Dạy - học VNEN giữa trùng khơi

2025-01-17 19:49:28

Học VNEN, học sinh trên đảo mạnh dạn, tự tin

Tôi vẫn tự cho mình là người may mắn khi được đến thăm quần đảo Trường Sa. Đặt chân đến đảo Song Tử Tây – điểm đến đầu tiên trong hành trình đến với Trường Sa thân yêu; cánh phóng viên chúng tôi ai nấy đề háo hức tác nghiệp, người ghi âm phỏng vấn, người chụp ảnh, người quay phim.

Đang mải miết chụp ảnh dưới tán lá bàng vuông, tình cờ tôi gặp thầy giáo Nguyễn Văn Quyết và một nhóm học sinh đang chơi trò chơi, rồi cười nói ríu rít. Bất giác một em học sinh hỏi: Thầy ơi! Sang năm chúng em có được học VNEN nữa không? Thầy dạy VNEN cho chúng em nữa nhé!

Lớp học VNEN của thầy Việc tại đảo Trường Sa Lớn.

Thầy Quyết cười hiền rồi xoa đầu em học sinh đó và nói: Tất nhiên rồi, thầy trò mình vẫn học VNEN. Thầy Quyết chưa nói dứt lời, thì những tiếng hò reo đồng thanh: Yeah Yeah… của các em đã vang lên khiến mọi ánh nhìn đều đổ về phía thầy, trò họ. Hỏi chuyện, tôi được biết thầy Quyết và một đồng nghiệp khác là Lê Văn Mạnh đã tình nguyện đến đảo Song Tử Tây dạy học được hơn 2 năm. Thầy dạy lớp ghép 2 trình độ gồm: 2 học sinh lớp 3 và 5 học sinh lớp 2.

Thầy Quyết cho hay: Với đặc thù là lớp ghép và học sinh ở đảo còn nhiều hạn chế về kỹ năng sống nên việc dạy và học theo VNEN ở đây rất phù hợp. Sau 2 năm thực hiện, đến nay lớp học VNEN ở đảo Song Tử Tây đã thực sự phát huy hiệu quả và có tác động tích cực đến thầy, trò nơi đây.

Nếu như trước đây, việc dạy học thường được thực hiện một chiều, thiếu sự tương tác giữa giáo viên với học sinh nên thầy và trò vẫn còn nhiều khoảng cách. Các em cũng không dám đề xuất và nói lên suy nghĩ của mình với thầy. Thế nhưng, kể từ khi áp dụng mô hình VNEN, các em đã mạnh dạn đề xuất nguyện vọng và có tiếng nói riêng của mình. Ngay như việc các em đề xuất tiếp tục được học VNEN với thầy là một minh chứng rõ nét cho sự chuyển biến tích cực này. Hoặc nếu như trước đây, khi có khách từ đất liền đến thăm đảo, học trò bẽn lẽn, trả lời chỉ bằng… đầu, nghĩa là hoặc gật hoặc lắc. Nhưng giờ các em đã tự tin bắt chuyện với mọi người. Thậm chí các em còn đề xuất làm hướng dẫn viên cho các bác, các chú ở đất liền đến thăm đảo.

VNEN là gì ?

Dự án Mô hình trường học mới tại Việt Nam (Dự án GPE-VNEN, Global Partnership for Education – Viet Nam Escuela Nueva) là một Dự án về sư phạm nhằm xây dựng và nhân rộng một kiểu mô hình nhà trường tiên tiến, hiện đại, phù hợp với mục tiêu phát triển và đặc điểm của giáo dục Việt Nam.

Mô hình trường học mới khởi nguồn từ Côlômbia từ những năm 1995-2000 để dạy học trong những lớp ghép ở vùng miền núi khó khăn, theo nguyên tắc lấy học sinh làm trung tâm.

“Có thể nói, VNEN đã biến học sinh đất đảo trở thành con người hoàn toàn mới: năng động, tự tin và vững vàng về kiến thức” – thầy Quyết bộc bạch.

Đồng tình với nhận xét trên, thầy Phạm Trung Việc – Trường tiểu học Trường Sa Lớn chia sẻ: Ngoài việc tiếp thu kiến thức bài học nhanh hơn so với phương pháp truyền thống, học theo VNEN đã giúp học sinh trên đảo đã phát triển rất tốt những kỹ năng mềm và khả năng ứng dụng bài học vào thực tiễn.

