Bảo tồn “Biên niên sử truyền miệng” xứ Mường

2024-12-21 13:20:26
Khám phá vẻ đẹp thiên nhiên ở xứ Mường
Hòa Bình là tỉnh miền núi Tây Bắc có núi đồi trùng điệp, nhiều danh lam thắng cảnh, tiếp giáp Thủ đô. Vùng đất này giao thoa giữa đô thị và miền núi, với sự đa dạng về văn hóa các dân tộc thiểu số đã tạo nên nhiều nét đặc sắc.
Tháp Mường Và – biểu tượng văn hóa, tâm linh vùng biên giới
Tháp Mường Và nằm trong hệ thống di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh của tỉnh Sơn La, là một công trình kiến trúc linh thiêng và cổ kính được bà con các dân tộc nơi đây tôn sùng và bảo vệ từ bao đời nay.
Mo Mường phản ánh quan niệm của người Mường về vũ trụ, con người, trời đất và thế giới tâm linh.

Phai nhạt giá trị, tính thiêng của nghi lễ Mo truyền thống

Tại Hội thảo “Mo trong đời sống người Mường xưa và nay” do Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam phối hợp với Sở VHTTDL Hòa Bình tổ chức cuối tuần qua, Nghệ nhân ưu tú Bùi Huy Vọng cho biết: “Theo dòng chảy của thời gian, dân tộc Mường đã sáng tạo và lưu giữ được một nền văn hóa dân gian phong phú, đa dạng với nhiều hình thức và thể loại. Trong đó có một loại hình nổi bật, độc đáo có giá trị nhân văn sâu sắc, là món ăn tinh thần trong cuộc sống của người dân nơi đây, đó là Mo Mường”.

Đồng tình với ý kiến trên, theo Nghệ nhân Bùi Hồng Nhi, trong đời sống xã hội, Mo Mường là tấm gương phản chiếu, là bức tranh rộng lớn, bao trùm về lịch sử - xã hội, là quan niệm của người Mường về vũ trụ, con người, trời đất, thế giới tâm linh. Quá trình diễn xướng Mo của người Mường là để bày tỏ lòng tôn kính đối với các lực lượng siêu nhiên và tổ tiên ông bà, là phương tiện truyền đạt tư tưởng triết lý về thiên nhiên, vũ trụ của người Mường, về tri thức và tập quán xã hội…

Là loại hình nghi lễ gắn liền với các lễ thức tín ngưỡng do thầy Mo thực hiện, Mo Mường đã được các thế hệ lưu giữ, truyền miệng và cho đến nay vẫn giữ nguyên vị trí, vai trò trong đời sống tâm linh, tín ngưỡng của người Mường. Tuy nhiên, theo Nghệ nhân ưu tú Bùi Huy Vọng, nhìn chung từ sau năm 1945 đến nay, quá trình biến đổi của Mo Mường Hòa Bình diễn ra khá phức tạp theo những xu hướng khác nhau.

Mo bị cắt giảm, nhiều giá trị truyền thống bị mai một trong khi một số quan niệm mê tín, hủ tục vẫn được bảo lưu và phục hồi. Tính chất phức tạp đó không chỉ bắt nguồn từ sự vận động nội tại của Mo Mường mà còn do mâu thuẫn giữa nhu cầu về Mo trong tâm thức của người dân với sự thay đổi trong suy nghĩ của họ trước thực tiễn cuộc sống. Thời gian gần đây, việc được phục dựng trên sân khấu quá vội vàng và mang tính trình diễn... đã làm nhạt đi tính biểu tượng, tính thiêng của nghi lễ Mo truyền thống.

Nghệ nhân Bùi Hồng Nhi cũng lo lắng về vấn đề bảo tồn Mo Mường: “Dân tộc Mường không có hệ thống chữ viết nên Mo Mường được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác bằng cách truyền dạy (truyền khẩu). Vì vậy, hiện Mo Mường có xu hướng ngày càng ít người biết và bị hiểu lệch lạc cả về nội dung Mo cũng như nghệ thuật diễn xướng; đồng thời số lượng nghệ nhân Mo ngày càng giảm dần”.

Mo Mường là di sản văn hóa phi vật thể cần xây dựng Hồ sơ quốc gia đệ trình UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.

