn kiên trì. Dần dần, cháu bắt đầu thay đổi. Ánh mắt cháu dõi theo những ký hiệu của giáo viên, tay đã bắt đầu làm những ký hiệu đơn giản. Cháu bắt đầu dùng những ký hiệu với tôi như muốn đi vệ sinh, đi ăn hoặc xem tivi... Khôi Nguyên tiến bộ rất nhanh. Rồi cháu biết màu sắc, biết đếm số, biết các hiện tượng tự nhiên, biết thể hiện cảm xúc: đau, buồn, vui vẻ hay tức giận...
Chị nhận ra, chị phải học NNKH cùng con. Dự án cũng bắt đầu tổ chức các lớp học ký hiệu cho cha mẹ. Các bậc phụ huynh họp nhau lại, lập ra hội cha mẹ trẻ điếc cùng giúp nhau học ký hiệu để giao tiếp với con.
Được giải tỏa tâm lý bằng ngôn ngữ, bé Nguyên giảm dần các cơn giận. Cháu thích dùng ký hiệu và hay trò chuyện hơn. Những câu chuyện ở lớp được bé mang về kể với mẹ, điều mà chị Hà không tưởng cách đây chỉ khoảng 1 năm.
“Ông bà nội cháu ở xa, mỗi lần chúng tôi về thăm là mỗi lần thấy cháu tiến bộ hơn. Không thấy ông bà buồn nữa, chỉ thấy suốt ngày nói: “Nguyên lớn rồi, khôn lắm, cái gì cũng biết”.
Tôi cũng không còn gặp ánh mắt thương hại của những người xung quanh nữa. Còn lại có chăng chỉ là những ngạc nhiên lẫn thán phục. Và từ lúc nào, con tôi trở thành một người bình thường trong mắt mọi người, chỉ khác ngôn ngữ mà thôi”, chị Hà bày tỏ, ánh mắt lấp lánh niềm vui.
Người điếc cũng có thể thành công
Gia đình Nguyễn Đinh Thủy Nguyên (sinh năm 2007) từng sống tại Nghệ An, nơi mà em đi học mẫu giáo. Em rất buồn và thường tự chơi một mình vì không ai trong lớp chơi với em. Ở nhà, mỗi lần muốn lấy đồ vật gì là em chỉ và kéo mẹ hoặc ông bà lấy hộ. Cuối cùng, ông bà Nguyên quyết định bán nhà, chuyển vào Quảng Bình để em có thể đi học ở trường dành cho trẻ điếc và hòa nhập với cộng đồng. Gia đình rất muốn Nguyên học NNKH, chính vì vậy, họ rất vui khi được giới thiệu với dự án IDEO.
Bé Thủy Nguyên (bên phải) hào hứng học bài cùng bạn.
Khi mới tiếp xúc với Thủy Nguyên, đội hỗ trợ gia đình gặp không ít khó khăn. Nguyên khá bướng bỉnh. Em chỉ làm những điều em thích. Em tỏ ra không thích học. Em chỉ quan sát các anh chị dùng ký hiệu nhưng nhất định không làm theo. Thêm vào đó, ông bà Nguyên tuổi đã cao nên không thể ngồi hàng giờ để học cùng cháu.
Sau khi nhận được sự hỗ trợ tận tình và tư vấn từ phía nhân viên của dự, ông bà Nguyên nhận ra và hiểu giá trị nhân văn của IDEO. Ông bà dành nhiều thời gian hơn để ngồi học NNKH với cháu. Ông bà cũng không ngại trời nắng cũng như trời mưa, đi quãng đường hơn 20km để đưa Thủy Nguyên tham dự hoạt động của IDEO.
Hiện tại, gia đình Thủy Nguyên theo dự án IDEO học NNKH được một thời gian nên ông bà và em có thể giao tiếp và hiểu nhau - việc mà trước đây họ chưa làm được. Bà em vui mừng: “Ngày trước, khi tôi bảo cháu đi mời ông về ăn cơm, Nguyên đọc hình miệng tôi và vào bếp mang cái bát hoặc cái thìa ra. Bây giờ, trước mỗi bữa, tôi chỉ cần ra ký hiệu “ông” thì ngay lập tức cháu đi mời ông về ăn cơm. Dự án IDEO thực sự đã mang đến sự thay đổi lớn cho cháu tôi”.
Thấy nhiều nhân viên dự án, có cùng hoàn cảnh như Thủy Nguyên vẫn có một cuộc sống tốt như người bình thường thì ông bà đã yên tâm rất nhiều về tương lai của em.
Anh Đỗ Hoàng Thái Anh (Hà Nội) là một giáo viên của dự án IDEO. Anh bị điếc bẩm sinh. Từ bé đến lúc 5 tuổi, anh thường chỉ xem tivi và tự nghĩ ra những điệu bộ để giao tiếp với người thân. Năm 16 tuổi, anh gặp gỡ những bạn điếc khác và học thêm được NNKH ở ngoài cộng đồng.
Anh Đỗ Hoàng Thái Anh là một minh chứng khẳng định, người khiếm thính hoàn toàn có thể thành công nếu biết nỗ lực.
“Tôi cũng mang những NNKH mà mình học được để hướng dẫn lại gia đình mình vào thời điểm đó. Vì giao tiếp được với mọi người nên tôi có thể giúp đỡ gia đình. Bố mẹ vẫn hay nhờ tôi làm việc này, việc kia. Nếu không có sự giao tiếp chắc tôi sẽ không thể có những hoạt động hay sự phát triển khác”, anh Thái Anh tâm sự.
Sau bao nỗ lực của bản thân, hiện nay, anh Thái Anh đang tham gia dự án IDEO với vai trò là hướng dẫn viên người điếc.
Bên cạnh đó, anh dạy ngôn ngữ ký hiệu tại trường dành cho trẻ điếc Nhân Chính, Hà Nội. “Tôi có một gia đình nhỏ hạnh phúc và một cậu con trai thông minh, khỏe mạnh. Vợ tôi luôn là hậu phương vững chắc cho tôi yên tâm làm việc và tham gia các chuyến tập huấn, giao lưu ở trong và ngoài nước”, anh Thái Anh nói về tổ ấm của mình.
Dự án IDEO được quỹ Phát triển xã hội Nhật Bản tài trợ, ủy thác qua Ngân hàng Thế giới, do tổ chức Quan tâm thế giới thực hiện. Dự án triển khai tại Hà Nội, Thái Nguyên, Quảng Bình và TP. HCM. IDEO xây dựng mô hình nhóm hỗ trợ gia đình, gồm: hướng dẫn viên là người điếc, phiên dịch viên NNKH và giáo viên là người nghe đến dạy trẻ độ tuổi mầm non bị điếc tại nhà, với sự tham gia của các thành viên trong gia đình trẻ. Thứ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa cho biết: “Trên toàn quốc, có khoảng 15.500 trẻ dưới 6 tuổi là trẻ điếc hoặc trẻ nghe khó. Phần lớn trẻ không được tiếp cận với giáo dục mầm non, trong khi cha mẹ trẻ không có những hỗ trợ chuyên môn cần thiết. IDEO là dự án đầu tiên ở Việt Nam hướng tới đối tượng là trẻ điếc trước tuổi đến trường. Những thành công của dự án đóng vai trò quan trọng trong chiến lược quốc gia về phát triển giáo dục giai đoạn 2011 – 2020, với mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi”. |
Đỗ Hương
Ảnh: IDEO
Nguồn bài viết : Trò Baccarat trực tiếp trực tuyến