Điện Biên Đông áp dụng mô hình phòng học 3 cứng giải pháp xóa phòng học tạm

2025-01-17 19:49:21

Trong những ngày đầu năm 2019, tôi có dịp đến thăm trường tiểu học xã Mường Luân, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên – đây là ngôi trường được xây dựng hoàn toàn theo mô hình 3 cứng. Không được khang trang như những ngôi nhà được xây dựng kiên cố nhưng các phòng học, nhà công vụ dành cho giáo viên, nhà hiệu bộ cũng đã được xây dựng bởi các nguyên vật liệu chính như: Tôn, khung sắt khá chắc chắn, …phần nào đáp ứng được các điều kiện cơ sở vật chất cho việc dạy và học của thầy và trò nơi đây.

Trao đổi với PV, thầy giáo Đinh Quang Vinh - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trường Tiểu học Mường Luân được thành lập đến nay đã hơn 10 năm. Vì không có kinh phí xây dựng nên nhà trường phải mượn tạm cơ sở vật chất của trường THPT để hoạt động và đến năm học 2016 – 2017 nhà trường mới có quyết định được di chuyển đến địa điểm mới. Sau khi vận động người dân hiến hơn 3.500 m2 đất, với chủ trương của huyện là xây dựng trường học theo mô hình 3 cứng đó là: Mái cứng, khung cứng và nền cứng. Chi phí về nguyên vật liệu như: Tôn, khung sắt, gạch và xi măng cho mỗi phòng học và phòng làm việc là 50 triệu đồng. Ngoài ra nhà trường đã vận động chính quyền và nhân dân địa phương đóng góp được trên 300 ngày công lao động, 80 m3 cát, sỏi.

Các thầy cô giáo của trường Tiểu học Mường Luân đã quên những ngày hè ở lại xây dựng trường lớp theo mô hình 3 cứng

“Với tinh thần vì tương lai của con em đồng bào nơi đây, sau nhiều tháng vất vả, quên cả những ngày nghỉ hè của toàn thể các thầy cô giáo, ngôi trường theo mô hình 3 cứng đã được dựng lên với 6 phòng học, 1 phòng hội đồng và 4 phòng chuyên môn, tổng giá trị lên tới 550 triệu đồng và chúng tôi gọi đó là ngôi trường “3 cứng””, thầy giáo Đinh Quang Vinh - Hiệu trưởng trường tiểu học xã Mường Luân nói.

Sau những ngày vất vả của người dân và các thầy cô giáo các học sinh trường tiểu học Mường Luân đã được học trong phòng học vững chắc thay thế cho lớp học tạm

Trong những năm qua, dưới sự quan tâm của Đảng và Nhà nước huyện Điện Biên Đông đã được đầu tư nhiều các công trình phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, với điều kiện của một huyện nghèo thì nhu cầu cơ sở vật chất vẫn còn khá lớn. Đặc biệt là cơ sở vất chất phục vụ phát triển giáo dục còn thiếu; nhiều trường các thầy cô giáo, học sinh vẫn còn phải ở, học tập trong những ngôi nhà tạm bợ. Đặc biệt là mỗi khi mưa gió nhiều trường đã phải cho học sinh nghi học vì điều kiện không đảm bảo an toàn cho cả thầy và trò nên đã ảnh hưởng rất nhiều đến tiến độ, chất lượng giáo dục.

Sau mỗi giờ giảng các thầy giáo lại trở thành những người thợ xây hay anh phụ hồ

Hiện trên địa bàn huyện Điện Biên Đông có 57 trường, với 20 nghìn học sinh, trong đó học sinh các trường phổ thông dân tộc bán trú chiếm gần 40%. Do đặc điểm địa hình rộng, dân cư sống rải rác, thưa thớt nên để đáp ứng được nhu cầu học tập của con em đồng bào các dân tộc thì cần phải đầu tư xây dựng nhiều điểm trường lẻ tại các bản. Đa số các lớp học tại các điểm bản còn tạm bợ, nhiều điểm trường còn tình trạng không có phòng học phải học nhờ tại các nhà văn hóa bản hoặc tại nhà dân. Nhiều phòng học cũ đã bị xuống cấp không đảm bảo cho việc dạy và học.Theo số liệu thống kê, hiện trên địa bàn huyện Điện Biên Đông còn thiếu hơn 200 phòng học, phòng chuyên môn, nhà công vụ và nhà ở nội trú.

Ông Cù Huy Hoàn-Trưởng phòng GD& ĐT huyện Điện Biên Đông cho PV biết: Để giải bài toán về xóa các phòng học tạm, nhà nội trú tạm, nhà công vụ tạm bợ, từ năm học 2015 -2016 huyện Điện Biên Đông đã xây dựng kế hoạch và giải pháp xóa các phòng, nhà tạm bằng việc xây dựng các phòng học theo mô hình 3 cứng đó là: Mái cứng, khung cứng và nền cứng. Với mức đầu tư cho mỗi phòng không quá 50 triệu đồng.

Với phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm, huyện bỏ tiền ra mua nguyên vật liệu như: xi măng, tôn, khung sắt và gạch; nhân dân và đội ngũ thầy, cô giáo đóng góp ngày công lao động và cát sỏi.

Với nguồn tiết kiệm chi từ việc hạn chế hội họp, tham quan học tập.v.v. và sự đóng góp công sức của đội ngũ giáo viên, nhân dân, lòng hảo tâm của các tổ chức từ thiện trong và ngoài nước, từ năm 2016 đến nay huyện Điên Biên Đông đã xây dựng được 460 phòng theo mô hình 3 cứng. Trong đó, 194 phòng lớp học, 122 phòng công vụ, 107 phòng nội trú và 27 phòng chức năng.

“Việc hoàn thiện các phòng học theo mô hình 3 cứng đã cơ bản phần nào xóa được các phòng học tạm, trường tạm, giúp cho thầy và trò các trường có được điều kiện học tập tốt và an toàn. Có được phòng học kiên cố các trường có điều kiện đưa thiết bị, máy móc hỗ trợ giảng dạy nâng cao hiệu quả và chất lượng giáo dục. ông Cù Huy Hoàn- Trưởng phòng GD& ĐT huyện Điện Biên Đông nói”.

Mô hình phòng học 3 cứng đã xóa được nhiều phòng học tạm bợ

“Mặc dù, đây chưa thật sự là một giải pháp hữu hiệu nhưng việc huyện Điện Biên Đông triển khai xây dựng các phòng học, nhà công vụ, nhà ở nội trú theo mô hình 3 cứng đã góp phần tích cực vào việc cải thiện cơ sở vật chất trường lớp học ở huyện nghèo”, ông Bùi Ngọc Là – Chủ tịch UBND huyện Điện Biên Đông nói.

Không chỉ có vậy, nguồn lực đầu tư của nhà nước còn hạn chế thì mô hình 3 cứng cho thấy đây là một cách làm sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tế mà huyện Điện Biên Đông đã làm để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, nâng cao trình độ dân trí, từ đó làm nền tảng để xây dựng huyện nghèo ngày một khởi sắc”.

Duy Linh

Nguồn bài viết : MG Trực Tuyến

Top