Học sinh lớp 6 đã lấy vợ, lấy chồng

2025-01-17 19:49:32
Lâu nay, hiện tượng học sinh THCS, THPT trên địa bàn huyện Sa Pa (Lào Cai) bỏ học và không đi học chuyên cần khiến nhiều nhà trường “đau đầu” tìm nguyên nhân và giải pháp tháo gỡ.

Một trong những nguyên nhân chính là các em phải lấy vợ, lấy chồng khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường.

Lớp 5 cưới vợ, lớp 6 có con

Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS xã Suối Thầu (Sa Pa) hiện đang gặp nhiều khó khăn vì suốt những năm qua phải học nhờ tại điểm trường chính của trường Tiểu học Suối Thầu.

Tuy nhiên, những thiếu thốn về cơ sở vật chất thì thầy và trò nhà trường có thể dần khắc phục được, còn một vấn đề nan giải khác khiến nhà trường phải “đau đầu” tìm giải pháp là hiện tượng học sinh bỏ học và đi học không đều.

Ở lớp 6, đã khoảng một tháng nay, chỗ ngồi của em Tẩn Tả Mẩy (sinh năm 2003, dân tộc Dao đỏ) luôn trống, làm cho không khí lớp học trầm lắng hẳn. Hỏi các em học sinh trong lớp thì mới biết em Mẩy đang nghỉ học ở nhà để thêu váy áo chuẩn bị… lấy chồng.

Điều khiến chúng tôi vô cùng bất ngờ, chồng của Mẩy lại là một học sinh cùng lớp tên là Chảo Dùn Vạn, đến Tết Nguyên đán vừa qua cũng mới chỉ... 12 tuổi. Hiện nay, Vạn vẫn đang đi học và ở bán trú cùng các học sinh khác vì nhà cách xa trường.

Ngồi trò chuyện với chúng tôi, Vạn nói rằng cách đây hai tháng, bố mẹ bảo đã đi hỏi thầy cúng, thầy bảo hai em hợp tuổi nên phải lấy nhau… Khi được hỏi có yêu Mẩy không? Có muốn lấy Mẩy về làm vợ không? cậu học trò gương mặt non nớt chỉ đỏ mặt, ngại ngùng không dám nói gì…

Nhiều học sinh nữ lo sợ bố mẹ bắt lấy chồng sớm khi còn đang ngồi trên ghế nhà trưởng. (Ảnh mang tính minh họa).

Theo lời giới thiệu của các bạn trong lớp, chúng tôi tìm gặp em Chảo Láo San, lớp 6, Trường PTDTBT THCS Suối Thầu, nhà ở thôn Nậm Lang A. Đã hai tuần nay, San không đi học vì bận ở nhà làm nương và giúp vợ… trông con.

Thì ra, từ cuối năm học lớp 5, San đã bị bố mẹ cưới vợ cho. Vợ của San vừa sinh con được 6 tháng nên mọi công việc gia đình San phải tất bật lo toan.

Chảo Láo San chia sẻ: Con em còn nhỏ, lại hay ốm, đêm nào cũng khóc nên hai vợ chồng rất vất vả. Em phải nghỉ học để giúp vợ làm nương, đi làm thuê kiếm tiền nuôi vợ con…

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện tượng học sinh tảo hôn dẫn đến bỏ học không chỉ xảy ra đối với học sinh dân tộc Dao đỏ ở xã Suối Thầu, mà còn có ở các dân tộc khác, điển hình là dân tộc Mông ở xã Tả Giàng Phìn.

Ở Trường PTDTBT THCS Tả Giàng Phìn, thầy Phạm Văn Thọ, Hiệu trưởng nhà trường cho hay: Tả Giàng Phìn được coi là một trong những xã yếu về tỷ lệ học sinh đi học chuyên cần của huyện Sa Pa. Thời gian qua, nhờ nỗ lực của các thầy cô giáo, tỷ lệ chuyên cần đã có chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay là một số học sinh dân tộc Mông có tư tưởng bỏ học hoặc thường xuyên nghỉ học do tảo hôn. Sau Tết Nguyên đán Ất Mùi vừa qua, hai em là Thào Thị Dủa (lớp 7A) và Cứ Thị Sủ (lớp 8A) vẫn chưa đi học trở lại. Nhà trường tìm hiểu thì được biết các em đã bị thanh niên bản “kéo” về làm vợ nên phải bỏ học.