Nhận diện, bảo tồn giá trị toàn vẹn của Mo Mường

Do những nguyên nhân khách quan và chủ quan, cơ hội thực hành và gìn giữ những giá trị văn hóa độc đáo của Mo Mường đang đứng trước nguy cơ mai một. Có lẽ vì thế, năm 2020, Mo Mường đã được Thủ tướng chỉ đạo chọn lựa là di sản văn hóa phi vật thể cần xây dựng Hồ sơ quốc gia đệ trình UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.

Nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan nhận định: Mo Mường là một trong ba hình thức sinh hoạt tín ngưỡng quan trọng trong đời sống người Mường và có vị trí, chức năng xã hội đặc biệt mà các hình thức tín ngưỡng khác không có, không thể thực hành được, đó là chức năng thực hành nghi lễ tang ma. Nội dung nghi lễ cung cấp cho chúng ta đầy đủ nhất quan niệm của người Mường về mối quan hệ của con người với thế giới ba mường: Mường Trời, Mường Đất và Mường Nước. Nghiên cứu Mo Mường phải lấy Mo tang lễ làm điểm tựa, làm trọng tâm nghiên cứu, từ đấy sẽ thấy được sự lan tỏa của nó sang các hình thức thực hành các nghi lễ Mo Mường khác như Mo mát nhà, Mo mừng thọ, Mo cầu phúc...

Với tầm quan trọng đó, Nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan cho rằng, phải tìm cách phục hưng Mo tang lễ để hình thức này tồn tại và duy trì trong đời sống xã hội người Mường. Và sự thực, giữ được Mo tang lễ mới giữ được nghệ thuật ca xướng trong Mo Mường. Có như vậy mới làm cho giá trị toàn vẹn của Mo Mường trong đó có Sử thi Đẻ đất đẻ nước sống thật, sống vững chắc trong đời sống người Mường hiện đại, và chúng ta mới có cơ sở chứng minh được giá trị văn học, tập quán xã hội, nghệ thuật diễn xướng của người Mường để xây dựng bộ Hồ sơ Mo Mường trình UNESCO ghi vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp.

Để bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể Mo Mường, Nghệ nhân Đinh Văn En góp ý: Cần mở các lớp bồi dưỡng, giới thiệu, truyền dạy cho thế hệ trẻ biết đến ý nghĩa và tầm quan trọng của việc gìn giữ phát huy giá trị di sản văn hóa Mo Mường. Còn theo Giám đốc Sở VHTTDL Hòa Bình Bùi Thị Niềm, các tỉnh thành tham gia xây dựng hồ sơ cần khảo sát, kiểm kê để thống kê chính xác về những hoạt động thực hành Mo Mường trong đời sống nhân dân, nắm vững số lượng nghệ nhân Mo Mường; nghiên cứu toàn diện và khoa học để từ đó có phương thức bảo tồn, phát huy một cách bền vững.

Bên cạnh đó, tập hợp nghệ nhân, tiến tới vận động thành lập các CLB về bảo tồn và phát huy di sản văn hóa Mo Mường tại địa bàn các xã, huyện. Nghiên cứu chính sách đãi ngộ đối với các nghệ nhân nắm giữ di sản Mo Mường. Quan tâm, xem xét, lập hồ sơ công nhận nghệ nhân Mo Mường đạt danh hiệu Nghệ nhân ưu tú theo quy định. Đồng thời, tiếp tục tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân về giá trị của di sản. Từ đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong việc chung tay bảo vệ di sản văn hóa nói chung và di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Mo Mường nói riêng.

Điểm sáng văn hóa trên biên giới Mường Tè
Vượt lên trên những khó khăn của một huyện nghèo, trình độ dân trí thấp, giao thông cách trở, có những tộc người thuộc diện đặc biệt khó khăn như: Cống, Mảng, La Hủ, Si La..., những năm qua, phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở huyện biên giới Mường Tè, tỉnh Lai Châu được ví như “luồng gió mới” góp phần thắt chặt tình đoàn kết các dân tộc và hình thành nếp sống văn minh, lành mạnh nơi biên giới.
Khám phá vẻ đẹp thiên nhiên ở xứ Mường
Hòa Bình là tỉnh miền núi Tây Bắc có núi đồi trùng điệp, nhiều danh lam thắng cảnh, tiếp giáp Thủ đô. Vùng đất này giao thoa giữa đô thị và miền núi, với sự đa dạng về văn hóa các dân tộc thiểu số đã tạo nên nhiều nét đặc sắc.
Top