Nhạc sư Vĩnh Bảo – người giữ hồn cho âm nhạc dân tộc

2025-01-17 19:49:28

Năm 2013, kênh truyền hình BBC (Anh) thực hiện chuyên đề Vietnam Direct (thuộc loạt chương trình Country Direct) để mang đến cho khán giả khắp thế giới cơ hội tìm hiểu sâu hơn về cuộc sống thường nhật của người Việt Nam, trong hành trình trở thành quốc gia có nền kinh tế phát triển nhanh chóng và năng động nhất châu Á – từ đống đổ nát chiến tranh. Theo đó, chuyên mục Working Lives giới thiệu đến công chúng quốc tế chân dung Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo (sinh năm 1918) – một trong những bậc thầy của âm nhạc tài tử miền Nam.

Nhạc sư Vĩnh Bảo trò chuyện với PV – MC Justin Rowlatt về đờn ca tài tử Nam Bộ, trong cuộc phỏng vấn cho chương trình Vietnam Direct: Working Lives do BBC Anh quốc thực hiện tại Việt Nam năm 2013

Theo đánh giá của BBC, lúc đó, ở tuổi 95, Nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Bảo được nhìn nhận như một trong những nhạc sư chơi đàn dân tộc hàng đầu của Việt Nam, và là người gìn giữ đờn ca tài tử Nam Bộ.

Vì ông không di chuyển được nhiều, nên người con gái đón PV – MC Justin Rowlatt tại cửa căn nhà nhỏ ở một con phố tại TP. HCM và dẫn anh tới căn phòng chơi nhạc xinh xắn của cha mình nơi tầng một. Nhỏ bé, tinh nhanh, có mái tóc bạc và ánh mắt lấp lánh tinh nghịch, Vĩnh Bảo ngồi trên sàn nhà. Chỉ ít phút tiếp xúc cũng đủ để cả ê-kíp truyền hình đến từ xứ sở sương mù thấy ngay rằng ông không hề mất đi chút sắc sảo, hóm hỉnh nào.

Nhạc sư Vĩnh Bảo cầm lấy một nhạc cụ "trông kỳ lạ ở bên cạnh và nói sẽ chơi một bản", làm cho Justin "ngạc nhiên nhận thấy có chút gì thách thức trong thái độ của ông". Vị nhạc sư giải thích với anh đó là loại nhạc cụ mình yêu thích: đàn tranh.

Những người yêu nhạc cổ truyền, đờn ca tài tử và nhất là đàn tranh đều khâm phục ngón đờn có một không hai cùng tài sáng chế đàn tranh theo kích thước/số dây thêm vô (từ 16 lên tới 21 dây) của Nhạc sư Vĩnh Bảo

Được làm bằng gỗ vàng, bóng loáng, dài chừng 1m và rộng 15cm, cây đàn toát lên vẻ đẹp kỳ lạ. Mặt đàn cong xuôi có 16 dây. Mỗi dây căng trên 2 ngựa đàn cũng làm từ chất liệu gỗ.

Vĩnh Bảo cúi người trên cây đàn và bắt đầu gảy bằng một tay, còn tay kia nhấn phím. Linh hoạt và chính xác một cách đáng kinh ngạc là những chuyển động đập vào mắt anh chàng nhà báo "mắt xanh, mũi lõ" về cách đôi bàn tay ông lướt đi. Vậy nhưng, anh vẫn thấy không mấy ấn tượng. Tiếp đó là một dòng thác những âm thanh ngẫu nhiên dường như không theo nhịp điệu, và có rất nhiều nốt mà theo khả năng thẩm âm của Justin thì có lẽ là lạc điệu. Khi người nhạc sĩ quê gốc Đồng Tháp chơi xong, anh miễn cưỡng gật đầu, cố mỉm cười tán thưởng, và đầu óc thì phân vân với suy nghĩ có lẽ ông cụ biết rằng loại nhạc này khó "vào tai" mình.

"Anh phải quên chuyện âm vực thông thường đi!" – Vĩnh Bảo giải thích. Ông nói thêm rằng, các nhạc công người Việt thường lên dây đàn phù hợp với tông giọng của ca sỹ biểu diễn cùng.

Vĩnh Bảo là một trong số những nhạc sĩ hiếm hoi còn lại ở Việt Nam có lối đờn ứng tấu ứng tác

Nhạc Việt Nam là sản phẩm âm điệu tự nhiên của ngôn ngữ tiếng Việt. Một từ ngữ có âm sắc sẽ không thể hát với giai điệu trầm xuống, và ngược lại. Vậy nên, giai điệu được phát triển nhằm thích ứng với các thay đổi lên xuống của ca từ được thể hiện – nguyên nhân dẫn đến sự nhấn nhá vào cái mà Vĩnh Bảo gọi là "tô điểm" khi nhấn – luyến nốt nhạc. Cũng chính nó gây ra tình trạng nhạc dân tộc Việt Nam thường làm người phương Tây nghe như "lạc tông".