Ngoài ra, hiện nay, trường có 3 nữ học sinh lớp 9 đã lấy chồng (tảo hôn) và về ở nhà chồng, được thầy cô giáo vận động, các em vẫn đi học nhưng hay nghỉ học ảnh hưởng đến tỷ lệ chuyên cần của lớp.
Cùng với tảo hôn, một số nữ học sinh dân tộc Mông khác theo gia đình sang Trung Quốc làm thuê, bây giờ vẫn chưa trở lại trường…

Nhiều học sinh nữ lo sợ bố mẹ bắt lấy chồng sớm khi còn đang ngồi trên ghế nhà trưởng. (Ảnh mang tính minh họa).

Nhà trường “đau đầu”

Chia sẻ với chúng tôi những thông tin về tỷ lệ học sinh bỏ học do tảo hôn, thầy Phạm Ngọc Quý, Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Suối Thầu nét mặt đăm chiêu, hằn lên những nỗi lo: “Năm học trước, toàn trường có 8 em bỏ học vì lấy vợ, lấy chồng sớm.

Từ đầu năm học 2014 - 2015 đến nay, có thêm 13 học sinh tảo hôn, đều là người dân tộc Dao đỏ. Trong đó, có 9 học sinh đã bỏ học, còn lại 4 em vẫn đang đi học, nhưng thường xuyên nghỉ học, ảnh hưởng lớn đến tỷ lệ chuyên cần.

Ngoài ra, hiện nay còn một số học sinh khác cũng đang nghỉ học chuẩn bị cưới vợ, cưới chồng, nhà trường vẫn chưa cắt sĩ số, mà tích cực đến nhà vận động để các em đi học tiếp.

Tuy nhiên, hy vọng rất mong manh. Vì từ trước đến nay, đa số học sinh đã lấy vợ, lấy chồng thì đều bỏ học. Tỷ lệ học sinh đi học chuyên cần của nhà trường thường chưa đạt 90%, đặc biệt, sau Tết Nguyên đán có thời điểm chỉ đạt 70 - 80%, khiến các thầy, cô giáo rất lo lắng…”.

Nỗi lo của thầy Quý cũng là nỗi lo của Ban Giám hiệu và các giáo viên Trường PTDTBT THCS Bản Phùng.
Thầy giáo Nguyễn Xuân Trường, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Năm học 2012 - 2013, trường có 6 học sinh tảo hôn, năm học 2013 - 2014 có 2 em tảo hôn. Sang năm học 2014 - 2015 chưa có trường hợp nào, nhưng theo thông tin nắm bắt được, thì hiện nay, có 2 học sinh lớp 7 đang có ý định lấy vợ, lấy chồng.

Học sinh tảo hôn làm ảnh hưởng đến tâm lý các học sinh khác và khiến tỷ lệ chuyên cần của nhà trường không ổn định”.

Trường PTDTBT THCS Suối Thầu, Tả Giàng Phìn, Bản Phùng chỉ là ba ví dụ trong nhiều trường học khác trên địa bàn huyện Sa Pa đang phải đối mặt với “vấn nạn” học sinh bỏ học do tảo hôn. Tình trạng tảo hôn ở một số xã vùng cao Sa Pa hiện nay đang là nguyên nhân chính khiến tỷ lệ chuyên cần của các trường THCS, THPT suy giảm.

Theo báo cáo của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sa Pa, trong học kỳ I năm học 2014 - 2015, toàn huyện có 48 học sinh tảo hôn và đi khỏi địa bàn. Trong đó có 21 học sinh tảo hôn; 10 học sinh theo gia đình đi làm thuê ở Trung Quốc; 17 học sinh bỏ học vì lý do khác.

Ông Nguyễn Hữu Đức, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sa Pa cho biết: Tuy chưa có con số thống kê đầy đủ, nhưng hiện tượng tảo hôn dẫn tới học sinh bỏ học, nghỉ học trong mấy năm qua không có chiều hướng giảm, khiến ngành giáo dục huyện nói chung và giáo viên các trường học vùng cao, nhất là trường THCS và THPT ở Sa Pa phải “đau đầu” mà chưa tìm ra được giải pháp hữu hiệu để tháo gỡ khó khăn.

Theo Tuấn Ngọc-Tô Dung (LCĐT)

Nguồn bài viết : Sòng bạc trực tuyến

Top