Thầy Việc dẫn giải: “Khi tôi yêu cầu học sinh nói lên suy nghĩ của mình về chủ quyền biển đảo, các em đã có những suy nghĩ rất thật, chân phương và hồn nhiên của trẻ thơ. Đặc biệt, nhiều em còn tự tin nói trước lớp như những nhà hùng biện nhí.

Ngạc nhiên hơn, không ai hướng dẫn vậy mà các em còn biết liên hệ với các chú hải quân để nhờ các chú giải thích kỹ hơn về chủ quyền biển đảo.

Còn có những em đến tận chỗ ở của chiến sỹ để xin cây phong ba về trồng. Hỏi ra mới hay, các em xin để trồng thật nhiều cây xanh trên đảo. Bởi theo lý giải của các em: trồng nhiều cây xanh sẽ không bị xói mòn đất đảo, nhờ đó mà bảo vệ đảo được tốt hơn”.


Học sinh trên đảo Song Tử Tây tự tin, hăng hái tham gia phát biểu trong từng tiết học.

Giúp giáo viên sáng tạo hơn trong cách dạy

Cũng theo thầy Việc, dạy học theo VNEN đã khuyến khích giáo viên phát triển tư duy và sáng tạo hơn trong cách dạy. “Cũng từ VNEN mà giờ đây chúng tôi có thể chủ động tổ chức được những hoạt động giáo dục và xây dựng tài liệu học tập cho học sinh. Chẳng hạn như: Cũng về chủ đề bảo vệ chủ quyền biển đảo, chúng tôi có thể cho các em học sinh đóng vai các chiến sỹ hải quân, mặc quân phục của Hải quân và mời trực tiếp các chú lính hải quân đến giao lưu, trò chuyện với các em. Đây là cách giáo dục trực quan, sinh động nhất giúp các em hình dung được thế nào là bảo vệ chủ quyền biển, đảo và bảo vệ chủ quyền biển, đảo cần có những việc làm, hành động gì?!” – thầy Việc chia sẻ.

Còn theo thầy Nguyễn Ngọc Hạ – giáo viên trên đảo Sinh Tồn, VNEN đã tác động mạnh mẽ đến nhận thức và đổi mới phương pháp dạy của giáo viên trên đảo. Nếu như trước đây, giáo viên trên đảo vẫn thường thụ đồng và chờ những hướng dẫn của Sở mới tổ chức dạy học cho học sinh. Trong khi đó giữa đất liền và đảo cách nhau hàng nghìn hải lý, thông tin liêc lạc thì hạn chế nên không thể lúc nào Sở cũng có thể “cầm tay chỉ việc” cho giáo viên được. Điều này không chỉ tạo sức ỳ cho giáo viên mà còn ảnh hưởng đến quyền lợi của học sinh. Vì thế khi VNEN đến với các trường học trên đảo thì những hạn chế trước đây đã được khắc phục.

“Chúng tôi đã chủ động hơn trong cách dạy. Vì thế mà bài học cũng trở nên sinh động, hấp dẫn hơn. Chẳng hạn như: Khi dạy học sinh về các loài cá nước ngọt, thay vì có một chậu cá nước ngọt ở trên lớp, tôi sưu tầm các loại tranh ảnh, video về các loại cá này để các em dễ hình dung và tiếp thu bài học hiệu quả hơn. Hoặc khi dạy về những kỹ năng mềm, tôi cho các em đóng vai các nhân vật trong lịch sử của dân tộc rồi hướng dẫn các em thể hiện dưới dạng tiểu phẩm trước lớp, thậm chí trước các chú bộ đội Hải quân. Điều này không chỉ giúp các em phát triển kỹ năng nói trước đám đông, khả năng thể hiện thái độ, tình cảm của mình mà còn là một phương pháp giúp các em học môn Lịch sử khá hiệu quả” – thầy Hạ trao đổi.

“Để khắc phục khó khăn do đặc thù của các điểm trường trên quần đảo Trường Sa, Sở GD&ĐT Khánh Hòa đã đưa mô hình VNEN vào giảng dạy tại các điểm trường này. Đây sẽ là điều lý tưởng cho việc dạy và học ở quần đảo Trường Sa. Kết quả cho thấy, phương pháp giảng dạy của VNEN rất phù hợp với các lớp ghép tại đảo, phù hợp với trình độ của các học sinh ở nhiều độ tuổi khác nhau trong cùng lớp học”

Hoàng Thị Lý – Phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Khánh Hòa

Theo Giáo dục & Thời đại

Nguồn bài viết : CHUYỆN BÓNG ĐÁ

Top