"Đó là lý do khiến đờn ca tài tử Nam Bộ khó duy trì được," Vĩnh Bảo nói và tỏ rõ sự thất vọng. "Người phương Tây chơi nhạc cho thanh niên Việt Nam nghe bằng các nhạc cụ chuẩn chỉnh đến mức không tì vết, âm độ chính xác, hình thức đa dạng. Cách chơi nhạc giao hưởng, và các dàn giao hưởng đầy tính kỷ luật" – ông nhận xét.

Trong phòng, Vĩnh Bảo treo rất nhiều loại nhạc cụ dân tộc khác nhau. Chỉ tay vào chúng, ông tiếp lời: "Cho nên, khó hấp dẫn được lớp trẻ bằng những nhạc cụ thời trước. Thanh niên coi nhạc Việt Nam như một bà già vụng về, lỗi thời. Một dân tộc mất đi văn hóa của mình thì việc mất nước dễ dàng lắm!" – vị nhạc sư cảnh báo trong tiếng thở dài.

Ở Việt Nam, Nhạc sư Vĩnh Bảo hiện là người duy nhất đảm nhiệm được đồng thời các vai trò: nhạc sĩ trình tấu – giáo sư giảng dạy âm nhạc truyền thống & người đóng đàn sáng tạo

Nghe xong, Justin nôn nóng hỏi cụ về tương lai, và ngạc nhiên khi Vĩnh Bảo cười rạng rỡ, khoát tay về phía chiếc máy tính đặt trên cái bàn sau lưng. Phía sau nó là một thiết bị thu âm điện tử đắt tiền.

"Tôi có nhiều học sinh hơn bao giờ hết, thậm chí là trên toàn thế giới." – ông cụ lộ rõ vẻ hãnh diện.

Có vẻ như, Nhạc sư Vĩnh Bảo đã học được cách dùng công nghệ hiện đại vào cuộc chiến bảo tồn di sản âm nhạc Việt Nam. Ông cho hay, mình đã thu âm rất nhiều giai điệu đờn ca tài tử Nam Bộ truyền thống, truyền dạy trực tiếp và cả qua công cụ chat Skype trên mạng internet.

Là một người nghệ sĩ đa tài, ngoài việc trình diễn, dạy học, khảo cứu nhạc truyền thống Việt Nam..., Nhạc sư Vĩnh Bảo còn làm thơ bằng 3 thứ tiếng Pháp – Anh – Việt

Thú vị hơn, ông nhã nhặn bảo Justin "Cuộc phỏng vấn của chúng ta quá giờ rồi, đã đến lúc tôi cần dạy học!". Nhận lời mời của Vĩnh Bảo, anh chàng người Âu ở lại, chăm chú xem ông dạy đàn.

"Ông cụ dùng bàn phím cũng khéo léo như khi chơi đàn gáo (làm từ gáo dừa)" – Justin trầm trồ nghĩ. Chỉ trong giây lát, cụ đã kết nối với một phụ nữ Mỹ gốc Việt tại bang Texas, rồi buổi học đàn tranh bắt đầu. Người phiên dịch nói với anh: nhạc của Vĩnh Bảo rất tinh tế và buồn day dứt, khiến cho cô xúc động chảy nước mắt.

Khi hiểu biết hơn một chút về vị nhạc sư cũng như âm nhạc truyền thống Việt Nam, Justin muốn có cơ hội trải nghiệm thứ hai.

Vĩnh Bảo cúi người trên cây đàn và bắt đầu chơi lại. "Lần này, tôi nghĩ là tôi đã phân biệt được giai điệu ẩn chứa trong dòng chảy dồn dập các âm thanh lộn xộn. Âm nhạc có thể là thứ gây thách thức, nhưng cách mà ông cụ này khai thác công nghệ hiện đại để bảo tồn thứ văn hóa cổ truyền mà cụ yêu mến thì quả là vô cùng ấn tượng" – Justin kết lại.

.

Nhạc sư Vĩnh Bảo trả lời phỏng vấn kênh truyền hình BBC, Anh trong chương trình Vietnam Direct: Working Lives

VIỆT NAM VẺ ĐẸP BẤT TẬN

Với nét độc đáo, giàu bản sắc truyền thống trong sự đa dạng nhưng thống nhất, đất nước con người cùng nền văn hóa Việt khiến không ít bạn bè quốc tế phải trầm trồ, thán phục.

Qua chuyên đề "Vẻ đẹp hình chữ S trong con mắt truyền thông quốc tế", Thời Đại muốn gửi đến bạn đọc những góc nhìn thú vị sáng tạo mới lạ đa chiều của các kênh truyền thông nổi tiếng thế giới khi họ trực tiếp đến ghi hình, đưa tin và tôn vinh vẻ đẹp Việt Nam trên nhiều phương diện: văn hóa, nghệ thuật, du lịch, ẩm thực, thiên nhiên, di sản, sự phát triển năng động của nền kinh tế xã hội...

Thủy Chinh

Nguồn bài viết : 2 điểm XSMN

Top